Tràn lan mê tín dị đoan trên mạng xã hội: Cần xử lý “mạnh tay” hơn nữa

Thứ bảy, 18/02/2023 07:03 AM - 0 Trả lời

(CLO) Các "cô", các "cậu" đang xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội để xem bói bán hàng, bắt vong gọi hồn. Câu chuyện “buôn thần bán thánh” hơn bao giờ hết cần được các cấp quản lý quan tâm kịp thời và có biện pháp xử lý rốt ráo, phù hợp.

Đánh trúng tâm lý xã hội

Trong cuộc sống hàng ngày, khi gặp khó khăn trong công việc, gia đình, tình cảm thay vì tìm hướng giải quyết nhiều người tìm đến xem bói để mong cầu tìm hướng đi riêng, trên trời rơi xuống. Trong thời đại số, xem bói cũng có hình thức online và gần đây trên mạng xã hội có rất nhiều những tài khoản đăng tải về chủ đề xem bói, hay xem bói với việc bán vật phẩm là bùa tình yêu, lá phong thuỷ.

Bói toán online bùng nổ trên mạng xã hội với các hình thức xem bói khác nhau đa dạng, phong phú như xem bói chỉ tay, bói bài, bói nốt ruồi,... không khó để người dùng internet có thể tìm kiếm hàng chục tài khoản nhận xem bói khác nhau chỉ sau vài click chuột trên Google. Việc tìm đến các địa điểm xem bói, xem bói online với mong muốn tìm ra giải pháp để giải tỏa cảm giác chán nản, khắc phục những khó khăn gặp phải trong công việc hay áp lực trước những vấn đề trong cuộc sống đang là tình trạng chung của rất nhiều bạn trẻ hiện nay.

tran lan me tin di doan tren mang xa hoi can xu ly manh tay hon nua hinh 1

Những ngày gần đây, câu cửa miệng "đúng nhận sai cãi" của một cô đồng bổ cau tại Hải Dương vẫn đang là từ khóa được liên tục tìm kiếm trên các trang mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)

Mới đây, dư luận xã hội xôn xao về một tài khoản tiktok tự nhận là cô đồng xem bói với hình thức bổ cau, qua đó phán quá khứ hay vận mệnh tương lai kèm câu cuối 'đúng nhận sai cãi'. Cô đồng bổ cau trên mạng xã hội ngay sau đó đã phải nộp phạt với số tiền 7,5 triệu đồng. 

Thực tế trên không gian mạng còn có hàng trăm những cô đồng khác. Một số cô đồng livestream bán bùa tình yêu cho những nam nữ đang cô đơn trên con đường tình duyên của mình. Theo như lời những cô đồng này thì ai mua bùa tình yêu của cô sẽ không còn cô đơn lẻ bóng nữa. Mạng xã hội hiện nay tồn tại rất nhiều tài khoản cá nhân đăng tải hoạt động xem bói, thậm chí là livestream xem bói trực tiếp bắt vong, gọi hồn trực tiếp. Người có nhu cầu sẽ chuyển khoản lệ phí hoặc mua vật phẩm phong thuỷ và cung cấp thông tin cá nhân để được các cô cậu đồng thực hiện nhiệm vụ.

Theo PGS.TS Phạm Bích San - Chuyên gia Xã hội học, cô đồng bổ cau vừa gây xôn xao dư luận rất giỏi nắm bắt được tâm trạng xã hội, đi vào đúng hướng nhu cầu của một bộ phận xã hội đang có - nhu cầu muốn biết về số phận, vận mệnh của mình trong khi người ta đang tò mò, bế tắc, buồn phiền, lo lắng. Tuy nhiên cái giỏi đó dựa trên một sự tiếp cận rất sai lầm đó là mê tín dị đoan, liên tục trấn an những người hỏi bằng điệp khúc ru ngủ "đúng nhận sai cãi". 

