Tuyển sinh 2024: Thí sinh không nên lựa chọn theo cảm tính, quá nhiều ngành học

Thứ năm, 21/03/2024 10:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Các chuyên gia cho rằng các thí sinh không nên lựa chọn quá nhiều ngành học rồi tham gia quá nhiều kỳ thi vừa mệt mỏi, vừa không hiệu quả. Trong lựa chọn ngành nghề cần ưu tiên ngành nghề nào có cơ hội hội nhập quốc tế, làm việc được trong các tập đoàn đa quốc gia.

Thí sinh nên không quá ôm đồm tham gia nhiều kỳ thi

Hiện nay, hầu hết các trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh, các thí sinh cũng đã có thông tin đầy đủ để lựa chọn nghề nghiệp theo học. Để có lựa chọn đúng hơn cho nghề nghiệp, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có trao đổi với các chuyên gia nhằm giúp thí sinh có cái nhìn sâu sắc hơn, tự tin hơn khi đăng ký ngành học khi theo học đại học.

Theo tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, theo dự báo việc tuyển sinh trong năm 2024 sẽ không có nhiều biến động. Nhóm ngành kinh tế, kinh doanh và quản lý vẫn là những ngành chiếm tỷ lệ tuyển sinh nhiều nhất, chiếm gần 25% tổng số tất cả các nguyện vọng. Ngành tiếp theo thu hút thí sinh là các ngành liên quan đến công nghệ thông tin. Đặc biệt với chương trình đào tạo được mở ra bởi các cơ sở đào tạo không chuyên về công nghệ thông tin nên dự báo quy mô đỗ vào ngành công nghệ thông tin sẽ nhiều hơn.

tuyen sinh 2024 thi sinhkhong nen lua chon theo cam tinh qua nhieu nganh hoc hinh 1

Việc lựa chọn ngành nghề các thí sinh cần tìm hiểu kỹ để có nghề nghiệp tương lai phù hợp. Ảnh minh họa: nguồn Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bên cạnh đó, ông Trần Thành Nam còn cho rằng, sau đại dịch COVID-19 xu hướng người dân quan tâm nhiều hơn sức khỏe, đặc biệt sức khỏe tinh thần. Nhóm ngành liên quan đến sức khỏe trong đó có cả chăm sóc sức khỏe cá nhân hóa, sức khỏe tinh thần sẽ có xu hướng hút người học. Trong khi đó, các nhóm ngành liên quan đến khoa học cơ bản dự báo khó hút thí sinh có điểm cao theo học. Một số ngành nghề liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu, các ngành nông, lâm, ngư, môi trường cũng sẽ kén người học. Đối với các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp nhưng phải gắn với công nghệ cao thì mới thu hút được thí sinh giỏi.

“Năm nay, có rất nhiều chương trình đào tạo mới được mở ra, nhiều đơn vị đào tạo không có truyền thống nhưng lại mở ngành nhằm tăng quy mô tuyển sinh. Tôi khuyên thí sinh cần tỉnh táo lựa chọn. Chương trình có thể giống nhau nhưng thí sinh cần đọc kĩ chuẩn đầu ra của các cơ sở đào tạo, năng lực, kiến thức kỹ năng khi học xong chương trình để lựa chọn theo học” – Phó Hiệu trưởng Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.

Theo vị chuyên gia này, thí sinh cần phải nghiên cứu kỹ vì có nhiều trường đại học đào tạo chương trình giống nhau nhưng chuẩn đầu ra khác nhau. Cần đọc kỹ bản mô tả vị trí làm việc dự kiến sau khi tốt nghiệp ở mỗi chương trình. Hoặc thông tin sau khi đào tạo cũng phải công bố công khai như tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 6 tháng, 12 tháng để làm căn cứ đăng ký theo học.

