Vì sao Sở KH&ĐT tỉnh Hưng Yên ''im lặng'' trước phản ánh tại dự án Khu xử lý chất thải Hòa Phong?

Thứ bảy, 17/12/2022 10:10 AM - 0 Trả lời

(CLO) Gần hai tháng trôi qua, kể từ khi phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đặt lịch làm việc tại UBND tỉnh Hưng Yên và Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Hưng Yên, nhưng những dấu hỏi về tính minh bạch tại dự án Khu xử lý chất thải Hoà Phong vẫn chưa được giải đáp.

Được biết, ngày 23/01/2019, ông Đặng Ngọc Quỳnh - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên ký Quyết định chủ trương đầu tư số 12/QĐ-UBND chấp thuận nhà đầu tư dự án Khu xử lý chất thải (KXLCT) Hòa Phong là Công ty Cổ phần Môi trường Hòa Phong và ra thông báo việc thu hồi đất để thực hiện dự án tại Công văn số 155/TB-UBND ngày 09/07/2019.

Mục tiêu của dự án KXLCT Hòa Phong là thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải công nghiệp (không tái chế nhựa, không xử lý rác thải sinh hoạt, không xử lý chất thải nguy hại nhà nước cấm). Quy mô dự án gồm: xử lý chất rác công nghiệp 65.000 tấn/năm, xử lý nước thải công nghiệp 140.000m3/năm, sản xuất gạch block hóa rắn 16 triệu viên/năm, nhôm thỏi 3.500 tấn/năm, đồng thỏi 3.500 tấn/năm. Địa điểm thực hiện dự án tại khu vực đồng Bạc, thôn Hoà Đam, xã Hòa Phong, với diện tích khoảng 45.000m2 (4,5ha). 

vi sao so khdt tinh hung yen im lang truoc phan anh tai du an khu xu ly chat thai hoa phong hinh 1

Trụ sở UBND xã Hòa Phong, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên - Ảnh: Hữu Kế

Tháng 8/2019, sau khi UBND xã Hòa Phong nhận được Quyết định chủ trương đầu tư của tỉnh Hưng Yên, đã thực hiện thông báo tới nhân dân về việc triển khai dự án KXLCT Hòa Phong tại khu đồng Bạc, thôn Hòa Đam, xã Hòa Phong.

Tuy nhiên, dự án này đã không nhận được sự đồng thuận của Nhân dân. Hàng trăm người dân trong xã mang theo loa đài kéo đến trụ sở UBND xã phản đối quyết định chủ trương đầu tư.

Theo phản ánh của người dân: Dự án KXLCT Hoà Phong còn thiếu nhiều thủ tục, việc công khai niêm yết hồ sơ để nhân dân nắm được chưa đảm bảo, như việc nhân dân chỉ thấy thông báo thu hồi đất trên loa truyền thanh, còn các hồ sơ như quy hoạch, hồ sơ thỏa thuận chủ trương đầu tư, hồ sơ giấy chứng nhận đầu tư, hồ sơ về đất đai, hồ sơ về môi trường và các hồ sơ khác chưa thấy niêm yết công khai.

Tại cuộc họp với Nhân dân vào ngày 08/08/2019, có sự góp mặt của UBND xã Hòa Phong, đại diện chủ đầu tư là Công ty TNHH Môi trường Hòa Phong cùng hơn 400 hộ dân trong thôn Hòa Đam, các bên đi đến thống nhất 100%, nhất trí không xây dựng nhà máy rác thải công nghiệp tại khu đồng Bạc, thôn Hòa Đam. Chủ tịch xã Hòa Phong Vũ Xuân Đang khi đó đã ký vào biên bản họp dân, không nhất trí triển khai dự án trên địa bàn xã.

