Bộ tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh gây tranh cãi: Các doanh nghiệp, hiệp hội chưa đồng tình

Thứ sáu, 31/12/2021 19:24 PM - 0 Trả lời

(CLO) Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Dự thảo về các tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh đối với một số nhóm thực phẩm phổ biến. Mặc dù, Bộ Y tế lên tiếng, dự thảo này không nhắm tới ngành công nghiệp thực phẩm, thế nhưng một số doanh nghiệp, hiệp hội lên tiếng không đồng tình.

Bộ tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh gây tranh cãi

Mới đây, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã ban hành Dự thảo Quyết định phê duyệt tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh đối với một số nhóm thực phẩm phổ biến.

Trong đó, Dự thảo này đưa ra một số nội dung tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh, áp dụng cho 5 nhóm sản phẩm, bao gồm: Ngũ cốc và các sản phẩm chế biến; thịt; cá và các sản phẩm chế biến; sữa và các sản phẩm chế biến; đồ uống.

bo tieu chi dinh duong lanh manh gay tranh cai cac doanh nghiep hiep hoi chua dong tinh hinh 1

Bộ tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh sẽ gây ra sự phân biệt.

Theo Bộ Y tế, tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh là khuyến cáo của cơ quan quản lý và chỉ giới hạn cho 1 số loại thực phẩm chế biến đóng gói sẵn. Đây không phải quy định bắt buộc và nhằm mục đích phòng tránh bệnh không lây nhiễm của Bộ Y tế. 

Các tiêu chí này không nhằm tác động tiêu cực vào công nghiệp sản xuất thực phẩm mà mục đích để định hướng nhà sản xuất có lộ trình cải tiến sản phẩm, giảm mức độ gây hại cho sức khỏe đến tối thiểu từ đó phòng tránh bệnh không lây nhiễm.

Ngay sau khi Bộ Y tế công bố Dự thảo về các tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh đối với một số nhóm thực phẩm phổ biến, giới chuyên gia dinh dưỡng, cùng các doanh nghiệp, hiệp hội sản xuất các sản phẩm lương thực, thực phẩm, đồ uống đã có những luồng ý kiến trái chiều.

Trao đổi với phóng viên, TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện y học ứng dụng Việt Nam cho rằng: Có thể hiểu, nội dung trong Dự thảo là những danh mục các chất dinh dưỡng cần thiết phải được công bố của mỗi thực phẩm công nghiệp được ghi trên nhãn sản phẩm.

Về mặt ưu điểm, việc áp dụng bộ tiêu chí dinh dưỡng trong một số sản phẩm thực phẩm sẽ là căn cứ cho các nhà quản lý kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường. Đồng thời, việc các nhà sản xuất công khai các thành phần phần dinh dưỡng sẽ là căn cứ, khuyến nghị một thực phẩm có phù hợp sức khỏe của người sử dụng.

Tuy nhiên, theo TS.BS Trương Hồng Sơn, các thông tin này có thể gây ra sự so sánh mang tính cực đoan về giá trị dinh dưỡng giữa các thực phẩm công nghiệp của người sử dụng, các nhà chuyên gia dinh dưỡng và sức khỏe.

“Một dự thảo nào đưa ra luôn có nhiều luồng ý kiến trái ngược. Do đó, để làm dung hòa giữa ưu và nhược, Bộ Y tế cần nghiên cứu thêm, từ đó đưa ra những phương án phù hợp nhất”, ông Sơn chia sẻ.

Trong khi đó, bà Bùi Kim Thùy, đại diện cấp cao Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng: Một số nội dung trong Dự thảo chưa phù hợp với thực tiễn, gây băn khoăn lo ngại cho các doanh nghiệp đang có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam.

Phân tích rõ hơn về điều này, bà Bùi Kim Thùy nói: Về khoa học, chế độ dinh dưỡng lành mạnh phải đầy đủ và cân đối các dưỡng chất, gồm rất nhiều loại từ dưỡng chất đa lượng đến dưỡng chất vi lượng như vitamin và khoáng chất. 