“Hiện có 20 phương thức tuyển sinh nhưng chia thành 3 nhóm (thi tuyển, xét tuyển và xét tuyển kết hợp thi tuyển). Thí sinh cần xác định ngành của mình chọn và tìm kiếm cơ sở giáo dục đào tạo mình muốn đăng ký để quyết định xem cần thi như thế nào.

Đừng ôm đồm tham gia nhiều kỳ thi, chỉ cần chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT vì đây vẫn là căn cứ để các trường tuyển sinh. Ngoài ra, nếu thiên về khối kỹ thuật, các bạn tham khảo kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Hiện có 30 trường khối kỹ thuật lấy kết quả kỳ thi để đánh giá tuyển sinh. Còn các bạn muốn tham gia vào các ngành quản lý, kinh tế, nhân văn thì tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội đến nay đã có trên 100 trường sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển dụng” – thầy Trần Thành Nam khuyên các thí sinh.

Trước thắc mắc của nhiều em có đam mê với ngành khoa học cơ bản, nhưng lo sợ nếu theo học khi ra trường sẽ khó có việc làm, thầy Trần Thành Nam cho rằng, hiện nước ta trong giai đoạn sản xuất (made in Việt Nam). Vì vậy, kiến thức lõi, khoa học cơ bản học sâu và học thật luôn luôn có giá trị. Nếu thí sinh đam mê trước khi đăng ký cần tìm hiểu kỹ ngành đó có gì hấp dẫn không, nếu được trang bị năng lực của công dân thế kỷ 21, phù hợp với chuyển đổi số, công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì có thể theo học.

Thành công là cả quá trình lao động

Cũng liên quan đến việc chọn ngành và chọn nghề, Giáo sư Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, hiện nay, cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 với những đặc trưng cốt lõi nhất là CNTT, Tự động hóa và Trí tuệ nhân tạo, vì vậy, thí sinh chọn những ngành/lĩnh vực liên quan đến những lĩnh vực này, hoặc những lĩnh vực vệ tinh có liên quan trực tiếp với các yếu tố trên như điện tử, vật liệu mới, cơ điện tử, khoa học dữ liệu,… gắn với các từ khóa như số hóa, dữ liệu, thông minh và innovation (đổi mới sáng tạo) đang là thời thượng của Việt Nam và thế giới.

Các kết quả nghiên cứu khảo sát cho thấy Việt Nam có sự mất cân đối về cơ cấu nhân lực theo ngành nghề so với khu vực và thế giới. Tỷ lệ sinh viên các ngành kỹ thuật còn khá khiêm tốn so với những ngành khác. Vì vậy, trong thời gian tới, nhu cầu nhân lực trong những ngành kỹ thuật, công nghệ sẽ rất lớn và sinh viên ra trường dễ có việc làm.

Trước thắc mắc học ngành khoa học cơ bản khó có việc làm, thầy Nguyễn Đình Đức cho biết, thời gian qua khối khoa học cơ bản của khối tự nhiên khó thu hút các bạn chuyên, chọn và có điểm thi rất cao theo học. Chính vì vậy, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có chính sách hỗ trợ học phí, các khoản khác nhằm thu hút thí sinh. Về cơ bản, nếu em nào có năng lực khoa học cơ bản như ngành Toán thì khi tiếp xúc với ngành công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, thuật toán đều rất phù hợp.

“Những ngành này, theo tôi nên tuyển ít chỉ tiêu, tập trung đào tạo chuyên sâu để có nguồn nhân lực cao. Bởi nếu khoa học cơ bản không vững chắc thì các ngành công nghệ và lĩnh vực khác không chắc được. Nói chung để vươn tầm thế giới phải có nền tảng khoa học vững chắc” - Giáo sư Nguyễn Đình Đức chia sẻ.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Đình Đức cho rằng, các ngành khoa học xã hội nhân văn năm nay cũng sẽ hot, nhiều ngành có số điểm tuyển sinh rất cao. Với phạm trù việc làm rộng, khoa học xã hội nhân văn dễ đáp ứng hơn các ngành khoa học cơ bản của khối tự nhiên nhưng cơ hội để làm ở các tập đoàn lớn, ngành công nghệ cốt lõi lại không có nhiều.