Nếu nhìn câu chuyện này ở một góc độ khác thì chúng ta cũng thấy một thực tế rằng có cầu thì ắt có cung. Nguyên nhân của việc bói toán phát triển tràn lan hiện nay theo PGS.TS Phạm Bích San là do một bộ phận nhân dân có đời sống kinh tế khó khăn, ngày càng có nhiều căn bệnh tai quái mà y học vẫn chưa giải quyết được, cuộc sống với nhiều bất ổn tiềm ẩn rủi ro và đặc biệt là khủng hoảng niềm tin. Nguyên nhân nữa, xuất phát từ việc chúng ta mong muốn tìm kiếm nguồn năng lượng mới, một số người coi việc xem bói như liều thuốc trấn an tinh thần nên phải tìm đến những kiến giải mang tính tâm linh hoang đường.

Cần có sự chung tay

Từ câu chuyện cô đồng bổ cau, có thể thấy xem bói đã bị biến tướng gắn với động cơ trục lợi và tận dụng sức lan tỏa của các mạng xã hội để thỏa mãn nhu cầu thương mại hóa, “buôn thần bán thánh” của một số cá nhân xuất hiện trên TikTok trong thời gian vừa qua.

Việc đưa các hoạt động xem bói tràn lan trên mạng xã hội hiện nay đã gây ra những rủi ro như lộ thông tin cá nhân ảnh hưởng đến danh dự uy tín của nạn nhân. Nhiều clip đăng tải hoàn toàn lộ mặt những người tham gia vào hoạt động áp vong gọi hồn cùng với thông tin về cá nhân, gia đình, hoàn cảnh nạn nhân cũng được các tài khoản này chia sẻ công khai và đây rất có thể là nguyên nhân cho những hành động sai trái tiếp theo.

tran lan me tin di doan tren mang xa hoi can xu ly manh tay hon nua hinh 2

Vài năm trở lại đây, bói toán ngày càng nhiều, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện không ít người tự xưng là cô, cậu, thầy…nhận xem bói online. (Ảnh: Nguoiduatin.vn)

Câu chuyện cung cầu chỉ là một lý do cho việc tràn lan mê tín dị đoan trên mạng xã hội, thực tế đặt ra những câu hỏi về quản lý, kiểm soát các hoạt động mê tín dị đoan sẽ như thế nào trên cả không gian mạng lẫn trong thực tế bởi tình trạng này vẫn diễn ra trong đời sống xã hội. 

Còn với các đơn vị quản lý các nền tảng mạng xã hội hiện nay vẫn chưa mạnh tay đưa ra các hướng xử lý với các tài khoản chia sẻ nội dung xem bói, bắt vong hay gọi hồn trực tuyến. Mạng xã hội là vùng đất vô cùng màu mỡ, chỉ 1 giây với lượt chia sẻ rất lớn kéo theo tâm lý đám đông khiến những hoạt động mê tín dị đoan có lực sống tiềm tàng. 

PGS.TS Phạm Bích San cho rằng, theo thời giá leo thang hiện nay thì mức phạt 7,5 triệu đồng đối với cô đồng bổ cau có vẻ không lớn lao lắm. Trong khi cô ấy có thể thu một lần cúng lễ có khi lên tới 150-180 triệu đồng. Khoản 7,5 triệu đồng quả thực là không có ý nghĩa gì cả, chỉ để nói lên rằng tất cả các hoạt động mê tín dị đoan đều có thể bị trừng phạt. Mức phạt này chỉ đang mang tính tượng trưng.

"Để chấm dứt hoàn toàn được việc bói toán là điều không dễ dàng thực hiện trong một thời gian ngắn. Mê tín dị đoan, trong đó có hình thức bói toán, lên đồng vốn là một vấn đề nhạy cảm với nhiều biến tướng ngày càng phức tạp. Do đó, đòi hỏi các nhà quản lý cần thường xuyên nắm bắt, tổng kết, nghiên cứu thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện để hệ thống luật pháp liên quan ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Đồng thời, cần có sự chung tay mạnh mẽ hơn nữa của các đơn vị chức năng để xây dựng môi trường mạng xã hội văn minh, trong sạch và an toàn hơn cho người dùng", PGS.TS Phạm Bích San nhận định.

