“Uber Trung Quốc” hủy niêm yết tại Mỹ sau nửa năm biến cố

Thứ bảy, 04/12/2021 07:53 AM - 0 Trả lời

(CLO) Để đáp ứng nhu cầu của Bắc Kinh, “gã khổng lồ” gọi xe Trung Quốc Didi cho biết đã bắt đầu quá trình rút niêm yết khỏi sàn NYSE (Mỹ) và lên kế hoạch chuyển sang niêm yết tại Hồng Kông.

Quyết định này được Didi đưa ra sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng các lựa chọn.

“Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, công ty sẽ bắt đầu hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York và chuẩn bị niêm yết tại Hồng Kông”, Didi cho biết hôm 3/12.

uber trung quoc huy niem yet tai my sau nua nam bien co hinh 1

Các hãng công nghệ Trung Quốc đã phải vật lộn với động thái thắt chặt quản lý của Bắc Kinh trong nhiều lĩnh vực. Ảnh: Reuters.

Tuần trước, Bloomberg trích nguồn tin thân cận cho biết Cục An ninh Mạng Trung Quốc đã yêu cầu lãnh đạo cấp cao của Didi Global Inc. hủy niêm yết trên sàn giao dịch New York, Mỹ. Nguyên nhân đưa ra là do lo ngại về việc rò rỉ dữ liệu nhạy cảm.

Đây là một yêu cầu chưa từng có của Bắc Kinh, làm dấy lên lo ngại về những ý định của chính quyền nước này đối với ngành công nghệ khổng lồ.

Nguồn tin giấu tên cho biết các yêu cầu trên đang được nhận định là tư nhân hóa trực tiếp, hoặc hủy niêm yết tại Mỹ và chuyển sang sàn giao dịch Hồng Kông. Bloomberg nhận định, cả hai cách làm trên đều là đòn giáng lớn vào gã khổng lồ gọi xe. Kể từ sau khi thương vụ IPO kép của Alibaba bị hoãn bất ngờ hồi năm ngoái, Didi là công ty Trung Quốc đầu tiên thực hiện đợt IPO lớn nhất tại Mỹ.

Thông báo của Didi được đưa ra chưa đầy 6 tháng kể từ khi công ty này thực hiện IPO trị giá 4,4 tỷ USD tại Mỹ. Giá cổ phiếu Didi đã lao dốc sau khi Bắc Kinh siết quản lý, cấm Didi trên kho ứng dụng vì gây rủi ro an ninh mạng. Hiện tại, giá cổ phiếu này chỉ còn dưới 7,8 USD/ cổ phiếu, giảm gần một nửa so với thời điểm IPO vào ngày 30/6, khiến vốn hóa thị trường của công ty này “bốc hơi” khoảng 30 tỷ USD.

Vào hôm 4/7, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã yêu cầu các kho ứng dụng trên điện thoại thông minh gỡ bỏ ứng dụng của Didi, sau khi phát hiện hãng gọi xe này thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng bất hợp pháp.

Yêu cầu trên được Bắc Kinh đưa ra chỉ hai ngày sau khi cơ quan quản lý buộc Didi ngừng đăng ký người dùng mới, mở cuộc điều tra công khai đối với các hoạt động an ninh mạng của gã khổng lồ gọi xe này và cân nhắc một loạt hình phạt chưa từng có.

Hình phạt đối với Didi?

Didi từng đánh bại Uber tại Trung Quốc để giữ vị thế thống trị tại quốc gia 1,4 tỷ dân. Ảnh: Getty Images

Việc Bắc Kinh yêu cầu hủy niêm yết tại sàn Mỹ có lẽ là một phần của hình phạt này đối với Didi. Bắc Kinh đã đề xuất một khoản đầu tư vào Didi để giành quyền kiểm soát công ty. Bloomberg cho rằng, một khoản đầu tư như vậy có thể giúp Didi mua lại cổ phiếu đang giao dịch tại Mỹ.

Theo FactSet, quyết định hủy niêm yết tại Mỹ gây tổn thất lớn hai cổ đông thiểu số lớn nhất của Didi là SoftBank của tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son và Uber Technologies, khi sở hữu 30% cổ phần. Cổ phiếu của SoftBank đã giảm 2,5% sau thông tin này.

Quyết định của Didi vào hôm 3/12 cũng khiến Hang Seng Tech Index, chỉ số đại diện cho hầu hết các ông lớn công nghệ Trung Quốc niêm yết trên sàn Hồng Kông giảm 2,7%. Chỉ số này kết thúc phiên ở mức thấp nhất từ tháng 7 năm ngoái. Tổng vốn hóa thị trường của các ông lớn công nghệ Trung Quốc cũng giảm khoảng 1.500 tỷ USD so với mức đỉnh hồi tháng 2.

Các hãng công nghệ Trung Quốc đã phải vật lộn với động thái thắt chặt quản lý của Bắc Kinh trong các lĩnh vực từ tài chính, bảo mật dữ liệu đến trò chơi trực tuyến và IPO ở nước ngoài.

