Chuyên đề "TP. Hồ Chí Minh- Bản lĩnh đầu tàu"

Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh: “Kỳ vọng lớn” để bứt phá!

Thứ năm, 30/04/2020 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Là đô thị đặc biệt, có quy mô nền kinh tế lớn, TP.HCM luôn được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước; là nơi hội tụ nhiều nền văn hóa, khoa học, giáo dục hiện đại và cũng là một trong những thành phố (TP) đông dân cư nhất nước.

Với vị thế hiện tại, để chọn con đường phát triển, TP đã có chủ trương phát triển “trở thành đô thị thông minh”. Đây cũng là “kỳ vọng lớn” về sự chuyển mình, tạo bứt phá trong quản lý, điều hành nhằm phù hợp với tình hình mới!

6

4 trụ cột quan trọng!

Có thể hiểu, đô thị thông minh (ĐTTM) là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), trí tuệ nhân tạo để quản lý, điều hành qua đó góp phần nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố đối với người dân và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội.

Theo đó, để trở thành ĐTTM với nhiều tiện ích mang lại trong quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp là cả một thách thức rất lớn. Bằng quyết tâm chính trị cao với nhiều nỗ lực từ cấp lãnh đạo TP cho đến cơ sở, những nền móng đầu tiên tiến đến xây dựng và triển khai đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” đã dần hình thành và diện mạo ngày càng rõ nét.

Đặc biệt, để hướng tới xây dựng chính quyền điện tử hiệu quả thì khâu “ứng dụng công nghệ thông tin” được xem là công cụ đột phá tiên quyết mang tính chất hết sức quan trọng.

Trước đó, sau quá trình bàn thảo thận trọng đầy trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, lắng nghe góp ý của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, chắt lọc kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới và đặc biệt là được sự chấp thuận của Thành ủy, ngày 23/11/2017, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký quyết định phê duyệt “Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh (ĐTTM) giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Từ cơ sở pháp lý quan trọng này, thành phố đã bắt tay triển khai hàng loạt các khâu trọng yếu.

ảnh 1

Cụ thể, nếu hình dung đô thị thông minh như một ngôi nhà thì 4 trụ cột chống đỡ ngôi nhà ấy chính là 4 trung tâm được thành phố đầu tư xây dựng đầu tiên, bao gồm:

Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm an toàn thông tin thành phố và Trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội. Đến nay, diện mạo của 4 trụ cột này đã dần định hình.

Theo bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM, tháng 1/2019, “Kho dữ liệu dùng chung của thành phố” giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động và nằm tại Công viên phần mềm Quang Trung.

Kho dữ liệu này được triển khai dựa trên 3 dữ liệu nền tảng gồm: Cơ sở dữ liệu nền địa hình, địa chính (Bản đồ địa chính và dữ liệu quản lý đất đai, dữ liệu nền thông tin địa lý); Cơ sở dữ liệu người dân (Dữ liệu dân cư, thường trú, tạm trú – Dữ liệu hộ tịch); Cơ sở dữ liệudoanh nghiệp (Dữ liệu đăng ký doanh nghiệp – Dữ liệu người nộp thuế - Dữ liệu xuất nhập khẩu).

Hiện tại, kho dữ liệu đã tích hợp được cơ sở dữ liệu văn bản điện tử, một cửa điện tử, cơ sở dữ liệu về khiếu nại tố cáo, đường dây nóng, đăng ký doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, dự án đầu tư công, địa chính, các cơ sở khám chữa bệnh, chứng chỉ hành nghề, các cơ sở giáo dục, dịch vụ giáo dục...

ảnh 2

Tại cổng dữ liệu mở https://data. hochiminhcity.gov.vn hiện đã công khai dữ liệu về cơ sở khám chữa bệnh, chứng chỉ hành nghề, cơ sở giáo dục, dịch vụ giáo dục, dự án đầu tư nước ngoài và dự án đầu tư công...

Đối với trụ cột thứ 2 - “Trung tâm điều hành đô thị thông minh”. Hiện Trung tâm này đã vận hành chính thức từ ngày 15/4/2019. Tuy nhiên, quá trình xây dựng Trung tâm không hề dễ dàng. Đây là việc chưa từng có tiền lệ, chưa có mô hình tương tự với điều kiện như của thành phố để tham khảo. Vì vậy lãnh đạo thành phố đã giao cho Phó Giám đốc Sở TT&TT chịu trách nhiệm xây dựng đề án và trình ban điều hành về các giai đoạn tiếp theo. Theo đó, đây không chỉ là một hệ thống đặt tại trụ sở UBND thành phố mà còn gắn kết với các trung tâm điều hành chỉ huy ở các sở, ngành.

