Chiến lược phát triển ngành game Việt: Tháo điểm nghẽn, mong chờ một hành lang pháp lý đủ rộng

Thứ sáu, 14/04/2023 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Game là ngành công nghiệp tỷ đô đang được nhiều nước trên thế giới đẩy mạnh. Việt Nam đầy tiềm năng nhưng các doanh nghiệp game phát triển rời rạc, thiếu gắn kết, khó tạo sự bùng nổ.

Đã có giai đoạn phát triển rực rỡ nhưng ngành game Việt đang “teo tóp” dần trong nhiều năm trở lại đây bởi nhiều lý do, từ câu chuyện quản lý không theo kịp sự phát triển, đến cả việc game lậu quốc tế ồ ạt tràn vào.

Thu hẹp quy mô

Nếu như trước, ngành game Việt Nam chủ yếu là phát hành game nước ngoài (chiếm tới 90%) ở thị trường trong nước thì những năm gần đây, sản xuất game Việt đã có những bước tiến mạnh mẽ trên toàn cầu. Theo bảng xếp hạng của App Annie 2020, Việt Nam đứng thứ 7 trên thế giới, thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về số lượng game download (tải về).

Ngoài ra, Việt Nam cũng xếp thứ 3 trong top 10 các nhà sản xuất ứng dụng game của khu vực; cứ 25 games được download, có 1 game sản xuất tại studio Việt Nam. Còn theo số liệu thống kê của Sensor Tower và Câu lạc bộ game studio Việt Nam, hiện có khoảng 5.000 game do người Việt sản xuất, tập trung chủ yếu vào nội dung dành cho trẻ em, giải trí, giáo dục.

Đáng chú ý, có những game do người Việt sản xuất đứng đầu trên kho ứng dụng tại thị trường Mỹ, Nhật Bản, thậm chí là Trung Quốc (quốc gia số 1 về game), có thể kể đến như Skydancer của Topebox hay Piano Tiles 3 của Amanotes…

chien luoc phat trien nganh game viet thao diem nghen mong cho mot hanh lang phap ly du rong hinh 1

Đã có giai đoạn phát triển rực rỡ nhưng ngành game Việt đang “teo tóp” dần trong nhiều năm trở lại đây. Ảnh: T.L

Lĩnh vực sản xuất game phát triển đã đem đến nhiều cơ hội về việc làm, mức lương hấp dẫn. Hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo các chuyên ngành liên quan đến game như lập trình, thiết kế, đồ họa… đã được các trường đại học, trung tâm đào tạo chú trọng, đáp ứng nhu cầu cung cấp nhân lực có trình độ chuyên môn cao cho ngành game. Doanh thu ngành game trong nước những năm qua cũng có sự tăng trưởng dương. Theo báo cáo của Bộ TT&TT, doanh thu ngành game năm 2021 đạt hơn 7 nghìn tỷ đồng, dự kiến đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng vào năm 2022.

Tuy nhiên, sau đó ngành game phải thu hẹp quy mô vì nhiều lý do. Báo cáo từ Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, tính đến hết tháng 11 năm 2022, có 248 doanh nghiệp đã được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng (trong đó có 54 doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc bị thu hồi giấy phép). Số lượng trò chơi điện tử được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản là 1.327 (856 trò chơi đang phát hành, 471 trò chơi đã thông báo dừng phát hành). 

Nhìn vào báo cáo có thể thấy ngành game rất hoành tráng với hàng trăm doanh nghiệp tham gia, hơn 1.300 game được phát hành, nhưng hiện tại số doanh nghiệp hoạt động trong ngành chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Game online tại Việt Nam phát triển mạnh nhất từ năm 2006-2010, với thành công của Võ Lâm Truyền Kỳ do VNG phát hành, tiếp theo đó là sự nổi lên của VTC, FPT Online, Asiasoft, Deco, Sunsoft, Garena, Sgame… sau này có thêm Soha games, Mecorp, CMN Online, Gamota và Funtap. Thời đỉnh cao, có 20-25 doanh nghiệp hoạt động trong ngành.