Kể từ đó, dự án tạm dừng cho đến tháng 5/2022, UBND tỉnh Hưng Yên mới yêu cầu triển khai lại dự án nhưng điều này một lần nữa vấp phải sự phản đối của người dân. Đỉnh điểm, người dân đã không cho hàng trăm học sinh các cấp là con em của người dân trong xã đi khai giảng năm học mới 2022-2023 và không đến trường đi học trong một thời gian dài; đồng thời dựng lều trại trước cổng trụ sở UBND xã Hoà Phong, hàng ngày phân công hàng chục người bám trụ tại đây để bày tỏ phản đối và gửi đơn thư kêu cứu khắp nơi.

vi sao so khdt tinh hung yen im lang truoc phan anh tai du an khu xu ly chat thai hoa phong hinh 2

Người dân xã Hòa Phong dựng lều bạt trước cổng trụ sở UBND xã Hòa Phong phản đối dự án KXLCT Hòa Phong, tại khu vực đồng Bạc, thôn Hòa Đam, xã Hòa Phong - Ảnh: Hữu Kế

vi sao so khdt tinh hung yen im lang truoc phan anh tai du an khu xu ly chat thai hoa phong hinh 3

Việc tụ tập của người dân xã Hòa Phong dựng lều bạt trước cổng trụ sở UBND xã Hòa Phong phản đối dự án KXLCT Hòa Phong đã kéo dài 5 tháng - Ảnh: Hữu Kế

Trong đơn thư, người dân cho rằng, vị trí KXLCT Hoà Phong đã vi phạm quy định của Bộ Xây dựng về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng. Cụ thể, mục 2.12.4 quy định: Nhà, công trình chứa dây chuyền xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học và nhà, công trình chứa lò đốt chất thải rắn phải đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường lớn hơn hoặc bằng 500m; Khi cơ sở xử lý chất thải rắn buộc phải đặt ở đầu nguồn nước, đầu hướng gió chính của đô thị, khoảng cách an toàn môi trường của công trình phải tăng lên tối thiểu 1,5 lần.

Cũng theo phản ánh của người dân, có dấu hiệu bất thường trong trình tự, thủ tục triển khai dự án. Theo quy định của Luật xây dựng số 50/2-14/QH13 ngày 18/6/2014 của Quốc hội, và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, thì giai đoạn 1 chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình gồm các bước: Bước 1 quy hoạch xây dựng công trình; Bước 2 lựa chọn nhà đầu tư; Bước 3 phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ thiết kế cơ sở; Bước 4 báo cáo đánh giá tác động môi trường khi thực hiện dự án; Bước 5 hoàn tất các thủ tục về đất đai. Nhưng trên thực tế, dự án KXLCT Hoà Phong lại được thực hiện không đúng quy trình và các bước triển khai của một dự án, quyết định thu hồi đất trước khi có đánh giá tác động môi trường.

Theo người dân, dự án KXLCT Hoà Phong cũng đã vi phạm Luật bảo vệ môi trường. Theo đó, chủ đầu tư phải trình báo cáo đánh giá tác động môi trường với cơ quan có thẩm quyền trước khi có quyết định chủ trương đầu tư dự án, vì đây là dự án thuộc nhóm I được quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật bảo vệ tài nguyên môi trường. Thực tế, chủ đầu tư dự án KXLCT Hoà Phong chưa thực hiện khâu đánh giá tác động môi trường.

vi sao so khdt tinh hung yen im lang truoc phan anh tai du an khu xu ly chat thai hoa phong hinh 4

Khu vực cánh đồng Bạc, nơi dự định đặt nhà máy xử lý rải thải công nghiệp thuộc dự án Khu xử lý chất thải Hòa Phong, chỉ cách 4 hộ gia đình gần nhất khoảng 130m-150m - Ảnh: Hữu Kế

vi sao so khdt tinh hung yen im lang truoc phan anh tai du an khu xu ly chat thai hoa phong hinh 5

Dự án Khu xử lý chất thải Hòa Phong có diện tích khoảng 4,5ha tại khu vực đồng Bạc, thôn Hòa Đam, xã Hòa Phong - Ảnh: Hữu Kế

Từ phản ánh của người dân, phóng viên tìm hiểu được biết, dự án triển khai trên diện tích đất ruộng công sản đang do UBND xã Hoà Phong quản lý, khoán cho một số hộ dân canh tác trồng lúa 2 vụ suốt hơn 10 năm qua. Vị trí dự án đầu hướng gió, cách khu dân cư gần nhất khoảng 130m (khu có 4 hộ dân, với 20 nhân khẩu, sống ổn định từ những năm 1980, đất đang ở từ thời ông cha để lại, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); Cách sông Bần Vũ Xá khoảng 430m và đặc biệt cách khu dân cư đông đúc nhất của thôn Hoà Đam khoảng 450m.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch xã Đào Trọng Khang thừa nhận có việc tập trung đông người dân trong xã kéo dài từ tháng 7/2022 cho đến thời điểm hiện tại, để phản đối việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải công nghiệp xã Hòa Phong, tại khu vực đồng Bạc, thôn Hòa Đam, xã Hòa Phong.

