Tìm “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19:

Bài cuối: "Chìa khóa vàng" mang cơ hội "đổi đời" cho doanh nghiệp

Thứ bảy, 25/04/2020 11:27 AM - 0 Trả lời

(CLO) Trong thời điểm dịch Covid-19 đang trở thành "cơn ác mộng" của toàn thế giới, hơn lúc nào hết việc thực hiện kế sách “bám sâu rễ, bền gốc” ở thị trường trong nước lại càng cần thiết hơn bao giờ hết, được xem là "chìa khóa vàng" để doanh nghiệp vượt qua "cơn bĩ cực” mang tính lịch sử.

Bài 1: Doanh nghiệp chờ hết dịch trong… tuyệt vọng

Bài 2: “Ngủ đông” chờ hết dịch hay tự tìm lối thoát?

Bài 3: Sống chung với virus Corona - Cuộc chiến từ bên trong

Thị trường nội địa -

Thị trường nội địa - "điểm tựa" của doanh nghiệp trong đại dịch? Ảnh minh họa

Thị trường nội địa - ''mảnh đất màu mỡ" chưa được khai thác

Dù đang phải giãn cách xã hội, nhưng chị Trần Thị Ánh Nguyệt ở quận Hoàng Mai vẫn đi siêu thị 1 lần trong tuần. Chị rất yên tâm bởi hàng hóa luôn đầy đủ, không có tình trạng khan hàng, thiếu hàng, đặc biệt là các sản phẩm trong nước.

Trong thời điểm dịch Covid-19, tại các siêu thị, chợ truyền thống hàng Việt hiện chiếm khoảng 90% lượng hàng tiêu thụ trong nước. Cùng với đó, hàng hóa luôn được đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, bán hàng đúng giá niêm yết, không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá…

Theo chị Nguyệt đây là những việc làm đang góp phần đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng, tạo "làn sóng" thay đổi xu hướng mua sắm của người dân.

 
Tác động của dịch Covid-19 đang khiến các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới có xu hướng quay trở lại sân nhà, kích cầu tiêu dùng từ người dân và cũng thúc đẩy sản xuất kinh doanh những mặt hàng, sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và thuộc tính tiêu dùng của người dân địa phương. 

Không riêng gì lĩnh vực bán lẻ, một số ngành hàng khác thời điểm này đã và đang nỗ lực, đổi mới, sáng tạo biến “nguy” thành cơ hội khẳng định được tên tuổi ở thị trường trong nước. Ông Tô Văn Nhật, Tổng Giám đốc Tập đoàn Amaccao cho biết, khi nguồn cung nước ngoài bị hạn chế chính là cơ hội để các sản phẩm của doanh nghiệp trong nước khẳng định được tên tuổi.

Hiện doanh nghiệp đang đẩy mạnh phát triển thị trường, chào hàng tới nhiều đối tác, doanh nghiệp trong nước để tiêu thụ sản phẩm với giá thành cạnh tranh. Song song với đó là ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, đầu tư trang thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, doanh số sản phẩm đối với các thiết bị điện, van vòi, ống nước… của đơn vị tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ.

Với gần 100 triệu dân và thu nhập không ngừng tăng lên, thị trường nội địa được xem là “mảnh đất màu mỡ” cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam “thỏa sức tung hoành”. Từ kinh nghiệm sau nhiều năm tham gia thương trường, ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch kiêm CEO Công ty Gỗ An Cường cho rằng, trước khi muốn xuất khẩu, doanh nghiệp cần trả lời 2 câu hỏi “mình sẽ bán cho ai và bán như thế nào”, doanh nghiệp Việt hãy làm thật tốt thị trường Việt Nam trước khi nghĩ đến đi “chiến đấu với bên ngoài”.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, hơn lúc nào hết, giờ cần đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vì đây chính là hành động thiết thực nhất để hậu thuẫn cho doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết vấn đề tồn kho hàng hóa.

Các chương trình

Các chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ góp phần đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, tạo ra nhiều việc làm hơn. Ảnh minh họa.

Theo đại diện các hiệp hội ngành hàng, sau thời gian tập trung xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đang bắt đầu quay trở lại thị trường nội địa, buộc các doanh nghiệp chuyên cung cấp hàng nội địa phải nâng cao chất lượng.

Với lợi thế từ nguồn tài chính tích lũy từ xuất khẩu cùng hệ thống sản xuất và quản lý chất lượng cao, sản phẩm của những doanh nghiệp này có nhiều cơ hội để mở rộng sự hiện diện tại các kênh phân phối.

