Bác sĩ Trần Thanh Linh: "Chỉ mong sao dập tắt dịch, cứu được nhiều người"

Thứ năm, 27/05/2021 11:49 AM - 0 Trả lời

(CLO) "Mỗi buổi sáng, khi vào bệnh viện, các bệnh nhân nặng chưa thoát được nguy hiểm, chúng tôi lại lao đầu vào công việc và không nghĩ gì cho mình nữa", Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó trưởng Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.

Bác sĩ chuyên khoa cấp II Trần Thanh Linh, Phó trưởng Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những bác sĩ có mặt tại những điểm nóng để điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 nặng. Anh được biết đến người điều trị thành công cho bệnh nhận 91 - Phi công người Anh và cũng là người có mặt luôn túc trực bên các bệnh nhân nặng ở Đà Nẵng vào năm ngoái. 

Lần này, bác sĩ Trần Thanh Linh lại được điều ra Bắc Giang để hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại đây. Nói sâu hơn về công việc của mình, Bác sĩ Trần Thanh Linh đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận.

BSCKII Trần Thanh Linh, Phó trưởng Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Chợ Rẫy (ảnh TL).

BSCKII Trần Thanh Linh, Phó trưởng Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Chợ Rẫy (ảnh TL).

PV: Xin chào bác sĩ Trần Thanh Linh! Lần thứ n xách ba lô lên đi vào vùng dịch, tâm thế của anh thế nào khi lần này đến điểm nóng Bắc Giang?

Thực sự mỗi chuyến đi chúng tôi lại mang những tâm trạng khác nhau. Chúng tôi đã có những ngày rất khác khi đến Đà Nẵng hồi giữa năm 2020. Ngày đầu đi Đà Nẵng, thành thật mà nói tôi đã không hình dung trước được những ca bệnh quá nặng và chiến trường tất khốc liệt sau đó.

Còn lần này đến Bắc Giang, trước khi đi tôi đã dự trù, đã tiên lượng được các nguy cơ và số lượng bệnh nhân có thể diễn tiến. Có thể nói tôi có sự chủ động hơn, sự tự tin hơn sau những kinh nghiệm trải qua từ nhiều trận dịch khốc liệt trước đó. Và sự quan tâm của các lãnh đạo, cũng như thấy sự chi viện hết mình cho Bắc Giang, chúng tôi cũng tự tin hơn với việc chi viện lần này.

Ngay khi vừa đến Bắc Giang, đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy đã lập tức nhập cuộc cùng các bác sĩ Bệnh viện Phổi Bắc Giang kiểm tra tình hình bệnh nhân. Có vẻ trước đó anh đã nghiên cứu rất kỹ diễn tiến tình hình dịch ở đây?

Bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp và người dân cả nước thời gian qua luôn luôn theo dõi sát tình hình dịch của Bắc Giang – Bắc Ninh. Do đó lượng bệnh nhân hay điều kiện các đoàn chống dịch, bao nhiêu đơn vị chăm sóc bệnh nhân COVID-19 được thành lập, các đơn vị chi viện tôi đều nắm được.

Tôi cũng tìm hiểu kỹ số lượng bệnh nhân nặng diễn tiến, cơ sở vật chất và nguồn lực tại chỗ. Tôi chủ động nên cố gắng nhận nhiệm vụ, triển khai ngay.

Ngay khi đến đây, đội phản ứng nhanh của BV Chợ Rẫy đã được làm việc với Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, đại diện của Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Sở Y tế Bắc Giang.

Sau đó chúng tôi trực tiếp đến BV Phổi để khảo sát tình hình thực tế và nắm bắt về nhân sự, trang thiết bị hay số lượng bệnh nhân, diễn tiến, nguy cơ có thể xảy ra để anh em để có thể dự trù làm nhanh những đề án, để ngay trong 27/5 có thể tiếp quản đơn vị hồi sức (ICU) của BV Phổi. Làm sao đảm bảo bệnh nhân được điều trị nhanh nhất, mau phục hồi, hiệu quả nhất.

Qua làm việc với các đơn vị điều trị bệnh nhân tại Bắc Giang, đặc biệt là BV Phổi, anh đánh giá thế nào về nguy cơ và cơ hội điều trị chống dịch ở đây?

