Xây dựng TTTM Hồng Lĩnh- Hà Tĩnh: Cần tìm tiếng nói chung

Thứ sáu, 03/04/2015 16:56 PM - 0 Trả lời

Xây dựng TTTM Hồng Lĩnh- Hà Tĩnh: Cần tìm tiếng nói chung

(congluan.vn) - Thời gian gần đây, trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh, một số hộ tiểu thương kéo nhau đến lãnh đạo thị xã thắc mắc, khiếu nại về chủ trương quy hoạch và di chuyển chợ về vị trí mới. Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đi sâu tìm hiểu, nhằm đưa đến cho bạn đọc cái nhìn khách quan về vấn đề này.
 
Bất cập chợ cũ
 
Chợ Thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) được xây dựng cách đây 20 năm, với quy mô thiết kế ban đầu chỉ 1.300m2 cho 326 quầy hàng. Trong một bài viết gần đây trên báo Hà Tĩnh, PV Tiến Dũng nhận xét: Với tuổi đời và quy mô như vậy, khu chợ hiện đang mang dáng dấp chợ quê hơn là một Trung tâm thương mại đô thị và dĩ nhiên không thể đáp ứng được nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của cư dân địa phương trong quá trình phát triển mới.
 
 
 Báo Công luận
 
 
Chen chúc chật chội kẻ bán người mua trong một không gian quá hẹp
 
Theo bác Nguyễn Thượng Luận – nguyên là Chủ tịch đầu tiên của thị xã Hồng Lĩnh, lúc đầu thị xã mới thành lập, kinh phí rất ngặt nghèo. Biết rằng không nên xây chợ giữa ngã ba trung tâm thị xã, song tiền không có để làm đường và giải phóng mặt bằng nên phải cho xây dựng ở vị trí hiện nay để đỡ tốn kém.
 
Khảo sát một vòng từ phía Tây đường 8 đến phía đông đường 1A, vào tận các gian hàng trong, ngoài đình, chúng tôi thấy chợ thị xã quá ư chật chội. Do khi làm quy hoạch xây dựng, những người trong cuộc chưa nghĩ tới quy mô, tốc độ phát triển của tương lai, nên hiện tại chợ đang đối mặt với nhiều bất cập. Trước hết, chợ được xây dựng ngay giữa ngã ba, khu trung tâm chính của thị xã nên rất ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường và an toàn giao thông của một đô thị đang trên đà phát triển.
 
Vì chợ nằm lọt thỏm, bị bao bọc giữa hàng hàng quán, nhà hàng phía ngoài nên việc đi lại, tìm kiếm đã khó khăn, nguy cơ mất an toàn do cháy nổ cho cư dân xung quanh cũng rất cao. Đúng như một vị lãnh đạo của thị xã nói với ông Trưởng ban Quản lý chợ: “Chợ chưa bị cháy nổ là do lâu nay công tác phòng chống tốt, chứ không phải chợ đã có đủ các điều kiện để bảo đảm không bị xẩy ra cháy, nổ”. Bởi các ki ốt, lều quán quá chật chội; dây nhợ, bạt che loằng ngoằng, thấp lè tè mọc len khắp chốn, cản trở lối đi. Đặc biệt, do diện tích quá nhỏ, lại nằm kẹp giữa hai quốc lộ lớn nên chợ không có chỗ đỗ xe ô tô cho khách, nói gì đến xe cứu hỏa khi lâm sự.
 
Từ quy mô chỉ hơn 300 quầy ban đầu, nay chợ đã có trên 600 người kinh doanh thường xuyên, 485 ki ốt cố định, hàng trăm người kinh doanh lưu động. Tính ra có trên 1.000 lao động hàng ngày chen chúc, bám trụ làm ăn trên một diện tích vỏn vẹn chỉ 1.300m2 thì tìm đâu ra một môi trường trong lành, thanh sạch?
 
Đã đến lúc thị xã Hồng Lĩnh cần có một Trung tâm thương mại dịch vụ (trong đó có cả chợ) để phục vụ tốt hơn yêu cầu của cư dân địa phương lẫn cuộc sống hàng ngày của bà con tiểu thương trong chợ.
 