Ngay cả khi Didi chuyển sang niêm yết tại Hồng Kông, hãng gọi xe cũng phải giải quyết những lo ngại về an ninh dữ liệu, vốn đang thu hút sự chú ý của giới chức Trung Quốc. Công ty này cũng nhiều khả năng phải chuyển qua quản lý dữ liệu cho bên thứ ba. Điều này một lần nữa có thể đe dọa đến giá cổ phiếu của Didi.

Thực tế, có nhiều nguồn tin cho rằng các cơ quan quản lý Trung Quốc đã tính đến việc yêu cầu Didi hủy niêm yết từ mùa hè vừa qua, ngay sau đợt IPO thành công tại Mỹ.

Thời gian gần đây, Washington và Bắc Kinh vẫn đang tranh cãi về quyền tiếp cận sổ sách của các doanh nghiệp niêm yết. Do vậy, việc Didi hủy niêm yết có thể sẽ tạo lên làn sóng rời đi của các doanh nghiệp Trung Quốc khác trên sàn Mỹ.

Vào hôm 25/11, một quan chức cấp cao giấu tên Trung Quốc nhận định việc doanh nghiệp nước này hủy niêm yết trên sàn Mỹ sẽ đánh dấu một “bước lùi trong quan hệ với Mỹ”.

Hồi tháng 7, Ủy ban Chứng khoán Mỹ yêu cầu các công ty Trung Quốc muốn niêm yết tại thị trường này phải cung cấp thêm thông tin.

Theo báo cáo của Ngân hàng trung ương Mỹ (BoA) tháng trước, việc hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ có thể làm tăng chi phí vốn của các công ty Trung Quốc. Khoảng 270 doanh nghiệp Trung Quốc đang niêm yết tại thị trường Mỹ với vốn hóa 1.800 tỷ USD, trong đó 50 công ty không đủ điều kiện để niêm yết tại sàn Hồng Kông.

Didi từng đánh bại Uber tại Trung Quốc để giữ vị thế thống trị tại quốc gia 1,4 tỷ dân. Nhưng giờ đây, hãng trở thành phép thử trong cuộc trấn áp các gã khổng lồ Internet. Theo giới quan sát, một phần nguyên nhân của việc thắt chặt kiểm soát là chiến lược “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Hương Vũ (Theo Bloomberg, CNBC )

Tin khác

Châu Âu đang gián tiếp nhập khẩu các sản phẩm dầu Nga thông qua Thổ Nhĩ Kỳ

Châu Âu đang gián tiếp nhập khẩu các sản phẩm dầu Nga thông qua Thổ Nhĩ Kỳ

(CLO) Theo báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) và Trung tâm Nghiên cứu Dân chủ (CSD), Liên minh châu Âu (EU) đã nhập khẩu 3 tỷ euro sản phẩm dầu từ các cảng của Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu xử lý các sản phẩm dầu của Nga.

Thị trường - Doanh nghiệp
Tổng thống Nga: Xe điện Trung Quốc khiến Mỹ 'lo lắng'

Tổng thống Nga: Xe điện Trung Quốc khiến Mỹ "lo lắng"

(CLO) Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp báo ở thành phố Cáp Nhĩ Tân trong chuyến đi hai ngày tới Trung Quốc: Chính quyền Mỹ đã áp đặt thuế đối với xe điện (EV) do Trung Quốc sản xuất vì chúng đã trở nên tốt hơn, đồng thời nhấn mạnh đây là hành động ngăn chặn đối thủ mạnh xâm nhập vào thị trường nội địa nước này.

Thị trường - Doanh nghiệp
IMF: Mỹ nên tiếp tục mở cửa thương mại, hợp tác với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp

IMF: Mỹ nên tiếp tục mở cửa thương mại, hợp tác với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp

(CLO) Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói rằng, Mỹ sẽ tốt hơn nếu duy trì hệ thống thương mại mở thay vì áp đặt các mức thuế trừng phạt mới đối với hàng hóa Trung Quốc, đồng thời cho biết thêm rằng Washington và Bắc Kinh nên hợp tác cùng nhau để giải quyết căng thẳng thương mại.

Thị trường - Doanh nghiệp
Từ vụ trả lại bộ bikini đã mặc sau một tuần, nhiều người bán hàng bức xúc với chính sách của Shopee

Từ vụ trả lại bộ bikini đã mặc sau một tuần, nhiều người bán hàng bức xúc với chính sách của Shopee

(CLO) Xoay quanh sự việc một cửa hàng kinh doanh bikini tố khách trả hàng khi đã mặc được một tuần gây nên nhiều tranh cãi về chính sách hoàn hàng trong vòng 15 ngày của Shopee.

Thị trường - Doanh nghiệp
Giới phân tích thế giới dự báo xu hướng giá vàng, bạc, bạch kim

Giới phân tích thế giới dự báo xu hướng giá vàng, bạc, bạch kim

(CLO) Giá vàng, bạc và bạch kim đã tăng vọt từ đầu năm đến nay và các chiến lược gia cho rằng các kim loại quý này có thể tiếp tục đạt mức cao kỷ lục mới trong những tháng tới.

Thị trường - Doanh nghiệp