Vũ Đình Quý với “Nửa vòng trái đất”(*)

Thứ năm, 21/10/2021 10:05 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Vũ Đình Quý là nhà báo có “thương hiệu” khá đậm với chính giới. Tốt nghiệp Đại học Báo chí khóa I (1969 - 1973), anh nhập nghề tại cơ quan (CP90) bí danh của Đài Phát thanh Giải phóng (Cơ quan ngôn luận của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam) tại Hà Nội.

Thống nhất đất nước, anh là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam tại TP.HCM. Mười năm gần đây anh là Trưởng văn phòng đại diện Báo Hà Nội Mới, ở phía nam Tổ quốc.

Suốt cuộc đời làm báo, Vũ Đình Quý là phóng viên thường trú. Từ phóng viên thường trú Đài phát thanh Giải phóng tại Thủ đô Hà Nội đến phóng viên thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Hà Nội mới, Truyền hình Công Thương, tại các tỉnh phía Nam. Gần 40 năm làm báo, anh luôn đắm mình với các sự kiện của thành phố mang tên Bác và các tỉnh miền Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và miền Trung.

Vì thế mà sách anh viết ra do các NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, Thông tấn, Thanh niên, Hội Nhà văn ở phía Nam ấn hành đều thấm đẫm chất nghề và màu sắc phương Nam, như: Phóng viên thường trú; Nơi đây vượng khí linh thiêng; Ngọn gió hoang; Kỳ lạ những chuyến đi; Bến Nghé, Bến Thành, xưa và nay...

vu dinh quy voi nua vong trai dat hinh 1

Không chỉ thế, Vũ Đình Quý còn lưu dấu đậm trong lòng công chúng chuộng thể thao, ấy là “Cây vợt bóng bàn cao hạng”. Anh tham gia hết thảy các kỳ tranh Giải do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức và luôn đoạt Giải cao. Thế cho nên, khi nhắc tên, bạn bè thường đính với thương hiệu: Vũ Đình Quý bóng bàn; Vũ Đình Quý Đài Tiếng nói; Vũ Đình Quý - Xuân Mai (Xuân Mai là tên vợ anh, cán bộ Tổng Cục 5 Bộ Công an), họ là cặp đôi hoàn hảo, một gia đình viên mãn!...

Chẳng mấy ai nghĩ Vũ Đình Quý “làm thơ”! Ấy vậy mà anh vừa trình làng hẳn một tập thơ do NXB HNV ấn hành, với cái tên không vừa: “Nửa vòng trái đất”! Chạnh lòng, tôi nhớ đến câu thơ mai mỉa của cụ Xuân Thủy từ thời xửa thời xưa: “Này này đế quốc biết hay chăng/ Ngươi đã già nua, ta trẻ măng/ Trái đất ngươi ôm, ôm chẳng nổi/ Trời kia ta với cả cung trăng”. Nay, “Nửa vòng trái đất” Vũ Đình Quý định chiêu trò gì qua thơ? Sẽ gia giọng dạy dỗ, chỉ bảo, định hướng gì đây?... Cho nên bẵng đi lâu lâu tôi mới rờ đến “Nửa vòng trái đất”.

Lời khiêm nhường của tác giả: “Làm thơ không khó. Nhưng khó thơ hay” khiến tôi tự căn chỉnh lại cách nhìn sặc tính đa nghi, mặc cảm. Mặc cảm cũng vì lẽ chưa bao giờ như thời nay, cả nước yêu thơ, cả nước làm thơ, thơ tập ùn ùn ra lò; quanh đi ngoảnh lại vẫn chỉ để tác giả đọc, tác giả lưu giữ, đến nỗi nhà thơ Bùi Hoàng Tám vui, chua chát post lên Facebook mong Hội nghề lập tổ chức “Cai nghiện thơ” càng sớm càng tốt!...

Nâng trên tay “Nửa vòng trái đất” - tập thơ bình dị, đọc và tôi bị hút ngay từ lời tự bạch “Cùng bạn đọc” lạ lẫm khác người với những số đo khủng chiều dài không gian cùng với thời gian ngang dọc trái đất; sau 20 giờ bay Vũ Đình Quý đã chạm tay vào cột mốc Km số 0 (nửa vòng trái đất) dựng ngay trước cửa Nhà Trắng (nước Mỹ), và rồi thi hứng bừng lên: “Nửa vòng trái đất đâu có xa/ Cứ đi là đến trải lòng ta”... 130 trang, với 134 bài thơ, không kể lời tự bạch, nghĩa là các bài thơ rất ngắn chỉ 1 trang hoặc nửa trang, nhưng lại rất đa thể, tác giả sử dụng để biểu lộ cảm hứng trong từng bối cảnh, phong cảnh tận mắt thấy, tận lòng chiêm nghiệm...

