Tính toán đưa dạy học trực tuyến thành giải pháp lâu dài

Chủ nhật, 28/02/2021 06:15 AM - 0 Trả lời

(CLO) Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, dạy học trực tuyến áp dụng ở Việt Nam, xuất phát là giải pháp tình thế nhưng với những ưu điểm vượt trội, Bộ này đã tính toán để biến thành giải pháp lâu dài.

Ngày 26/2, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tới kiểm tra công tác dạy học trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh Thái Nguyên. Hoạt động dạy học trực tuyến khi học sinh tạm dừng đến trường được đoàn chú trọng kiểm tra, đánh giá.

Tại huyện Võ Nhai, một trong những địa bàn khó khăn nhất của tỉnh Thái Nguyên, Trưởng Phòng GD&ĐT ở đây đã cho biết công tác dạy học trực tuyến, giao bài cho học sinh không gặp khó khăn.

Dạy học trực tuyến có nhiều ưu điểm nổi trội (ảnh nguồn internet).

Dạy học trực tuyến có nhiều ưu điểm nổi trội (ảnh nguồn internet).

 41% học sinh khối Tiểu học và 76% học sinh cấp THCS, THPT có đủ điều kiện học online, đã được các nhà trường tổ chức dạy trực tuyến theo nhiều hình thức, vừa tiến hành lớp học ảo (trực tuyến trực tiếp), vừa gửi link bài giảng điện tử, bài tập để học sinh học tập vào thời gian phù hợp.

Số học sinh còn lại, chủ yếu là con em dân tộc thiểu số, không tiếp cận được phương tiện học online, giáo viên tiến hành giao bài và hỗ trợ các học trò.

Tính trên phạm vi toàn tỉnh, 348 trường trong số tổng 447 cơ sở giáo dục từ cấp tiểu học đến THPT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của Thái Nguyên đã dạy bài mới theo thời khoá biểu như học trực tiếp bằng hình thức trực tuyến.

99 cơ sở còn lại tổ chức học online cho học sinh với hình thức giao việc: in và gửi tài liệu để học sinh hoàn thiện. Tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến của toàn tỉnh đạt 82,21%.

Ông Phạm Đức Việt, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên cho biết, trong nghị quyết Tỉnh uỷ về chuyển đổi số, ngành giáo dục đã xây dựng kế hoạch và đặt mục tiêu phấn đấu tối thiểu 20% học sinh được học trực tuyến bài bản, thường xuyên, trong điều kiện bình thường, với hình thức, mức độ phù hợp từng đối tượng.

Mục tiêu cuối cùng của kế hoạch này là giúp học sinh, giáo viên được thụ hưởng những ưu điểm, lợi ích tốt nhất từ phương thức này và nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục.

Hiện, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng cơ chế hỗ trợ hạ tầng công nghệ thông tin đến từng địa bàn khó khăn nhất, nhằm hiện thực hoá mục tiêu chuyển đổi số, trong đó có lĩnh vực GD&ĐT.

Kiểm tra thực tế và lắng nghe các báo cáo, trao đổi từ nhiều cấp quản lý, cán bộ, giáo viên tỉnh Thái Nguyên, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao công tác dạy học trực tuyến chủ động, tích cực, sáng tạo, có kiểm soát chất lượng đến từng học sinh của địa phương này.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, dạy học trực tuyến áp dụng ở Việt Nam, xuất phát là giải pháp tình thế nhưng với những ưu điểm vượt trội, Bộ GD&ĐT tính toán để biến thành giải pháp lâu dài, vừa bổ trợ dạy học trực tiếp, trong trường hợp cụ thể thì có thể thay thế trực tiếp.

Chủ trương này hoàn toàn phù hợp và sẽ tạo hành lang pháp lý để Thái Nguyên thuận lợi thực hiện đề án về chuyển đổi số trong GD&ĐT.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động dạy học trực tuyến, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị ngành GD&ĐT Thái Nguyên quan tâm tạo động lực, tâm thế sẵn sàng cho từng cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh.

