Vốn hỗ trợ nền kinh tế đang chạy vòng quanh để “làm giàu” cho một số người

Chủ nhật, 24/01/2021 11:02 AM - 0 Trả lời

(CLO) "Dịch Covid-19 sẽ khiến khoảng cách giàu nghèo càng lớn thêm. Tiền mà chính quyền tưởng là đi vào hỗ trợ nền kinh tế thật ra chạy lòng vòng trong hệ thống tài chính, và chỉ làm giàu cho một số ít người...", đó là góc nhìn khách quan của một chuyên gia khi nhận định về thị trướng chứng khoán Việt Nam.

Bài liên quan
Vốn hỗ trợ nền kinh tế đang chạy vòng quanh để “làm giàu” cho một số người. Ảnh minh hoạ.

Vốn hỗ trợ nền kinh tế đang chạy vòng quanh để “làm giàu” cho một số người. Ảnh minh hoạ.

Tiền sẽ tiếp tục đổ vào chứng khoán

Theo báo cáo của VnDirect, chỉ số VN-Index chốt năm 2020 đạt mức 1.103,9 điểm, ghi nhận mức tăng 14,9% so với cuối năm 2019, là mức tăng trưởng hàng năm cao nhất trong 3 năm trở lại đây và vượt kỳ vọng của các thành viên trên thị trường.

Bước sang năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có bước chạy đà tương đối ấn tượng, chỉ số VN-Index tăng 8,2% chỉ trong 2 tuần đầu năm và đóng cửa phiên 15/01/2021 ở mức 1.194,2 điểm (mức cao nhất trong vòng 33 tháng). Mặc dù thị trường đã giảm mạnh trong phiên 19/1, chỉ số VN-Index đã nhanh chóng phục hồi và chốt phiên ngày 21/01/2021 ở mức 1.164,2 điểm.

Đà tăng ấn tượng của thị trường trong một tháng qua là tương đối bất ngờ đối với hầu hết các thành viên trên thị trường xuất phát từ một số nguyên nhân. Đầu tiên, là mặt bằng lãi suất thấp kỷ lục kích thích dòng tiền nội đổ vào thị trường chứng khoán khi tính trong cả năm 2020, tổng số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước lên tới 392.527 tài khoản, tăng 108% so với năm 2019.

Thứ hai, niềm tin vào hiệu quả chống dịch của Chính phủ và kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2021 khi Chính phủ đã tung ra các gói kích thích tài khóa với tổng quy mô lên tới 4,3% GDP. Nhờ đó, GDP năm 2020 tăng trưởng 2,91% so với cùng kỳ, thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.

Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp niêm yết phục hồi hoàn toàn hoạt động sản xuất kinh doanh và ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2021 và đây chính là một yếu tố quan trọng hấp dẫn dòng tiền của nhà đầu tư tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán.

Nghịch lý khi kinh tế xấu - chứng khoán lại tăng

Tuy nhiên, ở góc nhìn chuyên gia, sự tăng trưởng ở thị trường chứng khoán trong thời gian qua không được lạc quan bởi thị trường cổ phiếu và nền kinh tế đang “lệch pha”.

Theo chuyên gia Hồ Quốc Tuấn (Giảng viên, Đại học Bristol, Anh), kinh tế toàn cầu trải qua một năm 2020 đầy mất mát. Bản đồ tăng trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) toàn màu đỏ khi ở châu Á, số nền kinh tế không rơi vào suy thoái chỉ đếm trên đầu ngón tay - mà đây là khu vực lâu nay được coi là có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Việt Nam may mắn là một trong số đó, nhưng mức tăng trưởng cũng chỉ là 2,91%. 

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến tháng 9/2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Nghĩa là tính gần đúng thì cứ 3 người dân, có một người giảm thu nhập do dịch bệnh. Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi gần 70% lao động bị ảnh hưởng.

Còn số doanh nghiệp thành lập mới (giảm 2,3%) và ngừng hoạt động (tăng gần 14%) trong năm 2020 cho thấy một khó khăn khác. Bù trừ cho nhau, các con số đó đồng nghĩa trung bình mỗi tháng có gần 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đi kèm là rất nhiều công ăn việc làm mất đi.

Doanh nghiệp dừng hoạt động hàng loạt thì nợ xấu của ngân hàng cũng tăng lên, dù chưa mạnh - đã vượt mức 2% từ cuối quý III/2020. Mức này chưa nguy hiểm, nhưng cũng không còn tốt như đầu năm. Thật ra, tỷ lệ nợ xấu thấp này được hỗ trợ không ít bởi thông tư 01/2020, vốn có các điều kiện ràng buộc còn lỏng lẻo với ngân hàng.

Theo báo cáo của FiinGroup, nếu không có thông tư 01 về cơ cấu lại nợ, tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ tạo mới nợ xấu trong năm 2020 sẽ ở mức cao hơn đáng kể.