Tuy nhiên, Dự thảo chỉ đưa ra 2-3 tiêu chí về dưỡng chất đa lượng, để công nhận thực phẩm được coi là “dinh dưỡng lành mạnh”, như vậy là chưa đủ. Nếu được thông qua, Dự thảo có thể gây ra nhiều hiểu lầm của công chúng và có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. 

Bà Thùy lấy ví dụ, người tiêu dùng có thể hiểu lầm rằng thực phẩm lành mạnh thì ăn càng nhiều càng tốt. Điều này không đúng vì thực phẩm gì mà ăn nhiều quá cũng đều có hại.

Sẽ có trường hợp, người tiêu dùng hiểu lầm các thực phẩm không ghi nhãn “thực phẩm lành mạnh”, đích thị đó là sản phẩm không lành mạnh và không nên ăn. 

Đại diện cấp cao Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN nhấn mạnh: Chẳng lẽ, gạo là “thực phẩm không lành mạnh”, vì chúng chứa chủ yếu tinh bột. Mật ong cũng là sản phẩm “không lành mạnh” vì chứa nhiều đường, hoặc nước mắm “không lành mạnh” vì có nhiều muối. 

Trong khi đó, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam phản đối việc thông qua Dự thảo các tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh của Bộ Y tế.

bo tieu chi dinh duong lanh manh gay tranh cai cac doanh nghiep hiep hoi chua dong tinh hinh 2

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam phản đối việc thông qua Dự thảo các tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh của Bộ Y tế.

Ông Trung giải thích:  Dự thảo quy định với sữa, hàm lượng canxi phải ≥130mg/100ml, nhưng trên thực tế, hàm lượng canxi trung bình trong sữa tươi là từ 90-120mg/100ml và dao động nhiều theo mùa vụ. 

Do đó, với tiêu chí này, sữa tươi sẽ bị coi là thực phẩm không lành mạnh, ngược lại với lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng là cần tăng cường sữa trong chế độ ăn của người Việt

“Nếu chỉ đề cập đến một số loại thực phẩm nhất định trong tiêu chí này mà không bao quát hết được các loại thực phẩm, sẽ gây sự phân biệt, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Nếu hướng đến việc phân loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, đề nghị xem xét việc xây dựng hẳn thông tư mới dựa trên nội dung của TT 34 và không ban hành Tiêu chí này”, ông Trung khẳng định.

Bộ tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh có "làm khó thêm” cho ngành công nghiệp thực phẩm giai đoạn hậu COVID-19?

Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, đồ uống. Do đó, bất kỳ quy định mới nào được được ban hành ở thời điểm hiện tại đều sẽ tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm này, bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) đánh giá: Dù không nhắm đến ngành công nghiệp thực phẩm, thế nhưng, các tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh của Bộ Y tế đưa ra có thể tạo ra những quan điểm sai lầm của xã hội đối với các sản phẩm không được công nhận “sản phẩm dinh dưỡng lành mạnh”.

bo tieu chi dinh duong lanh manh gay tranh cai cac doanh nghiep hiep hoi chua dong tinh hinh 3

Bộ tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh gây tranh cãi: Các doanh nghiệp, hiệp hội chưa đồng tình.

Hệ lụy, doanh thu của các ngành thực phẩm, đồ uống có thể sụt giảm, người lao động mất việc làm và nhà nước thất thu thuế. Trong khi đó, tình trạng dinh dưỡng của người tiêu dùng chưa chắc đã được cải thiện.

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch VBA kiến nghị Bộ Y tế tạm thời chưa ban hành bộ tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh đối với một số sản phẩm phổ biến, để tránh những tác động không mong muốn đến kinh tế - xã hội nói chung và ảnh hưởng tới người tiêu dùng nói riêng.

Thay vì đưa ra bộ tiêu chí chưa phù hợp, Phó Chủ tịch VBA kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lối sống lành mạnh, từ cấp tiểu học cho tới trung học phổ thông, thông qua việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm lành mạnh góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Cũng liên quan tới dự thảo này, đại diện Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu dựa trên các cơ sở khoa học trước khi đưa tham vấn. Đại diện Bộ Công Thương đề nghị Bộ Y tế lấy thêm ý kiến của doanh nghiệp, Hiệp hội để có mức tiêu chí phù hợp với Việt Nam và hài hòa lợi ích của các bên.

Ngoài ra, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh: Do đại dịch, nên ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm đồ uống bị ảnh hưởng nặng nề. Dù không mang tính bắt buộc  nhưng nó định hướng hành vi của xã hội, tạo sự phân biệt rất lớn đến các doanh nghiệp. Do đó, Bộ Y tế cân nhắc thời gian ban hành, cho doanh nghiệp thời gian thích ứng với thay đổi.

Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) chia sẻ: Việc phân loại “thực phẩm lành mạnh” hay “không lành mạnh” có thể gây hiểu lầm cho người tiêu dùng dẫn đến việc tiêu thụ không hợp lý các loại thực phẩm này.

Nên thay tên thành “Khuyến cáo …” thay vì “Tiêu chí...” để thể hiện tính chất không bắt buộc.

Việt Vũ

Tin khác

Việc Mỹ tịch thu tài sản của Nga sẽ đẩy nhanh quá trình phi đôla hóa

Việc Mỹ tịch thu tài sản của Nga sẽ đẩy nhanh quá trình phi đôla hóa

(CLO) Bloomberg đưa tin, dẫn lời một cựu quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc "vũ khí hóa" đồng đô la Mỹ thông qua việc tịch thu các tài sản bị đóng băng của Nga có thể thúc đẩy toàn cầu xa lánh đồng bạc xanh.

Thị trường - Doanh nghiệp
Ấn Độ nhập thêm dầu của Nga sau thời gian ngưng trệ

Ấn Độ nhập thêm dầu của Nga sau thời gian ngưng trệ

(CLO) Một con tàu do hãng vận tải khổng lồ Sovcomflot (SCF) của Nga bị Mỹ trừng phạt đã xả dầu nhiên liệu tại một cảng phía tây Ấn Độ vào thứ Sáu (26/4), Reuters đưa tin.

Thị trường - Doanh nghiệp
Công ty Trung Quốc đua nhau đầu tư nước ngoài nhiều nhất 8 năm qua

Công ty Trung Quốc đua nhau đầu tư nước ngoài nhiều nhất 8 năm qua

(CLO) Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đang hướng tới mức cao nhất trong 8 năm khi các công ty thống trị của nước này xây dựng thêm nhiều nhà máy ở nước ngoài, một sự thay đổi có thể làm dịu đi những chỉ trích về nỗ lực xuất khẩu của Bắc Kinh.

Thị trường - Doanh nghiệp
Tại sao thanh niên Hàn Quốc ngày càng khó xin việc?

Tại sao thanh niên Hàn Quốc ngày càng khó xin việc?

(CLO) Tâm lý ngại làm việc ở công ty nhỏ, nhiều doanh nghiệp không tuyển thêm nhân sự, đòi hỏi trình độ cao, nhiều kinh nghiệm là những lý do chính khiến tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Hàn Quốc tăng cao.

Thị trường - Doanh nghiệp
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Hà Lan mong muốn hợp tác, làm ăn lâu dài với các tổ chức, doanh nghiệp của Thái Bình

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Hà Lan mong muốn hợp tác, làm ăn lâu dài với các tổ chức, doanh nghiệp của Thái Bình

(CLO) Tiếp tục chương trình công tác tại Hà Lan, Đoàn công tác của tỉnh Thái Bình phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, Trung tâm Thương mại Thế giới Leeuwarden tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư - thương mại vào tỉnh Thái Bình tại thành phố Leeuwarden, tỉnh Friesland. Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan Ngô Hướng Nam chủ trì hội nghị.

Thị trường - Doanh nghiệp