Hướng tới bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026: 75 năm - Ngày hội của tinh thần dân chủ

Bài 4: Hiến pháp 1946 - Bản hiến văn đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ, độc lập

Thứ năm, 13/05/2021 11:29 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ngày 9/11 cách đây 75 năm, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đánh thêm một mốc son trên hành trình tạo dựng nhà nước pháp quyền của nước Việt Nam mới khi thông qua bản Hiến pháp năm 1946.

Bài liên quan

Bản Hiến văn đầu tiên của nước Việt Nam vừa là sự khẳng định mạnh mẽ về mặt pháp lý chủ quyền quốc gia của nhân dân Việt Nam, sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà còn là sự kiện đánh dấu bước nhảy vọt của nền dân chủ nước nhà.

Từ những chuẩn bị cặn kẽ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo nhiều nhà nghiên cứu, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có lẽ, là người Việt Nam đầu tiên nói đến Nhà nước pháp quyền. Minh chứng là từ năm 1919, trong Bản yêu sách gửi đến Hội nghị Versailles, Pháp, yêu sách thứ 7 được Người đề ra là pháp quyền (Thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ luật pháp). Khát vọng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, xây dựng nhà nước pháp quyền, dân chủ, thực sự của dân, do dân, vì dân, càng trở nên cháy bỏng khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Cũng chính bởi khát vọng cháy bỏng ấy, ngay từ khi nước nhà vừa giành được độc lập, chính quyền cách mạng non trẻ còn đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn của cảnh “thù trong giặc ngoài”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành nhiều thời gian tâm sức cho việc làm thế nào phải gấp rút xây dựng được một bản Hiến pháp dân chủ của nước Việt Nam độc lập.

bai 4 hien phap 1946  ban hien van dau tien cua nuoc viet nam dan chu doc lap hinh 1

Quốc hội khoá I. Ảnh: TL

Ngày 20/9/1945, nghĩa là chỉ chưa đầy một tháng sau Lễ Độc lập, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 34/SL quyết định thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của Chính phủ gồm 7 người do Người làm Trưởng ban. Nhiệm vụ của Ủy ban là nghiên cứu xác định mô hình, xây dựng cấu trúc của một bản Hiến pháp dân chủ hoàn toàn mới, vừa đảm bảo tính lâu dài vừa phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta.

Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Dự thảo Hiến pháp đã khẩn trương nghiên cứu soạn thảo Hiến pháp. Tháng 11/1945, khi soạn xong Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Ban dự thảo đã cho công bố trên báo Cứu quốc để toàn dân tham gia góp ý kiến.

Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 1 ngày 2/3/1946, trong những quyết sách hàng đầu được kỳ họp lịch sử này đưa ra, có việc thành lập Tiểu ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội với 11 thành viên. Tiểu ban có nhiệm vụ tiếp thu những kết quả nghiên cứu và dự thảo của Ban dự thảo Hiến pháp của Chính phủ lâm thời đồng thời, trên nền tảng ấy, tiếp tục nghiên cứu bổ sung. Để việc soạn thảo Hiến pháp đạt hiệu quả cao nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc gồm 41 thành viên (hầu hết là các trí thức, các nhà nghiên cứu, các doanh nhân) làm đầu mối tập hợp ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Thông qua Mặt trận Việt Minh, việc lấy ý kiến nhân dân cũng được tiến hành khẩn trương nghiêm túc.

Nhờ sự khẩn trương, nghiêm túc, công phu ấy, cùng sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 10/1946, bản dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được hoàn thành. Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa I diễn ra tại Nhà hát lớn ở Thủ đô Hà Nội, từ ngày 28/10- 9/11/1946, bản dự thảo Hiến pháp ấy được đưa ra để thảo luận và thông qua.

Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa đầu thảo luận và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên cũng như cuối cùng đã đi đến thống nhất cao. 

