(NB&CL) Chỉ có khoảng 12-15 phóng viên, vlogger đến từ Việt Nam, nhận được thẻ tác nghiệp trực tiếp của FIFA ở VCK World Cup 2022 tại Qatar. Trong số đó có Hoàng Trí Công - một phóng viên còn khá trẻ nhưng đã là cây bút được đánh giá cao của Tạp chí Bóng đá (Báo Bóng đá trước đây).
Lần đầu tiên kinh qua một giải đấu tầm cỡ của thế giới, Hoàng Trí Công đã nhớ lại hành trình tác nghiệp mà anh cho là “để đời” với Báo Nhà báo & Công luận.
Hào hứng và lo sợ
Tôi nhận được quyết định sang Qatar tác nghiệp World Cup 2022 từ BBT Tạp chí Bóng đá vào thời điểm tháng 6/2022, tức là trước khi World Cup 2022 diễn ra nửa năm về trước. Đó là một cơ hội mà có nằm mơ xuyên suốt 12 năm làm nghề trước đó, tôi cũng không thể hình dung nổi. Khoảng không gian tác nghiệp ngót cả chục năm trời với tôi là những ngày tháng rong ruổi ở Việt Nam hay rộng hơn là Đông Nam Á.
Cuốn hộ chiếu được làm lại từ năm 2019 của tôi cũng chỉ là những con dấu đến từ Lào, Campuchia, Indonesia, Singapore hay Thái Lan. Vậy nên, khi đứng trước cơ hội tới Qatar, một quốc gia nằm ngoài ranh giới Đông Nam Á và lại là World Cup - giải đấu lớn hơn rất nhiều so với SEA Games, AFF Cup hay V.League, tôi vừa hào hứng lại lo sợ.
Hào hứng bởi cả Việt Nam, giới phóng viên được cấp thẻ tác nghiệp từ FIFA chỉ đếm trên đầu ngón tay. Việc được tác nghiệp tại World Cup là vinh dự, là đỉnh cao và là niềm tự hào của nghề phóng viên thể thao. Nhưng tôi cũng lo sợ. Văn hóa ở Qatar đương nhiên khác xa so với tại Đông Nam Á. Hơn thế nữa, những quy định đến từ một giải đấu tầm cỡ thế giới đương nhiên khắt khe và chặt chẽ hơn nhiều so với tầm khu vực.
Và tôi thừa nhận về một nỗi hoang mang, xoay quanh câu hỏi thường trực luôn hiện diện trong đầu: Tôi sẽ làm được gì ở World Cup? Nỗi niềm ấy đã kéo theo tôi cả nửa năm trời, khi tôi quyết định mạo hiểm và đồng ý trước lời đề nghị từ phía BBT Tạp chí Bóng đá.
Trong suốt nửa năm ấy, tôi từng chùn chân trước một số biến cố. Việc làm giấy tờ sang Qatar thay đổi chóng mặt khiến tôi lo lắng về việc nhập cảnh quốc gia này. Và quả thực, khi rời khỏi sân bay quốc tế Hamad tại Doha, tôi mới thở phào nhẹ nhõm, như trút đi một gánh nặng đã bám riết lấy mình tới căng thẳng tột cùng trong giai đoạn sát World Cup.
Một sự cố lớn xảy ra trong hành trình tác nghiệp tại Qatar khi người bạn đồng hành tại Tạp chí Bóng đá là nhà báo Trần Thành đã không thể cùng tôi sang Qatar vì lý do cá nhân. Với tôi, anh ấy không chỉ là một chuyên gia bóng đá quốc tế, mà còn là một “máy dịch”. Vốn tiếng Anh quá tốt của anh ấy không chỉ xử lý trôi chảy câu chuyện sinh hoạt tại Qatar mà còn hứa hẹn sẽ có những bài phỏng vấn với những nhân vật đình đám, như cách chúng tôi hình dung ra ban đầu với Santi Cazorla, Xavi hay Arsene Wenger.
Vậy nên, tôi không chỉ buồn mà có phần lo lắng. Liệu mình có thể đơn thương độc mã ở nơi xứ người? Liệu mình có thể tạo nên một cú hích lớn ở World Cup? Nhiều phóng viên nội ở một số tờ báo khác cũng chia sẻ thật lòng rằng: Họ cũng không thể quá kỳ vọng vào những phóng viên quốc tế sang World Cup. Bởi đó là một giải đấu quá lớn đủ sức khiến cho những phóng viên ít kinh nghiệm “trận mạc” có thể bị ngợp.