Tuy nhiên, từ giai đoạn 2010 - 2012, việc quản lý không theo kịp sự phát triển, game online bị xã hội lên án, cơ quan chức năng tạm dừng cấp phép. Thêm vào đó, một số doanh nghiệp bị dính vào vòng lao lý vì pháp luật thiếu những quy định liên quan… khiến ngành game bắt đầu đi xuống. FPT Online, Asiasoft, Sgame, Sunsoft, Mecorp lần lượt rời cuộc chơi; Deco, CMN Online ngày càng thu nhỏ.

Sau năm 2012 trở đi, ngành game chỉ loanh quanh với mấy doanh nghiệp quen thuộc, thành công chỉ nằm ở các doanh nghiệp lớn là VNG, VTC và VE (Garena Việt Nam đổi tên). Có một giai đoạn Gosu, Soha games, Gamota và Funtab nổi lên, nhưng đại dịch COVID-19 lại tàn phá ngành game một lần nữa. Điển hình trong năm 2022, cả Gamota và Funtap phải cắt giảm hơn 50% nhân sự, Gosu và Soha games cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Thậm chí, Gosu còn chuyển sang lĩnh vực công nghệ mới khi thêm mảng game Blockchain, song chỉ thành công được trong một giai đoạn ngắn. Đáng chú ý là mặc dù phát hành cả ngàn game ở trên nhưng theo đại diện các doanh nghiệp, số game thành công đem lại doanh thu và lợi nhuận là rất ít, chỉ chiếm 5-10%.

Cần chính sách đồng bộ để start-up game Việt ở lại trong nước

Hiện nay có không ít start-up, doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực game chuyển hướng ra nước ngoài thành lập để được hưởng các chính sách ưu đãi ở nước sở tại... Trong số studio sản xuất game của người Việt, số lượng studio có trụ sở trong nước rất ít, còn lại được đặt tại nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu là Singapore. Doanh thu game của Việt Nam năm 2018 đạt 365 triệu USD, năm 2021 đạt 665 triệu USD nhưng số tiền đóng thuế cho Nhà nước chỉ chiếm 50%, còn lại là các cá nhân, tổ chức đóng thuế cho nước ngoài.

chien luoc phat trien nganh game viet thao diem nghen mong cho mot hanh lang phap ly du rong hinh 2

Nhiều người vẫn quan niệm rằng game là xấu, là bạo lực hay gây nghiện. 

Các chuyên gia cũng như nhiều doanh nghiệp cho biết: hiện có xu hướng các doanh nghiệp game Việt thành lập tại nước ngoài và thuê lập trình viên ở Việt Nam để sản xuất game. Có nhiều doanh nghiệp game của Việt Nam thành lập và hoạt động thành công ở nước ngoài, dẫn đến tình trạng “chảy máu” nguồn lực.

Đại diện một doanh nghiệp game có tên tuổi ở Việt Nam cho biết: thời gian qua đã có “làn sóng” các startup và các bạn trẻ làm game chuyển trụ sở sang Singapore và Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) để lập doanh nghiệp.

Không chỉ game mà nhiều startup công nghệ mới như blockchain cũng đã chọn đăng ký lập doanh nghiệp ở những nước có chính sách cởi mở và thuận lợi hơn để hạn chế những rủi ro về chính sách khi định hướng, hành lang pháp lý cho lĩnh vực này ở Việt Nam chưa rõ ràng. Một ví dụ điển hình của xu hướng này là Sky Mavis - một “kỳ lân” Việt với game Axie Infinity nổi tiếng. Đây là một startup Việt, sáng lập là người Việt, nhân sự phần lớn là người Việt, nhưng trụ sở lại đặt ở Singapore, đóng thuế cho Singapore.

Ông Thái Thanh Liêm - CEO Topebox cho rằng việc start-up, studio game Việt ra nước ngoài lập doanh nghiệp và đóng thuế ở nước ngoài là điều đáng buồn cho một nước đang phát triển như Việt Nam. Việc mất nguồn thu ở một trong những mảng kinh doanh số có tỷ trọng doanh thu cao, ngoài việc gây tổn thất về kinh tế cho Việt Nam, cũng cho thấy các đánh giá của cơ quan nhà nước về ngành này còn chưa sâu sát và cần có những điều chỉnh thích hợp nếu muốn doanh nghiệp game trong nước quay trở về quê hương.

