Chắc Tết này con về!

Thứ tư, 02/02/2022 20:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Một năm, tổn thất và kinh nghiệm, khi dịch tạm lắng, lần nào trò chuyện online con cũng lạc quan nói Tết này con nhất định về. Nhưng hổm rày dõi theo bản tin COVID, thấy con số lại từ từ nhảy lên, chắc Tết này con không về được quá, mới nghĩ vậy thôi đã thấy thắt thẻo ruột gan vì nhớ.

1. - Nếu tháng này em vẫn không tắt kinh, vợ chồng mình vô Từ Dũ khám nghen ?!

- Từ đây vô Sài Gòn không dễ như từ nhà ra chợ đâu. Bứt lá mà đi! – chồng nói trớt vớt.

Trả lời cái kiểu dễ khiến người khác tổn thương gớm. Hồi mới yêu nhau, mỗi lần vào quán cà phê, nếu đứa trẻ nào lại xìa tấm vé số thì anh sẽ mua liền. Tôi hào phóng nghĩ anh yêu con nít. Giờ về ở với nhau, lúc vợ đang đau khổ vì khó sinh con thì chồng vẫn bình chân như vại, áo quần bảnh bao đi đi về về. Tôi buồn nhiều.

- Lúc này tiền không quan trọng nữa, dù phải bán vố cố bành em cũng làm, nhất định phải có con.

Tôi không phải “thứ đàn bà không biết đẻ” - lời mẹ chồng. Tôi không vô sinh. Liên tục năm lần trễ kinh. Năm lần vui sướng. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Có thai đã khó, giữ thai lại càng khó hơn. Tôi đã không khóc được nữa khi cái thai thứ năm lại chết lưu - đều không qua bốn tháng tuổi. Đau khổ, vật vã. Không có cái khao khát nào trong tôi lớn bằng ước mơ được mang nặng, đẻ đau. Tôi thực sự muốn làm mẹ. Không được làm mẹ, đó là nỗi bất hạnh tận cùng của đàn bà. Nỗi bất hạnh còn lớn hơn điều bất hạnh.

chac tet nay con ve hinh 1

Bác sĩ bệnh viện Từ Dũ bảo sức khỏe sinh sản của tôi không có vấn đề gì. Chỉ lấn cấn chỗ vợ chồng bất đồng nhóm máu nên khó trụ thai. Tôi phải khăn gói ra vô bệnh viện, tròn năm chẵn. Ngày biết mình có thai, tôi sung sướng bật khóc. Bụng ngày một to, con co đôi chân tí xíu đạp, nhìn thấy chỗ bụng mình in hình bàn chân con, tôi tan chảy vì hạnh phúc.

Con trai nghịch từ ngày còn nằm trong bụng. Bác sĩ bảo thai nằm ngang nên mẹ rất nặng nề. Đã nặng nề còn nhiễm trùng ối. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ đưa chồng ký vào bản cam kết chọn mẹ hoặc con. Khi còn nằm trên bàn phẫu thuật lạnh băng, nghe tiếng con khóc, tôi quên cả đau đớn, mỉm cười lau những giọt nước mắt vui sướng. Ra khỏi phòng hồi sức. Nhìn thấy con đỏ au, bé xíu, sợ con giật mình, tôi nhẹ nhàng nâng từng ngón tay bé bỏng đặt môi hôn.

2. Trở thành bị đơn của một vụ ly hôn khi con trai tròn tuổi – chồng đến với người đàn bà khác. Dư luận đổ tại tôi. Người ta nói tôi cứ lo “thăm bệnh viện” mà bỏ chồng cô đơn. Đàn ông trai trẻ, không có vợ thì phải có bồ, chuyện đó khó tránh. Ok. Tôi cũng nghĩ đến tình huống đó rồi, cũng mắt nhắm mắt mở để chồng có tình nhân như sự bù đắp nhưng không lường được tình huống đổ vỡ. Nhưng nếu lấy lý do này để phụ vợ bỏ con thì quá tàn nhẫn.

Con còn nhỏ quá, tôi về quê nhờ mẹ lên giữ cháu dùm cho dễ bề công việc.

Khi con trai được ba tuổi, mẹ không nói gì nhưng nhiều người khuyên nên đi, thật sự nên đi. Tôi cũng không muốn đội chung vòm trời với người đàn ông đề cao bản năng mà bỏ qua đạo đức nên cũng tính đem con về quê. Tôi mới thổ lộ ý định thì con trai hỏi: Vậy ông bà nội có được xuống nhà bà ngoại thăm con không? Trên khuôn mặt thơ ngây đã hiện ra nỗi lo lắng to lớn sau câu hỏi. Thương con quá, tôi quyết định vẫn sống trong ngôi nhà cũ, sát vách nhà nội (thỏa thuận để lại cho con) để con trai vẫn được gần ba gần nội của mình.

Giảm thiểu tối đa tổn thương cho con, đó là tâm niệm của người làm mẹ.

3. Ba mươi tuổi, tôi trở thành đàn bà bị chồng bỏ. Tôi cô đơn – thanh xuân còn phơi phới nhưng sống ở ngôi nhà sát vách nhà chồng cũ nên không có cơ hội đi tiếp “tập hai” – người ta nói vậy, tôi cũng thấy vậy.

Mà tôi cũng mất cảm giác với đàn ông, với hôn nhân rồi. Hạnh phúc hay khổ đau, nó cũng đơn giản là lựa chọn của mình.

chac tet nay con ve hinh 2

Thấy con ăn, con cười, được nhìn con ngủ là mẹ đã hạnh phúc. Càng hạnh phúc hơn khi con mẹ tuấn tú, đĩnh ngộ, học hành sáng dạ. Chưa hết, không chỉ học giỏi mà còn sớm có hoài bão. Vậy được rồi, thanh xuân tồi tàn nhưng đổi được cậu con trai như vầy, kể ra đời mẹ cũng đã lời to.

Nhà chỉ hai mẹ con, lủi thủi ra vô, những cơn hen của mẹ làm con sợ hãi. Những cơn ho thường xuyên, kéo dài, mặt mày nhợt nhạt, vã mồ hôi. Mẹ liên tục đi khám, trình bày lịch sử bệnh tình, bác sĩ nói bệnh này mạn tính rất khó chữa. Kiểm soát thì được chứ chữa dứt điểm là rất khó.

Mẹ cũng chẳng biết làm sao, chỉ cố gắng để con đừng sợ nhưng đang học lớp 5 mà con nói, nhất định sau này sẽ làm bác sĩ, nhất định sẽ chữa bệnh cho mẹ.

Thời gian đi qua rất nhanh…

Mới đó mà con mẹ đã mãn lớp 9. Con thi đậu khối B trường chuyên tỉnh. Thực lòng, mẹ chiều ước mơ của con chứ mẹ không muốn. Mẹ không chịu nổi cảm giác phải ở nhà một mình.

Con đi học, ở nội trú, cuối tuần đón xe buýt về chơi với mẹ. Nếu tuần nào trường có chương trình ngoại khóa hay đợt nào việc học áp lực, có khi cả tháng con mới về. Chỉ trong một tỉnh mà hạnh phúc mẫu tử của mẹ đã mong manh. Mẹ chỉ được nhìn con cười qua cái màn hình nhỏ bé.

Ba năm học phổ thông qua nhanh trong nháy mắt, mẹ đếm tuổi mình bằng sự trưởng thành của con.

Ngày con mừng rỡ báo tin đã đậu Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh. Niềm vui vỡ òa. Mẹ cười nhưng những hạt nước mắt sung sướng cứ chảy tràn xuống má – con là chiến công đời mẹ.

Con học xuất sắc, liên tục nhận học bổng, nhận những giải thưởng của các cuộc thi sáng tạo dành cho sinh viên. Con thổ lộ với mẹ đang cố gắng săn học bổng sang Nhật du học nên dạo này hơi bận rộn, không thường xuyên trò chuyện được, mùa hè cũng về một hai tuần với mẹ rồi lại vào phố lo chuyện học. Mẹ mừng vì con mẹ có lý tưởng để phấn đấu, nhưng tự sâu thẳm, người mẹ đơn thân cũng có chút buồn. Cuộc sống của mẹ có còn gì đâu, ngoài con trai của mẹ. Con động viên hãy yêu thương những em nhỏ, học trò của mẹ, mẹ sẽ bớt thấy nhớ con.

À, ra con dụ mẹ. Đã tính luôn tới ngày sẽ đi du học nên dặn mẹ nếu thấy có đứa trẻ nào có hoàn cảnh tội nghiệp, mẹ cứ nhận làm con nuôi. Mẹ con thủ thỉ cho vui nhà. Việc học của con cũng không còn là gánh nặng nữa khi đã liên tục săn được những gói học bổng lớn nên lương giáo viên của mẹ vẫn có thể lo tốt cho một đứa con nữa – như mẹ đã lo cho con.