Câu chuyện các phóng viên tới World Cup nhưng không tạo được dấu ấn cũng đã xảy ra nhiều kỳ trước đó. Phải thừa nhận, càng sát đến ngày tới Qatar, nỗi lo trong tôi lại càng lớn dần. Đấy là chưa kể chi phi đặt phòng, đi lại, ăn ở cũng ngốn tới cả trăm triệu đồng. “Nếu mình làm chẳng ra gì thì thật xấu hổ với tòa soạn”, tôi thở dài khi nghĩ đến viễn cảnh thất bại ấy.
Tự tin mà chiến đấu
Sau cùng thì cũng đến ngày lên đường. Tất cả hành trang từ lương thực, đồ nghề đến những kinh nghiệm từng tác nghiệp ở SEA Games, AFF Cup, vòng loại World Cup… được tôi mang sang Qatar. Trận chiến World Cup với tôi khi ấy như một canh bạc mà phần thua hiện diện ở trước mắt. “Thôi thì cứ tự tin mà đi lên. Mình cũng chẳng thể ngoảnh về phía sau được nữa”, tôi hít một hơi dài, chia tay gia đình và đến sân bay.
Sau gần 1 ngày di chuyển từ Hà Nội, Manila (Philippines) rồi tới Doha (Qatar), tôi cũng bước đầu trút bỏ 1 gánh nặng liên quan đến thủ tục nhập cảnh. Điều đó khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Bước ngay ra cổng sân bay, tôi lập tức ghi lại những gì mình chứng kiến ở Qatar. Từ không gian được trang trí đúng chất World Cup, một bức tượng chừng 2m được đặt ở vị trí sang trọng của sân bay, người hâm mộ đến từ nhiều nước khác nhau trên thế giới… Mọi thứ đều được tôi quay lại, chụp hình bằng chiếc điện thoại, trước khi tự mình dẫn một đúp trôi chảy về khoảnh khắc đầu tiên đến Qatar.
Sự tự tin trong tôi lớn lên kể từ đó. Tôi gặp đội ngũ trong Ban huấn luyện Costa Rica. Và cũng như khi tiếp xúc với Thái Lan hay Malaysia, Indonesia tại AFF Cup 2022, bản năng nghề nghiệp với tôi cũng tự động diễn ra, tôi cầm điện thoại ghi video, dùng máy ảnh để chụp hình. Những câu hỏi được tôi đặt ra liên tiếp với những tình nguyện viên đón đoàn Costa Rica khi ấy.
Mọi chuyện diễn ra một cách tuần tự, như những gì tôi đã được trui rèn khi vẫn còn ở “đấu trường” Đông Nam Á. Anh phóng viên trong nước đã bắt đầu ở Qatar với những điều quen thuộc trong hoạt động tác nghiệp. Hay trong suy nghĩ của tôi, World Cup không quá ngợp với một phóng viên thực địa như tôi.
Điều may mắn và có lẽ cũng đã nằm trong dự liệu kế hoạch trước đó khi từ Việt Nam sang Qatar diễn ra sau đó. Tôi ở cùng 2 vlogger người Việt Nam vốn khá thân thiết với mình. Cũng nhờ vậy, tôi giảm thiểu được sự xa lạ, cái lo lắng về cách biệt văn hóa, ngôn ngữ trong không gian sinh sống của mình.
Các anh Vũ Mạnh Tuyền (Vlogger “Tuyền Văn Hóa”) và Nguyễn Ngọc Phát (“Phù thủy” bóng đá nghệ thuật) cũng đã đến Qatar trước tôi 10 ngày. Vì thế, tôi có thể hỏi han họ về đường đi lối lại, phương tiện di chuyển hay con người, văn hóa tại Qatar. Đó là cách để tôi không mất thời gian làm quen trong nhiệm vụ bắt nhịp Qatar khi đó.
Ngay ngày hôm sau, tôi đã bắt đầu hành trình lấy thẻ tác nghiệp và tham gia một buổi tập của đội tuyển Anh. Tất nhiên, đó cũng là khởi đầu trong chuỗi đi bộ cả chục cây số/ngày. Ban đầu, do không quen đi lại nhiều như vậy, bắp đùi tôi cứng lại. Lòng bàn chân tôi rộp nước. Đôi lúc, tôi bị chuột rút hoặc trẹo chân, không thể bám nổi hành trình cùng anh Tuyền và anh Phát đến những ga tàu hay điểm sân tập.
