Xác định hướng đi đúng cho du lịch tỉnh Thanh Hoá

Thứ hai, 04/12/2023 08:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Sự kiện: tỉnh Thanh Hóa

Sẵn có các điều kiện

Thanh Hóa có vị trí chiến lược quan trọng, đóng vai trò kết nối vùng đồng bằng Sông Hồng, Tây Bắc với Bắc Trung Bộ; có hệ thống giao thông với hệ thống đường bộ, đường sắt Bắc - Nam đi qua; có cửa khẩu quốc tế, cảng biển, cảng hàng không quốc tế. Thanh Hóa là địa phương hội tụ nhiều yếu tố tiềm năng phát triển du lịch, cụ thể sở hữu 120km bờ biển với những bãi tắm nổi tiếng như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hoà...

xac dinh huong di dung cho du lich tinh thanh hoa hinh 1

Du lịch biển Sầm Sơn thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch đến Thanh Hoá.

Cùng với hệ sinh thái biển, Thanh Hóa còn là nơi có nhiều hang động và các địa danh, di sản thiên nhiên độc đáo, như: hang Con Moong, động Trường Lâm, động Tiên Sơn, hang Từ Thức, thác Mahao, thác Bảy tầng, vườn quốc gia Bến En, khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên..., trong đó suối cá thần Cẩm Lương là một di sản thiên nhiên “độc nhất vô nhị”.

Nằm trong không gian du lịch của trung tâm du lịch miền Bắc, Thanh Hóa có một quần thể di tích lịch sử văn hóa giá trị và đa dạng. Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 1.500 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có những di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đang được đầu tư bài bản, đưa vào khai thác du lịch.

Trong đó, có những di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng như cầu Hàm Rồng trên sông Mã, nền văn hóa đồ đồng Đông Sơn, Thái Miếu nhà Hậu Lê - một di tích lịch sử văn hóa quốc gia, Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ. 5 di tích quốc gia đặc biệt là, Lam Kinh, Hang Con Moong, Đền Bà Triệu, Đền Lê Hoàn và thắng cảnh Sầm Sơn.

Đặc biệt, địa phương này còn bảo tồn nguồn tài nguyên văn hóa phi vật thể, các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống như: Hò sông Mã, hát xẩm xoan, múa đèn, trò diễn Xuân Phả, múa sạp, múa xòe... Bên cạnh sản phẩm truyền thống như du lịch biển, du lịch văn hóa, di tích lịch sử, Thanh Hóa đang đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều sản phẩm mới.

xac dinh huong di dung cho du lich tinh thanh hoa hinh 2

Khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân).

Địa phương này đang hướng đến du lịch xanh, du lịch cộng đồng  với một số điểm đến tiêu biểu như: Pù Luông tại huyện Bá Thước, bản Mạ tại huyện Thường Xuân, du lịch trên sông Mã tại thành phố Thanh Hóa.

Để khai thác và phát huy những tiềm năng, lợi thế, trong những năm qua tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch. Du lịch biển, văn hóa tâm linh và sinh thái cộng đồng là những sản phẩm thế mạnh của tỉnh, được các cấp lãnh đạo quan tâm, đầu tư phát triển.

Quyết sách đúng, trúng, trọng tâm

Du lịch Thanh Hóa đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, với nhiều khó khăn nội tại cần vượt qua và cả những thách thức khách quan phải đối mặt. Song, du lịch cũng đang đứng trước cơ hội mới để cất cánh. Đó là Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5.8.2020 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đã xác định đến năm 2030, phấn đấu đưa du lịch Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong những trung tâm của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về du lịch.

Đồng thời, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, tiếp tục xác định Chương trình phát triển du lịch là một trong sáu chương trình trọng tâm; với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đón 16 triệu khách du lịch, trong đó khách quốc tế 850 nghìn lượt, đưa du lịch trở thành một trong năm trụ cột tăng trưởng. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để tỉnh Thanh Hoá đề ra các chính sách cụ thể, đột phá, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành Du lịch.

xac dinh huong di dung cho du lich tinh thanh hoa hinh 3

Suối cá thần Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá.

Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đã có 44 quy hoạch du lịch đã được phê duyệt và 10 quy hoạch đang được triển khai nghiên cứu. Tỉnh Thanh Hóa đã đa dạng hóa cách thức kêu gọi đầu tư và đến nay trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 81 dự án đầu tư kinh doanh du lịch với tổng vốn đầu tư gần 145.000 tỷ đồng. 

Để khai thác tối đa tiềm năng, ngành Du lịch Thanh Hóa đang tích cực tham gia, hình thành liên minh kích cầu du lịch; tỉnh kêu gọi, vận động, hướng dẫn doanh nghiệp du lịch phối hợp thực hiện các chiến dịch kích cầu du lịch. Nhờ các cơ chế, chính sách, giải pháp trong lĩnh vực du lịch được tỉnh Thanh Hóa ban hành và triển khai một cách thông suốt, nhịp nhàng, đồng bộ đã tạo ra cơ hội rộng mở cho du lịch Thanh Hóa phát triển.

Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp như xây dựng và khai thác đa dạng sản phẩm du lịch đặc trưng và đẩy mạnh thu hút đầu tư, liên kết phát triển du lịch với các trọng điểm du lịch cả nước. Đồng thời, không ngừng làm mới và hoàn thiện 3 dòng sản phẩm chủ lực gồm du lịch biển; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh và du lịch sinh thái cộng đồng.

xac dinh huong di dung cho du lich tinh thanh hoa hinh 4

Du lịch trải nghiệm trên lòng hồ Cửa Đạt, huyện Thường Xuân, Thanh Hoá.

Theo bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá cho biết, để thực hiện mục tiêu trở thành điểm đến 4 mùa, trong 6 tháng cuối năm 2023 và những năm tiếp theo, ngành du lịch sẽ thực hiện đồng bộ giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển du lịch, tập trung vào việc nâng cao chất lượng hoạt động tại các khu nghỉ dưỡng, quan tâm đến giá cả, chất lượng phục vụ du khách. 

Có thể thấy rằng, những chuyển biến tích cực và ngày càng mạnh mẽ của du lịch Thanh Hóa là điều không thể phủ nhận, đặc biệt là hệ thống cơ sở vật chất và chất lượng sản phẩm đã và đang trở thành “bệ đỡ” cho tăng trưởng toàn ngành. 

Được biết, từ nay đến cuối năm 2023, Thanh Hóa sẽ đưa vào hoạt động dự án Cổng thông tin điện tử về du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động, đồng thời triển khai đề án phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến 2030.

Với tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đặc sắc, hạ tầng giao thông đồng bộ, nhiều tổ hợp dự án du lịch quy mô lớn của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã, đang đầu tư, dự kiến sẽ sớm đi vào hoạt động, đặc biệt là cách làm du lịch của người xứ Thanh. Du lịch Thanh Hóa sẽ tiến xa hơn nữa, hướng đến trở thành trọng điểm du lịch của cả nước.

Thể hiện bằng những con số

Theo báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết, 8 tháng đầu năm 2023, khách du lịch đến Thanh Hoá đạt 11.287.000 lượt, tăng 12% so với cùng kỳ 2022, đạt 94,1% so với Kế hoạch 2023. Tổng thu du lịch đạt 21.814 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ 2022, đạt 90,2% so với Kế hoạch 2023. Thanh Hoá cũng là tỉnh đứng thứ 4 cả nước về lượt khách và tổng thu du lịch, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh trong hơn nửa đầu năm 2023.

xac dinh huong di dung cho du lich tinh thanh hoa hinh 5

Lễ hội Bánh Chưng – Bánh Giầy năm 2023.

Trong năm 2023, nhất là trong những tháng cao điểm du lịch hè, Thanh Hóa đưa ra thị trường những dòng sản phẩm mới như: Quảng trường biển Sầm Sơn, nhạc nước Sầm Sơn, tour du lịch ra đảo Mê, đảo Nẹ, các khu camping cùng nhiều trải nghiệm mới như đường đua F1, xe địa hình không vô lăng, trượt cỏ, súng sơn, bóng nước…

Đặc biệt với phân khúc thị trường quốc tế, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại một số thị trường như: Tổ chức xúc tiến, kêu gọi đầu tư tại thị trường các nước trong khu vực ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu (Liên bang Nga, Pháp, Đức...); xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại Mỹ.... Đồng thời, tỉnh tổ chức đón tiếp các đoàn đại sứ, báo chí, truyền thông lớn đến khảo sát, quảng bá về Thanh Hóa.

Có thể thấy rằng, những chuyển biến tích cực và ngày càng mạnh mẽ của du lịch Thanh Hóa là điều không thể phủ nhận, đặc biệt là hệ thống cơ sở vật chất và chất lượng sản phẩm đã và đang trở thành “bệ đỡ” cho tăng trưởng toàn ngành. 

Có được thành công đó là cả quá trình kiên trì và miệt mài của người dân và các cấp chính quyền trong việc thay đổi diện mạo du lịch xứ Thanh. Đầu tiên phải kể đến là Thanh Hóa đã làm rất tốt các hoạt động kích cầu du lịch, liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương, đơn vị trong nước, các hoạt động quảng bá thương hiệu du lịch Thanh Hoá, các hoạt động xúc tiến gắn với Đại sứ du lịch Thanh Hoá năm 2023, đón các đoàn doanh nghiệp lữ hành và báo chí về khảo sát, kết nối các tour tuyến, sản phẩm du lịch…

Với những kết quả ấn tượng của hoạt động du lịch, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, tỉnh Thanh Hóa đã có bước “chạy đà” khá tốt ngay khi du lịch mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19. Trong đó, việc phát triển đa dạng sản phẩm du lịch mới là một trong những yếu tố quan trọng giúp Thanh Hóa trở thành một trong những điểm đến thu hút lượng khách hàng đầu cả nước. Đây cũng chính là yếu tố góp phần tạo nên hiệu quả trong công tác xúc tiến, quảng bá, đưa hình ảnh du lịch xứ Thanh đến gần hơn với bạn bè trong nước, quốc tế.

xac dinh huong di dung cho du lich tinh thanh hoa hinh 6

Guồng nước của người dân tộc Thái thu hút khách trải nghiệm du lịch cộng đồng.

Định hướng trong thời gian tới

Trong giai đoạn mới, ngành du lịch Thanh Hoá cần phát triển mạnh mẽ theo hướng “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện” thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thanh Hoá phấn đấu năm 2024 đón được 13.800.000 lượt khách; năm 2025 phấn đấu đón được 16.000.000 lượt khách. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Thanh Hóa cũng đã đề ra các đột phá chiến lược mang tính then chốt như tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện, khai thác tốt hệ thống hạ tầng du lịch gắn với hạ tầng giao thông đồng bộ; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của du lịch.

Cùng đó, mở rộng không gian phát triển du lịch liên kết thị trường trong nước, quốc tế để tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách, chú trọng phát triển du lịch toàn diện cả thị trường nội địa và quốc tế; đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, nhận diện thương hiệu du lịch Thanh Hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực du lịch; bảo đảm môi trường du lịch an toàn, hấp dẫn, văn minh...

Nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Thanh Hóa đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu phát triển nhanh, bền vững, đóng góp tích cực, hiệu quả cho nền kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh.

Hà Anh

Bình Luận

Tin khác

Nam Định: Tăng cường các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

Nam Định: Tăng cường các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

(CLO) UBND tỉnh Nam Định vừa ban hành Công văn yêu cầu các sở, các địa phương, đơn vị liên quan trong tỉnh tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Đời sống
Xe cút kít làm từ gỗ bàn thờ ra trận phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ

Xe cút kít làm từ gỗ bàn thờ ra trận phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) Với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, hàng nghìn người nông dân Việt Nam từ các làng quê nô nức lên đường tham gia chiến dịch, hăng hái đi dân công vận chuyển lương thực thực phẩm cho chiến dịch Điện Biên Phủ, trong số đó có ông Trịnh Đình Bầm.

Đời sống
Đã tìm thấy thi thể 2 ngư dân mất tích trong vụ chìm thuyền câu mực ở Nghệ An

Đã tìm thấy thi thể 2 ngư dân mất tích trong vụ chìm thuyền câu mực ở Nghệ An

(CLO) Liên quan đến vụ chìm thuyền câu mực ở Nghệ An, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể hai nạn nhân mắc kẹt trong tàu câu mực.

Đời sống
Các 'bóng hồng' Cảnh sát đặc nhiệm diễu binh kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Các "bóng hồng" Cảnh sát đặc nhiệm diễu binh kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Sáng 5/5, chương trình tổng duyệt Lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã diễn ra. Phần trọng tâm là lễ diễu binh, diễu hành với sự tham gia của hơn 12.000 người, trong đó khối Cảnh sát đặc nhiệm là các “bóng hồng” gây ấn tượng với người dân và du khách bằng vẻ ngoài tươi tắn, mạnh mẽ.

Đời sống
Thanh Hóa: Sẵn sàng các điều kiện tổ chức Cầu truyền hình trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa: Sẵn sàng các điều kiện tổ chức Cầu truyền hình trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, vào lúc 20 giờ tối nay ngày 5/5, Đài Truyền hình Việt Nam - VTV sẽ thực hiện chương trình cầu truyền hình trực tiếp "Dưới lá cờ quyết thắng". Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đã chuẩn bị tốt, sẵn sàng các điều kiện để tổ chức điểm cầu thực tiếp thành công.

Đời sống