Bỏ sổ hộ khẩu "giấy", công dân cần lưu ý những gì?

Thứ năm, 01/07/2021 15:35 PM - 0 Trả lời

(CLO) Từ ngày 1/7/2021, Luật Cư trú 2020 sẽ chính thức có hiệu lực. Có nhiều điểm mới trong Luật này đặc biệt là việc bỏ sổ hộ khẩu giấy sang quản lý bằng số hóa, thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về cư trú và số định danh cá nhân.

Để công dân hiểu rõ hơn về một số điểm mới theo Luật Cư trú 2020, đặc biệt là việc thực hiện giao dịch, làm thủ tục hành chính, đăng ký cư trú của công dân… khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy để chuyển sang quản lý bằng số hóa, thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về cư trú và số định danh cá nhân; phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thị Trâm, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội về các nội dung này.

Từ ngày 1/7/2021, Luật Cư trú 2020 sẽ chính thức có hiệu lực sẽ chính thức bỏ sổ hộ khẩu giấy.

Từ ngày 1/7/2021, Luật Cư trú 2020 sẽ chính thức có hiệu lực sẽ chính thức bỏ sổ hộ khẩu giấy.

Bỏ sổ hộ khẩu giấy, công dân thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch thế nào?

Theo Luật sư Nguyễn Thị Trâm cho biết, hiện nay, rất nhiều thủ tục hành chính, giao dịch cần đến Sổ hộ khẩu như một loại giấy tờ bắt buộc, trong đó có thể kể đến: Thủ tục đăng ký khai sinh cho con; Thủ tục làm hộ chiếu; Thủ tục đăng ký nhập học cho con; Thủ tục vay vốn ngân hàng…

Công dân đặc biệt quan tâm đến việc nếu đã bị thu hồi Sổ hộ khẩu, khi đi làm các thủ tục, giao dịch trên thì phải làm sao?

Luật sư Nguyễn Thị Trâm phân tích: Theo Điều 3 của Luật Cư trú 2020, dù không còn sổ hộ khẩu, nhưng những thông tin về cư trú của người dân vẫn được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Do đó, nếu cần sử dụng các thông tin này, thay vì phải xuất trình cuốn Sổ hộ khẩu như trước đây, người dân có thể khai thác các thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia để nộp cho cơ quan có thẩm quyền.

Luật sư Nguyễn Thị Trâm cũng cho biết, theo Nghị định 37/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 14/5/2021, người dân có thể khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin, cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an…

Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ hết hiệu lực vào năm 2023

Luật sư Nguyễn Thị Trâm cho biết, kể từ ngày 1/7/2021, ngày Luật Cư trú có hiệu lực, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.

Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp.

Nếu thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú. Như vậy, từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sẽ không còn được sử dụng nữa.

Công dân đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng cách nào?

Luật sư Nguyễn Thị Trâm cho biết, việc đăng ký cư trú cũng được công dân đặc biệt quan tâm khi Luật Cư trú có hiệu lực vào ngày 1/7/2021. Mới đây, ngày 29/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 62/2021/NĐ-CP quy định công dân khi đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng một trong các loại giấy tờ, tài liệu sau:

1. Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp (trong đó có thông tin về nhà ở);

2. Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong);

3. Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước;

4. Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;

5. Giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;

6. Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình;

7. Giấy tờ của tòa án hoặc cơ quan hành chính Nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;

8. Giấy tờ có xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên;

9. Giấy tờ chứng minh về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuộc quyền sở hữu. Trường hợp phương tiện không phải đăng ký, đăng kiểm thì cần có xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về việc phương tiện được sử dụng để ở; giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện nếu nơi đăng ký cư trú không phải nơi đăng ký phương tiện hoặc phương tiện đó không phải đăng ký, đăng kiểm;

10. Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;

11. Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức).

Nghị định nêu rõ trường hợp công dân đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ theo quy định tại Khoản 3 Điều 20 Luật Cư trú phải có thêm giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định. Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú gồm: Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở có thể hiện thông tin về diện tích nhà ở đang sử dụng hoặc xác nhận của UBND cấp xã, UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trường hợp thông tin chứng minh về chỗ ở hợp pháp của công dân đã có trong cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được kết nối, chia sẻ với cơ quan đăng ký cư trú thì cơ quan đăng ký cư trú tự kiểm tra, xác minh, không yêu cầu công dân phải cung cấp giấy tờ chứng minh.

Công dân lưu ý gì khi nhập khẩu Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh?

Theo Luật sư Nguyễn Thị Trâm, một trong những quy định đáng chú ý khác của Luật Cư trú năm 2020 là xóa điều kiện riêng nêu trên khi muốn nhập khẩu các thành phố trực thuộc Trung ương (như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...).

Phân tích nội dung này, Luật sư Trâm cho biết, trước đây, theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật cư trú sửa đổi, công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, nếu đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên.

Riêng tại Hà Nội, theo Điều 19 Luật Thủ đô, nếu muốn đăng ký thường trú tại TP. Hà Nội thì còn phải tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên. Nhưng khi Luật Cư trú có hiệu lực từ ngày 1/7/2021 thì các yêu cầu trên đã bị bãi bỏ.

Theo đó, công dân khi muốn đăng ký thường trú vào TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì không còn bị phân biệt về điều kiện mà được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc như quy định tại Điều 20 Luật Cư trú 2020: Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.

Khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý trong các trường hợp vợ/chồng về ở với chồng/vợ; con đẻ, con nuôi về ở với cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi và ngược lại… thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình…

Quốc Trần

Tin khác

Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ 30/4, 1/5, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch vận tải hành khách công cộng phục vụ Nhân dân.

Tin tức
Xem xét hỗ trợ phí khi làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

Xem xét hỗ trợ phí khi làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

(CLO) Dự kiến, kỳ họp thứ 16 HĐND TP Hà Nội (kỳ họp chuyên đề) sẽ xem xét, quyết nghị 08 nội dung, trong đó có Nghị quyết về “Hỗ trợ phí yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp khi công dân thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID”.

Tin tức
Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO thăm và làm việc tai Ninh Bình

Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO thăm và làm việc tai Ninh Bình

(CLO) Ngày 26/4, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn đã tiếp và làm việc với Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 Simona-Mirela Miculescu cùng đoàn công tác nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, tham dự Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

Tin tức
Ninh Bình: Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng

Ninh Bình: Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng

(CLO) Tỉnh Ninh Bình đề ra mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân tỉnh lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, hướng đến hoàn thiện đầy đủ các tiêu chuẩn: Có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức văn hóa kinh doanh; năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến; có trách nhiệm xã hội...

Tin tức
Ông Nguyễn Thanh Hải được bổ nhiệm làm Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam

Ông Nguyễn Thanh Hải được bổ nhiệm làm Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam

(CLO) Ngày 26/4, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định bổ nhiệm Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam.

Tin tức