Cái nắng mùa đông ở Qatar nhưng oi ả chẳng khác ở Việt Nam vào giai đoạn cuối hè cũng khiến tôi mất sức tương đối nhiều. Tôi thừa nhận rằng mình đã có lúc nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, khi việc lấy thẻ tác nghiệp FIFA quá xa và quá nhiều ngóc ngánh. Nhưng nghĩ đến sự kỳ vọng xen lẫn cả áp lực từ tòa soạn, nghĩ về những gạch đầu dòng rằng mình sẽ đến cận cảnh đội tuyển Anh, Bồ Đào Nha, Argentina, tôi lại dặn lòng phải cố gắng hơn nữa.
Cảm giác phấn khích khi làm được một điều gì đó luôn rất khó tả. Sau khi có được tấm thẻ FIFA trên tay, tôi lập tức đặt chiếc uber hướng thẳng về Al Wakra, đại bản doanh của đội tuyển Anh tập luyện. Vượt qua 2 lớp an ninh, tôi tiến vào nơi tập luyện mà trước đây chưa bao giờ thấy. Nước chủ nhà Qatar quá khéo léo khi sắp xếp một trung tâm đúng chất người Anh, với biểu tượng Tam sư hiện diện ở khắp nơi, từ cửa an ninh cho đến sân tập.
Tôi đến sớm chừng 1 tiếng. Khoảng thời gian ấy là đủ để tôi cạnh tranh được một vị trí đẹp với những đài truyền hình tầm cỡ như BBC, AP, AFP, Sky Sports. Họ đều có ê-kíp tác nghiệp hùng hậu, từ một người chuyên dẫn, một người chuyên làm mạng xã hội cùng quay phim, phóng viên ảnh hiện diện nhiều chỗ. Còn với tôi, tất cả những thiết bị từ chụp hình, quay video, làm mạng hội… đều được treo trên cổ.
Nhưng tôi đã quen với việc phải làm tất cả mọi chuyện như thế trong những đợt tác nghiệp ở Việt Nam. Ngon lành! Đó là cách mà tôi tự tin thốt ra sau 15 phút tập luyện của đội tuyển Anh. Hình ảnh Harry Maguire, Harry Kane cùng toàn đội đã ở trong máy ảnh.
Những video của đội tuyển Anh cũng đã “ngoan ngoãn” trong máy quay. Tư liệu và thông tin buổi tập cũng đã được tôi ghi lại. Chất liệu ấy đủ để tôi làm rất nhiều thứ với các nền tảng khác nhau. Để rồi ở trong khu báo chí, một lời khen của phóng viên BBC, về sự đa năng, độc lập tác chiến khiến sự tự tin trong bản thân tôi tăng lên gấp bội.
Ronaldo, Neymar và lần săn hụt Messi, Modric
Đây là một kỳ World Cup được xem là cuối cùng của nhiều ngôi sao. Hay chí ít là giới truyền thông đánh giá như vậy, với những cầu thủ đã 36-37 tuổi như Modric, Messi hay Ronaldo. Đương nhiên, tôi cũng muốn tận mục sở thị họ ngoài đời, hay đưa họ vào những tác phẩm báo chí của bản thân.
Tôi đã hụt Messi trong ngày tác nghiệp thứ 2 của mình. Bất chấp việc phải rất vất vả mới vào được bên trong khu vực tập luyện của đội tuyển Argentina, nhưng cũng như tâm trạng của bao phóng viên khác, tôi hụt hẫng khi Messi không xuất hiện trong 15 phút đầu tiên của buổi tập luyện.
Đang chán nản vì không thể tác nghiệp và chứng kiến Messi, tôi lại nhận được thông báo rằng Ronaldo sẽ tập với Bồ Đào Nha ở ngày tác nghiệp thứ 3 của tôi tại Qatar. Thời điểm nhận thông báo là vào lúc 9h15 phút (theo giờ Qatar). Trong khi buổi tập của Bồ Đào Nha sẽ bắt đầu vào lúc 10h00 tại Trung tâm thể thao Shaniya, cách khách sạn tôi ở tới gần 30km. Tôi vội vàng gấp máy, tất bật thu xếp thiết bị và gọi nhanh một chiếc xe taxi đến đón mình. Chi phí di chuyển mà tài xế thông báo lên tới hơn… 3 triệu đồng. Nhưng khi ấy, điều ấy có còn ý nghĩa, khi viễn cảnh được nhìn thấy Cristiano Ronaldo bằng xương bằng thịt đã ở ngay trước mắt tôi.
