Kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/04/1950 - 21/04/2023)

“Xây dựng môi trường văn hóa” thắp lên ngọn lửa sáng tạo yêu nghề

Thứ sáu, 21/04/2023 09:40 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Phong trào thi đua “xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo” có thể nói đã trở thành động lực, tiếp thêm ngọn lửa sáng tạo, yêu nghề, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, góp phần xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại…

Nhìn lại gần 2 năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã có nhiều chuyển mình, khởi sắc thông qua các hoạt động thực chất, hiệu quả, trong đó phong trào thi đua “xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo” có thể nói đã trở thành động lực, tiếp thêm ngọn lửa sáng tạo, yêu nghề, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, góp phần xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại… Và đó cũng là câu chuyện được các lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, các Liên Chi hội, Chi hội, các cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo… chia sẻ nhân kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhà báo Lê Ngọc Long – Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Báo Quân đội Nhân dân:

Một tác phẩm báo chí hay, có giá trị phải hàm chứa đầy đủ hai yếu tố văn hóa và sáng tạo

Tôi cho rằng, tinh thần Văn hóa – sáng tạo là một xu hướng làm báo rất đáng quan tâm. Xu hướng này góp phần rất quan trọng nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí, vừa giải quyết được các vấn đề thực tiễn đặt ra đối với hoạt động báo chí hiện nay như: Sự xuống cấp về đạo đức báo chí trong một bộ phận phóng viên; sự trì trệ trong lối tư duy của một bộ phận người làm báo.

xay dung moi truong van hoa thap len ngon lua sang tao yeu nghe hinh 1

Nhà báo Lê Ngọc Long – Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Báo Quân đội Nhân dân.

Nhìn nhận một cách khái quát, văn hóa là giá trị cốt lõi của một đất nước, một dân tộc nói chung, mỗi con người trong xã hội nói riêng. Văn hóa chi phối đến suy nghĩ tình cảm và hành động của mỗi con người, điều chỉnh hành vi của con người.

Trong hoạt động báo chí, nhiều giá trị văn hóa sẽ chi phối và quyết định đến nội dung tác phẩm báo chí của nhà báo. Bởi lẽ, có những nội dung luật pháp không cấm nhưng xét trên khía cạnh văn hóa thì nhà báo khi tác nghiệp phải rất cân nhắc bởi lương tri, bởi tình cảm và phẩm giá con người. Văn hóa, sáng tạo là 2 phạm trù xem ra không đồng nhất với nhau, văn hóa là thứ còn lại khi tất cả các thứ khác đã mất đi, trong khi sáng tạo lại hướng đến cái mới mẻ, cái chưa có tiền lệ.

Vậy hiểu về mối quan hệ giữa văn hóa và sáng tạo như thế nào cho đúng để áp dụng hiệu quả vào thực tiễn hoạt động báo chí của mỗi nhà báo? Theo tôi, để tạo ra một tác phẩm báo chí chất lượng, nhà báo phải là người có văn hóa, am hiểu về lĩnh vực mà mình được giao phụ trách. Văn hóa là gốc để nhà báo sáng tạo ra tác phẩm đảm bảo ba yếu tố: Tính Đảng, tính Dân tộc và tính Nhân văn.

Tuy nhiên, nếu các tác phẩm báo chí mà không có sự sáng tạo trong cách thể hiện thì hiệu quả tuyên truyền sẽ không cao, dẫn đến nhàm chán và bạn đọc sẽ rời xa. Vì vậy, giải quyết tốt mối quan hệ giữa văn hóa và sáng tạo là nhu cầu đòi hỏi rất cao, rất chuyên nghiệp của từng nhà báo. Sáng tạo để cho ra đời những tác phẩm báo chí hay, mang lại những giá trị văn hóa làm cho các tác phẩm báo chí gần gũi, thân thiện và hữu ích đối với xã hội và bạn đọc. Một tác phẩm báo chí hay, có giá trị phải hàm chứa đầy đủ hai yếu tố văn hóa và sáng tạo.

Từ giá trị trên, tinh thần trong hoạt động báo chí với chủ đề văn hóa, sáng tạo được các cơ quan báo chí trong cả nước hưởng ứng tích cực, bước đầu mang lại thiết thực. Theo đó, không ít những tác phẩm báo chí không chỉ phục vụ lợi ích quốc gia mà còn chạm đến trái tim người đọc, định hướng, dẫn dắt người đọc, cổ vũ hành động cụ thể. Vì vậy, báo chí đã có đóng góp đặc biệt quan trọng cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giành được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong xây dựng và phát triển đất nước thời gian qua.