Một số ý kiến nhìn nhận doanh nghiệp game Việt chỉ ở mức tiềm năng, đang ở trạng thái nuôi dưỡng, trong khi còn quá nhiều rủi ro, rào cản về chính sách khiến họ không thể cống hiến, buộc phải ra nước ngoài. Trong khi đó, tại các nước mà cụ thể là Singapore lại có rất nhiều ưu đãi dành cho doanh nghiệp lĩnh vực này. Doanh nghiệp sản xuất game ở Singapore không phải xin giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và giấy phép phê duyệt nội dung kịch bản cho từng sản phẩm game và có những chính sách ưu đãi rõ ràng về thuế...

Theo đại diện một số doanh nghiệp, các quy định về thuế ở Việt Nam khá phức tạp, khiến các công ty game gặp khó khăn trong việc tìm hiểu và hoạt động hiệu quả. Cụ thể như thuế suất doanh nghiệp cao và các yêu cầu nộp thuế phức tạp.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận nguồn vốn có thể là một thách thức đối với các công ty game ở Việt Nam, đặc biệt nếu họ là start-up. Mặc dù có một số nhà đầu tư địa phương và công ty đầu tư mạo hiểm tập trung vào ngành công nghiệp trò chơi, nhưng họ có thể không nhiều hoặc được tài trợ tốt như ở các quốc gia khác.

Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vẫn đang là vấn đề nan giải ở Việt Nam. Đã có một số trường hợp công ty trò chơi bị vi phạm bản quyền hoặc các hình thức ăn cắp IP khác. Điều này có thể gây khó khăn cho các công ty trong việc bảo vệ tài sản trò chơi và tài sản trí tuệ có giá trị của họ...

Dưới góc nhìn của chuyên gia khởi nghiệp, ông Cris Duy Trần cho rằng những game blokchain, token, tài sản số tài chính số hiện nay ở Việt Nam vẫn còn chưa rõ ràng về mặt pháp lý. Khi chưa có định nghĩa pháp lý rõ ràng về một trong những thành tố quan trọng trong game đó thì sẽ rất khó được công nhận ở Việt Nam. Do vậy, các start-up trong lĩnh vực này sẽ không thiết lập tổ chức, hoạt động kinh doanh chính thức ở Việt Nam. Yếu tố duy nhất các doanh nghiệp này muốn tận dụng ở Việt Nam chính là nguồn nhân lực.

Để kéo các doanh nghiệp, start-up lĩnh vực này về nước, Việt Nam nên bắt đầu bằng một mô hình cơ chế sandbox thử nghiệm chính sách, trong đó có đầy đủ các chính sách, hành lang pháp lý ở quy mô nhất định. Từ mô hình sandbox này, Việt Nam sẽ thấy rõ thực tế hành lang pháp lý cần những gì.

Ông Cris Duy Trần cho biết Singapore đã có hàng loạt cơ chế, chính sách ưu đãi nên các startup và chất xám sẽ tự chảy đến. Để thu hút, kéo studio game ở nước ngoài về Việt Nam, tất nhiên phải cần khoảng thời gian. Khi nào các doanh nghiệp nhận thấy rõ có sự thay đổi trong nhìn nhận cởi mở của xã hội về game thì dần dần họ sẽ quay về.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Tổng Giám đốc VTC cho rằng game là ngành cần được nuôi dưỡng để phát triển. Theo ông Bảo, doanh thu ngành game ở Việt Nam so với thế giới còn rất nhỏ, chưa đến 1% so với thị trường toàn cầu 200 tỷ USD (theo Newzoo), đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất và phát hành game phải nỗ lực rất nhiều. Ngoài ra, cần có sự ưu đãi từ các cơ quan chức năng để nuôi dưỡng và thúc đẩy giúp ngành từng bước khẳng định mình ở thị trường quốc tế.