“Cristiano Ronaldo đang di chuyển. Anh thực hiện một cú ta lông khéo léo. Ronaldo đang nói chuyện với Bruno Fernandes khá thân mật. Ronaldo vừa có những trao đổi với các đồng đội xoay quanh việc di chuyển vào khoảng trống ở đường biên...” - tôi cứ miên man với những đoạn tường thuật về buổi tập của ĐT Bồ Đào Nha trong tâm trạng phấn khích như thế. Bởi thật không thể tin được, Ronaldo đang ở rất gần tôi, có lẽ chỉ khoảng 30m. Anh ấy hiện diện ngay trước mắt tôi với phong thái ngạo nghễ, tự tin – những hình ảnh mà trước đây tôi vốn dĩ chỉ có thể theo dõi trên truyền hình.
Rồi câu chuyện gặp Van Gaal cũng là một kỷ niệm đáng nhớ. Tôi bất ngờ “va vào ánh mắt” của Van Gaal trong một buổi tập mà Hà Lan rèn quân trước trận đấu với Mỹ. “Anh nhìn trông lạ quá, đây chắc là lần đầu anh xuất hiện ở một buổi tập của chúng tôi”, Van Gaal nhìn tôi với sự hoài nghi. Hít thật sâu sau một khoảnh khắc có phần run run khi được một HLV nổi tiếng dành sự quan tâm, dù phần nào nghiêng về sự dò xét, tôi đáp lại với một sự tự hào: “Vâng, tôi là phóng viên đến từ Việt Nam”.
“Ồ, Việt Nam”, Van Gaal bất ngờ. Ông nở một nụ cười thân thiện: “Chào mừng anh đến với đội tuyển Hà Lan. Hy vọng anh đã có nhiều bức ảnh đẹp với chiếc máy của mình”. Trước sự cởi mở và hoà nhã hơn đến từ vị HLV mà tôi vẫn có định kiến trước đó là khó tính, sự tự tin trong bản thân dâng lên.
Tôi mạnh dạn đưa ra đề nghị: “Cảm ơn. Ông có thể cho tôi xin chữ ký vào chiếc mũ với lá cờ Hà Lan này được chứ”. “Tất nhiên rồi”, Van Gaal đáp lại. “Hãy cho tôi biết tên của anh. Đánh vần từng chữ nhé. Tôi cũng có tuổi rồi nên cũng không thể nhớ được hết ký tự đâu”.
Van Gaal sau đó tỉ mỉ viết tên của tôi cùng chữ ký một cách cẩn thận lên chiếc mũ bằng bút dạ. Ông nở một nụ cười thân thiện và tiếp tục dành một lời xã giao nhưng lịch thiệp. Thực sự, có nằm mơ tôi cũng không nghĩ một HLV kỳ cựu từng chinh chiến nhiều năm và đạt được nhiều danh hiệu ở cấp độ châu Âu lẫn thế giới như Van Gaal lại có một thái độ niềm nở như vậy. Bản thân giới truyền thông Hà Lan cũng khá bất ngờ và lập tức quay lại khoảnh khắc ấy. Tôi lên báo Hà Lan nói riêng và châu Âu sau đó. Video mà tôi được trò chuyện và được Van Gaal ký tặng cũng hiện diện trên nhiều trang điện tử nổi tiếng của lục địa già.
Nhưng tôi cũng vuột mất Luka Modric. Đó là cầu thủ mà tôi đã lên kế hoạch tìm gặp và phỏng vấn từ khi còn ở Việt Nam. Tôi đã liên hệ với những người bạn ở Croatia, thậm chí là kết nối với mẹ và vợ của Modric. Điều đó đủ khiến tôi có niềm tin rằng mình sẽ làm được một điều gì đó ở Qatar. Một cuộc phỏng vấn với Modric cũng đủ xem là để đời với một phóng viên từ Việt Nam như tôi.
