Tin tức thế giới ngày 4/7: Ông Duterte ký luật chống khủng bố gây tranh cãi

Thứ bảy, 04/07/2020 07:25 AM - 0 Trả lời

(CLO) Ông Duterte ký luật chống khủng bố gây tranh cãi; Tổng thống Nga Putin cảm ơn người dân đã bầu cử có trách nhiệm; Canada đình chỉ xuất khẩu vật tư quân sự nhạy cảm cho Hong Kong là những tin tức thế giới mới cập nhật.

Ông Duterte ký luật chống khủng bố gây tranh cãi

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: ABS-CBN

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: ABS-CBN

Ngày 3/7, Tổng thống Philippines Duterte đã chính thức ký luật chống khủng bố, bất chấp nhiều chỉ trích và lo ngại.

Harry Roque, phát ngôn viên văn phòng Tổng thống Philippines đã xác nhận thông tin này: "Động thái ký điều luật này thể hiện cam kết nghiêm túc của chúng tôi nhằm dập tắt khủng bố, từ lâu đã quấy rầy đất nước cũng như gieo nỗi đau và nỗi sợ không thể tưởng tới rất nhiều người dân của chúng ta".

Luật chống khủng bố mới của Philippines sẽ hủy bỏ Luật an ninh con người năm 2007, qua đó trao cho các cơ quan chính phủ nhiều quyền hạn hơn trong vấn đề giám sát.

Với tỷ lệ 173 phiếu ủng hộ và 31 phiếu phản đối, Luật này được quốc hội Philippines phê chuẩn tháng trước và nó gây ra nhiều tranh cãi. Luật chống khủng bố này mở rộng phạm vi khái niệm các hoạt động khủng bố cũng như tăng cường quyền hạn cho lực lượng cảnh sát trong hoạt động theo dõi, giám sát, bắt giữ và giam giữ những kẻ khủng bố.

Các vụ bắt giữ có thể tiến hành mà không cần chờ lệnh và kẻ tình nghi khủng bố có thể bị tạm giam lên tới 24 ngày, cao hơn rất nhiều so với thời hạn tạm giam tối đa ba ngày theo Luật an ninh con người cũ.

Định nghĩa về khủng bố trong điều luật mới rất "mơ hồ" và có thể củng cố chiến dịch chống lại những ý kiến bất đồng chỉ trích Duterte. "Dưới thời Tổng thống Duterte, ngay cả những nhà phê bình chính phủ ôn hoà nhất cũng có thể bị coi là những kẻ khủng bố", Nicholas Bequelin- giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói.

Tổng thống Nga Putin cảm ơn người dân đã bầu cử có trách nhiệm

Tổng thống Nga Putin. Ảnh: ABC

Tổng thống Nga Putin. Ảnh: ABC

Trong một hội nghị trực tuyến với nhóm sửa đổi Hiến pháp diễn ra ngày 3/7, Tổng thống Nga Putin một lần nữa cảm ơn người dân đã đưa ra lựa chọn có trách nhiệm. Ông cho rằng với sự ủng hộ cao đối với Hiến pháp sửa đổi, người dân Nga đã khẳng định sự đoàn kết vì tương lai và phát triển của nước Nga.

“Kết quả cuộc bỏ phiếu cho thấy sự đồng thuận cao của xã hội về những vấn đề quan trọng của đất nước. Người dân Nga đã lắng nghe trái tim mình mách bảo rằng những sửa đổi này là cần thiết và nước Nga cần sự thay đổi này”., ông Putin phát biểu.

Trước đó ngày 1/7, người dân Nga đi bỏ phiếu về việc có đồng ý sửa đổi Hiến pháp hay không. Trên khắp nước Nga có gần 100.000 điểm bỏ phiếu. Khoảng 510.000 quan sát viên có mặt để theo dõi. Trong đó có vài chục chuyên gia từ châu Âu, châu Á và châu Phi đến Nga không chỉ để quan sát việc bỏ phiếu mà còn nghiên cứu kinh nghiệm tiến hành bỏ trong điều kiện đại dịch.

Ủy ban Bầu cử Nga trước đó công bố gần 78% số cử tri Nga ủng hộ sửa đổi Hiến pháp. Hiến pháp được sửa đổi có thể cho phép Tổng thống Nga Vladimir Putin nắm quyền tới năm 2036, ban đầu được lên kế hoạch diễn ra ngày 22/4 nhưng bị hoãn do Covid-19. 

Evgheni - một người dân Moscow tán thành các sửa đổi Hiến pháp: “Vì thời gian đã thay đổi. Hiến pháp hiện hành được thông qua từ năm 1993, lúc đó đất nước bắt đầu công cuộc cải tổ. Bây giờ thời gian đã thay đổi, cuộc sống thay đổi. Các sửa đổi Hiến pháp là cần thiết. Tôi tán thành”. 

Tổng thống Nga Putin cũng đã ký sắc lệnh, quy định ngày có hiệu lực Hiến pháp sửa đổi, đó là ngày 4/7/2020.

Canada đình chỉ xuất khẩu vật tư quân sự nhạy cảm cho Hong Kong

Trong thông cáo mới được phát đi, Canada cho biết sẽ đình chỉ hiệp ước dẫn độ và xuất khẩu vật tư quân sự cho Hong Kong, sau khi Trung Quốc áp luật an ninh mới tại đây.

Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne cho biết: "Canada sẽ coi việc xuất khẩu hàng hóa nhạy cảm tới Hong Kong giống như Trung Quốc đại lục, điều này có hiệu lực ngay lập tức. Canada sẽ không xuất khẩu vật tư quân sự nhạy cảm cho Hong Kong"...."Canada cũng đình chỉ Hiệp ước Canada - Hong Kong".

Theo thỏa thuận được ký ngày 13/6/1997, trước thời điểm Anh bàn giao Hong Kong cho Trung Quốc, Canada và Hong Kong sẽ dẫn độ nghi phạm bị cáo buộc tội giết người, hỗ trợ hoặc xúi giục tự sát, tấn công gây thương tích, bắt cóc, buôn bán ma túy và một số tội danh khác. Với việc Bắc Kinh áp dụng Luật an ninh mới tại Hong Kong, thỏa thuận này với Canada đã bị chấm dứt.

Cảnh sát Hong Kong được triển khai giải tán đợt biểu tình phản đối luật an ninh ngày 1/7. Ảnh: AFP

Cảnh sát Hong Kong được triển khai giải tán đợt biểu tình phản đối luật an ninh ngày 1/7. Ảnh: AFP

Bắc Kinh hiện đang nhận rất nhiều chỉ trích xung quanh việc này. Trước đó vào ngày 2/7, Quốc hội Mỹ đã chính thức thông qua dự luật Quyền tự trị Hong Kong (HKAA), hình thành khung pháp lý để chế tài các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và quan chức Trung Quốc trực tiếp can thiệp hoặc hỗ trợ can thiệp vào Hong Kong bằng cách tịch thu tài sản và hạn chế giao dịch trên lãnh thổ Mỹ.

Khi bị liệt vào danh sách, những tổ chức và cá nhân bị nhắm đến có thời hạn một năm để ngừng mọi hoạt động làm ảnh hưởng đến nền tự trị của Hong Kong. Hiện dự luật đã được chuyển qua Tổng thống Donald Trump ký phê duyệt. Danh sách cá nhân, tổ chức sẽ được Bộ Ngoại giao Mỹ cập nhật hàng năm.

Phát ngôn viên Văn phòng Cao ủy Quyền con người Liên Hợp Quốc (OHCHR) Rupert Colville cho biết OHCHR rất quan ngại về nội dung các điều khoản trong luật an ninh Hong Kong mới “quá rộng và mơ hồ”, hãng tin Reuters cho hay.

Chúng tôi lo ngại định nghĩa về một số tội danh trong luật quá mơ hồ và quá rộng, không phân biệt đầy đủ giữa hành vi bạo lực và phi bạo lực. Điều này có thể dẫn đến cách giải thích mang tính phân biệt hoặc chủ quan trong quá trình thi hành luật, làm ảnh hưởng đến các quyền tự do cơ bản của người dân” - ông Colville nói.

OHCHR cũng kêu gọi chính quyền Hong Kong ngừng các hoạt động bắt giữ người biểu tình theo luật do đại lục chưa công bố đủ thông tin về phạm vi của các tội danh.

Hoàng Long

Tin khác

Tổng thống Vladimir Putin đến Trung Quốc trong chuyến thăm cấp nhà nước

Tổng thống Vladimir Putin đến Trung Quốc trong chuyến thăm cấp nhà nước

(CLO) Sáng sớm hôm nay (16/6), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên sau khi tái đắc cử và tuyên thệ nhậm chức.

Thế giới 24h
Nga cảnh báo Liên minh châu Âu không áp đặt hạn chế với truyền thông nước này

Nga cảnh báo Liên minh châu Âu không áp đặt hạn chế với truyền thông nước này

(CLO) Ngày 15/4, Nga cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) rằng nếu khối này áp đặt các hạn chế đối với truyền thông Nga thì các phóng viên phương Tây ở Nga sẽ cảm nhận được phản ứng đáp trả nhanh chóng và quyết liệt.

Thế giới 24h
Thủ tướng Slovakia bị ám sát, tạm qua khỏi tình trạng nguy kịch

Thủ tướng Slovakia bị ám sát, tạm qua khỏi tình trạng nguy kịch

(CLO) Thủ tướng Slovakia Robert Fico không còn trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng sau khi bị bắn trong một vụ ám sát vào thứ Tư (15/5), theo các quan chức cấp cao Slovakia cho biết.

Thế giới 24h
Ukraine phải nhập khẩu điện ở mức kỷ lục

Ukraine phải nhập khẩu điện ở mức kỷ lục

(CLO) Ngày 15/5, Bộ Năng lượng Ukraine cho biết nước này có kế hoạch nhập khẩu điện ở mức cao kỷ lục sau khi cơ sở hạ tầng năng lượng bị thiệt hại đáng kể trong cuộc xung đột với Nga.

Thế giới 24h
Tân Thủ tướng Singapore Lawrence Wong tuyên thệ nhậm chức

Tân Thủ tướng Singapore Lawrence Wong tuyên thệ nhậm chức

(CLO) Tối 15/5, ông Lawrence Wong tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Singapore để trở thành nhà lãnh đạo thứ tư của quốc đảo này kể từ khi giành độc lập vào năm 1965.

Thế giới 24h