TS. Nguyễn Đức Kiên: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 là “rất cao” nhưng có cơ sở thực hiện!

Thứ hai, 23/01/2023 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL)“Tôi lưu ý rằng năm 2023 chúng ta phải có góc nhìn mới. Nhìn kinh tế phải từ cả yếu tố địa chính trị chứ không đơn thuần chỉ là kinh tế”- đó là nhấn mạnh của TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng trong cuộc trò chuyện đầu xuân cùng báo Nhà báo và Công luận.

+ Trong một thế giới biến động rất mạnh tình hình kinh tế rất xấu, nhưng năm 2022, Việt Nam vẫn có được những kết quả đáng khích lệ. Nhờ đâu, chúng ta có được thành quả này, thưa ông?

- Sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế thế giới bước sang năm 2022 với nhiều lạc quan, vì từ năm 2021 kinh tế thế giới dần thoát khỏi suy thoái và phục hồi nhanh hơn kỳ vọng. Nhưng ngay sau đó và đến tận bây giờ, thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tình hình kinh tế ngày càng xấu đi.

Trong năm 2022 có những yếu tố đột xuất, không nằm trong kịch bản điều hành kinh tế vĩ mô. Thứ nhất là giá nhiên liệu biến động và có xu hướng tăng rất mạnh. Mặc dù hiện nay giá đã giảm nhưng cũng chưa trở về mức giá của năm 2021.

ts nguyen duc kien muc tieu tang truong kinh te nam 2023 la rat cao nhung co co so thuc hien hinh 1

TS. Nguyễn Đức Kiên: “Tuy chịu nhiều ảnh hưởng xấu từ kinh tế thế giới, nhưng kinh tế Việt Nam năm 2022 vẫn có được những kết quả tốt”.

Thứ hai là kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, suy thoái. Các khu vực có phát sinh khủng hoảng về kinh tế không chỉ là do những yếu tố đơn thuần về kinh tế mà là còn do yếu tố chính trị. Các quyết sách của các nền kinh tế lớn và các khu vực trên thế giới là hoàn toàn dựa vào quyết định chính trị chứ không dựa trên các yếu tố phân tích kinh tế và hiệu quả kinh tế.

Bối cảnh đó khiến chúng ta không dự báo được các diễn biến của kinh tế thế giới trong khi độ mở của nền kinh tế Việt Nam lớn, với kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 200% GDP. Cùng lúc đó, chính sách kinh tế vĩ mô của các đối tác quan trọng trong thương mại của Việt Nam liên tục thay đổi và không định hình rõ nét, nên nhiều ảnh hưởng đột biến tác động đến Việt Nam rất nhanh.

Đây là những yếu tố tác động rất mạnh trong năm 2022. Nhưng từ kinh tế vĩ mô thế giới tác động vào Việt Nam bao giờ cũng có độ trễ. Điều đó lý giải tại sao tuy chịu nhiều ảnh hưởng xấu từ kinh tế thế giới, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn có được những kết quả tốt. Cho đến hết tháng 10, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô vẫn sáng và tốt. Tuy nhiên độ trễ của kinh tế thế giới tác động tới kinh tế trong nước đến cuối năm 2022 mới bộc lộ. Hai tháng cuối năm, tình hình khó khăn hơn.

+ Ngoài yếu tố độ trễ như ông vừa đề cập, thì còn những yếu tố chính yếu nào khác giúp nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng khá trong bối cảnh khủng hoảng và suy thoái lan rộng trên thế giới, thưa ông?

- Chúng ta đạt được kết quả như vậy là bởi vì chúng ta tận dụng được tất cả những lợi thế trong năm 2021 để khôi phục và đưa nền kinh tế phát triển nhanh. Chúng ta đưa ra được những định hướng điều hành kinh tế vĩ mô phù hợp với bối cảnh và diễn biến tình hình trong nước. Công tác điều hành trong nước bám sát khái niệm “khôi phục nền kinh tế”. Khôi phục nền kinh tế ở đây không có nghĩa là chúng ta đầu tư mới, mà dựa trên nền tảng của những cái chúng ta có sẵn.

ts nguyen duc kien muc tieu tang truong kinh te nam 2023 la rat cao nhung co co so thuc hien hinh 2

Tôi nói dựa trên nền tảng có sẵn vì Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội ban hành ngay từ tháng 1/2022; mà 350.000 tỷ đồng trong gói này không nằm trong Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 mà Quốc hội thông qua hồi tháng 11/2021.

Những quyết sách đó cho thấy Việt Nam đã kiên định chủ trương ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, theo đó điều hành chính sách linh hoạt, uyển chuyển, bám sát diễn biến kinh tế giới. Nghị quyết 128 của Chính phủ cuối năm 2021 được ban hành kịp thời và Nghị quyết 43/QH15 ban hành đúng thời điểm.

+ Thưa ông, với thế giới đầy bất định và xu hướng xấu đi nhiều hơn, mục tiêu đặt ra cho năm 2023 là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 đô la Mỹ (USD)… những chỉ tiêu này có cao quá không?

- Nhìn từ tình hình 2 tháng cuối năm 2022 thì thấy mục tiêu đặt ra cho 2023 không phải là cao mà là “rất cao”. Nhưng chúng ta có cơ sở và điều kiện để đặt ra mục tiêu rất cao này.

