Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (12/1972 - 12/2022): Điện Biên Phủ trên không: Kỳ tích thế kỷ

Bài 3: 12 ngày đêm bão lửa và chiến thắng rúng động địa cầu

Thứ hai, 19/12/2022 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Cách đây tròn 50 năm, vào những ngày cuối tháng 12/1972, cả thế giới đã phải rung động, kinh ngạc rồi kính phục chứng kiến uy danh “pháo đài bay B-52” - biểu tượng sức mạnh của không lực Hoa Kỳ bị đập tan trên bầu trời Hà Nội.

12 ngày đêm bão lửa, ý chí quyết đánh, quyết thắng đã làm nên “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - một trong những chiến công vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20.

Bài liên quan

Chiến dịch Linebacker II hay cuộc tập kích cường độ cao nhất lịch sử

Linebacker II - Operation Linebacker II hay còn gọi là chiến dịch ném bom lễ Giáng Sinh – Christmas Bombings in Vietnam war 1972 là tên gọi của cuộc không kích đầy tham vọng và đầy toan tính trả thù của Tổng thống Mỹ Richard Nixon khi muốn biến miền Bắc Việt Nam trở về “thời kỳ đồ đá”.

bai 3 12 ngay dem bao lua va chien thang rung dong dia cau hinh 1

Xác máy bay B-52 bị bắn rơi ngày 21/12/1972. (Ảnh: TTXVN)

Thực ra theo nhiều tài liệu, không phải đến cuối năm 1972 khi đã có dấu hiệu thất bại trên bàn đàm phán Paris, vị Tổng thống diều hâu này mới nảy ra toan tính đó. Chiến dịch Linebacker II là kết quả của một quá trình chuẩn bị công phu của Tổng thống R.Nixon, cố vấn H.Kissinger và chính phủ Mỹ. Theo tài liệu của tác giả Hiếu Lê, ngày 1/5/1972, sau khi nghe tin thị xã Quảng Trị thất thủ, Tổng thống Nixon đã có cuộc hội đàm gấp với Kissinger và tướng A.Haig để bàn về những biện pháp quân sự đáp trả Hà Nội nhằm cứu nguy cho quân đội VNCH đang tháo chạy ở miền Trung. Trong cuộc họp này đã có ba giải pháp được đưa ra, gồm việc ném bom, phong tỏa miền Bắc, phá vỡ các đê điều hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân. Đến ngày 9/5/1972, Tổng thống Nixon đã ra lệnh triển khai chiến dịch Linebacker (sau này được gọi là Linebacker I) để leo thang, ném bom phá hoại miền Bắc.

Đến tháng 12/1972, ngay khi vòng đàm phán Paris về chiến tranh Việt Nam lần 2 bị tạm ngưng, Nixon đã quyết định phương án tấn công quân sự Hà Nội bằng chiến dịch Linebacker II. Chiều ngày 15/12/1972, Tổng thống Nixon cùng Kissinger và một số nhân vật đặc biệt quan trọng khác đã “bấm nút” mở chiến dịch Linebacker II.

Báo chí gọi Linebacker II là cuộc tập kích cường độ cao nhất lịch sử là bởi, trong chiến dịch ném bom vào Hà Nội, Hải Phòng tháng 12/1972, đế quốc Mỹ đã sử dụng gần một nửa số máy bay ném bom chiến lược B52 của toàn nước Mỹ (193/400 chiếc); hơn 1/3 số máy bay chiến thuật của quân đội Mỹ (1.077/3.041 chiếc) bằng lực lượng không quân của cả 2 nước Anh và Tây Đức hồi ấy; 1/4 số tàu sân bay (6/24 chiếc) và hàng trăm máy bay tiếp dầu trên không, máy bay gây nhiễu điện tử, trinh sát, các loại máy bay chỉ huy dẫn đường, cứu nạn và 5 tàu sân bay hiện đại ở Thái Lan, ngoài Thái Bình Dương, Philippin và Nhật Bản.

Chưa hết, trong cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 trong 12 ngày đêm đó (từ 18 - 29/12/1972), Mỹ đã sử dụng 729 lần chiếc máy bay ném bom chiến lược B52, gần 4.000 lần chiếc máy bay chiến thuật; rải xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu phía Bắc vĩ tuyến 20 một khối lượng bom đạn xấp xỉ 35.000 tấn chất nổ. Riêng Hà Nội, địch tập trung 444 lần chiếc B52 (chiếm 60% tổng số lần/chiếc) và hơn 1.000 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá vào 830 điểm; hơn 1.000 lần đánh vào các điểm dân cư, kinh tế, giáo dục, văn hoá, xã hội ở khắp 4 khu phố và 4 huyện, trong đó có 39 khối phố nội thành, 3 thị trấn và 78 trong số 102 xã ngoại thành.

bai 3 12 ngay dem bao lua va chien thang rung dong dia cau hinh 2

Máy bay B-52 bị bắn rơi đêm 26/12/1972 trên bầu trời Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Có tài liệu đã nói rằng: Mỹ đã tập trung một nửa lực lượng không quân chiến lược và hầu hết lực lượng không quân chiến thuật mà chúng có ở Đông Nam Á để tiến hành cuộc tập kích này. Tất cả sự dồn lực cho chiến dịch Linebacker II cũng chỉ để hiện thực hóa tham vọng của Nixon rằng, thông qua đòn đánh có tính chất hủy diệt tiềm lực kinh tế, quốc phòng miền Bắc, uy lực và sức mạnh quân sự của Mỹ sẽ nhanh chóng buộc Chính phủ Việt Nam phải trở lại Hội nghị Paris, chấp nhận các đòi hỏi của Mỹ. 