Theo Chuyên gia Xã hội học Phạm Bích San, câu chuyện về giáo dục cũng phải được xem trọng. Cần tăng cường giáo dục nhận thức về các giá trị nhân văn tích cực và lối sống độc lập, tự chủ, tự trọng vươn lên trong cuộc sống cho con người, đặc biệt là giới trẻ.

Mê tín dị đoan lấy mạng xã hội làm đất sống thì chính những nhà quản lý, những đơn vị có liên quan cũng nên tận dụng chính các mạng xã hội để tạo ra những buổi tọa đàm, tranh luận, phản biện với sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà giáo chia sẻ những kỹ năng, kinh nghiệm ứng phó với những tình huống khó khăn. Tổ chức những buổi nói chuyện của các chuyên gia về cách giải quyết các áp lực trong cuộc sống, giúp cộng đồng và giới trẻ có sự cân bằng và định hướng tư duy phù hợp.

Có thể thấy rằng, sự tò mò là bản chất của con người từ xưa đến nay, con người hay có thiên hướng tò mò về cuộc sống của mình nhưng nếu quá phụ thuộc vào bói toán sẽ làm mất đi khả năng làm chủ cuộc sống, có thể sẽ ỉ lại vào những lời nói của thầy bói. Và nếu chỉ cần nghe thầy phán ắt có lối đi đến thành công thì con người đâu phải phấn đấu, nỗ lực hàng ngày. Như Dolly Parton đã từng nói: "Muốn thấy cầu vồng phải chấp nhận đi qua cơn mưa", cũng như chúng ta nếu muốn thành công phải chấp nhận thử thách, nhưng để vượt qua thử thách thì lại cần tới sự nỗ lực.

Phan Hoà Giang

Bình Luận

Tin khác

Cảnh báo tình trạng mạo danh người của cơ quan BHXH nhằm lừa đảo người dân

Cảnh báo tình trạng mạo danh người của cơ quan BHXH nhằm lừa đảo người dân

(CLO) BHXH Việt Nam vừa có cảnh báo về tình trạng mạo danh cơ quan, viên chức và người lao động BHXH để lừa đảo người dân bằng nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi.

Chống tin giả
Cục An toàn thông tin lưu ý người dân về 7 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến

Cục An toàn thông tin lưu ý người dân về 7 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến

(CLO) Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa phát đi thông báo lưu ý người dân về 7 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến, gồm 5 hình thức diễn ra trong nước và 2 hình thức được các đối tượng thực hiện ở quy mô quốc tế.

Chống tin giả
Xử phạt TikToker nói Sài Gòn nhiều trộm cắp là do văn hóa

Xử phạt TikToker nói Sài Gòn nhiều trộm cắp là do văn hóa

(CLO) Thông cáo vừa phát đi của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP HCM cho biết, với sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ TT&TT, ngày 2/4, Sở TT&TT TP HCM phối hợp với Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang xử lý vi phạm đối với ông Nguyễn Nhật Hải về việc dùng tài khoản Tiktok “@nhathaibiettuot”.

Chống tin giả
Xử phạt đối tượng đăng tin sai sự thật vụ va chạm giao thông ở Trần Cung, Hà Nội

Xử phạt đối tượng đăng tin sai sự thật vụ va chạm giao thông ở Trần Cung, Hà Nội

(CLO) Công an thành phố Hà Nội vừa lập hồ sơ xử phạt một trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến vụ va chạm giao thông tại đường Trần Cung.

Chống tin giả
Công bố 403 website vi phạm pháp luật, đề nghị không quảng cáo

Công bố 403 website vi phạm pháp luật, đề nghị không quảng cáo

(CLO) Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tiến hành cập nhật danh sách các trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật (gọi tắt là Black List) của năm 2023, nâng tổng số trang web vi phạm pháp luật là 403.

Chống tin giả