tuyen sinh 2024 thi sinhkhong nen lua chon theo cam tinh qua nhieu nganh hoc hinh 2

Theo thầy Nguyễn Đình Đức, thí sinh cần thận trọng để lựa chọn ngành nghề. Cái đam mê của các thí sinh hiện chỉ là nhất thời khi các em chưa dấn thân vào nghề nghiệp. Để chọn nghề nghiệp các em phải xác định thiên hướng nghề nghiệp của mình như có thiên hướng đam mê sáng tạo, có năng lực về khoa học tự nhiên…nếu có thì chọn thử sức ở các lĩnh vực có xu hướng về công nghệ, kỹ thuật.

“Các bạn phải hình dung mình sẽ làm việc ở đâu, lương như thế nào, cơ hội làm việc với các tập đoàn hàng đầu… là điều cần quan tâm nhất. Nghề nghiệp phải đáp ứng được sự nghiệp, công ăn việc làm, thu nhập, khả năng hội nhập.

Khi chọn ngành nghề xong, phải lựa chọn cơ sở đào tạo tốt, đào tạo gắn với nghiên cứu, có truyền thống. Trường có truyền thống tốt thì năng lực đào tạo, hợp tác quốc tế sẽ tốt” – thầy Nguyễn Đình Đức nêu.

Như vậy qua trao đổi với chuyên gia có thể thấy, muốn chọn ngành nghề trước hết phải xem thế mạnh năng lực của bản thân, sau đó xem cơ hội việc làm, khả năng hội nhập quốc tế để lựa chọn. Tránh việc chọn theo cảm tính, không đúng sở trường, không phù hợp với năng lực dẫn đến khó khăn trong việc phát triển sự nghiệp về sau.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Chuyên gia chia sẻ về cách ôn tập và làm bài môn Toán để đạt điểm cao

Chuyên gia chia sẻ về cách ôn tập và làm bài môn Toán để đạt điểm cao

(CLO) Theo đề thi minh họa môn Toán, kiến thức thi vẫn trọng tâm và bám sát cấu trúc đề thi nhiều năm trước, do đó học sinh cần rèn luyện kỹ năng làm bài tránh sai sót.

Giáo dục
Cách để đạt điểm cao môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập Hà Nội

Cách để đạt điểm cao môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập Hà Nội

(CLO) Theo chuyên gia, không khó để học sinh đạt điểm 8 môn Ngữ văn, kỳ thi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội.

Giáo dục
Bắc Giang: Phát động Cuộc thi Robocon lần thứ nhất, năm 2024

Bắc Giang: Phát động Cuộc thi Robocon lần thứ nhất, năm 2024

(CLO) Mới đây, Cuộc thi Robocon tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất, năm 2024 đã được phát động với chủ đề “Khám phá du lịch Bắc Giang”.

Giáo dục
Sắp diễn ra cuộc thi chung kết FSchool Talent Show Hà Nam mùa thứ 2

Sắp diễn ra cuộc thi chung kết FSchool Talent Show Hà Nam mùa thứ 2

(CLO) Vòng Chung kết Cuộc thi Tìm kiếm Tài năng FSchool Talent Show Hà Nam 2024 sẽ diễn ra vào tối ngày 4/5 tới. Đêm thi hứa hẹn sẽ mang tới những tiết mục hấp dẫn, gay cấn và tìm ra chủ nhân xứng đáng cho ngôi vị Quán quân.

Giáo dục
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức kiểm tra trực tiếp tại các điểm thi

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức kiểm tra trực tiếp tại các điểm thi

(CLO) Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi tại 63 Sở GD&ĐT.

Giáo dục