Biến thể Covid mới xuất hiện, ngẫm về nghịch lý vắc xin khủng khiếp

Thứ bảy, 27/11/2021 16:02 PM - 0 Trả lời

(CLO) Các nước phương Tây đang tiêu hủy hàng triệu liều lượng vắc xin dư thừa trong khi các quốc gia nghèo nhất lại không có. Điều này cần phải thay đổi, nếu như thế giới - gồm cả những quốc gia giàu có nhất - không muốn lại phải đối mặt với một biến thể mới, một thảm họa mới trong đại dịch Covid-19.

Sự bất công đáng sợ

Bất chấp những cảnh báo lặp đi lặp lại của các nhà lãnh đạo y tế, thế giới đã thất bại trong việc việc đưa vắc xin đến tay những người dân ở các nước đang phát triển và giờ đang phải đối mặt với nỗi ám ảnh mới. Điều này đã được báo trước, nhưng mọi thứ vẫn ở đó và dậm chân tại chỗ.

bien the covid moi xuat hien ngam ve nghich ly vac xin khung khiep hinh 1

Chỉ 3% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm chủng đầy đủ, trong khi con số này vượt quá 60% ở các nước thu nhập cao và thu nhập trên trung bình - Ảnh: AP

Trong trường hợp không đủ vắc xin để tạo ra miễn dịch cộng đồng, Covid-19 không chỉ lây lan mà còn sẽ đột biến, với các biến thể mới xuất hiện từ các quốc gia nghèo nhất. Và giờ đây mối hiểm họa đó đến.

Hôm thứ Năm (25/11), Bộ Y tế Anh đã ban hành lệnh cấm đi lại ở miền nam châu Phi, sau khi một cảnh báo đã được đưa ra về biến thể B.1.1.529, hay còn gọi là “Omicron”, là biến thể “phức tạp” và “đáng lo ngại” nhất cho đến nay.

Vào thứ Hai (29/11), Đại hội đồng Y tế Thế giới, cơ quan ra quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới, sẽ họp trong một phiên họp đặc biệt. Họ sẽ được nghe rằng tỷ lệ tiêm chủng ở 6 quốc gia nằm trong danh sách cấm đi du lịch của Vương quốc Anh vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 40% được đặt ra vào tháng 12.

Ở Zimbabwe, chỉ có 25% người được tiêm liều vắc xin đầu tiên và chỉ có 19% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Lesotho và Eswatini chỉ có lần lượt 27% và 22%. Ở Namibia, con số này thậm chí còn thấp hơn: 14% được tiêm chủng và chỉ 12% được tiêm chủng đầy đủ.

Nam Phi cũng chỉ mới đạt được 27% tỷ lệ tiêm chủng, song tỷ lệ này ở các khu vực nông thôn thì thấp hơn rất nhiều. Và hẳn toàn bộ lục địa châu Phi đang rất tức giận trước chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Liên minh châu Âu.

Ngay cả khi khoảng cách giữa có vắc xin của châu Âu và không có vắc xin của châu Phi ngày càng gia tăng, thì EU vẫn đang kiên quyết đưa đi hàng triệu liều loại vắc xin một mũi do Johnson & Johnson sản xuất ở Nam Phi ra khỏi châu Phi để đến với châu Âu.

Vào tháng 6, Thủ tướng Anh Boris Johnson hứa các nước G7 sẽ sử dụng vắc xin dư thừa của họ để tiêm chủng cho toàn thế giới. Vào tháng 9, tại một hội nghị thượng đỉnh do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì, mục tiêu là đạt 40% tỷ lệ tiêm chủng ở 92 quốc gia nghèo nhất vào tháng 12.

Song, hai tháng rưỡi đã trôi qua, có rất ít khả năng những lời hứa trên thành hiện thực. Đến thứ Năm (25/11), Mỹ, quốc gia chịu trách nhiệm về một nửa số vắc xin được tặng, vẫn chỉ phân phối 25% số vắc xin mà họ đã hứa.