Ông Khang cũng cho biết, trong thời gian qua, xã Hòa Phong và tỉnh Hưng Yên đã có 4 buổi làm việc với người dân, 2 buổi tại xã và 2 tại trụ sở tiếp dân của tỉnh, nhằm tập trung phổ biến, tuyên truyền về ý định, mục đích của dự án và trả lời trên cơ sở những ý kiến phản ánh của nhân dân. 

"Lãnh đạo xã và tỉnh đã trả lời những nội dung xung quanh các vấn đề người dân phản ánh, về trình tự thủ tục và khoảng cách từ vị trí triển khai dự án đến khu dân cư mà người dân cho rằng chưa đủ tiêu chuẩn. Hiện có một cụm dân cư gồm 4 hộ gia đình đang sinh sống, cách dự án khoảng 130m-150m và người dân đang xoay quanh vấn đề đó. Về tác động môi trường, tỉnh cũng trả lời như trước là tác động môi trường thì do cấp có thẩm quyền (Bộ Tài nguyên Môi trường) có kết quả thẩm định đồng thời tham vấn với nhân dân”, ông Khang nói.

Sau khi tiếp nhận đơn thư phản ánh của người dân, ngày 01/11/2022, phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã đặt lịch làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên để xác nhận thông tin khách quan hai chiều. Ngày 17/11/2022, thừa lệnh Chủ tịch UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên đã có công văn số 3107/UBND-KGVX gửi Báo NB&CL đề nghị Báo liên hệ Sở KH&ĐT tỉnh Hưng Yên để trao đổi thông tin, xác minh sự việc. Tuy nhiên, sau nhiều lần tới trụ sở Sở KH&ĐT tỉnh Hưng Yên liên hệ làm việc nhưng lãnh đạo Sở này đều từ chối tiếp vì lý do bận họp.

Trong suốt một thời gian dài, những vấn đề mà người dân kiến nghị về tính minh bạch cũng như nguy cơ ô nhiễm môi trường của dự án KXLCT Hòa Phong vẫn chưa được trả lời cụ thể, gây hoang mang và bức xúc. Để mang lại sự ổn định về an sinh xã hội cũng như đưa cuộc sống trở lại bình thường với người dân xã Hòa Phong, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên, các cơ quan chức năng có thẩm quyền, cần sớm chỉ đạo quyết liệt nhằm giúp người dân yên tâm lao động sản xuất; tạo sự tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; đồng thời xử lý những sai phạm (nếu có) trong việc triển khai thực hiện dự án KXLCT Hòa Phong. 

Nhà báo và Công luận tiếp tục sẽ tiếp tục thông tin./.

Hoài Đức

Bình Luận

Tin khác

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

(CLO) Ngày 31/7/2008, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải phòng đã ban hành Quyết định số 1214/QĐ-UBND về việc cho thuê các ki ốt khán đài sân vận động huyện... Tuy nhiên, sau 16 năm thực hiện chính sách “xã hội hóa”, vẫn còn một số bất cập cần được làm rõ và khắc phục.

Điều tra
Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

(CLO) Ở mỗi gói thầu tham dự khác nhau, Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai lại thể hiện một hồ sơ năng lực với doanh thu khác nhau?

Điều tra
Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

(CLO) Ngay sau phản ánh của báo Nhà báo & Công luận, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã ban hành quyết định thu hồi Quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với ông Nguyễn Văn Nam.

Điều tra
Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

(CLO) Thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh An - Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội đã ký hàng loạt gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Điều tra
Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh 'bóng cười'?

Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh "bóng cười"?

(CLO) Mặc dù từng bị xử phạt do kinh doanh quá giờ quy định, thế nhưng quán bar Aplus có địa chỉ tại số 78 Yên Phụ, phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) không những không tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà còn tiếp tục tái diễn, ngang nhiên kinh doanh “bóng cười”….

Điều tra