Thực tế cho thấy, nếu như “Kho dữ liệu” được ví như trái tim cung cấp dữ liệu thì “Trung tâm điều hành ĐTTM” được ví là thần kinh trung ương, là nơi tiếp nhận các vấn đề phát sinh từ mọi mặt của xã hội để tổng hợpvà hỗ trợ lãnh đạo thành phố đưa ra quyết sách.

Trong giai đoạn 1, thành phố đã triển khai thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu các hệ thống camera giám sát của Sở GTVT, UBND các quận (Quận 1, 12, Phú Nhuận, Gò Vấp). Tổng số camera đã được tích hợp về Trung tâm điều hành hơn 1.000 camera, trong đó phân tích nâng cao dữ liệu cùng lúc 50 camera gồm: Nhận diện khuôn mặt, nhận dạng loại phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố về giao thông, an ninh trật tự...

Ngoài ra, Trung tâm còn kết nối thông tin tổng hợp từ Hệ thống tiếp nhận và phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị 1022, từng bước nâng cấp hệ thống đầu số 1022 thành Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân qua 6 kênh phản ánh (gọi điện thoại, nhắn tin sms, gửi email, web app, mobile app, facebook).

Đặc biệt, “Trung tâm điều hành ĐTTM” còn có: Hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp hợp nhất từ hệ thống các đầu số tổng đài 113-114-115. Hiện Sở TT&TT, Công an thành phố và Sở Y tế đang triển khai giải pháp nâng cấp hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông 113 - 114 - 115 và kết nối hệ thống chỉ huy điều hành của các đơn vị; Hệ thống quản lý hạ tầng đô thị.

Riêng trụ cột thứ 3 - “Trung tâm An toàn thông tin thành phố”, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong - Trưởng Ban Điều hành Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành ĐTTM giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”, bước đầu giao Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn là đơn vị triển khai thực hiện Đề án thành lập Công ty CP vận hành Trung tâm An toàn thông tin thành phố để vận hành Trung tâm này. “Ở các giai đoạn tiếp theo, sau khi xem xét các đề án, thành phố sẽ triển khai đấu thầu để chọn lựa nhà đầu tư, nhà thầu của các trung tâm”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết.Trao đổi với phóng viên về nhiệm vụ được giao, ông Chu Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn cho biết: “Mục tiêu cụ thể của Trung Tâm ATTT là phải Giám sát 24/7, bảo đảm an toàn, an ninh mạng thông tin đối với các hạ tầng CNTT – truyền thông, hệ thống cơ sở dữ liệu quan trọng, các ứng dụng và dịch vụ công trên nền tảng CNTT – truyền thông, tiến tới là các hệ thống điều khiển công nghiệp cho các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP, các cơ quan trực thuộc bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn thành phố;

Đồng thời phải thực hiện cảnh báo về các sự cố an ninh thông tin trong thời gian thực đối với các đơn vị doanh nghiệp cần bảo vệ; Thực hiện việc báo cáo định kỳ và đột xuất khi có sự cố về an ninh thông tin cơ quan quản lý nhà nước...

Về tiến độ, ông Dũng cũng cho hay, hiện UBND thành phố đã thống nhất chủ trương, CNS đã chuẩn bị và thống nhất các thành viên góp vốn thành lập công ty, đang chuẩn bị các thủ tục pháp lý, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để chính thức thành lập công ty theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Cũng theo ông Dũng, cần coi trọng đội ngũ doanh nghiệp tư nhân với sự phát triển lớn mạnh, dám nghĩ, dám làm. Bởi đây là một trong những nguồn lực quan trọng hàng đầu giúp thành phố xây dựng ĐTTM sáng tạo. Lợi thế của TP.HCM chính là lực lượng doanh nghiệp hùng hậu và cần giải quyết những bài toán liên quan để doanh nghiệp lớn mạnh cùng thành phố.

Đặc biệt với trụ cột quan trọng thứ 4 - “Trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội”, hiện đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/8/2019 và đã hoàn thành tập tài liệu tổng hợp các phương pháp khoa học về dự báo. Bước đầu đã phát huy hiệu quả trong chuẩn bị dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 11 với việc dự báo các chỉ tiêu tăng trưởng, các kịch bản tăng trưởng phát triển kinh tế trong vòng 5 năm tới.

