Vì sao Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam kêu cứu?

Thứ ba, 01/03/2022 19:02 PM - 0 Trả lời

Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam (VNECO) tại Đà Nẵng gửi đơn kêu cứu về việc cơ quan thi hành án có thể kê biên những tài sản không liên quan đến đại án “Hứa Thị Phấn và đồng phạm”. Trong vụ án này, VNECO là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đúng quy định của pháp luật

Đơn cầu cứu của VNECO cho biết: Năm 2007, VNECO đã ký hợp đồng và chuyển cho bà Ngô Kim Huệ (nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Đại Tín), bà Bùi Thị Kim Loan 310 tỷ đồng để hợp tác đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác dự án công trình phức hợp cao tầng tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh.

vi sao tong cong ty co phan xay dung dien viet nam keu cuu hinh 1

Bị cáo Hứa Thị Phấn tại phiên tòa trước đó. Ảnh: Internet

Do phía bà Loan, bà Huệ vi phạm hợp đồng, năm 2010, hai bên đã tiến hành thanh lý hợp đồng. Theo biên bản thanh lý hợp đồng, phía bà Huệ đã trả lại cho VNECO 400 tỷ đồng. Việc thanh lý hợp đồng hoàn thành trước khi đại án Hứa Thị Phấn được xét xử 8 năm. Sau khi nhận được tiền thanh lý hợp đồng, VNECO đã đầu tư vào các công trình xây dựng điện đúng quy định.

Đến năm 2018, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. VNECO là người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan trong vụ án này.

Vụ án đã được các cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm do Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh tiến hành, đều xác định, năm 2007, VNECO và bị cáo Ngô Kim Huệ ký hợp đồng hợp tác đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác dự án công trình phức hợp cao tầng tại thị trấn Tân Túc, Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh là đúng pháp luật.

Hội đồng xét xử ở cả hai cấp xác định mối quan hệ hợp tác, đầu tư thực chất là quan hệ giữa bà Hứa Thị Phấn với VNECO. Đồng thời nhận định bà Hứa Thị Phấn vừa chiếm dụng vốn của VNECO, vừa chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam. Trong số 400 tỉ, hai cấp xét xử đều buộc VNECO trả lại 200 tỉ cho Ngân hàng Xây dựng được xác định là “tang vật của vụ án”.

Phía VNECO cho hay, đang phải đối mặt với việc cơ quan thi hành án yêu cầu thi hành án những tài sản khác của VNECO không phải là vật chứng vụ án, không liên quan đến vụ án hình sự này. VNECO cũng gặp phải áp lực rất lớn từ các cổ đông, nhà đầu tư, người lao động về vấn đề thi hành án những tài sản không liên quan vụ án. Những điều này ảnh hưởng đên việc triển khai các dự án quốc gia về điện mà VNECO đang là tổng thầu.

“Việc thu hồi các tài sản không liên quan đến vụ án Hứa Thị Phấn đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Tổng Công ty, đẩy các hoạt dộng kinh doanh của doanh nghiệp vào nguy cơ phá sản và hàng ngàn người lao động vào nguy cơ mất việc, thất nghiệp, kiện tụng kéo dài”, VNECO cho hay.

Hiện VNECO đã gửi đơn khiếu nại bản án theo thủ tục tái thẩm đến người có thẩm quyền và vụ việc đang được xem xét giải quyết.

Cần làm rõ nhiều vấn đề về việc thi hành án số tiền 200 tỷ đồng của VNECO

Một số luật sư (LS) cho rằng: Việc hai cấp xét xử đại án Hứa Thị Phấn buộc VNECO trả lại 200 tỉ cho Ngân hàng Xây dựng cần xem xét lại vì có còn có nhiều quan điểm về áp dụng pháp luật đối với “tiền tài khoản, dấu vết chuyển khoản” có phải là “vật chứng, tang vật” của vụ án hay không.

Trao đổi về vụ việc này, LS Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI cho rằng: Bộ luật Tố tụng Hình sự đã quy định vật chứng vụ án là công cụ, phương tiện phạm tội, là tiền, tài sản mà tội phạm hướng tới khi thực hiện hành vi phạm tội... Về nguyên tắc thì vật chứng sẽ bị thu hồi và xử lý theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, không phải vật chứng nào cũng có thể thu hồi, đặc biệt là những vật chứng là vật cùng loại, vật tiêu hao... “Còn thông tin về việc chuyển khoản, dấu vết chuyển khoản và số tiền chuyển khoản (vật cùng loại) đã được đưa vào lưu thông, không còn trong tài khoản nữa thì không thể gọi là vật chứng của vụ án”, LS Đức nói.

Trong vụ việc này, tiền bị cáo Huệ chuyển cho VNECO là tiền chuyển khoản, chỉ có con số. Nay số tiền đó đã được đưa vào lưu thông, không còn trong tài khoản nêu trên. Vật chứng của vụ án không còn, không thu giữ được theo trình tự thủ tục luật định.