Trên tinh thần ấy, chúng tôi thường xuyên giáo dục cho cán bộ, phóng viên trong tác nghiệp thông qua việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho phóng viên, biên tập viên. Đồng thời xây dựng các tiêu chí chuẩn mực trong hoạt động nghề nghiệp; kiểm tra xử lý những cán bộ vi phạm và khen thưởng kịp thời những điển hình trong công tác…

Tất cả đều hướng đến làm sao để tinh thần văn hóa – sáng tạo được lan tỏa trên từng chặng đường tác nghiệp, từng sản phẩm báo chí và trong môi trường mà kỷ luật, kỷ cương được coi trọng. Văn hóa, sáng tạo hài hòa sẽ tạo nên sự chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí. Cơ quan tập trung xây dựng đội ngũ nhà báo chiến sĩ “vừa hồng, vừa chuyên”, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trí tuệ sáng tạo, trình độ nghiệp vụ, chuyên môn cao, xứng đáng là những nhà báo Quân đội “tâm trong, trí sáng, bút sắc”, đáp ứng yêu cầu của công tác tuyên truyền thời kỳ mới.

Nhà báo Trịnh Văn Ánh - Ủy viên Ban Chấp hành HNBVN, Chủ tịch Hội Nhà báo Bắc Giang, Tổng Biên tập Báo Bắc Giang:

Xây dựng môi trường văn hóa - sáng tạo là quan trọng hàng đầu

Tôi cho rằng, làm báo cũng là làm văn hóa, hoạt động báo chí là hoạt động văn hóa. Tất nhiên, văn hóa phải gắn liền với sự sáng tạo thì mới mang đến cho người làm báo, cho cơ quan báo chí đó nguồn năng lượng tích cực và hiệu quả. Nói đúng hơn là, quá trình hoạt động của người làm báo cũng là quá trình đậm chất sáng tạo.

Ngay từ khâu đầu tiên đến công đoạn cuối cùng, từ sự tìm tòi, phát hiện cái mới, lựa chọn đề tài, thu thập tư liệu, thực hiện tác phẩm, hoàn thiện tác phẩm cũng đều đòi hỏi sự lao động sáng tạo của người làm báo... Có lẽ vì vậy mà Hội Nhà báo Việt Nam đã có Chương trình Hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao hàng năm.

xay dung moi truong van hoa thap len ngon lua sang tao yeu nghe hinh 2

Nhà báo Trịnh Văn Ánh - Ủy viên Ban Chấp hành HNBVN, Chủ tịch Hội Nhà báo Bắc Giang, Tổng Biên tập Báo Bắc Giang.

Tóm lại, văn hóa - sáng tạo trong hoạt động báo chí, hoạt động công tác hội là một vấn đề cốt lõi, nền tảng của mỗi cán bộ, hội viên, người làm báo ở mỗi cấp hội, mỗi cơ quan báo chí. Đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh thông tin ngày càng khốc liệt hiện nay, các cơ quan báo chí và các cấp Hội không đẩy mạnh được văn hóa, đổi mới, sáng tạo thì vai trò, vị trí của chúng ta cũng nhạt nhòa đi trong đời sống xã hội. Người làm báo sẽ không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thậm chí nguy hiểm hơn là, trong con mắt của công chúng, hình ảnh người làm báo sẽ trở nên khập khiễng, méo mó.

Thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh tinh thần văn hóa, sáng tạo, bằng chứng là từ Trung ương Hội đến Hội Nhà báo tỉnh thành, các Liên Chi hội, Chi hội đều rất quan tâm phổ biến quán triệt Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật về báo chí, đề cao thực hiện về đạo đức nghề nghiệp, quy định sử dụng mạng xã hội của hội viên, nhà báo…

Đặc biệt, vào dịp 21/6/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân dân đã phát động thi đua xây dựng môi trường cơ quan báo chí văn hóa. Tôi cho rằng việc đó rất đúng trúng và phù hợp với điều kiện hiện nay nên được các cấp Hội, cơ quan báo chí hưởng ứng tích cực.

Hội Nhà báo Bắc Giang đã tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa”; tổ chức Lễ ký kết thực hiện phong trào xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa với các cơ quan báo chí trên địa bàn và xây dựng quy chế, đưa quy chế vào thực hiện trong các cơ quan báo chí và các Chi hội, câu lạc bộ hoạt động trong tỉnh.