Một điều nữa hỗ trợ ngành game phát triển, theo ông Bảo là thay đổi nhận thức của cộng đồng bởi hiện nay game không chỉ để vui chơi giải trí mà được đưa vào rất nhiều lĩnh vực trong đời sống. Chẳng hạn như game được dùng dạy học, mô phỏng hoạt động trong xã hội, dùng game chữa bệnh trầm cảm, các giải đấu thể thao (eSport)… Thế nhưng, nhiều người vẫn quan niệm rằng game là xấu, là bạo lực hay gây nghiện. 

Tháo “điểm nghẽn” để ngành game Việt phát triển

Năm 2016, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đã xác định “phần mềm và các trò chơi giải trí” là một trong 13 lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa.

Tháng 11/2021, Chính phủ ban hành Quyết định về việc phê duyệt Chiến lược Phát triển văn hóa Việt Nam đến 2030 đã có những chính sách chuyên biệt hỗ trợ cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

chien luoc phat trien nganh game viet thao diem nghen mong cho mot hanh lang phap ly du rong hinh 3

Game vẫn chưa được coi là ngành ưu tiên trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Tuy nhiên, trên cả hai văn bản quan trọng nhất này thì game vẫn chưa được coi là ngành ưu tiên trong phát triển công nghiệp văn hóa. Các quy định hầu hết hiện nay liên quan đến việc cấp phép và quản lý trò chơi chứ chưa có các chính sách chuyên biệt để hỗ trợ sự phát triển của ngành này.

Theo ông Lê Quang Tự Do, hiện tại các cơ quan quản lý nhà nước đang bổ sung rất nhiều quy định để hạn chế những mặt trái, đồng thời phát huy được các mặt tích cực của ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Bên cạnh đó, đại diện cơ quan quản lý cũng cho biết trong thời gian tới, một số quy định có thể được đưa ra nhằm hạn chế các mặt trái, giúp ngành công nghiệp trò chơi điện tử trong nước phát triển hơn.

“Chúng tôi đã bổ sung các quy định pháp luật và dự kiến ban hành vào nửa đầu năm 2023 ở cấp độ nghị định chính phủ, siết chặt thời gian chơi game trong một ngày không quá 3 tiếng đối với giới trẻ và siết chặt phân loại độ tuổi”, ông Do chia sẻ.

Ông Do cũng nhận định một trong những “điểm nghẽn” hạn chế ngành game Việt chính là thuế. Theo quy định, doanh nghiệp sản xuất phần mềm được giảm 10% thuế, nhưng doanh nghiệp game vừa sản xuất phần mềm vừa phát hành thì lại không được hưởng ưu đãi này vì bị coi là doanh nghiệp phát hành.

Tiếp nữa, là cần thay đổi định kiến của xã hội về ngành game. “Chừng nào xã hội còn coi game là một ngành xấu thì ngành đó không bao giờ phát triển mạnh được”. Ông Do cũng cho biết, điểm nghẽn cuối cùng đó là tình trạng game lậu, game xuyên biên giới không phép đang lộng hành khiến các nhà phát hành game trong nước không cạnh tranh được. 

Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng lộ trình 5 năm phát triển lĩnh vực game từ 2022 đến 2027, tập trung giải quyết các vấn đề lớn: xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi game, kéo các công ty đang đặt trụ sở ở nước ngoài về lại Việt Nam; quản lý thị trường game; tổ chức sự kiện để xúc tiến hợp tác giao lưu đầu tư thương mại giữa các công ty game trong nước, với các quỹ đầu tư cũng như cơ quan quản lý để tìm tiếng nói chung; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành game để làm chủ dựa trên bàn tay và khối óc của người Việt Nam.

Khánh An

Bình Luận

Tin khác

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

(NB&CL) Khi Điện Biên Phủ, vùng rừng núi hiểm trở cách xa hậu phương 600 đến 700 km, trở thành nơi quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến”.

Góc nhìn
Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

(NB&CL) Nằm trong xu thế phát triển chung, vấn đề liên kết vùng, liên kết ngành là định hướng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề được TP.HCM đặc biệt coi trọng, xem đây là một trong những nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển.

Góc nhìn
Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

(CLO) Trong những ngày này, cả nước đang hồ hởi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn