Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Cải cách hành chính cần sự hỗ trợ đắc lực của Chuyển đổi số

Thứ sáu, 20/01/2023 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Hãy đi nhanh lên, để chúng ta thực hiện chuyển đổi số, góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả”...

Đó là thông điệp được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà truyền tải tới lãnh đạo và toàn thể công chức, viên chức, người lao động của Bộ, ngành Nội vụ nhân ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2022.

Trong nhận định của nữ Bộ trưởng “Chuyển đổi số đã đem đến bao điều kỳ diệu cho cuộc sống, cho công việc, cho mỗi người trên thế giới này, để chúng ta xích lại gần nhau hơn vì tiến bộ và công bằng”.

Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà xung quanh nhìn nhận này.

Cải cách hành chính phải có sự hỗ trợ đắc lực của chuyển đổi số

+ Thưa Bộ trưởng, chuyển đổi số đã tạo bước đột phá đối với nhiệm vụ cải cách hành chính. Xin Bộ trưởng cho biết những thành công bước đầu của việc cải cách nền hành chính quốc gia mà chúng ta đã đạt được trong thời gian qua?

- Chuyển đổi số và cải cách hành chính có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau, chuyển đổi số vừa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đặt ra trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, vừa là một trong những giải pháp quan trọng, đột phá, thúc đẩy triển khai cải cách hành chính một cách mạnh mẽ, hiệu quả hơn trên tất cả các ngành, lĩnh vực.

Muốn đẩy mạnh cải cách hành chính thì cần phải có sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành; nhưng muốn đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính, giúp rút ngắn thời gian đạt mục tiêu để đưa đất nước phát triển nhanh, mạnh và bền vững thì cần phải có sự hỗ trợ đắc lực của chuyển đổi số.

bo truong bo noi vu pham thi thanh tra cai cach hanh chinh can su ho tro dac luc cua chuyen doi so hinh 1

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Thời gian vừa qua, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt và sáng tạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của các bộ, ngành, địa phương, công tác cải cách hành chính đã tạo được nhiều chuyển biến rõ nét, toàn diện trên tất cả các nội dung. Trong đó, việc thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ đã có những đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện cải cách hành chính.

Điển hình như: Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản; vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước cũng như trong đời sống xã hội.

Cải cách thủ tục hành chính với trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành được triển khai mạnh mẽ và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong 9 tháng đầu năm 2022, đã cắt giảm, đơn giản hóa 657 quy định kinh doanh tại 73 văn bản; Thủ tướng đã phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết của 699/5187 thủ tục hành chính trên 100 lĩnh vực (chiếm 13,47%) thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ; sẽ sửa đổi, bổ sung 232 văn bản.

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng tiếp tục có những chuyển biến rõ nét. Qua đó đã giảm chi phí, tiết kiệm được từ nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công trực tuyến và cải cách thủ tục hành chính lên đến 4.000 tỷ đồng. Đồng thời, lợi ích về mặt xã hội sâu sắc: tiết kiệm thời gian, công sức của cả xã hội, minh bạch hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh thực hành dân chủ, tăng cường niềm tin của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy đồi mới, sáng tạo và phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Bộ máy hành chính nhà nước được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; bớt trùng lắp, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ; cơ cấu bên trong được tổ chức hợp lý, khoa học. Đến nay, Chính phủ đã cơ bản hoàn thành việc ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Qua đó đã sắp xếp giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục chưa đáp ứng đủ tiêu chí thành lập; giảm 8 cục (thuộc tổng cục và thuộc Bộ); giảm 145 Vụ và tương đương (thuộc tổng cục và thuộc Bộ); giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập. 58 địa phương đã hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; cấp huyện theo các tiêu chí của Chính phủ. Theo đó, đã giảm 8 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; 1922 phòng thuộc sở và tương đương; 638 cơ quan chuyên môn và tương đương cấp huyện.

bo truong bo noi vu pham thi thanh tra cai cach hanh chinh can su ho tro dac luc cua chuyen doi so hinh 2

Đẩy mạnh sử dụng và lưu trữ văn bản số.

Các quy định về cán bộ, công chức, viên chức được tiếp tục hoàn thiện đồng bộ trên tất cả các khâu từ tuyển dụng, sử dụng, bố trí, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch, thăng hạng,… Cải cách chế độ tiền lương tiếp tục có chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đã đề xuất các bộ, ngành, địa phương triển khai một số giải pháp khắc phục tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc thời gian qua.

Cải cách tài chính công đã có chuyển biến rõ nét. Các chính sách về thuế, thu nhập, tiền lương và chính sách an sinh xã hội được bổ sung, hoàn thiện, trở thành động lực phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt hơn công bằng xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.

Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được đẩy mạnh; triển khai các chương trình quốc gia, cung cấp thông tin, dịch vụ công; chuyển đổi số và đô thị thông minh. Các bộ, ngành đã tích cực xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hình thành nên cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.

+ Bộ trưởng có thể cho biết, tại sao Chính phủ lại lựa chọn cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá trong giai đoạn hiện nay?

- Trong quá trình tổ chức thực thi pháp luật, thủ tục hành chính có thể coi là cầu nối đưa thể chế, chính sách pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn. Tuy nhiên, quy trình, thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, nhiều tầng nấc sẽ là rào cản lớn, gây tốn kém chi phí, kéo dài thời gian và giảm hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật.