Có thể thấy, ở góc độ là lãnh đạo Hội, tôi luôn xác định đây là ngôi nhà chung có chiều sâu văn hóa và góc độ lãnh đạo báo thì tôi luôn tạo môi trường văn hóa trong cơ quan với việc đề ra quy định, quy chế để quản lý giáo dục cán bộ, phóng viên, công nhân viên ý thức chấp hành pháp luật. Qua đó, không có phóng viên, hội viên nào vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật. Phong trào xây dựng cơ quan văn hóa của tỉnh Bắc Giang trong đó có Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí, Báo Bắc Giang đã được công nhận là cơ quan văn hóa cấp tỉnh.

xay dung moi truong van hoa thap len ngon lua sang tao yeu nghe hinh 3

Hưởng ứng phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Bắc Giang đã tổ chức Tọa đàm về vấn đề này.

Thêm nữa, với chúng tôi, cơ quan báo chí văn hóa, sáng tạo dù lan tỏa đến đâu thì vẫn phải được thể hiện trên các nội dung tuyên truyền, các tác phẩm báo chí. Những nội dung chủ đạo trong tuyên truyền phải bật lên được tinh thần văn hóa, sức sáng tạo của người làm báo. Để bật lên được những điều này thì việc định hướng nội dung thông tin là rất quan trọng.

Chúng tôi luôn lấy tinh thần đề cao cái tốt, cái đẹp, cái tích cực để đẩy lùi cái xấu. Không chạy theo câu view, không chạy theo giật gân câu khách, không đánh đấm, xa rời tôn chỉ mục đích... Chúng tôi cũng hạn chế tới mức thấp nhất những thông tin sai sót, hoặc quá trình xử lý thông tin “non tay” để ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm của công dân, thậm chí thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, cho đa số người dân. Chẳng hạn như chúng tôi rất thận trọng trong việc đưa những thông tin liên quan đến trẻ em, mặt trái của trẻ em, liên quan đến một phận giới trẻ vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Hội Nhà báo tỉnh và Báo Bắc Giang rất coi trọng vấn đề sáng tạo trong cán bộ, hội viên. Báo Bắc Giang chúng tôi từ lâu đã thành lập Hội đồng sáng kiến. Hằng năm đều tổ chức xét và trao thưởng cho những sáng kiến tốt, hàng tháng đều tổ chức xét hỗ trợ báo chí chất lượng cao. Hội Nhà báo tỉnh cũng luôn kịp thời tổ chức các chuyến đi để người làm báo có không gian sáng tạo tốt nhất.

Cá nhân tôi luôn giữ vai trò định hướng, khơi gợi, gợi ý, gợi mở để cho phóng viên được nâng cao tinh thần sáng tạo tác phẩm chứ không áp đặt từ những việc cụ thể chi tiết mà tôn trọng cá tính trong thể hiện tác phẩm của mỗi người làm báo. Chính cá tính ấy có thể coi là sự sáng tạo. Có thể khẳng định rằng, việc xây dựng môi trường văn hóa - sáng tạo là quan trọng hàng đầu. Phải có một môi trường tốt thì mới sáng tạo được.

Nhà báo Đặng Thị Thu Hương – Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn:

Không chỉ cần chú trọng kỹ năng tác nghiệp mà phải đào tạo toàn diện

Báo chí truyền thông là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu của đời sống xã hội, có vai trò quan trọng trong việc tác động vào thế giới tinh thần của con người, hình thành một hệ ý thức xã hội tiến bộ và khoa học cho công chúng, từ đó, giáo dục lý tưởng chính trị, xây dựng lối sống lành mạnh, kế thừa và phát huy những giá trị tích cực trong đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc và nhân loại.

xay dung moi truong van hoa thap len ngon lua sang tao yeu nghe hinh 4

Nhà báo Đặng Thị Thu Hương – Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Bên cạnh nhiệm vụ đáp ứng các yêu cầu của chính trị, báo chí đã trở thành một phương tiện truyền bá văn hóa ngày càng quan trọng, không thể thiếu được và tự thân nó đã trở thành một lĩnh vực văn hóa. Chính vì vậy, nâng cao nhận thức về văn hóa, tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, xây dựng cơ quan báo chí và người làm báo văn hóa là yếu tố nền tảng để góp phần nhân lên các giá trị văn hóa, nhân văn trong xã hội.

Dĩ nhiên không thể phủ nhận, cách mạng công nghệ 4.0 đang biến hệ sinh thái truyền thông truyền thống của thời đại công nghiệp sang một hệ sinh thái mới của truyền thông thời đại số - thời đại của văn minh trí tuệ. Công nghệ hiện đại mang đến nhiều thời cơ, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho người làm báo, và cả những người đào tạo báo chí.