Nét chủ đạo trong “Nửa vòng trái đất” là trữ tình phong cảnh. Tác giả phân ra đôi phần để người đọc dễ cảm, dễ nhận. Nói về phong cảnh đất nước thân yêu của mình thì đặt tiêu đề “Cội nguồn”; về xứ người thì “Không xa”, vì rằng “Cứ đi là đến trải lòng ta”. Cho dù 134 bài thơ xếp đặt với hai tiêu đề như trên, thì vẫn một lối thi hứng phong tình của Vũ Đình Quý về cảnh quan đất nước, cảnh quan nơi xứ người ở các châu lục mà nhà thơ đặt chân tới để chiêm nghiệm, hà hít hương thơm, thưởng ngoạn cảnh sắc thiên tạo và nhân tạo di tích, di sản văn hóa thiên nhiên; cảnh sắc huyền diệu của núi non, làng mạc, xóm thôn, bãi bờ, sông nước; của thủ đô, phố phường hoa lệ nao nao thắm thiết tình đời...

Cái hay của “Nửa vòng trái đất” là lời lẽ, ngôn từ không hàm ý chỉ bảo, dạy dỗ người đọc quen gọi là tính tư tưởng của thơ, mà tác giả trực diện bày tỏ cảm xúc qua cách thể hiện, cấu trúc ngôn từ, nhịp điệu khiến cho thơ có thần thái lay động trái tim người đọc. Cho dù tên bài có tính chính luận (Cột cờ quốc gia) thì cảm xúc từ tác giả truyền đến người đọc vẫn là niềm kiêu hãnh về cột cờ Lũng Cú nơi địa đầu biên cương Tổ quốc: “Quốc kỳ trên đỉnh núi cao/ Tung bay trong gió nao nao lòng người/ Lũng Cú một dải biên cương/ Rừng xanh ôm bản con đường lên non”.

Thần thái ấy, cảm xúc ấy, tư tưởng ấy ẩn chứa trong thi hứng thuật, vịnh, tả ngôn từ mềm mại khiến câu thơ trở nên đẹp, có linh hồn ẩn sâu khiến người đọc tôn thiêng: “Bên Khuê Văn Các, tháp Hòa Phong/ Cổ kính, trầm mặc trên phố đông/ Lung linh mặt nước xanh gợn sóng/ Vang vọng hồn thiêng với núi sông” (Hồn thiêng sông núi). Là suy tư giàu cảm xúc ẩn giấu trong ngôn từ, hình tượng thiêng liêng muôn thuở của Thăng Long văn hiến: “Trải qua sương phủ gió lay/ Tam quan cổ kính phủ đầy rêu phong/ Vọng lâu sừng sững Cửa Đông/ Sáng soi muôn thuở Thăng Long, đất, trời” (Long Thành).

Là: “Nước Mỹ có thần Tự Do/ Hải đăng soi sáng bước quanh co/Kỳ quan thế giới nơi cửa biển/ Lấp lánh bình minh, lớp sóng xô” (Hoa Kỳ: Nửa vòng trái đất). Là (Nước Nga: Tâm hồn thơ): “Bạch dương, giai điệu tâm hồn Nga/ Nhân hậu, thủy chung ở phương xa/ Mênh mông kì vĩ quảng trường Đỏ/ Ấm áp, yên bình, bản tình ca”. Là nước Nhật “Nước Nhật lênh đênh giữa đại dương/ Gió bão quanh năm cũng lẽ thường/ Mênh mang sóng nước vây quanh đảo/ Mà sao sức sống thật can trường” (Nhật Bản: Phú Sĩ núi thánh).

Hơn trăm bài thơ vận cảnh, thi hứng phong tình muôn vẻ khác nhau là cách cảm, cách nhận trực diện, là sự lay động của con tim Vũ Đình Quý truyền đến cho người đọc cái hay, cái đẹp, để sống, để yêu. Nhiều bài kết cấu hay, khéo vận nhịp khiến cho ngôn từ thơ có trọng lực, giàu biểu tượng như một nét rất riêng trong thơ Vũ Đình Quý, như các bài: “Đặc sản phố cổ”; “Nhớ”... Nhịp thơ 2 - 3, 3 -2 trong bài Tam Đảo:“Tam Đảo/ ba núi cao/ Mây trời buông/ xôn xao/Gió rì rào/thỏ thẻ...”; “Sa Pa củ cải đỏ/ Tam Đảo, đọt su su//Cá kho giềng phố cổ/ Nhớ Hà Nội mùa thu...” (Nhớ).

Nhiều câu thơ phong tình, lãng mạn, ngôn từ tinh luyện “Đồi Thi nhân gió dăng hàng/ Thơ Hàn Mạc Tử bay ngang lưng trời” (Đi tìm trăng); hoặc là: “Dang tay ôm cả rừng cây/ Hái hoa hái cả dải mây ngang trời” (Cầu vàng, cầu vồng); Và: “Đi biển ai thấy cũng ham/ Cưỡi trên đầu sóng nghênh ngang giữa trời” (Mũi Né); Nào là: “Đong đưa, vò rượu say lả lướt/ Xuống núi chông chênh, chân quấn mây” (Đà Lạt)...

vu dinh quy voi nua vong trai dat hinh 2

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Uyển cùng nhà báo, nhà thơ Vũ Đình Quý.