Trước mắt chúng tôi nhận thấy các ekip hỗ trợ cho Bắc Giang thời gian qua từ các tuyến trung ương đến các đơn vị chi viện đã rất nỗ lực.

Chỉ trong thời gian rất ngắn 5-6 ngày đã hoàn thiện đơn vị ICU đặt tại BV Phổi với 58 giường bệnh, trong đó có 17 giường cho bệnh nhân nặng với đầy đủ hệ thống oxy trung tâm, khí nén và những dự trù vật tư tiêu hao, trang thiết bị.

Tuy nhiên, với tình trạng số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Bắc Giang mỗi lúc mộ tăng thì con số bệnh nhân nặng chắc chắn cũng sẽ gia tăng. Do đó về nhân sự, trang thiết bị, vật tư tiêu hao cần phải tiếp tục bổ sung và cùng với lực lượng tại chỗ, làm sao giải quyết được “4 tại chỗ”.

Đội phản ứng nhanh của BV Chợ Rẫy lần này có 13 nhân sự với đầy đủ các chuyên khoa có thể xử lý với các bệnh nhân nặng, nguy kịch cần kỹ thuật cao.

Các anh em đã chinh chiến qua tâm dịch,  mục tiêu của chúng tôi là vận hành trơn tru và an toàn nhất đơn vị hồi sức tại Bệnh viện Phổi và giải quyết, cứu chữa được nhiều bệnh nhân nhất có thể, đặc biệt giảm thiểu tỷ lệ tử vong. Đồng thời tập huấn nhân lực tại chỗ để đảm bảo nguồn nhân lực tại chỗ chống dịch tốt nhất có thể.

So với đợt dịch tại Đà Nẵng năm ngoái, anh đánh giá thế nào về “điểm nóng” Bắc Giang?

Mặc dù Bắc Giang không có nhiều bệnh nhân lớn tuổi và có nhiều bệnh nền như ổ dịch Đà Nẵng  nhưng vì chủng virus lần này biến thể nên bệnh nhân nặng vẫn có.

Đặc biệt, hiện số lượng bệnh nhân vẫn còn gia tăng thì số lượng bệnh nhân nặng cũng sẽ tăng, nên hiện tại dù chúng ta đang kiểm soát, khoanh vùng rất tốt nhưng vẫn phải dự trù tình huống xấu.

Vì thế luôn luôn phải trong tư thế chủ động, đánh giá chính xác, tích cực hơn mới có thể kiểm soát được dịch Bắc Giang.

Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy lần này với 13 người, ngoài 4 bác sĩ đã chinh chiến qua nhiều ổ dịch thì 7 thành viên còn lại đều còn trẻ và lần đầu tham gia vào tâm dịch. Tiêu chí nào để anh lựa chọn các thành viên đoàn mình?

Trước tiên là các anh em trong đoàn phải là người có thể xử lý/điều trị được bệnh nhân hồi sức như suy hô hấp, đặt nội khí quản, lọc máu, chạy ECMO (tim phổi nhân tạo), kiểm soát bằng máy thở, sử dụng hệ thống siêu âm, vận chuyển bệnh nhân cấp cứu… Ngoài ra, điều dưỡng cũng rất quan trọng.

Mặc dù lần này các bạn điều dưỡng còn trẻ, chưa tham gia những đợt dịch trước nhưng các bạn ấy đã làm trong môi trường ICU nhiều năm, có kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân nặng.

Tôi tin các bạn ấy đủ tầm để vừa chăm sóc bệnh nhân nặng COVID-19 vừa có thể tập huấn cho nguồn lực tại chỗ.

Và tiêu chí quan trọng là các ban có sự tự nguyện, năng động và quyết tâm cao, sẵn sàng lăn xả, sẵn sàng chung tay với cả nước để dập dịch. Đó là những tiêu chí tôi lựa chọn các thành viên trong đoàn chi viện Bắc Giang lần này.

Từ đầu năm 2020 đến nay, anh gần như đi trường kỳ chống dịch, điều này ảnh hưởng thế nào đến hậu phương của anh không?

Có lẽ không riêng bản thân tôi, nhiều người khác như các đồng nghiệp của Bạch Mai của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đi như vậy.

