Xung lực mạnh cho hồi phục và tăng trưởng

Thứ ba, 04/01/2022 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trước nhận định các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện nay vẫn còn ở mức thấp, trong một số diễn đàn, hội nghị lớn bàn về phục hồi, phát triển kinh tế năm 2022, một số chuyên gia đã kiến nghị nên có thêm các gói “siêu hỗ trợ”, chiếm 8% - 10% GDP.

Kiến nghị thêm gói “siêu hỗ trợ”

Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây ra thiệt hại rất nặng về kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

Nhận định về điều này, trong một hội nghị cuối năm 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Trong năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và là một trong những nước có tăng trưởng dương cao nhất thế giới.

Năm 2021, Việt Nam đã có nhiều giải pháp đổi mới để thực hiện nhiệm vụ kép, trong đó có cả phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 với biến chủng Delta đã gây thiệt hại rất nặng nề, làm ảnh hưởng đến tình hình thực hiện mục tiêu kinh tế xã hội.

xung luc manh cho hoi phuc va tang truong hinh 1

Tại Diễn đàn kinh tế năm 2021, nhiều chuyên gia kinh tế đề nghị có gói siêu hỗ trợ phục hồi nền kinh tế qui mô 8-10% GDP.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, để đối phó với dịch bệnh, khắc phục những thiệt hại và tác động của dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, các nước trên thế giới đã đưa ra nhiều gói giải pháp về tài khóa, tiền tệ khác nhau. “Việt Nam đã sử dụng linh hoạt và khá đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác nhằm khắc phục thiệt hại và hỗ trợ phục hồi kinh tế trong đại dịch”, ông nói.

Tuy nhiên, theo đánh giá của rất nhiều chuyên gia, các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, an sinh xã hội trong thời gian qua có quy mô nhỏ, chỉ chiếm khoảng 3% - 4% GDP. Đơn cử như các chính sách tài khóa, tiền tệ với tổng quy mô khoảng 4% GDP, trong đó gói tài khóa là 2,9% và gói tiền tệ là 1,1%.

Nếu xét trên bình diện thế giới, mức hỗ trợ 4% là thấp so với các nước đang có thu nhập trung bình thấp, điều này chưa đủ cho một xung lực mạnh để kinh tế hồi phục và tăng trưởng.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế đánh giá: Nếu Việt Nam không có gói hỗ trợ đặc biệt, đủ lớn, thì kinh tế Việt Nam sẽ lỡ nhịp và tụt hậu.

Trên cơ sở đó, TS. Cấn Văn Lực đề xuất gói “siêu hỗ trợ” với tổng giá trị lên tới  840.000 tỷ đồng, tương đương 10,38%. Trong số này, chính sách tài khóa chiếm lớn nhất trong cơ cấu với 8,34%, tương đương 678.395 tỷ đồng; chính sách tiền tệ 65.000 tỷ đồng (chiếm 0,8%), chính sách an sinh xã hội là 12.800 tỷ đồng (chiếm 0,16%), chính sách khác là 37.650 tỷ đồng (0,46%); đầu tư SCIC vào doanh nghiệp là 50.000 tỷ đồng (chiếm 0,6%). Về giá trị thực tế sẽ chi, ông Lực cho biết con số thực tế sẽ là 445.760 tỷ đồng (chiếm 5,48% GDP), theo tính toán của nhóm nghiên cứu.

Để thực hiện gói hỗ trợ này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng Việt Nam cần phải huy động nhiều nguồn lực, trong đó, khoản huy động lớn nhất là trái phiếu Chính phủ  với 220.060 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong quá trình huy động nguồn lực, Việt Nam phải liên kết chặt chẽ với chiến lược phòng, chống dịch; xây dựng lộ trình cụ thể để trung hòa các tác động của chính sách hỗ trợ.

Đồng thời, để các gói hỗ trợ này phát huy hiệu quả nhất, Chính phủ phải đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh; kiên quyết tháo gỡ rào cản, vướng mắc nhanh nhất có thể; chú trọng triển khai đồng thời các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra trong các kế hoạch, chương trình khác.

Cũng có đề xuất tương tự, PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam kiến nghị gói hỗ trợ lên tới 666.000 tỷ đồng, tập trung vào 4 giải pháp chính. Trong đó, gói hỗ trợ này sẽ ưu tiên nguồn lực củng cố hệ thống y tế trên toàn quốc, với khoảng 76.000 tỷ đồng. Tiếp đến là gói hỗ trợ củng cố hệ thống an sinh xã hội, với số tiền là 58.000 tỷ đồng.

xung luc manh cho hoi phuc va tang truong hinh 2

Để phục hồi nền kinh tế, cần hỗ trợ cho vay đồng thời giảm, giãn thuế cho nhiều doanh nghiệp.

Thứ ba là gói hỗ trợ doanh nghiệp, với số tiền khoảng 244.000 tỷ đồng, cùng với việc hạ mặt bằng lãi suất. Cuối cùng là gói hỗ trợ đầu tư công, có quy mô 288.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2 năm 2022 - 2023.

“Như vậy, tổng gói cứu trợ nền kinh tế dựa trên 4 lĩnh vực ưu tiên dự kiến có giá trị khoảng 666.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8% tổng giá trị GDP nền kinh tế năm 2020”, ông Tuấn nói.

Các gói hỗ trợ chỉ nên dừng ở ngưỡng 4% GDP

Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, cả tổng cung và tổng cầu đều bị suy giảm, thì các kiến nghị có thêm các gói hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển kinh tế là cần thiết.