“Tòa xác định VNECO đang giữ vật chứng của vụ án là không chính xác”, LS Đức nêu quan điểm.

Mặt khác, việc thanh lý hợp đồng đã hoàn thành 8 năm trước khi xảy ra vụ án Hứa Thị Phấn và trong số 400 tỉ đồng Ngô Kim Huệ chuyển khoản cho VNECO thì đã có 310 tỉ của VNECO chuyển cho bị cáo Huệ trước đó theo hợp đồng mà tòa nhận định là đúng luật. Vì vậy, việc 2 cấp xét xử buộc VNECO trả lại 200 tỉ cho Ngân hàng Xây dựng cũng khó có cơ sở.

“Hơn nữa, việc bị cáo Huệ chuyển khoản, trả lại tiền cho VNECO là một giao dịch hợp pháp thì càng không có cơ sở để buộc VNECO trả lại 200 tỉ cho Ngân hàng Xây dựng”, LS Đức khẳng định.

Còn LS Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, khi nhận xét về trường hợp VNECO cho rằng: “Đây là trường hợp khá hy hữu”.

LS Truyền phân tích: Khi các cơ quan tiến hành tố tụng xác định tiền chuyển khoản, dấu vết chuyển khoản là vật chứng hay tang vật thì thường và buộc phải được thu giữ, niêm phong, phong tỏa theo đúng quy định tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Khi xác định vật chứng/tang vật thì đồng thời cùng phải tìm hiểu xác minh chính xác để có phân loại vật chứng/tang vật để từ đó có phương án xử lý tang vật/vật chứng của vụ án và ra các quyết định như tịch thu sung công hay trả lại cho người chủ sở hữu, người quản lý theo Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự

“Cả 2 vấn đề trên đề không được thực hiện đầy đủ dẫn đến có thể có những phán quyết chưa thực sự chính xác dẫn đến ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của bên thứ 3”.

Trong trường hợp này, rõ ràng khoản tiền được xác định là vật chứng/tang vật đã được chuyển khoản hợp pháp từ cách đó 8 năm bởi một hợp đồng hợp pháp, thậm chí đã được các bên thanh lý. Tức là, ngay kể cả quyết toán thuế hay kiểm toán đối với giao dịch này thì cũng đã hết thời hạn. Nên việc xử lý như vậy rõ ràng không thuyết phục - LS Truyền nhận định.

Theo LS Truyền, trường hợp hai bên hợp tác hợp pháp, ngay tình thì việc các bên không có nghĩa vụ hay trách nhiệm về hành vi phạm tội “nếu có” của bên kia ngay cả cùng thời điểm nếu như các bên chứng minh được sự “ngay tình” hoặc việc liên quan hợp lý đối với bên còn lại.

Trường hợp này nếu hai bên thực hiện một giao dịch dân sự, kinh tế hợp pháp đã thanh lý thì việc xem xét lại thỏa thuận đó chỉ xảy ra khi chứng minh được cả hai bên thực hiện thỏa thuận để phạm tội mà một trong hai bên đang bị xử lý.

Còn về vấn đề hợp đồng giữa hai bên, LS Truyền cho rằng, nó chỉ bị hủy bỏ hay tuyên vô hiệu khi một trong các bên đề nghị hoặc bởi tòa án khi có đề nghị của một trong 2 bên.

Trong vụ việc nói trên, thì pháp luật có quy định về bảo vệ người thứ 3 ngay tình như quy định tại Điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Theo thanh tra.com.vn

Bình Luận

Tin khác

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

(CLO) Ngày 31/7/2008, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải phòng đã ban hành Quyết định số 1214/QĐ-UBND về việc cho thuê các ki ốt khán đài sân vận động huyện... Tuy nhiên, sau 16 năm thực hiện chính sách “xã hội hóa”, vẫn còn một số bất cập cần được làm rõ và khắc phục.

Điều tra
Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

(CLO) Ở mỗi gói thầu tham dự khác nhau, Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai lại thể hiện một hồ sơ năng lực với doanh thu khác nhau?

Điều tra
Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

(CLO) Ngay sau phản ánh của báo Nhà báo & Công luận, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã ban hành quyết định thu hồi Quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với ông Nguyễn Văn Nam.

Điều tra
Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

(CLO) Thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh An - Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội đã ký hàng loạt gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Điều tra
Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh 'bóng cười'?

Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh "bóng cười"?

(CLO) Mặc dù từng bị xử phạt do kinh doanh quá giờ quy định, thế nhưng quán bar Aplus có địa chỉ tại số 78 Yên Phụ, phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) không những không tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà còn tiếp tục tái diễn, ngang nhiên kinh doanh “bóng cười”….

Điều tra