“Thăng Long chiến địa” và chiến thắng làm kinh ngạc thế giới

19 giờ 10 phút ngày 18/12/1972, hệ thống ra-đa của ta bắt được tín hiệu máy bay B-52 địch đầu tiên hướng về Hà Nội, mở đầu đòn tập kích chiến lược. 19 giờ 15 phút, Bộ Tổng tư lệnh phát lệnh báo động toàn miền Bắc. Cuộc quyết đấu chính thức bắt đầu.

Nhưng với sự phán đoán chính xác âm mưu, hành động của địch, sự chuẩn bị sớm từ trước, chúng ta đã không hề bất ngờ. Quân dân ta ở Hà Nội và các địa phương bước vào chiến dịch phòng không với tinh thần hết sức chủ động, bình tĩnh, tự tin. Từ những kinh nghiệm đánh B52 tại Vĩnh Linh trước đó cùng quá trình nghiên cứu cách đánh B52 một cách kỹ lưỡng, lực lượng phòng không của ta tổ chức hiệp đồng chặt chẽ, tạo dựng thế trận phòng không chắc chắn. Theo đó, lực lượng tên lửa bố trí đội hình vòng trong và ngoài, tập trung hỏa lực tiêu diệt B52. Các đơn vị pháo phòng không đánh máy bay cường kích. Không quân dùng lực lượng nhỏ bất ngờ đánh từ phía sau, bên sườn chặn đánh B52 ngoài vùng hỏa lực. Rada phát hiện mục tiêu sớm, dẫn đường cho không quân cất cánh. Bộ đội pháo cao xạ tích cực đánh trả máy bay cường kích ném bom, bảo vệ an toàn cho trận địa tên lửa. Bộ đội địa phương, dân quân tự vệ triển khai hỏa lực chiến đấu trên địa bàn rộng lớn tạo nên hệ thống lưới lửa đánh máy bay tầm thấp rất lợi hại... 

bai 3 12 ngay dem bao lua va chien thang rung dong dia cau hinh 3

Đại đội 4 pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, trừng trị máy bay Mỹ đến gây tội ác. Ảnh: Văn Bảo - TTXVN.

Sức mạnh của không quân chiến lược Mỹ không chỉ ở tính chất ồ ạt với số lượng lớn máy bay B52, mà còn ở hệ thống gây nhiễu điện tử cực mạnh, tạo thành cái áo giáp điện tử vững chắc, che giấu toàn bộ lực lượng tiến công, biến mỗi chiếc B52 thành một máy bay tàng hình đúng nghĩa. Thế nên, một thế trận phòng không vững chắc cũng là chưa đủ. Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt - nguyên Phó tư lệnh Chính trị Quân chủng Phòng không Không quân, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tên lửa 77 bảo vệ Thủ đô Hà Nội năm 1972 từng kể lại, thời kỳ ấy, từ tư lệnh đến trắc thủ ngồi chụm đầu vào nhau bàn bạc, thống nhất cách đánh, bố trí đội hình, lập nhiều điểm đánh trên một đường bay của B52... để sẵn sàng nghênh chiến. Và từ sự nghiên cứu, bàn bạc rất kỹ lưỡng ấy, nhiều ý tưởng, nhiều sự sáng tạo đã nảy ra.

Câu chuyện của Trung tướng Phạm Tuân, người anh hùng bắn rơi B52 đêm 27/12/1972 là một ví dụ của sự sáng tạo ấy. “Chúng tôi thấy rằng, cứ ở Hà Nội thì radar của ta rất nhiễu. Cuối cùng, lực lượng Không quân ta đem máy bay ra khỏi khu vực Hà Nội, cả Sở chỉ huy và hệ thống radar cũng được di chuyển ra khỏi Hà Nội. Vì thế, địch không biết chúng ta cất cánh lên từ sân bay nào. Địch vừa ném bom phá hoại sân bay xong thì quân và dân địa phương lại sửa đường băng ngay để Không quân cất cánh. Chúng ta làm cho địch bất ngờ như vậy nên nó không đối phó được” - Trung tướng Phạm Tuân kể.