Thị trường nội địa Việt Nam được đánh giá là rất hấp dẫn, với quy mô dân số 97 triệu người, trong đó có tới 60% là dân số trẻ. Trong thời điểm dịch bệnh, dù nhu cầu tiêu dùng giảm nhưng vẫn rất tiềm năng.

Một ví dụ cụ thể là thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các tỉnh Bình Thuận, Long An,... đã tồn đọng số lượng lớn thanh long, dưa hấu do không xuất khẩu được sang Trung Quốc. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, kết nối các DN bán lẻ lớn trong nước với địa phương để đẩy mạnh tiêu thụ.

Kết quả cho thấy năng lực tiêu thụ lớn trong hệ thống, giúp người nông dân bán được sản phẩm, tránh bị mất khả năng sản xuất. Như vậy, có thể thấy sức mua của thị trường trong nước là rất lớn. Đây chính là cơ hội để hàng Việt Nam có thể vươn lên và tạo được niềm tin cho người tiêu dùng ngay chính thị trường nội địa.

Thực tế cho thấy, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đầu tư tốt cho thị trường nội địa, bởi giữa xuất khẩu và sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước có những điều kiện khác nhau. Ông Huỳnh Hữu Thiện, Giám đốc Minh Hưng Group thì nhìn nhận những thách thức đối với hàng Việt trên thị trường nội địa đó là mẫu mã, giá cả và chất lượng.

Theo đánh giá của ông Thiện, những năm gần đây, tại thị trường nội địa nhất là khu vực nông thôn, xu hướng tiêu dùng đã được nâng lên rất nhiều, người dân không chỉ quan tâm đến giá cả mà vấn đề chất lượng cũng được đòi hỏi rất cao. Chính vì vậy, sản phẩm của doanh nghiệp đưa ra thị trường mà không gắn kết được các yếu tố đó sẽ khó chinh phục được người tiêu dùng.

Cụ thể, doanh nghiệp cần tạo dựng thương hiệu bằng việc sản xuất hàng hóa chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý. Muốn vậy, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực quản trị và trình độ nhân lực; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, số hóa, góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận và giảm tiếp xúc trực tiếp hơn.

Theo các chuyên gia kinh tế, đã đến lúc cần phải “xây dựng văn hóa” và thói quen tiêu dùng mới cho người Việt, đặt chất lượng của hàng nội bằng, thậm chí cao hơn hàng ngoại để thu hút người tiêu dùng trong nước, tếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 Để làm được điều đó, ngoài sự hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước trong việc hoàn thiện các thể chế, chính sách cũng như tạo môi trường thông thoáng, minh bạch hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển thì bản thân các doanh nghiệp cũng cần đổi mới và đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn.

Mặt khác,để thành công trong thị trường nội địa, doanh nghiệp cần phải định vị thị trường này như là một chiến lược phát triển lâu dài, phải có sự đầu tư dài hơi và thỏa đáng về các mặt nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, khâu nguyên liệu và kênh phân phối.

Rõ ràng, ngoài câu chuyện chính sách vĩ mô, còn cần cả sự thay đổi trong tư duy của chính cộng đồng doanh nghiệp. Không thể tiếp tục kéo dài cảnh khi thừa ế thì hướng về thị trường trong nước, còn khi xuất khẩu được giá hoặc hàng hóa khan hiếm thì người tiêu dùng nội địa phải chịu mức giá cao như đã và đang xảy ra với mặt hàng thịt lợn.

Các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sẽ được

Các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sẽ được "hưởng" nhiều chính sách ưu đãi từ Nhà nước. Ảnh: TL

 

Sẵn sàng bước vào "sân chơi lớn"

Câu chuyện thất bại chiến lược nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là một minh chứng rõ nhất cho thấy, ngành công nghiệp phụ trợ nước ta phát triển không như mong muốn. Sau hơn 10 năm hoạt động, tỷ lệ nội địa hóa của ngành ô tô rất thấp.

Tỷ lệ nội địa hoá của Honda Việt Nam là cao nhất nhưng cũng chỉ mới đạt 10%, kế tiếp là Toyota Việt Nam (7%). Hai công ty Daewoo Việt Nam và Ngôi Sao cùng đạt 4%. Thấp nhất là Suzuki (chỉ đạt 3%) và Ford Việt Nam: 2%. Điều này cũng có nghĩa là khối lượng linh phụ kiện cần nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên tới hàng tỷ USD.

Khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ thay thế nhập khẩu, tập trung khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu được coi là giải pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng nhập siêu, thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho các ngành sản xuất của Việt Nam cũng như tạo sức hút để thu hút đầu tư quốc tế.

Samsung có lẽ sẽ mãi là “bài học nằm lòng” của không ít doanh nghiệp Việt Nam. Bởi lẽ, trong số 100 doanh nghiệp làm phụ trợ cho Samsung chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp Việt Nam làm được việc này, những gì làm được chỉ là bao bì, in ấn, đóng gói và nhân công giá rẻ.

Samsung đóng góp khối lượng không nhỏ vào tổng sản phẩm quốc nội nhưng hàng tỷ đô la lợi nhuận chủ yếu về túi các ông chủ Hàn Quốc, linh kiện hỗ trợ vẫn đến từ các công ty Mỹ, Nhật Bản, Singgapore,…

Tương tự là hai ngành dệt may và da giày. Mặc dù công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu trong vài năm gần đây phát triển so với trước đây, nhưng hai ngành này vẫn phụ thuộc rất lớn vào việc nhập khẩu nguyên phụ liệu nước ngoài.

Trong đó, ngành dệt may nhập khẩu khoảng 80% nhu cầu về sợi polyeste, ngành giày da nhập khẩu khoảng 85% hóa chất, các phụ liệu đế giày, mũi giày cùng các phụ liệu khác. Đánh giá về hiện trạng của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam, ông Fujii Takao – Giám đốc Trung tâm hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản, cho biết, Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào việc nhập khẩu hầu hết nguyên vật liệu, phụ tùng, sản xuất các sản phẩm cần nhiều lao động.

Các sản phẩm chất lượng cao đều do các công ty nước ngoài đảm trách, trong khi các sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước chỉ cung cấp cho thị trường tiêu dùng nội địa. Nguyên nhân là các doanh nghiệp trong nước không đủ niềm tin và ý thức tích luỹ kỹ năng trong doanh nghiệp như: yêu cầu tính năng nâng cao, chất lượng, giá thành, thời gian giao hàng, dịch vụ, tốc độ…

Một nguyên nhân nữa là các cán bộ quản lý bậc trung, cán bộ quản lý kỹ thuật, công nhân tay nghề cao đều bị thiếu hụt và không ổn định, các doanh nghiệp thường có thói quen “làm từ A đến Z”, ít chịu hợp tác, liên kết với các đối tác nước ngoài.

Tập đoàn Vingroup triển khai sản xuất các loại máy thở, Ảnh: TL

Tập đoàn Vingroup triển khai sản xuất các loại máy thở, Ảnh: TL

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng mới đây, một số DN Việt Nam đã mạnh dạn đi tiên phong đầu tư xây dựng các cơ sở nghiên cứu với trang thiết bị hiện đại, nhân lực trình độ công nghệ cao... để triển khai nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm đạt đẳng cấp quốc tế cả về chất lượng và giá thành.

Sản phẩm máy thở của VinGroup được coi là “kỳ tích” của doanh nghiệp (DN) trong nỗ lực xoay chuyển và tạo ra sản phẩm có ý nghĩa quan trọng trong phòng chống dịch Covid-19. Điều đặc biệt có ý nghĩa quan trọng hơn khi VinGroup - DN Việt duy nhất trở thành một trong 3 DN lớn thế giới trong số 90.000 đăng ký được công ty của Mỹ chọn chuyển giao công nghệ để sản xuất sản phẩm này.

Theo VinGroup, các máy đo thân nhiệt đã được sản xuất thử nghiệm thành công với chi phí linh kiện chỉ 16 triệu đồng, thấp hơn hàng chục lần so với các máy đo thân nhiệt trên thị trường hiện nay. Giá linh kiện dự kiến của các máy thở không xâm nhập khoảng 22 triệu đồng, với máy xâm nhập là 160 triệu đồng.

Ở một khía cạnh khác, Vinamilk, True Milk, Viettel cũng đang thực hiện có hiệu quả chuỗi cung ứng toàn cầu ở một nhiều nước. Sau 40 năm kể từ ngày thành lập Vinamilk là tập đoàn dinh dưỡng hàng đầu Việt Nam, có 18 năm kinh nghiệm xuất khẩu ra thị trường thế giới, hiện đã có mặt tại hơn 40 quốc gia như Mỹ, châu Âu, châu Phi, New Zealand, Myanmar và Thái Lan.