Nhà báo là hạt nhân tạo nên văn hóa của cơ quan báo chí và văn hóa của nền báo chí. Người làm báo cần có kiến thức chuyên sâu và phông văn hóa rộng, để có cái nhìn sâu sắc về từng lĩnh vực, có vốn tài liệu, tư liệu để khái quát, so sánh, đối chiếu, xây dựng tác phẩm báo chí sâu sắc, có cá tính riêng.

Chính vì vậy, chúng tôi xác định đào tạo báo chí tại Việt Nam không chỉ cần chú trọng kỹ năng tác nghiệp mà phải đào tạo toàn diện, đặc biệt về chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, kiến thức chuyên sâu về văn hóa xã hội, và phải chỉ ra cho người làm báo giá trị cốt lõi, định hướng phát triển báo chí truyền thông của Việt Nam trong tương lai.

xay dung moi truong van hoa thap len ngon lua sang tao yeu nghe hinh 5

Một chương trình của sinh viên Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn giúp sinh viên được thực hành nhiều kỹ năng nghề nghiệp.

Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông xác định triết lý đào tạo “Năng động – Sáng tạo - Chuyên nghiệp - Nhân văn”, chú trọng đào tạo các kiến thức cơ bản, nền tảng, sâu sắc về các ngành KHXH&NV, giúp các nhà báo tương lai có nhiều bài viết đi vào lòng người với chiều sâu văn hóa và sự hiểu biết xã hội toàn diện.

Trên nền tảng đó, Nhà trường tập trung 3 trụ cột chính: đào tạo nghiệp vụ báo chí, đào tạo kỹ năng sử dụng các phương tiện và công nghệ làm báo hiện đại và đào tạo về pháp luật và đạo đức báo chí. Đây chính là những điểm then chốt, quan trọng để định hình văn hóa và phong cách của người làm báo trong kỷ nguyên kỹ thuật số.

Nhà báo Đỗ Công Định - Ủy viên Ban kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Báo Thanh Tra:

Hướng hội viên đến các hoạt động không chỉ đúng pháp luật mà còn không vi phạm đạo đức

Văn hóa là cái gốc của mọi vấn đề. Cùng với xuất bản, báo chí xưa nay luôn được khẳng định là công cụ tư tưởng của Đảng. Chính vì thế, cơ quan báo chí và người làm báo càng cần phải coi trọng đến vấn đề văn hóa. Cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo có văn hóa chắc chắn sẽ không “bồi bút”; không đăng tải thông tin phản ánh 1 chiều; không xuất bản những tin, bài có ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc hoặc xâm phạm đến quyền hợp pháp của các cá nhân, tổ chức...

xay dung moi truong van hoa thap len ngon lua sang tao yeu nghe hinh 6

Nhà báo Đỗ Công Định - Ủy viên Ban kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Báo Thanh Tra.

Nhìn lại mấy năm trở lại đây, nhất là sau khi có quy hoạch báo chí, phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, đời sống báo chí tiếp tục sôi động nhưng ngày càng tạo ra nhiều thiện cảm hơn với xã hội. Mặt báo đã bớt “đen” hơn và đang có xu hướng ngày càng “xanh” hơn. Tôi nghĩ, kết quả này là nỗ lực chung của các cơ quan lãnh đạo, quản lý, chủ quản, bản thân các tòa soạn, trong đó có phần công sức của các tổ chức hội Nhà báo.

Tại Báo Thanh tra, chúng tôi xác định, hoạt động của ngành rất nhạy cảm, cho nên lĩnh vực tác nghiệp của mình cũng đầy “cạm bẫy”. Chính vì thế, Đảng ủy, Ban Biên tập luôn nhất quán quan điểm, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Báo Thanh tra càng phải có đạo đức.

Chung tay với lãnh đạo báo, Chi hội Nhà báo Báo Thanh tra thường xuyên tuyên truyền, hướng hội viên đến các hoạt động không chỉ đúng pháp luật mà còn không vi phạm đạo đức. Nhờ đó, đến thời điểm này, may mắn chưa có người làm báo nào của cơ quan bị điều tiếng liên quan đến việc vi phạm pháp luật hay đạo đức người làm báo.