Đối với người dân, doanh nghiệp, nếu thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, thiếu tính công khai minh bạch sẽ cản trở đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, làm mất đi chi phí cơ hội của doanh nghiệp. Đối với các cơ quan nhà nước, những rào cản về thủ tục hành chính có thể dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giải quyết công việc giữa các cơ quan, đơn vị, cuối cùng công việc không ai giải quyết; thậm chí, một số đối tượng lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực và gây phiền hà, bức xúc trong nhân dân.

bo truong bo noi vu pham thi thanh tra cai cach hanh chinh can su ho tro dac luc cua chuyen doi so hinh 3

Phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công để nâng cao chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân.

Do đó, trong suốt tiến trình thực hiện cải cách nền hành chính quốc gia, Chính phủ luôn xác định đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính là một khâu đột phá, đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tại Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ yêu cầu phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính một cách toàn diện. Không chỉ rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp mà còn tập trung vào các thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan nhà nước với nhau.

Điều đó cho thấy tầm quan trọng, tính cấp bách của cải cách thủ tục hành chính mà Chính phủ đã và đang kiên trì triển khai thực hiện trong suốt thời gian qua cũng như hiện tại, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân.

Kiên quyết xử lý nghiêm công chức nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp

+ Để tiếp tục hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp và người dân trong thời đại 4.0, theo Bộ trưởng, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp gì?

- Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đã được Chính phủ đề ra tại Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Đây là nền tảng quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa nền hành chính và từng bước nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thời đại 4.0. Một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện là:

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ phục vụ triển khai các nội dung xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và vận hành có hiệu quả các nền tảng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử phù hợp với xu thế phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới như cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử; xây dựng, vận hành các cơ sở dữ liệu quốc gia…

Phát triển các phần mềm, ứng dụng trong nội bộ các cơ quan nhà nước. Nâng cao hiệu quả tổ chức các cuộc họp, hội nghị trực tuyến; tăng cường xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử.

Nâng cấp, phát triển Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương theo hướng đồng bộ, liên thông và dễ sử dụng; cung cấp các chức năng, tiện ích thông minh để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình sử dụng dịch vụ.

Đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ; ban hành các cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

Thường xuyên khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến để có thêm cơ sở cải tiến chất lượng phục vụ.

bo truong bo noi vu pham thi thanh tra cai cach hanh chinh can su ho tro dac luc cua chuyen doi so hinh 4

Thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa cấp bộ, cấp tỉnh từ ngày 01/6/2022, tại Bộ phận Một cửa cấp huyện từ ngày 01/12/2022.

+ Bộ trưởng với vai trò là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; đồng thời, Bộ Nội vụ cũng là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, vậy trong những năm tới, Bộ sẽ làm gì để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và trở thành một trong những đơn vị đứng đầu về chuyển đổi số trong khối các bộ, ngành, thưa Bộ trưởng?

Trước hết, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, thời gian tới, Bộ Nội vụ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương, sử dụng có hiệu quả các công cụ là Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính hàng năm. Qua đó, kịp thời phát hiện, tổng hợp những hạn chế, yếu kém của bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai để giải quyết theo thẩm quyền hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu cho Ban Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính tại bộ, ngành, địa phương, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức trong quá trình giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và của người dân, xã hội về cải cách hành chính. Với việc được Chính phủ giao chủ trì triển khai 2 nội dung cải cách rất quan trọng và cũng đầy thách thức, đó là cái cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và cải cách chế độ công vụ, thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, tăng cường chuyển đổi số trong nội bộ và ngành nội vụ.

Trong đó, tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ. Sớm trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; xây dựng Đề án liên thông cán bộ cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

Tập trung, ưu tiên nguồn lực để đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản lý, các cơ quan, đơn vị của Bộ.

+ Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Minh Diễn (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

Xiaomi ra mắt màn hình 27 inch giá 2,6 triệu đồng

Xiaomi ra mắt màn hình 27 inch giá 2,6 triệu đồng

(CLO) Xiaomi mới đây đã ra mắt màn hình 27 inch, có tên gọi Redmi A27Q, tại thị trường Trung Quốc. Màn hình sở hữu độ phân giải 2K, tần số quét 100Hz, giá chỉ 2,6 triệu đồng.

Sức sống số
OPPO K12 trình làng với giá từ 6,5 triệu đồng

OPPO K12 trình làng với giá từ 6,5 triệu đồng

(CLO) OPPO K12 mới đây đã chính thức trình làng tại thị trường Trung Quốc, máy được trang bị con chip Snapdragon 7 Gen 3, màn hình 120Hz, sạc nhanh 100W, giá từ 6,5 triệu đồng.

Sức sống số
Phổ cập blockchain và AI cho 1 triệu lượt người đến năm 2030

Phổ cập blockchain và AI cho 1 triệu lượt người đến năm 2030

(CLO) Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII, trực thuộc Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đặt mục tiêu đào tạo, phổ cập blockchain và AI cho 1 triệu lượt người đến năm 2030, trong đó bao gồm 100.000 sinh viên tại 30 trường Đại học trên cả nước.

Sức sống số
Đánh giá bộ sạc nhanh 50W của Samsung sắp ra mắt

Đánh giá bộ sạc nhanh 50W của Samsung sắp ra mắt

(CLO) Samsung, một trong những nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực điện thoại di động, đang chuẩn bị ra mắt một sản phẩm mới - bộ sạc nhanh 50W.

Sức sống số
Từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý tài sản ảo theo tiêu chuẩn VASP

Từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý tài sản ảo theo tiêu chuẩn VASP

(CLO) Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập và Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, ngày 24/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học lần thứ 4 nhằm góp ý xây dựng hoàn thiện khung pháp lý VA-VASP.

Sức sống số