Trời đất! Con nói y như thiệt, trẻ con đâu như bánh kẹo mà dễ xin dữ. Nghèo khổ gì hông biết chứ đứa con nào cũng là cục vàng của ba mẹ chúng hết, dễ gì mà xin được. Thôi mẹ ráng đợi ít năm, chờ có cháu nội bồng luôn – nói giỡn rồi giật mình, nói giỡn mà cái giá phải trả là sự u buồn. Có người đàn bà nào hổng buồn khi ngoảnh nhìn lại, thấy tóc đã muối tiêu mà thanh xuân chỉ làm bạn với chiếc bóng và tương lai sẽ là những ngày lầm lũi một mình. Người ta khen béo khen bùi nhưng mấy ai hiểu được nỗi đau khổ khó nói của người mẹ trẻ.

Con, là tài sản nhất của người phụ nữ nhưng con đâu thể đồng hành với mẹ trong mọi chuyện. Đành rằng mẹ đã trèo trẹo cõng chiếc bóng của mình đi qua thanh xuân, nhưng đổi lại, con của mẹ đang tìm vòng nguyệt quế, vậy sao lại buồn, đây chẳng phải là hạnh phúc tối cao của người mẹ sao? Một thoáng buồn, tôi lập tức rủa xả mình… “hư hỏng”.

Du học xứ sở hoa anh đào. Năm con về với mẹ một tháng hè. Đúng một tháng, còn luôn ưu tiên cho chuyện học. Nóng lòng chữa căn bệnh mãn tính cho mẹ đây mà, lần nào gọi về, câu hỏi sức khỏe cũng là câu đầu tiên.

Năm cuối, Tết con không về. Con hẹn đợi cầm tấm bằng Đại học về tri ân mẹ luôn.

Biết mẹ đang mòn mỏi trông, con động viên mẹ ráng. Giờ, nếu muốn con cũng thu xếp về được nhưng virus Corona đã xuất hiện một vài nơi trên thế giới rồi. Con về thăm mẹ được, nhưng lỡ dịch bệnh lan mạnh, có khi lại mắc kẹt không qua Nhật được nữa, trong khi việc học đã tới giai đoạn kết thúc. Chỉ còn một đấm cuối cùng nữa, mẹ ráng nghen. Lý do chính đáng quá mà, mẹ còn biết nói gì ngoài mỉm cười đồng ý, dù lòng rất miễn cưỡng. Tết đó, mẹ lủi thủi một mình.

Dịch bùng lên thật. Việt Nam kiềm chế rất tốt nhưng bên Nhật ít nhiều đã bị dịch bệnh hoành hành. Một bác sĩ trẻ mới ra trường, con bảo đây là thời điểm để học tập, trải nghiệm thêm, với lại bỏ đi lúc này là hành vi của người vô ơn. Con nói như vậy, mẹ chỉ 100% ủng hộ, mừng không hết chứ nói gì gọi con về. Xuân đó, mẹ “vui vẻ” ăn Tết một mình.

Rồi năm sau, khi bên Nhật đã ổn thì ở quê nhà dịch lại bùng lên. Tết, con dù muốn cũng không thể về. Xuân đó, mẹ không muốn ra khỏi nhà. Nhìn đâu cũng nhớ con, cũng muốn khóc.

Một năm, tổn thất và kinh nghiệm, khi dịch tạm lắng, lần nào trò chuyện online con cũng lạc quan nói Tết này con nhất định về. Chắc chắn sẽ về được, Việt Nam sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường mới thôi. Con trai bác sĩ nói, mẹ cũng tạm tin. Nhưng hổm rày nóng lòng dõi theo bản tin COVID, mẹ đang thấy con số lại từ từ nhảy lên, chắc Tết này con của mẹ không về được quá, mới nghĩ vậy thôi đã thấy thắt thẻo ruột gan vì nhớ.

Thực ra, tôi cũng chưa nghĩ Tết. Trong ý nghĩ của tôi, Tết còn ở xa lắm. Qua nay trời mưa bẫy đất. Cánh đồng trước nhà nước ngập trắng băng, số ca F0 trong tỉnh có vẻ tăng nhẹ, dạy học online được thông báo có thể sẽ còn kéo dài. Trong tình cảnh mọi thứ cứ bời bời thì ai đâu, lòng dạ nào mà nghĩ Tết. Nhưng sáng nay đang dạy học online, một học trò nộp cô bài văn biểu cảm về một loài hoa em thích. Em mở bài bằng câu, đất nước Nhật có hoa anh đào, nước Việt mình có hoa mai. Nước Nhật, hoa mai, mùa xuân. Học trò như đi vào ruột gan của cô…

4. Một năm, hai năm, ba năm. Sắp tới mùa xuân thứ tư. Ôi, mẹ nhớ con, không có từ nào để diễn tả hết nỗi nhớ nhung đằng đẵng này.

Chiều nay, lại gặp con qua màn hình nhỏ, con nói trước:

- Chắc Tết này con sẽ thu xếp về, phải cố gắng về.

Mẹ vui mừng (dù bụng còn run rẩy) hỏi: Liệu có khả thi? Con trai nói nay tình hình cũng tạm ổn rồi, vắc-xin ngừa bệnh đã phủ khắp, chúng ta phải học cách sống chung với dịch thôi mẹ.

Tôi tràn trề hy vọng dõi theo từng tiếng nói của con. Trước nay, cũng không có dự định gì nhưng khi con nói vậy, tôi bỗng nhiên nói:

- Nhưng công việc của một bác sĩ – những người tuyến đầu – nếu có về, mẹ cũng muốn con tình nguyện đến làm ở một trung tâm y tế nào đó của tỉnh nhà thay vì ở nhà chơi xuân với mẹ.

- Dạ mẹ, con cũng tính hết rồi!!

Chỉ vậy thôi, tôi lại vừa cười vừa khóc vì hạnh phúc.

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Bích Nhàn

Tin khác

Điện ảnh QĐND tổ chức Tuần phim kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Điện ảnh QĐND tổ chức Tuần phim kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Điện ảnh Quân đội nhân dân (QĐND) tổ chức Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024) từ ngày 3-6/5/2024 tại Rạp chiếu phim Điện ảnh QĐND (số 17 Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Giải trí
'Lật mặt 7: Một điều ước' của Lý Hải thu gần 50 tỷ đồng sau 2 ngày

'Lật mặt 7: Một điều ước' của Lý Hải thu gần 50 tỷ đồng sau 2 ngày

(CLO) Bộ phim "Lật mặt 7: Một điều ước" của đạo diễn Lý Hải đã thu về 47,5 tỷ đồng sau hai ngày công chiếu. Doanh thu trên đã bao gồm tiền thu được từ suất chiếu sớm.

Giải trí
Gần 300 ứng viên tham dự cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam năm 2024

Gần 300 ứng viên tham dự cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam năm 2024

(CLO) Sáng 27/4, tại Hà Nội, cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam năm 2024 chính thức khởi động nhằm tìm kiếm gương mặt Đại sứ du lịch hội tụ nhan sắc, trí tuệ, tài năng và bản lĩnh, góp phần quảng bá đến bạn bè quốc tế hình ảnh một Việt Nam hiện đại, năng động và không ngừng phát triển cùng với những cảnh quan du lịch tuyệt đẹp được thiên nhiên ban tặng.

Giải trí
Phim của Mai Thu Huyền sắp rời rạp vì không có suất chiếu

Phim của Mai Thu Huyền sắp rời rạp vì không có suất chiếu

(CLO) Theo người sáng lập đơn vị thống kê phòng vé độc lập Box Office Vietnam, trong ngày 26/4, bộ phim "Đóa hoa mong manh" của Mai Thu Huyền chỉ còn 5 suất chiếu trên cả nước và có thể sẽ rời rạp với doanh thu hơn 400 triệu đồng.

Giải trí
Huỳnh Võ Hoàng Sơn đại diện Việt Nam thi nam vương quốc tế 2024

Huỳnh Võ Hoàng Sơn đại diện Việt Nam thi nam vương quốc tế 2024

(CLO) Á vương Huỳnh Võ Hoàng Sơn sẽ có mặt để dự thi tại Ayuttaya, Bangkok, Thái Lan từ ngày 18/5 tới 27/5. Anh được đơn vị nắm bản quyền lựa chọn tại chương trình Road to Manhunt Vietnam 2024 (Nam vương quốc tế) với sự tranh tài của hơn 50 hồ sơ gửi về.

Giải trí