Và sau những phiên trao đổi, rất sôi nổi, thậm chí nhiều khác biệt, nhưng qua sự giải thích hết sức cặn kẽ, thuyết phục của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị là Trưởng ban dự thảo Hiến pháp của Chính phủ lâm thời, đồng thời là người đứng đầu Quốc hội Việt Nam (Nghị viện nhân dân) kiêm Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp 1946 - Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước Việt Nam mới với sự nhất trí gần như tuyệt đối với 240 phiếu thuận trên tổng số 242 đại biểu có mặt tại phiên họp này.

bai 4 hien phap 1946  ban hien van dau tien cua nuoc viet nam dan chu doc lap hinh 2

Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu

Hiến pháp đầu tiên “trong cõi Á Đông” hay bước nhảy vọt trong lịch sử lập pháp Việt Nam

Hơn mười ngày nay, các đại biểu đã khó nhọc làm việc. Quốc hội đã thu được một số kết quả làm vẻ vang cho đất nước là đã thảo luận xong bản Hiến pháp. Sau khi nước nhà mới được tự do hơn 14 tháng, đã làm bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Bản Hiến pháp đó còn là một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông này nữa. Bản Hiến pháp đó chưa hoàn toàn nhưng nó làm nên một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: Phụ nữ Việt Nam đã đứng ngang hàng với đàn ông để được tự do của một quyền công dân. Hiến pháp đó nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”.

Nhận định ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa I, dường như đã là những khẳng định thấu đáo nhất về ý nghĩ của Hiến pháp năm 1946 - bản hiến văn đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Tuy nhiên, như lời Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc thì, việc đánh giá Hiến pháp năm 1946 là “bản hiến pháp đầu tiên trong toàn cõi Á Đông” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là một cách nói khiêm nhường. Bởi lẽ, cùng với nhiều nội dung liên quan đến quyền tự do cơ bản của con người, Hiến pháp năm 1946 còn thể hiện bước tiến có thể coi là nổi trội so với các bản hiến pháp cùng thời, ngay cả của các quốc gia có nền dân chủ phát triển.

bai 4 hien phap 1946  ban hien van dau tien cua nuoc viet nam dan chu doc lap hinh 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 34/SL quyết định thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Tại Hội thảo khoa học 70 năm Hiến pháp Việt Nam, diễn ra năm 2016, các đại biểu Quốc hội, các nhà hoạt động thực tiễn, nhà nghiên cứu trao đổi đã cùng thống nhất rằng, Bản Hiến pháp 1946 đã tiếp thu có chọn lọc các hiến pháp dân chủ và tiến bộ của các nước, đồng thời đã “Việt hóa” tối đa cho phù hợp với điều kiện của nước ta. Điểm nổi bật của mô hình tổ chức bộ máy nhà nước trong Hiến pháp 1946 là đề cao vai trò của nghị viện nhân dân, cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước, nhấn mạnh vai trò của nghị viện trong việc giám sát Chính phủ; đề cao tính độc lập của hệ thống tòa án - cơ quan tư pháp; phân quyền rõ nét và hợp lý cho chính quyền địa phương... Mặc dù những quy định này chưa được tổ chức kiểm nghiệm nhiều trên thực tế do điều kiện lịch sử lúc bấy giờ đất nước có chiến tranh nhưng tinh thần, tư tưởng và giá trị của nó đã được đặt ra và kế thừa trong quá trình xây dựng Hiến pháp 2013. Trong bản Hiến pháp này, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, các quyền tự do, dân chủ của con người được đạo luật cơ bản ghi nhận và bảo đảm, cũng lần đầu tiên người dân Việt Nam được xác nhận có tư cách công dân của một nước độc lập, có chủ quyền.

Hà Anh

Tin khác

Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

(CLO) Ngày 28/4, tại Nhà tang lễ thành phố Hà Giang, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cùng các gia đình tổ chức lễ tang, lễ truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị dự lễ truy điệu.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thực tiễn cho thấy, giao thông phát triển đến đâu sẽ tạo ra giá trị mới, mở ra không gian phát triển mới đến đó.

Tin tức
Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Ngày 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, toàn bộ 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

(CLO) Ngày 28/4, trong chương trình công tác tại Ninh Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thị sát, tìm hiểu tình hình hạn hán, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh, khảo sát việc vận hành hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán.

Tin tức
Hiện thực hóa quy hoạch, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận

Hiện thực hóa quy hoạch, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được; góp phần hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận.

Tin tức