bai 3 12 ngay dem bao lua va chien thang rung dong dia cau hinh 4

Người dân Thủ đô chăm chú theo dõi tin chiến thắng qua báo chí hàng ngày và các bảng thông tin, trong những ngày Mỹ đánh phá ác liệt cuối tháng 12/1972. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Hệ quả của việc “địch không đối phó” được là việc 19 giờ chiến dịch bắt đầu thì 20 giờ 13 phút, với tên lửa SAM2 không mấy hiện đại, bộ đội tên lửa của ta đã bắn hạ chiếc B-52 đầu tiên của chiến dịch (rơi tại Phù Lỗ, Đông Anh, Hà Nội). Ngay trong đêm đầu tiên (18/12), bộ đội ta đã lập chiến công to lớn: bắn rơi 7 máy bay địch, trong đó có 3 máy bay B-52 (2 chiếc rơi tại chỗ), đêm 20/12, ta bắn rơi 15 máy bay trong đó có 7 chiếc B52 và 2 chiếc F111 (cánh cụp cánh xòe, đắt hơn B52); đêm 26/12 là đêm Mỹ thua đau nhất với 8 chiếc B52 bị bắn rơi… Tổng cộng, trong 12 ngày đêm, không lực Hoa Kỳ đã mất tới 81 chiếc máy bay hiện đại, trong đó có 34 chiếc B52, 5 chiếc F111, 21 chiếc F4C và F4E… thêm rất nhiều phi công Mỹ bị bắt làm tù binh. Riêng ở Thủ đô Hà Nội, ta bắn rơi 30 máy bay (trong đó có 23 B-52 và 2 F-111).

bai 3 12 ngay dem bao lua va chien thang rung dong dia cau hinh 5

Tự vệ Nhà máy Y Hà Nội ngày đêm nêu cao tinh thần cảnh giác, luyện tập sẵn sàng chiến đấu, bắn rơi máy bay B52.

Chiến thắng này là sự bù đắp xứng đáng cho bao sự mất mát hy sinh để tìm được cách đánh B52 trước đó. Đặc biệt là những mất mát không thể đo đếm được khi trong cuộc chiến đấu này, Mỹ đã sử dụng 444 lượt B52, chúng trút xuống Hà Nội 10.000 tấn bom, sập 5.480 ngôi nhà, sát hại 2.368 dân thường và làm 1.355 người khác bị thương.

Bị tổn thất nặng nề, đến sáng ngày 30/12/1972, Richard Nixon buộc phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng, chấp nhận nối lại đàm phán với ta tại Hội nghị Paris. Dự báo thiên tài của Bác Hồ: “Đế quốc Mỹ chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội” đã trở thành hiện thực.

Hà Anh

Bình Luận

Tin khác

Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt: Viết để trả nợ những người nằm xuống

Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt: Viết để trả nợ những người nằm xuống

(NB&CL) Ngày 30/4/1975, những chiếc xe tăng của quân giải phóng hùng dũng tiến vào Dinh Độc Lập, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong số những người chứng kiến thời khắc lịch sử đó, có người thanh niên trẻ 21 tuổi Nguyễn Khắc Nguyệt - chiến sĩ lái xe tăng số 380…

Đời sống văn hóa
“Đất nước trọn niềm vui”: Hạnh phúc vô biên ngày non sông anh hùng hoàn toàn giải phóng

“Đất nước trọn niềm vui”: Hạnh phúc vô biên ngày non sông anh hùng hoàn toàn giải phóng

(CLO) "Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay! Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông... Ôi, hạnh phúc vô biên, hát nữa đi em những lời yêu thương!"- Cảm xúc dào dạt lên tới cao trào, bỗng bật ra giọng Hò Đồng Tháp của chị văn công Giải phóng năm nào, hình tượng tiêu biểu của con người miền Nam tôi vẫn hằng ấp ủ trong tim, cứ vút cao đưa tâm hồn tôi bay lên, say trong không gian của non sông anh hùng ngày hoàn toàn giải phóng!”.

Đời sống văn hóa
TP Điện Biên Phủ miễn phí tham quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa dịp 30/4 - 1/5

TP Điện Biên Phủ miễn phí tham quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa dịp 30/4 - 1/5

(CLO) TP Điện Biên Phủ miễn phí tham quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa tại các bảo tàng và điểm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Đời sống văn hóa
Ấn tượng chương trình nghệ thuật đặc biệt 'Bản hùng ca vang mãi'

Ấn tượng chương trình nghệ thuật đặc biệt 'Bản hùng ca vang mãi'

(CLO) Chương trình nghệ thuật “Bản hùng ca vang mãi” được dàn dựng công phu, hoành tráng, âm thanh, ánh sáng hiện đại, cùng những câu chuyện lay động cảm xúc khán giả...

Đời sống văn hóa
Khai mạc Lễ hội du lịch biển 'Hải Tiến - Biển hát khúc tình ca'

Khai mạc Lễ hội du lịch biển "Hải Tiến - Biển hát khúc tình ca"

(CLO) Tối 29/4, UBND huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch biển Hải Tiến năm 2024 với chủ đề “Hải Tiến - Biển hát khúc tình ca”.

Đời sống văn hóa