Tuổi cao, Vũ Đình Quý mới có dịp đi theo ý mình. Tuổi cao, anh mới có dịp gọi chữ, gọt câu để thổ lộ lòng mình bằng thơ qua những chuyến đi để tưng bừng vui với tuổi già, khi công việc góp sức lớn với xã hội dần khép lại... Thì vui là một lẽ thường tình. Vui có thể là thơ. Mà thơ thì Vũ Đình Quý thích nhất cái vần Ơ: “Làm thơ tôi thích nhất vần ơ/ Thơ thẩn, thẩn thơ cứ lơ mơ/ Thành thật làm thơ nhưng chẳng nhớ/ Ra vào cứ ngẩn với ngu ngơ” (Vần ơ); “Làm thơ không khó, khó thơ hay/ Ai muốn làm thơ phải mê say/ Ra đứng vào ngồi tìm con chữ/ Nẩy được ý hay, thật là may” (Làm thơ không khó).

Là cái sự sung mãn của tuổi già, rằng: “Đâu phải tuổi cao cứ ở nhà/ Vẫn còn đi được, cứ đi xa/ Bao giờ chân mỏi, ngồi thư giãn/ Khỏe lại, dang tay với phong ba” (Cao tuổi). “Hãy đi cho biết tỏ tường/Đi một ngày đường, đã sướng lại vui/ Đi nhiều để đến muôn nơi/Có đi mới thấy cuộc đời đẹp sao/ Cứ đi cho thỏa khát khao/Núi cao, biển rộng, năm Châu một nhà” (Đi).

Tác giả thơ đã đi. Đi “Nửa vòng trái đất”. Ngẫm thế mà mơ. Trân trọng Vũ Đình Quý đã ươm nhân trong lòng chúng ta những trang thơ, những câu thơ đa tình non nước, mây trời, thắm nghĩa tình người nơi hành tinh ta ở. Xin chúc mừng anh!

Hà Nội, ngày chớm đông - 2021

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Uyển

(*) Tập thơ do NXB HNV ấn hành, quý III-2021

 

Bình Luận

Tin khác

Du khách thích thú khám phá 'thủy cung không nước' tại Hà Nội

Du khách thích thú khám phá 'thủy cung không nước' tại Hà Nội

(CLO) Thủy cung không nước - Waterless Aquarium (Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông, Hà Nội) ứng dụng công nghệ để mô phỏng sinh vật biển, mang đến cho du khách trải nghiệm thú vị về một thế giới đại dương đầy màu sắc.

Đời sống văn hóa
Thừa Thiên Huế: 4 ngày nghỉ lễ tổng doanh thu ngành du lịch ước đạt 170 tỷ đồng

Thừa Thiên Huế: 4 ngày nghỉ lễ tổng doanh thu ngành du lịch ước đạt 170 tỷ đồng

(CLO) Thừa Thiên Huế đón khoảng 110.000 khách du lịch đến địa phương, tổng lượng khách đã đặt phòng lưu trú ước đạt 58.000 lượt (trong đó có khoảng 43.000 khách nội địa và 15.000 khách quốc tế), tổng doanh thu ước đạt 170 tỷ đồng.

Đời sống văn hóa
Đặc sắc lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui của người Jrai

Đặc sắc lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui của người Jrai

(CLO) Nghi lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui diễn ra trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang, được phục dựng nguyên bản theo phong tục của người Jrai bản địa.

Đời sống văn hóa
A Huynh và hành trình chế tác cây đàn đá của người Ja Rai

A Huynh và hành trình chế tác cây đàn đá của người Ja Rai

(NB&CL) Dù không trải qua một trường lớp âm nhạc nào nhưng bằng tài năng thiên bẩm cùng với niềm đam mê cháy bỏng về các loại nhạc cụ cổ xưa của người Ja Rai, Nghệ nhân Ưu tú A Huynh ở Kon Tum đã kiên trì mày mò, tự nghiên cứu và chế tác thành công đàn đá, loại cụ kỳ lạ nhất của người Tây Nguyên, cũng là thứ nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người.

Đời sống văn hóa
Du khách hào hứng trải nghiệm không gian phố đi bộ Tam Đảo

Du khách hào hứng trải nghiệm không gian phố đi bộ Tam Đảo

(CLO) Hàng nghìn khách du lịch hòa mình vào không gian phố đi bộ đầu tiên ở thị trấn Tam Đảo, tham dự các chương trình vui chơi giải trí, thưởng thức âm nhạc và ẩm thực đường phố...

Đời sống văn hóa