Thế nhưng, một số quan điểm cho rằng, các gói “siêu hỗ trợ” chiếm 8% - 10% là quá lớn. Nếu các gói hỗ trợ này thông qua sẽ tạo ra một gánh nặng khổng lồ cho ngân sách nhà nước.

Đồng tình với nhận định này, PGS.TS Vũ Sỹ Cường - giảng viên Học viện Tài chính đánh giá: Chính sách tài khóa mặc dù còn dư địa, nhưng còn không quá lớn, và không nên dùng hết dư địa này vào chương trình phục hồi.

“Chúng ta cần thiết kế chính sách hợp lý, không thể tất tay được. Bởi vì hiện nay, rủi ro COVID-19 vẫn còn, đặc biệt là biến thể mới Omicron đang đe dọa tới nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, không thể dùng hết dư địa tài khóa và nên dừng ở mức độ vừa phải, khoảng 3,8% - 4% GDP trong 2 năm là hợp lý”, ông Cường nói.

Ông Cường khuyến nghị, nguyên nhân chính của sụt giảm kinh tế là lý do về y tế, nên cần cụ thể hóa các chính sách về y tế và các chính sách ngoài tiền tệ và tài khóa để giảm đi tính bất định, để doanh nghiệp thêm chắc chắn khi quyết định đầu tư kinh doanh.

Trong tham luận công bố tại diễn đàn, ông Cường ước tính, để đối phó với dịch bệnh COVID-19, trong trung hạn, Việt Nam sẽ cần chi thêm mỗi năm cho y tế từ 0,8-1% GDP, như chi mua vắc-xin, chi y tế dự phòng, xây dựng các trung tâm phòng ngừa dịch bệnh vùng, chi cho khám chữa bệnh…

“Đây cũng là thách thức lớn khi cân đối ngân sách với các khoản chi khác. Tuy nhiên, cần đặc biệt quan tâm đến hiệu quả của chi tiêu y tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh với tình trạng yêu cầu xét nghiệm lớn như hiện nay”, ông Cường nói.

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh: Tại Nghị quyết kỳ họp thứ hai vừa qua, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ ngay trong năm 2021 phải đề xuất ban hành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có gói hỗ trợ  tài khoá thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

“Chủ tịch Quốc hội đã sớm giao nhiệm vụ cho các cơ quan của Quốc hội làm việc với các cơ quan liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học để bổ sung cơ sở thực tiễn và khoa học, đưa ra gói hỗ trợ này cho phù hợp”, ông Thanh cho biết.

Bàn về những gói hỗ trợ trong thời gian tới, ông Thanh khái quát gói hỗ trợ cần tập trung cả phía cung và phía cầu, phối hợp hài hòa hiệu quả các chính sách vĩ mô, đủ lớn và có trọng tâm để tạo ra cú hích và tạo sự thay đổi cho nền kinh tế nhưng tránh nguy cơ có thể gây lãng phí.

Gói này phải khả thi và phải thực thi nhanh, là vấn đề cần hết sức quan tâm, tập trung vào các ngành lĩnh vực có khả năng hấp thụ nhanh, an toàn, ông Thanh nêu rõ. Về thời gian, ông Thanh cho biết  đề xuất gói này thực hiện trong hai năm, trong đó năm 2022 là để phục hồi kinh tế và năm 2023 để kích thích phát triển. Nhưng quan trọng là phải bảo đảm an toàn, an ninh tài chính quốc gia, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, có thể trong giai đoạn nhất định thì 1 số chỉ tiêu có thể thay đổi.

“Tuy nhiên, phải cân đối khả năng vay - trả nợ và khả năng hấp thụ của nền kinh tế, phải công khai minh bạch, nhanh rộng nhưng phải có cơ chế giám sát để chính sách phát huy tác dụng, chống tham nhũng lãng phí, lợi ích nhóm”, ông Thanh nhấn mạnh.

Thanh Anh

Bình Luận

Tin khác

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải đường Vành đai 3 TP.HCM chậm tiến độ

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải đường Vành đai 3 TP.HCM chậm tiến độ

(CLO) Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua thành phố có khó khăn về thiếu nguồn cát san lấp nên phần đường đang chậm tiến độ.

Kinh tế vĩ mô
Bắc Ninh: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4/2024 tăng 6,25%

Bắc Ninh: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4/2024 tăng 6,25%

(CLO) Mặc dù chưa thể hồi phục về quy mô bình thường nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh trong tháng 4/2024 đã tăng 6,25% so với cùng kỳ.

Kinh tế vĩ mô
Mục tiêu tới năm 2030, thu nhập bình quân của người dân Đông Nam Bộ đạt 16.000 USD/năm

Mục tiêu tới năm 2030, thu nhập bình quân của người dân Đông Nam Bộ đạt 16.000 USD/năm

(CLO) Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kinh tế vĩ mô
Bắc Ninh “hút” được 997,1 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2024

Bắc Ninh “hút” được 997,1 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2024

(CLO) 4 tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục rót vốn vào tỉnh Bắc Ninh hơn 100 dự án, đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 998,3 triệu USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư cả nước.

Kinh tế vĩ mô
Châu Á đang đối mặt với tình trạng dân số già hóa “không lành mạnh”, 65 tuổi vẫn phải đi làm

Châu Á đang đối mặt với tình trạng dân số già hóa “không lành mạnh”, 65 tuổi vẫn phải đi làm

(CLO) Theo ADB, dân số châu Á đang già đi nhanh chóng. Vì vậy, các quốc gia châu Á cần chuẩn bị từ bây giờ nếu muốn giúp hàng trăm triệu người dân già đi một cách lành mạnh.

Kinh tế vĩ mô