Đó có lẽ là nhờ chúng ta có những hậu phương vững chắc. Tôi và nhiều anh em đồng nghiệp khác ở Bệnh viện Chợ Rẫy từng có bốn tháng gần như liên tiếp không về nhà.

Đôi khi chúng tôi nghĩ tại sao mình lại làm được như vậy? Có lẽ là bởi chúng tôi có hậu phương vững chắc là những anh em đồng nghiệp luôn ở phía sau ủng hộ, luôn nhắn tin động viên.

Gia đình vợ con luôn ủng hộ, gánh vác phần việc khi mình vắng nhà. Và đặc biệt, các cấp lãnh đạo cũng đến thăm hỏi, động viên, an ủi người thân để anh em yên tâm đi tuyến đầu chống dịch.

Đặc biệt phản ứng của bà xã thế nào khi anh 1 lần nữa lại xách ba lô đi vào tâm dịch?

Đôi khi chúng tôi hay nói vui là đi nhiều thế này thì khi về con vật nuôi lâu năm còn quay đuôi sủa mình. Nhưng nói vui với nhau thôi thật ra mình cũng phải nhìn nhận là mình làm nhiệm vụ xã hội, giúp nhiều người thì sẽ không trọn vẹn chu toàn cho gia đình.

Nhưng điều đó là cần thiết vì mang lại bình yên cho cả cộng đồng, người bệnh chắc chắn là niềm vui lớn nhất cho người nhà, người thân.

Trong chiến trường Đà Nẵng, tôi gần như không dám gọi về nhà bởi mỗi lần nghe con hỏi khi nào ba về đều xót xa, nhớ nhà lắm.

Nhưng rồi mỗi buổi sáng, khi vào bệnh viện, các bệnh nhân nặng chưa thoát được nguy hiểm, chúng tôi lại lao đầu vào công việc và không nghĩ gì cho mình nữa. Chúng tôi chỉ mong sao mong dập tắt dịch, cứu được nhiều người.

Lần đi chống dịch này anh có trù liệu chuyến đi sẽ kéo dài bao nhiêu ngày không?

Thật ra trước khi lên đường, anh em trong đội đã nhắn nhủ nhau chuyến đi lần này có thể sẽ kéo dài hơn chuyến đi Đà Nẵng năm ngoái và toàn đội phải chuẩn bị tâm thế là cùng với các đồng nghiệp chống được dịch, dập dịch sớm nhất có thể, hoàn thành nhiệm vụ.

Chúng tôi biết rõ, khi Bắc Giang-Bắc Ninh và các tỉnh khu vực miền Bắc bình yên thì miền Trung, miền Nam của đất nước mới giữ sạch được “mảnh lưới”.

Tôi vẫn nói với mọi người, có thể chiến trường, chiến tranh có tiếng súng còn chiến trường nơi vùng dịch chỉ là tiếng còi xe cứu thương liên tục và các chiến sĩ áo trắng vẫn ngày đêm làm nhiệm vụ.

Động lực lớn nhất để có thể chiến đấu là tinh thần đoàn kết vì cuộc sống bình an. Chúng tôi quyết tâm mang lại sự bình an để mọi người có thể yên tâm trở lại cuộc sống bình thường.

Báo Công luận

Trinh Phúc

Tin khác

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

(CLO) Sản phụ 34 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, đau bụng nhiều, huyết áp giảm do thai ngoài tử cung bị vỡ và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu và truyền 6 đơn vị máu.

Sức khỏe
Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

(CLO) Dịp nghỉ lễ nhu cầu đi lại người dân nhiều nên tăng nguy cơ lây lan dịch, trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới.

Sức khỏe
Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

(CLO) Một tài khoản mạng xã hội đã đăng thông tin sai sự thật trên các hội, nhóm và các trang mạng xã hội mạo danh Bệnh viện nhi Trung ương để huy động tiền từ thiện.

Sức khỏe
Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

(CLO) Ngày 25/4, Đoàn công tác của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương do Phó Trưởng ban Thường trực điều hành Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Trần Huy Dụng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh.

Sức khỏe
Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

(CLO) Trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái.

Sức khỏe