Nhưng mọi thứ đã không diễn ra như mong đợi. Croatia vào rất sâu ở World Cup 2022. Và Modric, ở World Cup có lẽ là cuối cùng trong cuộc đời, anh đã tập trung cao độ và khước từ mọi đề nghị của báo chí quốc tế, dù cho đó có thể là tờ báo sẵn sàng trả cho anh cả núi tiền để xuất hiện trên truyền hình. Tôi thất bại. Đó là một nỗi buồn trong nghề của bản thân.
Nhưng may mắn thay, tôi lại tình cờ có những cuộc nói chuyện ngắn với Diego Forlan, Akira Nishino, Paulo Bento, Juergen Klinsmann hay Park Ji Sung. Thông qua sự hỗ trợ về mặt ngôn ngữ trực tuyến của “người đồng hành” Trần Thành từ Việt Nam, chúng tôi đã có thêm những bài phỏng vấn chất lượng. Như nhiều đồng nghiệp ở các tờ báo khác nhau ở Việt Nam chia sẻ, những bài phỏng vấn ấy đủ sức nặng để chuyến đi tác nghiệp của tôi tại Qatar thành công và đặc biệt.
“Một bài phỏng vấn rất hay”, BLV Vũ Quang Huy - người có kinh nghiệm 20 năm làm nghề dành lời khen khiến tôi rơm rớm nước mắt. “Bài viết đạt đến đẳng cấp quốc tế”, những phóng viên giỏi và thậm chí đã đọc báo nước ngoài lâu năm cũng rôm rả bình luận theo hướng tích cực làm tôi và Trần Thành cảm thấy hãnh diện và tự hào. Tôi vui vì những hoài bão trước khi rời Việt Nam đã phần nào được công chúng và những người trong nghề đánh giá cao. Và tôi cũng trút bỏ đi áp lực trước khi lên đường, xoay quanh nỗi niềm đau đáu tìm kiếm những đề tài đủ tạo ra được đấu ấn ở Qatar.
Bài học từ Qatar
World Cup 2022 là trải nghiệm quý giá và tuyệt vời nhất trong vòng 12 năm làm nghề của bản thân mình. Ở một kỳ World Cup cuối cùng của nhiều siêu sao, tôi đã có lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến, ghi chép, quay hình Ronaldo, Modric, Giroud và đặc biệt là Lionel Messi.
Tôi được hỏi những phóng viên có trình độ cao từ The Times, Athletic, BBC hay có dịp được trao đổi nghiệp vụ với những hãng thông tấn lớn. Tôi gặp gỡ thêm những người bạn mới, được học hỏi thêm về kinh nghiệm trên các nền tảng khác nhau.
Thực sự, tôi không chắc sẽ có một cơ hội vàng như thế nữa trong tương lai hay không. Nhưng tôi tin mình đã làm tất cả những gì có thể để không phí hoài một cơ hội lớn. World Cup 2022 cũng dẫn tôi đến một hướng đi, hay chính xác là tham vọng. Nhìn từ góc độ nghiệp vụ của các đồng nghiệp quốc tế, tôi hiểu rằng mình còn phải trau dồi hơn về mặt kỹ năng nhưng nghiệp vụ đến cả… khả năng sinh tồn!
(NB&CL) “Báo chí thế giới giờ cũng đi theo xu hướng báo chí xây dựng, báo chí giải pháp, chứ không chạy theo câu khẩu hiệu “ở nơi nào có máu chảy là ở đó có tin” để sản xuất ra những thông tin giật gân như trước” - Đó là nhấn mạnh của Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trong cuộc trò chuyện cùng Báo Nhà báo và Công luận trước thềm Diễn đàn Tổng Biên tập 2024 “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?” (diễn ra ngày 21/9 tới tại Bình Thuận).
(CLO) Chiều 17/9, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn tổ chức buổi họp kỹ thuật và bốc thăm chia bảng Giải bóng đá “Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp” lần VI – năm 2024.
(CLO) Ngày 17/9, Báo Thanh Niên và EVNHCMC đồng tổ chức Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2: 'Những chuyện hay tôi kể...'
(CLO) Tạp chí Tình thương & Cuộc sống (Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam) vừa phối hợp với Công đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương; Huyện ủy, UBND, Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Mỹ Đức tổ chức chương trình “Trao gửi yêu thương - Trung thu ấm tình” cho 300 em nhỏ là trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn huyện.
(CLO) Chiều 16/9, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Hệ thống báo Đảng với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”.