Đồng thời đội ngũ xây dựng trung tâm cũng đã ứng dụng công nghệ trực quan hóa dữ liệu để xây dựng bộ trình diễn dữ liệu và kết quả dự báo xu hướng phát triển của các chỉ số kinh tế. Phương hướng sắp tới, Trung tâm sẽ phát triển mạng lưới chuyên gia và tổ chức hợp tác về phân tích, dự báo và mô phỏng.

Phát biểu về nhiệm vụ của Trung tâm, ông Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển – Đơn vị vận hành và chịu trách nhiệm về Trung tâm cho biết: “Thời gian qua, tập thể đội ngũ đã điều tra, thu thập xử lý số liệu theo chỉ đạo, xây dựng các mô hình định lượng, kiểm định một số mô hình và chọn được mô hình phù hợp. Trước mắt, Trung tâm sẽ tập trung xây dựng mô hình để đưa ra những dự báo về kinh tế xã hội thành phố từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030”.

Và những hệ sinh thái thu nhỏ...

Quận 1 và quận 12 là hai địa phương được TP.HCM chọn thí điểm triển khai đề án ĐTTM. Ngoài ra trong một số lĩnh vực quan trọng như giao thông, giáo dục, y tế, chống ngập, quy hoạch... cũng có bước triển khai ban đầu các mô hình, ứng dụng thông minh để phục vụ người dân.

Đây được xem là quá trình xây dựng những ĐTTM thu nhỏ của thành phố. Kinh nghiệm thực tiễn thu được sau thời gian thí điểm sẽ là vốn quý để TP.HCM sơ kết, đánh giá, làm cơ sở cho việc nhân rộng toàn thành phố.

Quá trình thí điểm quận 1, bước đầu đã triển khai thí điểm Trung tâm Điều hành ĐTTM đặt tại trụ sở UBND quận 1, trong đó đã tích hợp hệ thống camera tại địa bàn dân cư và trụ sở Công an 10 phường trên địa bàn quận với trên 750 mắt camera; đầu tư lắp đặt các camera quan sát tầm nhìn xa tại các vị trí trọng điểm phục vụ an ninh trật tự trên địa bàn quận.

Trong hơn 1 năm triển khai thí điểm, hệ thống đã hỗ trợ, phục vụ tốt cho đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành xử lý các tình huống phát sinh vào các ngày lễ, tết...; phòng chống các tình huống bạo động, biểu tình, các hành vi gây rối mất trật tự công cộng.

Phát biểu sau quá trình thí điểm, Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Trong thời gian tới, quận sẽ tiếp tục mời gọi các đơn vị tư vấn, chuyên gia CNTT giới thiệu các sản phẩm công nghệ phù hợp với mục tiêu xây dựng ĐTTM tại quận 1; hoàn thiện hệ thống camera an ninh thông minh; thí điểm tiếp nhận đăng ký giải quyết thủ tục hành chính không giấy; triển khai hệ thống điều hành an toàn thông tin mạng”.

Riêng quá trình thí điểm ở quận 12, theo ông Lê Trương Hải Hiếu - Chủ tịch UBND quận 12 cho biết: “Quận 12 đã xây dựng trung tâm chỉ huy hình ảnh và an ninh đặt tại trụ sở công an quận. Trung tâm này tích hợp 600 camera hiện hữu tại các khu dân cư. Hiện quận đang triển khai giai đoạn 2: Sẽ lắp đặt tiếp 287 camera tại 161 điểm nóng, vị trí trọng điểm và 14 giao lộ cần giám sát. Ngoài ra quận cũng sẽ bổ sung các giải pháp phân tích dữ liệu hình ảnh từ camera, thí điểm xử lý vi phạm giao thông thông minh, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống giám sát thông tin báo chí và truyền thông trực tuyến...”.

Cũng theo ông Hiếu, quận 12 cũng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của đơn vị, cụ thể triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; phần mềm quản lý hồ sơ hành chính; hệ thống quản lý địa bàn khu dân cư; hệ thống thông tin quản lý quy hoạch; triển khai ứng dụng ảnh viễn thám trong công tác quản lý đô thị, tài nguyên môi trường.

“Kỳ vọng lớn” để bứt phá!