Trong bức tranh kinh tế nhiều điểm tối như vậy, việc thị trường chứng khoán tăng mạnh kể từ đáy tháng 4/2020 là đáng ngạc nhiên. Vậy mà trên nhiều phương tiện truyền thông "thông tin" năm 2020 là năm thăng hoa của chứng khoán Việt.

Một trong những đặc thù đáng chú ý là sự gia tăng vai trò của dòng tiền từ các nhà đầu tư nội địa. Điều này cũng tương tự xu thế ở nhiều nước khác, khi nhà đầu tư cá nhân trở thành lực lượng năng động nhất trên thị trường giai đoạn tháng 3 đến tháng 8/2020, ông Tuấn thông tin.

Với đa số giới phân tích tài chính, nguyên nhân chỉ có hai chữ “tiền rẻ”. Lãi suất quá thấp là nguyên nhân chính đẩy giá đủ loại tài sản, bao gồm bất động sản và cổ phiếu. Ở Việt Nam, lãi suất cũng bị giảm thấp như ở nhiều nước, do đó nhiều người đã rút tiền tiết kiệm để mua cổ phiếu. Ngoài ra, còn một lượng lớn nhà đầu tư chuyển vốn từ bất động sản vào chứng khoán, đẩy giá cổ phiếu càng tăng mạnh.

Hàng chục triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực, giảm thu nhập, thất nghiệp, trong khi hàng trăm ngàn người kiếm được nhiều tiền chỉ nhờ “tiền rẻ”, lãi suất thấp qua hoạt động đầu cơ tài sản tài chính, cụ thể là cổ phiếu. Dịch Covid-19 sẽ khiến khoảng cách giàu nghèo càng lớn thêm. Tiền mà chính quyền tưởng là đi vào hỗ trợ nền kinh tế thật ra chạy lòng vòng trong hệ thống tài chính, và chỉ làm giàu cho một số ít người… ông Tuấn bày tỏ quan điểm. 

Ngọc An

Tin khác

Việc Mỹ tịch thu tài sản của Nga sẽ đẩy nhanh quá trình phi đôla hóa

Việc Mỹ tịch thu tài sản của Nga sẽ đẩy nhanh quá trình phi đôla hóa

(CLO) Bloomberg đưa tin, dẫn lời một cựu quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc "vũ khí hóa" đồng đô la Mỹ thông qua việc tịch thu các tài sản bị đóng băng của Nga có thể thúc đẩy toàn cầu xa lánh đồng bạc xanh.

Thị trường - Doanh nghiệp
Ấn Độ nhập thêm dầu của Nga sau thời gian ngưng trệ

Ấn Độ nhập thêm dầu của Nga sau thời gian ngưng trệ

(CLO) Một con tàu do hãng vận tải khổng lồ Sovcomflot (SCF) của Nga bị Mỹ trừng phạt đã xả dầu nhiên liệu tại một cảng phía tây Ấn Độ vào thứ Sáu (26/4), Reuters đưa tin.

Thị trường - Doanh nghiệp
Công ty Trung Quốc đua nhau đầu tư nước ngoài nhiều nhất 8 năm qua

Công ty Trung Quốc đua nhau đầu tư nước ngoài nhiều nhất 8 năm qua

(CLO) Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đang hướng tới mức cao nhất trong 8 năm khi các công ty thống trị của nước này xây dựng thêm nhiều nhà máy ở nước ngoài, một sự thay đổi có thể làm dịu đi những chỉ trích về nỗ lực xuất khẩu của Bắc Kinh.

Thị trường - Doanh nghiệp
Tại sao thanh niên Hàn Quốc ngày càng khó xin việc?

Tại sao thanh niên Hàn Quốc ngày càng khó xin việc?

(CLO) Tâm lý ngại làm việc ở công ty nhỏ, nhiều doanh nghiệp không tuyển thêm nhân sự, đòi hỏi trình độ cao, nhiều kinh nghiệm là những lý do chính khiến tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Hàn Quốc tăng cao.

Thị trường - Doanh nghiệp
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Hà Lan mong muốn hợp tác, làm ăn lâu dài với các tổ chức, doanh nghiệp của Thái Bình

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Hà Lan mong muốn hợp tác, làm ăn lâu dài với các tổ chức, doanh nghiệp của Thái Bình

(CLO) Tiếp tục chương trình công tác tại Hà Lan, Đoàn công tác của tỉnh Thái Bình phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, Trung tâm Thương mại Thế giới Leeuwarden tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư - thương mại vào tỉnh Thái Bình tại thành phố Leeuwarden, tỉnh Friesland. Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan Ngô Hướng Nam chủ trì hội nghị.

Thị trường - Doanh nghiệp