Nói thật, chúng tôi đang cố gắng để bắt nhịp chứ chưa dám đề cập đến chuyện sáng tạo. Ở Chi hội Nhà báo Báo Thanh tra có một lợi thế rất lớn là, lãnh đạo Chi hội cũng chính là lãnh đạo Đảng ủy và Ban Biên tập nên mọi chủ trương, đường lối đều được thông tin kịp thời. Các đề xuất dễ dàng được giải quyết. Các khó khăn nhanh chóng được tháo gỡ. Chính vì vậy, trong hoạt động, các thành viên của Ban Thư ký Chi hội rất yên tâm vì có sự hậu thuẫn của lãnh đạo cơ quan.

Ở chiều ngược lại, để không phụ sự tin tưởng và tạo điều kiện đó, Ban Thư ký Chi hội cũng luôn nỗ lực, tìm tòi để hoạt động của Chi hội ngày càng phong phú, đa dạng, không chỉ là sân chơi gắn kết các hội viên mà quan trọng hơn cả, đây phải là diễn đàn nghề nghiệp, là địa chỉ để các anh chị em phóng viên, biên tập viên gửi gắm tâm tư, tình cảm, cả chuyện nghề lẫn chuyện đời.

Với sự quan tâm của Hội Nhà báo Việt Nam cũng như của cơ quan, hàng năm Ban Thư ký Chi hội Nhà báo Báo Thanh tra đều cố gắng bắt nhịp cuộc sống qua việc phối hợp với các cá nhân, tổ chức liên quan mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho toàn thể hội viên để cập nhật kiến thức mới về nghề.

Trong những năm qua, chúng tôi đã bồi dưỡng hội viên về nhiều vấn đề như: Ảnh báo chí; kỹ năng sản xuất video cho báo điện tử; kỹ năng rút tít, tạo tag, làm SEO… Hay tổ chức tọa đàm, thảo luận về việc sử dụng mạng xã hội, về đạo đức người làm báo gắn với dịp kỷ niệm Ngày Thành lập Hội Nhà báo Việt Nam 21/4, Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6…

Để theo kịp thời cuộc, Báo Thanh tra cũng đã có những khởi động bước đầu về quá trình chuyển đổi số. Là cánh tay nối dài của Đảng ủy, Ban Biên tập trong các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, Ban Thư ký Chi hội chúng tôi cũng đã lên kế hoạch để mở lớp bồi dưỡng liên quan đến trí tuệ nhân tạo, đến Chat GPT giúp các hội viên có những kiến thức nhất định về vấn đề này để vừa không bị tụt lại trong khi vẫn giữ được bản sắc tờ báo của ngành Thanh tra: Khách quan, nghiêm túc nhưng không khô cứng, bảo thủ...

Sông Mây (Ghi)

Bình Luận

Tin khác

Hội Nhà báo Việt Nam và CLB các nhà báo Campuchia thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị

Hội Nhà báo Việt Nam và CLB các nhà báo Campuchia thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị

(CLO) Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã có buổi tiếp đoàn đại biểu Câu lạc bộ các nhà báo Campuchia (CCJ) do ông Puy Kea, Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà báo Campuchia làm trưởng đoàn.

Công tác hội
Triển khai cuộc thi báo chí “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” tỉnh Vĩnh Phúc

Triển khai cuộc thi báo chí “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” tỉnh Vĩnh Phúc

(CLO) Ngày 14/5, Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin phục vụ Cuộc thi báo chí “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” tỉnh Vĩnh Phúc.

Công tác hội
Đoàn kết, năng động, đổi mới - sáng tạo, vững nghiệp vụ

Đoàn kết, năng động, đổi mới - sáng tạo, vững nghiệp vụ

(CLO) Chiều 10/5, tại Hà Nội, Chi Đoàn 1 - Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2024-2027.

Công tác hội
Các tác phẩm bám sát thực tiễn, có tính thời sự cao, đi vào các điểm nóng

Các tác phẩm bám sát thực tiễn, có tính thời sự cao, đi vào các điểm nóng

(CLO) Sáng 10/5, Hội đồng sơ khảo Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVIII - 2023 họp tổng kết vòng sơ khảo, thảo luận về nội dung và chất lượng tác phẩm dự Giải, đánh giá công tác chấm giải tại các tiểu ban và thống nhất danh sách vào vòng chung khảo.

Công tác hội
CLB Phóng viên thường trú tại tỉnh Quảng Trị kỷ niệm 10 năm thành lập

CLB Phóng viên thường trú tại tỉnh Quảng Trị kỷ niệm 10 năm thành lập

(CLO) Ngày 9/5, tại thành phố Đông Hà, Câu lạc bộ Phóng viên (CLBPV) thường trú tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập. 

Công tác hội