Các Bộ trưởng ASEAN kêu gọi Myanmar tìm giải pháp trong nước cho cuộc khủng hoảng

Thứ ba, 02/03/2021 20:30 PM - 0 Trả lời

(CLO) Các Bộ trưởng Ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á hôm thứ Ba (2/3) đã kêu gọi kiềm chế và đối thoại trong nội bộ Myanmar để giải quyết cuộc khủng hoảng do cuộc đảo chính quân sự gây ra vào ngày 1 tháng 2.

Các Bộ trưởng ngoại giao các quốc gia Đông Nam Á đã họp trực tuyến hôm thứ Ba (2/3) để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Myanmar - Ảnh: Rie Ishii/ AP

Các Bộ trưởng ngoại giao các quốc gia Đông Nam Á đã họp trực tuyến hôm thứ Ba (2/3) để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Myanmar - Ảnh: Rie Ishii/ AP

Bài liên quan

Cuộc họp trực tuyến không chính thức đầu tiên của các Bộ trưởng ASEAN kể từ khi cuộc đảo chính diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Myanmar ngày càng trầm trọng, với hơn 20 người biểu tình thiệt mạng và hàng trăm người được cho là bị bắt trong chiến dịch trấn áp của quân đội, và một tòa án ở thủ đô Naypyitaw hôm thứ Hai đã đệ trình các cáo buộc bổ sung chống lại nhà lãnh đạo trên thực tế Aung San Suu Kyi, ngăn chặn con đường trở lại chính trường của bà.

ASEAN có một nguyên tắc không can thiệp, được coi là rào cản để các quốc gia thành viên tổ chức cuộc họp cấp Bộ trưởng về vấn đề này. Nhưng một số thành viên như Indonesia, Malaysia và Singapore bày tỏ lo ngại sau cuộc đảo chính.

Phát biểu sau cuộc họp hôm thứ Ba (2/3), Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nói rằng nền dân chủ phải được khôi phục ở Myanmar.

"Indonesia nhấn mạnh rằng lợi ích của người dân Myanmar phải được tôn trọng. Nền dân chủ tôn trọng tự do quan điểm, giao tiếp và đối thoại", bà nói. "Indonesia kêu gọi tất cả các bên bắt đầu đối thoại và liên lạc cũng như các điều kiện thuận lợi phải được tạo ra, bao gồm cả việc thả các tù nhân chính trị".

"Liên lạc nội bộ giữa các bên liên quan ở Myanmar luôn là lựa chọn tốt nhất, nhưng Indonesia tin rằng ASEAN cũng sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đối thoại nếu được yêu cầu", Ngoại trưởng Marsudi nói. Bà nói thêm rằng Brunei, với tư cách là chủ tịch ASEAN năm nay, có quyền công khai kết quả cuộc họp.

Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein cũng đưa ra tuyên bố tương tự, đồng thời kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi.

Ông nói: “Chúng tôi vẫn tin chắc rằng giải pháp cho tình trạng bế tắc chính trị ở Myanmar là một quá trình do trong nước dẫn dắt. Điều quan trọng đối với Myanmar là nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị theo cách duy trì ý chí và nguyện vọng của người dân Myanmar".

"Malaysia sẽ hỗ trợ bất kỳ nỗ lực nào để hòa giải sự khác biệt giữa các nhà lãnh đạo Myanmar", ông Hussein cho biết thêm. "Malaysia kêu gọi trả tự do nhanh chóng và vô điều kiện cho các nhà lãnh đạo chính trị bị giam giữ ở Myanmar, bao gồm Daw Aung San Suu Kyi, U Win Myint và các cộng sự của họ".

Thái Lan, nước đã không thể hiện quan điểm về vấn đề này khi tình hình ngay trong nước hôm thứ Hai (1/2) cũng làm dấy lên lo ngại, với các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát.

"Thái Lan đã và đang theo dõi những diễn biến ở Myanmar với sự quan tâm", Bộ Ngoại giao của Vương quốc Thái Lan cho biết trong một tuyên bố. "Chúng tôi hy vọng tất cả các bên ở Myanmar sẽ hết sức kiềm chế và tham gia đối thoại để đạt được giải pháp hòa bình cho tình hình và trở lại bình thường vì lợi ích của người dân Myanmar".

ASEAN đang chịu nhiều áp lực để đối phó với vấn đề này, đặc biệt là với các quốc gia như Hoa Kỳ sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế. Những lo ngại đó có nguy cơ ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư đối với toàn khu vực.

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã phủ nhận khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar.

"Nếu bạn áp đặt các biện pháp trừng phạt, ai sẽ bị tổn thương? Không phải quân đội, hay các vị tướng sẽ bị tổn thương. Người dân Myanmar sẽ bị tổn thương. Nó sẽ tước đi thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm và cơ hội học hành của họ. Làm thế nào để điều đó làm cho mọi thứ tốt hơn?", ông Lý nói.

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất ASEAN, đóng vai trò quan trọng trong việc dàn xếp cuộc họp. Tổng thống Joko Widodo và Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã gặp nhau vào ngày 5 tháng 2 và đồng ý kêu gọi một cuộc họp đặc biệt về vấn đề Myanmar.

Ngoại trưởng Marsudi của Indonesia đã gặp người đồng cấp Myanmar Wunna Maung Lwin tại Bangkok vào ngày 24 tháng 2, mở đường cho việc tổ chức một cuộc họp khu vực. Bà cũng đã tổ chức các cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và các bộ trưởng ngoại giao của Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc.

Chấn Phong

Tin khác

Ông Biden sắp tranh luận trực tiếp với ông Trump

Ông Biden sắp tranh luận trực tiếp với ông Trump

(CLO) Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Sáu (26/4) cho biết ông sẽ tham gia tranh luận với ông Donald Trump, đối thủ Đảng Cộng hòa của ông trong cuộc bầu cử vào tháng 11.

Thế giới 24h
Nắng nóng và hạn hán diễn ra trên khắp Nam Á và Đông Nam Á

Nắng nóng và hạn hán diễn ra trên khắp Nam Á và Đông Nam Á

(CLO) Hàng triệu người khắp Nam Á và Đông Nam Á tiếp tục phải chịu cái nóng gay gắt trong những ngày cuối tuần này.

Thế giới 24h
Triều Tiên nói Mỹ chính trị hóa vấn đề nhân quyền

Triều Tiên nói Mỹ chính trị hóa vấn đề nhân quyền

(CLO) Triều Tiên hôm thứ Bảy (27/4) cáo buộc Mỹ chính trị hóa nhân quyền ở quốc gia Đông Á này, tố cáo cái mà họ gọi là âm mưu và khiêu khích chính trị.

Thế giới 24h
New York trả lại 30 cổ vật bị đánh cắp cho Campuchia và Indonesia

New York trả lại 30 cổ vật bị đánh cắp cho Campuchia và Indonesia

(CLO) Các công tố viên New York hôm thứ Sáu (26/4) cho biết họ đã trả lại cho Campuchia và Indonesia 30 cổ vật bị cướp, bán hoặc chuyển nhượng trái phép bởi các mạng lưới ở Mỹ.

Thế giới 24h
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Ngoại trưởng Mỹ, nói hai nước nên là 'đối tác'

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Ngoại trưởng Mỹ, nói hai nước nên là 'đối tác'

(CLO) Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Sáu (26/4) nói với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nên là "đối tác chứ không phải đối thủ", nhưng có "một số vấn đề" cần giải quyết trong mối quan hệ của giữa hai nước.

Thế giới 24h