“Phải làm thế nào để mỗi giáo viên, học sinh, phụ huynh hiểu rõ về dạy học trực tuyến, sẵn sàng áp dụng phương thức này và từ động lực trở thành nhu cầu tự thân, nhu cầu thường xuyên với việc học trực tuyến”, Thứ trưởng Độ nói. Để làm được điều đó, ông Độ cho rằng cách tốt nhất là khẳng định được hiệu quả thực tế của dạy học trực tuyến.

Từng giáo viên, từng nhà trường, địa phương theo đó phải đặc biệt quan tâm kiểm soát chất lượng học tập của học sinh khi áp dụng phương thức dạy học trực tuyến và có giải pháp hỗ trợ hợp lý, kịp thời tới đối tượng gặp khó khăn.

Cán bộ, giáo viên phải được tập huấn kỹ lưỡng về phương pháp, kỹ năng, kỹ thuật dạy học trực tuyến, xây dựng bài giảng trực tuyến.

Học sinh, phụ huynh cũng cần được hướng dẫn kỹ năng và các quy định cần thực hiện để việc dạy học online đạt hiệu quả. Trong các văn bản của Bộ GD&ĐT về dạy học trực tuyến khi học sinh phải nghỉ đến trường năm 2020, đã hướng dẫn rõ những vấn đề này, Thứ trưởng đề nghị ngành GD&ĐT Thái Nguyên nghiên cứu kỹ và triển khai hiệu quả.

Việc xây dựng kho học liệu bài giảng online để sử dụng thường xuyên, lâu dài cho các đối tượng học sinh, cũng là yêu cầu được lãnh đạo Bộ GD&ĐT đề ra.

Thời gian qua và hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng, bổ sung hệ thống bài giảng điện tử cho các lớp học/cấp học, để hỗ trợ nhà trường, giáo viên, học sinh sử dụng lâu dài.

Ví dụ riêng với lớp 1, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với đài truyền hình quốc gia hoàn thiện 36 chủ đề về học âm, học vần, chữ cái, bao trọn nội dung kiến thức theo yêu cầu của chương trình Tiếng Việt lớp 1, áp dụng được cho tất cả các cuốn sách giáo khoa.

Dự kiến giữa tháng 3, các chủ đề này sẽ được phát sóng và cập nhật trên nhiều nền tảng số, để học sinh có ôn tập mọi lúc, mọi nơi, lâu dài, tránh “tái mù” kiến thức.

Song song với kho học liệu dùng chung cho cả nước đó, nếu mỗi địa phương tiếp tục có hệ thống bài giảng điện tử riêng, sẽ làm giàu thêm nguồn học liệu học sinh có thể tiếp cận và lựa chọn để phù hợp với năng lực, nhu cầu của bản thân, từ đó nâng cao hiệu quả giáo dục tới từng em.

Cũng trong buổi làm việc với Thái Nguyên, lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin, Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học đã trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề để hỗ trợ địa phương làm tốt hơn công tác dạy học trực tuyến và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, chuẩn bị với lớp 2, lớp 6.

Trinh Phúc

Tin khác

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

(CLO) Năm học 2023-2024, toàn tỉnh Bắc Ninh có 17.296 học sinh lớp 12 (tăng hơn 1 nghìn học sinh lớp 12 so với năm 2023), cùng với khoảng 400 thí sinh tự do sẽ đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Giáo dục
Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

(CLO) Đại học Quốc gia Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh thí điểm hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực từ năm học 2024-2025 theo cơ chế đặt hàng.

Giáo dục
Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Theo quy định, thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi, vì vậy cần cẩn trong khi thực hiện điền các thông tin.

Giáo dục
Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục
Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

(CLO) Tại buổi họp báo chiều 25/4, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM Lê Hoài Nam đã thông tin về sự việc trẻ bị cô giáo đánh tại lớp mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM).

Giáo dục