Đánh giá sơ bộ về đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành ĐTTM giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”, Bí thư Thành ủy thành phố Nguyễn Thiện Nhân cho biết: TP.HCM là địa phương duyệt Đề án xây dựng TP.HCM trở thành ĐTTM sớm trong cả nước. Do đây là vấn đề mới, chưa có thực tiễn nên khi bắt đầu cũng thấy “quá sức”. Tuy nhiên, thành phố đã xác định đổi mới quản lý gắn với ứng dụng CNTT là giải pháp khả thi để phát triển thành phố.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng: Trong thời gian triển khai vừa qua, những công việc liên quan đến Đề án xây dựng TP.HCM trở thành ĐTTM đã cho những bài học kinh nghiệm quan trọng. Trong thời gian tới, phải tăng tốc, quyết liệt để chuyển sang giai đoạn ứng dụng một cách rộng rãi, có bài bản ở cấp thành phố, sở, ngành, quận, huyện.

Nhìn nhận sơ bộ về quá trình thí điểm, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết: “Việc xây dựng ĐTTM là một quá trình liên tục, mang tính chất “mở” và lâu dài, cần phải thường xuyên cập nhật, bổ sung, hoàn thiện. Đồng thời, sự cam kết của các cấp chính quyền và sự ủng hộ của người dân là yếu tố quan trọng để triển khai đề án đạt được hiệu quả cao nhất”.

Đặc biệt hiện nay, việc xây dựng các chính sách ĐTTM cũng có ý nghĩa hết sức to lớn, nó thể hiện tầm nhìn mang tính chiến lược, đặc biệt là việc áp dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sẽ góp phần tạo ra nhiều tiện ích trong hoạt động điều hành, quản lý nhà nước, thúc đẩy sáng tạo phát triển khinh tế xã hội và nâng cao tiện ích cuộc sống của người dân, từ đó góp phần xây dựng TP.HCM hùng mạnh hơn tạo hiệu ứng lan tỏa để các địa phương trong vùng cùng hưởng lợi phát triển – đây cũng là kỳ vọng lớn của thành phố để quyết tâm bứt phá trong thời gian tới.

Chính Kỳ

Tin khác

Kinh tế Mỹ đối mặt với nguy cơ lạm phát đình trệ

Kinh tế Mỹ đối mặt với nguy cơ lạm phát đình trệ

(CLO) Dữ liệu kinh tế vĩ mô mới nhất do Bộ Thương mại Mỹ công bố chỉ ra rằng nền kinh tế nước này có thể đang tiến tới tình trạng lạm phát đình trệ, Business Insider đưa tin. Tờ báo cho biết thêm, những dấu hiệu ảm đạm cho thấy những thách thức khó khăn phía trước.

Thị trường - Doanh nghiệp
Hà Nội: Siêu thị, trung tâm thương mại “chạy đua” khuyến mãi dịp lễ 30/4-1/5

Hà Nội: Siêu thị, trung tâm thương mại “chạy đua” khuyến mãi dịp lễ 30/4-1/5

(CLO) Kéo dài tới 5 ngày nên kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay được đánh giá là thời cơ vàng để kích cầu mua sắm. Để thu hút khách, nhiều nhà bán lẻ rầm rộ đưa ra các chương trình khuyến mãi, tri ân người tiêu dùng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Việc Mỹ tịch thu tài sản của Nga sẽ đẩy nhanh quá trình phi đôla hóa

Việc Mỹ tịch thu tài sản của Nga sẽ đẩy nhanh quá trình phi đôla hóa

(CLO) Bloomberg đưa tin, dẫn lời một cựu quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc "vũ khí hóa" đồng đô la Mỹ thông qua việc tịch thu các tài sản bị đóng băng của Nga có thể thúc đẩy toàn cầu xa lánh đồng bạc xanh.

Thị trường - Doanh nghiệp
Ấn Độ nhập thêm dầu của Nga sau thời gian ngưng trệ

Ấn Độ nhập thêm dầu của Nga sau thời gian ngưng trệ

(CLO) Một con tàu do hãng vận tải khổng lồ Sovcomflot (SCF) của Nga bị Mỹ trừng phạt đã xả dầu nhiên liệu tại một cảng phía tây Ấn Độ vào thứ Sáu (26/4), Reuters đưa tin.

Thị trường - Doanh nghiệp
Bamboo Capital (BCG) mục tiêu lợi nhuận tăng 6 lần, đưa Bảo hiểm AAA lên UPCoM

Bamboo Capital (BCG) mục tiêu lợi nhuận tăng 6 lần, đưa Bảo hiểm AAA lên UPCoM

(CLO) Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2024 tăng gấp 6 lần so với thực hiện năm 2023. Đưa bảo hiểm AAA lên UPCoM.

Tài chính - Bảo hiểm