 Hiện nay, Vinamilk có 10 nông trại chăn nuôi bò và 13 nhà máy trên cả nước; nhà máy sữa tại tỉnh Bình Dương là một trong hai siêu nhà máy của Vinamilk có năng lực sản xuất 800 triệu lít sữa/năm và ba nhà máy ở nước ngoài.    

Cơ hội rất lớn, song muốn đạt được những thành tựu cao hơn, thu về món lợi lớn hơn trong chuỗi giá trị, chúng ta vẫn phải tiếp tục cải thiện chính sách, đầu công nghệ và nhân lực. Muốn vậy, không thể thiếu chiến lược dài hạn, đồng bộ cùng quyết tâm “chơi lớn” của chính các DN Việt.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, Chính phủ đã quan tâm đến phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng quan trọng là các ngành, các lĩnh vực phải xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ cho từng lĩnh vực. Mặt khác, các ngành cần có định hướng rõ ràng rằng sản phẩm làm ra cung cấp cho ai, làm sao tham gia vào chuỗi cung ứng.

Cùng với đó, Nhà nước cần có chính sách vốn vay để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ, tạo hành lang pháp lý cho các vụ tranh chấp thương mại, bảo vệ sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, chính sách thuế cũng cần thay đổi để khuyến khích đầu tư công nghiệp hỗ trợ.

Song nói cho cùng, nhân tố chính trong phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn là doanh nghiệp. Vậy nên, doanh nghiệp cần đa dạng hóa trong hợp tác, hỗ trợ, tận dụng thế mạnh, kỹ năng của nhau để đưa ra được các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và tăng liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài... để có thể tham gia vào chuỗi cung cấp sản phẩm toàn cầu.

Đã đến lúc ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần một tâm thế sẵn sàng cho những “cuộc chơi” mang tầm vóc quốc tế.

Minh Nhật - Ngọc Thành

Tin khác

Kinh tế Mỹ đối mặt với nguy cơ lạm phát đình trệ

Kinh tế Mỹ đối mặt với nguy cơ lạm phát đình trệ

(CLO) Dữ liệu kinh tế vĩ mô mới nhất do Bộ Thương mại Mỹ công bố chỉ ra rằng nền kinh tế nước này có thể đang tiến tới tình trạng lạm phát đình trệ, Business Insider đưa tin. Tờ báo cho biết thêm, những dấu hiệu ảm đạm cho thấy những thách thức khó khăn phía trước.

Thị trường - Doanh nghiệp
Hà Nội: Siêu thị, trung tâm thương mại “chạy đua” khuyến mãi dịp lễ 30/4-1/5

Hà Nội: Siêu thị, trung tâm thương mại “chạy đua” khuyến mãi dịp lễ 30/4-1/5

(CLO) Kéo dài tới 5 ngày nên kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay được đánh giá là thời cơ vàng để kích cầu mua sắm. Để thu hút khách, nhiều nhà bán lẻ rầm rộ đưa ra các chương trình khuyến mãi, tri ân người tiêu dùng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Việc Mỹ tịch thu tài sản của Nga sẽ đẩy nhanh quá trình phi đôla hóa

Việc Mỹ tịch thu tài sản của Nga sẽ đẩy nhanh quá trình phi đôla hóa

(CLO) Bloomberg đưa tin, dẫn lời một cựu quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc "vũ khí hóa" đồng đô la Mỹ thông qua việc tịch thu các tài sản bị đóng băng của Nga có thể thúc đẩy toàn cầu xa lánh đồng bạc xanh.

Thị trường - Doanh nghiệp
Ấn Độ nhập thêm dầu của Nga sau thời gian ngưng trệ

Ấn Độ nhập thêm dầu của Nga sau thời gian ngưng trệ

(CLO) Một con tàu do hãng vận tải khổng lồ Sovcomflot (SCF) của Nga bị Mỹ trừng phạt đã xả dầu nhiên liệu tại một cảng phía tây Ấn Độ vào thứ Sáu (26/4), Reuters đưa tin.

Thị trường - Doanh nghiệp
Công ty Trung Quốc đua nhau đầu tư nước ngoài nhiều nhất 8 năm qua

Công ty Trung Quốc đua nhau đầu tư nước ngoài nhiều nhất 8 năm qua

(CLO) Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đang hướng tới mức cao nhất trong 8 năm khi các công ty thống trị của nước này xây dựng thêm nhiều nhà máy ở nước ngoài, một sự thay đổi có thể làm dịu đi những chỉ trích về nỗ lực xuất khẩu của Bắc Kinh.

Thị trường - Doanh nghiệp