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ V thị xã Hồng Lĩnh nhiệm kỳ 2010 - 2015 ghi rõ: “Tập trung quy hoạch và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại thị xã, các trung tâm buôn bán, nhà hàng, khách sạn, các chợ Cầu Trai, Đồng Đán, nâng cấp chợ Hùng Sơn, chợ huyện (Trung Lương) Chợ Treo…”
 
Theo ông Nguyễn Văn Hổ - Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh, đây là chủ trương được đặt ra không phải bây giờ mà là từ nhiều năm trước. Với một thị xã phát triển, chợ phải có vị trí rộng rãi, đẹp đẽ, thuận tiện cho việc đi lại; họp được cả ngày lẫn đêm; có bến xe, có nơi ăn uống đáp ứng nhu cầu 24/24 giờ của cả bà con trong chợ lẫn ngoài chợ.
 
Chị Trần Thị Hà - một tiểu thương có thâm niên gắn bó 20 năm với chợ thị xã, chia sẻ: “Do nhiều năm không được đầu tư nâng cấp, mở rộng nên chợ ngày một xuống cấp, chật chội, không đáp ứng được nhu cầu giao thương, mua bán”.
 
Cần tìm ra tiếng nói chung
 
Theo chúng tôi được biết, ngay từ năm 2007, thị xã Hồng Lĩnh đã có quy hoạch xây dựng Trung tâm thương mại siêu thị tổng hợp. Sau đó một vài doanh nghiệp ngoài tỉnh như HDB đã vào xin đầu tư xây dựng. Được sự đồng ý của UBND tỉnh Hà Tĩnh, thị xã đã cùng với các sở, ngành liên quan và nhà đầu tư họp bàn, thống nhất với bà con tiểu thương phương án góp vốn xây dựng theo hình thức xã hội hóa. Song sau đó do khó khăn chung về kinh tế, giữa năm 2013, HDB chính thức có văn bản xin tạm dừng việc đầu tư.
 
 
 Báo Công luận
 
 
Mặt trước chợ TX Hồng Lĩnh
 
Cũng vào năm 2013, Công ty TNHH Như Nam do ông Đặng Ngọc Bảo làm giám đốc, chính thức xin đầu tư xây dựng chợ Hồng Lĩnh. Là công dân của địa phương, ông Bảo hơn ai hết thấy rõ sự cần thiết phải xây dựng một chợ thương mại đúng tầm cả cho trước mắt và về lâu dài sau này. Được UBND tỉnh và thị xã chấp nhuận, ông Bảo đã cùng các sở, ngành của tỉnh và thị xã lập dự án đầu tư.
 
Cần nói thêm, chủ trương xây dựng tổ hợp thương mại Hồng Lĩnh ở đường 8A là hoàn toàn đúng đắn, được dư luận đồng tình cao. Bởi đây là khu vực đồng ruộng rộng rãi, không phải đền bù lớn khi giải phóng mặt bằng, lại gần kênh Nhà Lê, trên bến dưới thuyền thuận tiện cho việc giao thông cả đường thủy lẫn đường bộ.
 
Tuy vậy, chủ trương mới được đưa ra, lập tức đã có những phản ứng ngược lại. Một số bà con kéo nhau lên tận trụ sở UBND và Thị ủy chất vấn, đề xuất lùi lại thời gian dăm bảy, thậm chí là mười, mười lăm năm nữa. Một số người còn có những hành vi dọa dẫm, thúc ép bà con ký đơn, lôi kéo họ phải đi cùng mình lên khiếu nại lãnh đạo thị xã…
 
Tìm hiểu qua một số đồng chí lãnh đạo cũ của thị xã và nhiều người dân ở đây, chúng tôi thấy rằng, hầu hết bà con tiểu thương không phải không đồng tình hoặc chống đối chủ trương của thị xã xây dựng tổ hợp thương mại Hồng Lĩnh ở vị trí mới.
 
Vấn đề là, dự án mới ở giai đoạn chuẩn bị, làm quy hoạch nhưng do thiếu thông tin hoặc thông tin chưa chính xác về chủ trương, lộ trình khiến cho những người trong cuộc xôn xao, bất ổn. Nguyên nhân phản ứng, không đồng tình là do bắt nguồn từ lợi ích nhóm, tập trung vào 4 loại đối tượng. Một là, những hộ sát chợ cũ vì nguồn lợi trước mắt, lâu nay hưởng lợi nhờ chợ, nay chợ dời đi sẽ mất nguồn thu lớn. Hai là, những người buôn bán trong chợ, có vị trí thuận lợi đang làm ăn được, nay sợ sang chợ mới sẽ bị hoán đổi. Ba là, những người sống gần chợ cũ không muốn về nơi mới phải đi lại xa hơn, vừa không thuận lợi cho làm ăn vừa phải di chuyển vất vả. Bốn là, một bộ phận anh em trong BQL do hiểu chưa đầy đủ, sợ chuyển đổi mô hình sẽ khó có chỗ đứng thuận lợi, thậm chí phải mất việc...
 
Vì vậy vấn đề đặt ra ở đây về công tác tư tưởng là phải nói cho bà con hiểu chủ trương và quy hoạch xây dựng Trung tâm thương mại thị xã là đúng đắn, cần thiết, không thể thay đổi. Bởi tương lai không xa, Hồng Lĩnh phải trở thành đô thị loại 3, xứng tầm với một trung tâm văn hóa, kinh tế phía Bắc của tỉnh. Cho đến nay, thị xã mới đạt 24 trong tổng số 47 tiêu chí của đô thị loại 3, trong đó có tiêu chí rất quan trọng như Trung tâm thương mại. Việc mở rộng chợ, xây dựng Trung tâm thương mại là một nhu cầu tất yếu để phát triển, để thu hút nhiều hơn nguồn thu cho thị xã. Vì thế, không thể vì lợi ích cục bộ của một bộ phận mà làm chậm bước tiến của cả cộng đồng gần 4 vạn cư dân thị xã.
 
 
 Báo Công luận
 
 
Chợ thị xã Hồng Lĩnh nhìn từ trên cao
 
Một điều cần lưu ý là, tỉnh Hà Tĩnh nên có chính sách thỏa đáng với bà con lâu nay gắn bó với chợ. Trước mắt vẫn để bà con tiếp tục kinh doanh bình thường, giúp các hộ có cơ hội thu hồi vốn. Lúc về chỗ mới cần ưu tiên địa điểm, tính toán giá cả hợp lý để bù đắp một phần thiệt thòi cho những hộ đã bỏ ra cả trăm triệu đông đấu thầu, mua lại ki ốt ở chợ cũ.
 
Về phần mình, các hộ tiểu thương cần có nhận thức đúng đắn, tỉnh táo, sáng suốt trong suy nghĩ và hành động, tránh để kẻ xấu kích động, lôi kéo dẫn đến vi phạm pháp luật. Mong rằng suy nghĩ của chị Nguyễn Thị Hiền dưới đây cũng sẽ là suy nghĩ chung của mọi người: “Gia đình em đã kinh doanh ở chợ cũ 20 năm nay. Chúng em cũng đã đầu tư khá nhiều tiền vào việc mua bán, sữa chữa ki ốt. Nhưng khi có chợ mới, em sẽ là một trong những người đầu tiên đăng ký kinh doanh. Bởi em cho rằng, chợ mới này mọi điều kiện sẽ tốt hơn, thuận lợi hơn cho việc bán hàng, nhất là sẽ không lo bị sập mái, chập cháy điện khi mùa mưa bão tới!”

  • Nhóm PV Bắc miền Trung

Tin khác

Tuyển sinh đại học năm 2024: Cách khai báo để được điểm ưu tiên

Tuyển sinh đại học năm 2024: Cách khai báo để được điểm ưu tiên

(CLO) Thí sinh căn cứ thời gian học tập tại cơ sở giáo dục trung học phổ thông chọn và điền đúng mã cơ sở giáo dục theo giai đoạn để được hưởng đúng mức ưu tiên theo khu vực.

Giáo dục
Bắc Ninh: Tập trung hoàn thành tốt chương trình, kế hoạch năm học 2023-2024

Bắc Ninh: Tập trung hoàn thành tốt chương trình, kế hoạch năm học 2023-2024

(CLO) Để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh yêu cầu toàn ngành tập trung chỉ đạo hoàn thành tốt chương trình, kế hoạch năm học.

Giáo dục
Ninh Bình: Tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT và thi vào lớp 10

Ninh Bình: Tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT và thi vào lớp 10

(CLO) Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn, Trưởng Ban Chỉ đạo các kỳ thi năm 2024 nhấn mạnh, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là 2 kỳ thi quan trọng, cần được tổ chức công khai, minh bạch, công bằng, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thí sinh dự thi.

Giáo dục
Thay đổi cách thức công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp

Thay đổi cách thức công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp

(CLO) Tới đây, mọi thủ tục thực hiện công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp sẽ thực hiện hình thức dịch vụ công trực tuyến hoàn toàn.

Giáo dục
Chuyên gia chia sẻ về cách ôn tập và làm bài môn Toán để đạt điểm cao

Chuyên gia chia sẻ về cách ôn tập và làm bài môn Toán để đạt điểm cao

(CLO) Theo đề thi minh họa môn Toán, kiến thức thi vẫn trọng tâm và bám sát cấu trúc đề thi nhiều năm trước, do đó học sinh cần rèn luyện kỹ năng làm bài tránh sai sót.

Giáo dục