Điều kiện đầu tiên đó là chúng ta ổn định chính trị. Thứ hai, chúng ta có một thị trường nội địa lớn với dân số năm 2023 sẽ lên tới 100 triệu người. Thị trường nội địa sẽ là lối thoát, là bệ đỡ cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, thị trường thế giới thu hẹp.

Thứ ba, chúng ta có nhiều cơ hội và thế mạnh từ các hiệp định thương mại để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Thứ tư, chúng ta đã chuẩn bị nguồn lực đủ lớn để tăng đầu tư công năm 2023 nhiều hơn 38% so với năm 2022. Thứ năm, doanh nghiệp Việt Nam tuy nhỏ và yếu nhưng có sức sống mạnh mẽ, linh hoạt. Các chính sách hỗ trợ đang được các cơ quan của Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và ban hành, sẽ tiếp sức để doanh nghiệp trong nước phục hồi và tăng sức chống chịu trong một năm nhiều khó khăn.

+ Trong nhiều yếu tố thuận lợi như vậy, đâu sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng trong năm 2023? Theo ông, những kinh nghiệm nên rút ra từ năm 2022 là gì?

- Tôi lưu ý rằng năm 2023 chúng ta phải có góc nhìn mới. Nhìn kinh tế phải từ cả yếu tố địa chính trị chứ không đơn thuần chỉ là kinh tế.

Với tình hình thế giới thế này, cầu thế giới giảm đi, thị trường bên ngoài yếu, khiến xuất khẩu của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Dòng đầu tư của thế giới cũng biến động. Do đó, động lực tăng trưởng năm 2023 chủ yếu phải dựa vào nội lực, dựa vào đầu tư công và doanh nghiệp Việt Nam.

Trong đó phải đặc biệt ưu tiên doanh nghiệp Việt. Nếu không ưu tiên cho doanh nghiệp Việt và đưa ra những tiêu chí mới cho các doanh nghiệp FDI thì chúng ta vẫn chỉ là những người làm công “ráo mồ hôi là hết tiền”, không có khả năng tích lũy tái đầu tư để phát triển.

ts nguyen duc kien muc tieu tang truong kinh te nam 2023 la rat cao nhung co co so thuc hien hinh 3

Để ưu tiên cho doanh nghiệp Việt, thì cũng cần xem lại những ưu tiên cho khối FDI, dựa trên kinh nghiệm mà các nước đang thực hiện. Cần tăng cường nguồn lực để doanh nghiệp giữ vững thị trường trong nước, nên dành một phần đầu tư công để đặt hàng doanh nghiệp nội địa, ví dụ đặt hàng doanh nghiệp thép làm đường ray cho đường sắt cao tốc…

Theo tôi, những chính sách và các gói hỗ trợ đưa ra trong năm 2022 đã rất đầy đủ và vẫn chưa hấp thụ hết, nên không cần thêm chính sách gì mới, chỉ cần thực hiện tốt các chính sách đã ban hành. Và với nguồn lực lớn từ đầu tư công năm 2023 khi được được giải ngân sẽ tác động tích cực tới nền kinh tế, tăng tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng.

Đứng ở góc độ nghiên cứu, chúng tôi thấy năm 2023 thách thức nhiều hơn thuận lợi. Thế nhưng những thách thức đó tác động mạnh hay nhẹ lại phụ thuộc vào cách chúng ta xử lý như thế nào. Bởi như tôi đã phân tích ở trên, có nhiều động lực tăng trưởng nằm ở chính thị trường nội địa, chứ không phụ thuộc quá nhiều vào kinh tế thế giới. Nếu quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện tốt, thì mục tiêu tăng trưởng 6,5% đặt ra là rất cao nhưng cũng nằm trong tầm tay.

Hà Nguyễn (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

4 tháng đầu năm miễn giảm hơn 25.000 tỷ đồng thuế đất, thuê đất

4 tháng đầu năm miễn giảm hơn 25.000 tỷ đồng thuế đất, thuê đất

(CLO) Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính vừa cho biết, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm trong 4 tháng đầu năm khoảng 25.508 tỷ đồng.

Kinh tế vĩ mô
6 địa phương bị 'bêu tên' giải ngân đầu tư công chậm

6 địa phương bị "bêu tên" giải ngân đầu tư công chậm

(CLO) Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Kinh tế vĩ mô
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải đường Vành đai 3 TP.HCM chậm tiến độ

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải đường Vành đai 3 TP.HCM chậm tiến độ

(CLO) Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua thành phố có khó khăn về thiếu nguồn cát san lấp nên phần đường đang chậm tiến độ.

Kinh tế vĩ mô
Bắc Ninh: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4/2024 tăng 6,25%

Bắc Ninh: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4/2024 tăng 6,25%

(CLO) Mặc dù chưa thể hồi phục về quy mô bình thường nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh trong tháng 4/2024 đã tăng 6,25% so với cùng kỳ.

Kinh tế vĩ mô
Mục tiêu tới năm 2030, thu nhập bình quân của người dân Đông Nam Bộ đạt 16.000 USD/năm

Mục tiêu tới năm 2030, thu nhập bình quân của người dân Đông Nam Bộ đạt 16.000 USD/năm

(CLO) Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kinh tế vĩ mô