Số liệu ở phần còn lại của thế giới còn đáng xấu hổ hơn. Theo Airfinity, Liên minh châu Âu chỉ giao 19%, Anh là 11% và Canada là 5%. Trung Quốc và New Zealand đến nay cũng chỉ thực hiện được hơn một nửa so với những gì đã hứa. Úc thì chỉ cung cấp 18%, còn Thụy Sĩ chỉ đạt 12% số lượng theo cam kết.

Kết quả là thậm chí hiện nay chỉ có 3% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm chủng đầy đủ, trong khi con số này vượt quá 60% ở cả các nước thu nhập cao và các nước thu nhập trung bình trên.

Sự bất bình đẳng về vắc xin là lý do chính tại sao WHO dự đoán sẽ có thêm 200 triệu người mắc mới trong năm 2022, so với tổng số 260 triệu người đã mắc từ đầu đại dịch đến giờ. Đến nay đã có khoảng 5 triệu người chết vì Covid-19, và có thể sẽ có thêm 5 triệu người xấu số nữa trong năm tới.

Điều đáng nói là chính sách thất bại này không phải vì chúng ta thiếu vắc xin. Vấn đề không còn nằm ở khâu sản xuất (2 tỷ liều vắc xin đang được sản xuất mỗi tháng), mà là sự bất công trong phân phối.

Các quốc gia giàu nhất G20 thực hiện sự kiểm soát chặt chẽ đến mức họ đã độc quyền 89% số lượng vắc xin toàn cầu. Thậm chí bây giờ, 71% các chuyến giao hàng trong tương lai đã được lên kế hoạch cho họ. Do đó, cơ quan phân phối vắc xin toàn cầu COVAX chỉ bảo đảm 2/3 trong tổng số 2 tỷ liều vắc xin được hứa hẹn cung cấp cho các nước nghèo hơn trong năm tới.

bien the covid moi xuat hien ngam ve nghich ly vac xin khung khiep hinh 2

Theo dữ liệu của COVAX, khoảng 100 triệu liều vắc xin của các nước phương Tây sẽ hết hạn sử dụng vào tháng 12 này và sẽ bị đem đi tiêu hủy - Ảnh: AP

Cần ngăn lại thảm họa

Và giờ thì hậu quả trong sự bất công đó đã xuất hiện. Biến thể Omicron mới đã được xác định, đang được giải trình tự gen. Và nếu nó không chỉ được chứng minh có khả năng lây truyền cao hơn, mà còn miễn dịch với các loại vắc xin hiện tại, thì đó sẽ lại là một thảm họa nữa. Đại dịch Covid-19 có thể bước sang năm thứ 3, thứ 4 và có thể còn lâu hơn.

Song, chúng ta có thể hành động khi vẫn còn chưa muộn. Tính đến ngày hôm nay, có khoảng 500 triệu liều vắc xin chưa sử dụng trong các nước G7. Đến tháng 12, con số này sẽ tăng lên 600 triệu và đến tháng 2 sẽ là 850 triệu. Số lượng vắc xin này có thể được gửi đến các quốc gia có nhu cầu lớn nhất.

Chưa hết, Mỹ có 162 triệu liều vắc xin mà họ có thể cung cấp ngay lập tức cho phần còn lại của thế giới, con số này sẽ tăng lên 250 triệu vào tháng tới. Châu Âu hiện thậm chí còn nhiều hơn: 250 triệu liều vào tháng 2, có thể vượt quá 350 triệu liều sau đó.

Rõ ràng, nghịch lý là quá khủng khiếp khi chúng ta suy ngẫm về sự phân phối vắc xin trên thế giới. Trong khi có hàng triệu liều vắc xin buộc phải tiêu hủy vì hết hạn ở các quốc gia giàu có, thì hàng triệu người ở các nước nghèo có thể mất mạng vì thiếu chúng. Rõ ràng, thế giới cần phải hành động ngay trước khi quá muộn!

Hoàng Hải

Bình Luận

Tin khác

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

(CLO) “Đã đến lúc”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, thúc giục Hamas chấp nhận các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn mới được đề xuất. Ông Blinken cũng nói rõ rằng ông mong đợi nhiều hơn từ Israel.

Tiêu điểm Quốc tế
Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế