Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập báo Người lao động:

Chờ có tiền rồi mới chuyển đổi số thì chẳng bao giờ làm được…

Thứ tư, 11/01/2023 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Câu chuyện chuyển đổi số của Báo Người Lao động cho thấy sự mạnh dạn đón cơ hội và không ngại đương đầu với thử thách bằng “một trái tim nóng và cái đầu lạnh” trong bối cảnh báo chí gặp nhiều khó khăn, thử thách to lớn.

Cuộc trò chuyện với Tổng Biên tập Báo Người Lao động Tô Ðình Tuân thực sự là cuộc trò chuyện… truyền cảm hứng. Câu chuyện chuyển đổi số của Báo Người Lao động cho thấy sự mạnh dạn đón cơ hội và không ngại đương đầu với thử thách bằng “một trái tim nóng và cái đầu lạnh” trong bối cảnh báo chí gặp nhiều khó khăn, thử thách to lớn.

Bài liên quan

Chuyển đổi số theo khả năng mình có thể

+ Thưa ông, trong bối cảnh kinh tế báo chí đã, đang và sẽ còn nhiều khó khăn, vấn đề đặt ra là: Chuyển đổi số có là câu chuyện phù hợp với số đông các cơ quan báo chí hay chỉ dành cho các cơ quan báo chí có tiềm lực tài chính mạnh?

- Chúng ta phải khẳng định lại rằng, chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí là xu thế tất yếu, là vấn đề sống còn trong tương lai. Qua quá trình thực hiện chuyển đổi số, chúng tôi thấy còn nhiều khó khăn như: chưa có một đơn vị nào đủ tầm, đủ kinh nghiệm để có thể đứng ra tư vấn chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí; nguồn nhân lực đáp ứng chuyển đổi số và nguồn kinh phí hạn hẹp. Nhưng rõ ràng là, dù cơ quan báo chí nhỏ hay lớn như thế nào thì việc chuyển đổi vẫn phải thực hiện, chỉ là theo những cách phù hợp mà thôi.

Đối với Báo Người Lao động, chúng tôi xác định, nếu bây giờ không nhanh chóng chuyển đổi số thì trong tương lai sẽ gặp thách thức rất lớn. Đặc biệt, đối với cơ quan báo chí tự thu, tự chi như chúng tôi, phải đảm bảo đời sống cho CB-PV-BTV- nhân viên thì lấy kinh phí ở đâu để đầu tư chuyển đổi số? Nhưng nếu chờ có tiền rồi mới chuyển đổi số thì chẳng bao giờ làm được. Chính từ suy nghĩ đó, Đảng ủy, Ban Biên tập đã bàn và quyết tâm làm, chuyển đổi số theo khả năng mình có thể. Việc gì dễ, ít tốn kém thì ưu tiên làm trước, tận dụng những nền tảng công nghệ, mạng xã hội…để từng bước chuyển đổi số. Hơn 3 năm qua là quá trình đặt nền móng, cũng là những bước đi tuy rất nhiều khó khăn nhưng đã có hiệu quả bước đầu.

cho co tien roi moi chuyen doi so thi chang bao gio lam duoc hinh 1

+ Chuyển đổi số theo khả năng mình có thể…Thưa Tổng Biên tập, một tòa soạn tự chủ tài chính, chuyển đổi từ lối làm việc của tờ báo in truyền thống, chắc hẳn con đường này… không trải hoa hồng, thưa ông?

- Đúng vậy. Với chúng tôi, hầu hết nhân sự là từ báo in, ít người được đào tạo để làm báo điện tử. Nhận thức, tư duy, kỹ năng của những người làm báo in khác nên để họ làm theo kiểu báo điện tử đúng quy chuẩn là rất khó vì phần lớn những người làm báo in thường lớn tuổi, khả năng tiếp cận công nghệ hạn chế. Chúng tôi đã từng bước giải quyết những khó khăn ấy bằng việc lập một nhóm anh em trẻ có năng lực về công nghệ để làm nòng cốt rồi lan toả ra các phòng - ban, đơn vị khác trong báo. Trước đây, trong mỗi ca xuất bản báo in, một kíp trực khoảng hơn 10 người trong toà soạn cùng ngồi với nhau. Đầu năm 2020, chúng tôi đã ứng dụng một phần mềm để xuất bản báo in một cách tiện lợi, chính xác mà không phải gặp nhau.

Trong mấy năm gần đây, chúng tôi đẩy mạnh phát triển các kênh mạng xã hội chính thức của Báo để cập nhật thông tin liên tục cho công chúng và đã có rất nhiều độc giả ủng hộ. Fanpage Báo Người Lao động thành lập từ tháng 10/2010, đến nay đã hơn 373 nghìn người theo dõi. Kênh Youtube Báo Người Lao động hoạt động từ tháng 1/2016, đến nay có hơn 330 ngàn người đăng ký kênh. Tiktok Báo Người Lao động, hoạt động từ tháng 3/2021, đến nay đã có khoảng 1 triệu người theo dõi…

Chẳng phải vì khó mà đứng ngoài cuộc

+ Tôi rất quan tâm đến câu chuyện thu phí báo chí mà Báo Người Lao động vừa triển khai được mấy tháng nay. Có ý kiến cho rằng, để nhìn thấy hiệu quả của vấn đề này cũng phải 2, 3 năm sau nữa… Thưa Tổng biên tập, với Báo Người Lao động thì giải pháp này liệu có khả thi không, thưa ông?

- Dù biết rằng với tình hình thực tế hiện nay, việc này không hề dễ dàng. Song, chẳng phải vì khó mà chúng tôi đứng ngoài cuộc; thậm chí ngược lại, Báo Người Lao động muốn tiên phong, đặt nền móng cho dịch vụ này bởi đây là con đường tất yếu ở phía trước cho báo chí Việt Nam, nhất là đối với các cơ quan báo chí hoạt động theo cơ chế tài chính tự thu tự chi, trong đó có Báo Người Lao động. Mặt khác, nếu thực hiện thành công, việc thu phí báo điện tử cũng sẽ giúp tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng cho ngân sách nhà nước và tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong làng báo, nghề báo; hạn chế các hiện tượng tiêu cực. Nếu cứ đắn đo, e ngại, không đặt nền móng ngay từ bây giờ thì chắc chắn sẽ chẳng bao giờ làm được…

cho co tien roi moi chuyen doi so thi chang bao gio lam duoc hinh 2

Các đại biểu kích hoạt Cổng thu phí đọc báo điện tử Báo Người Lao động. Ảnh: Hoàng Triều

Với chuyên mục “Dành cho bạn đọc VIP” của Báo Người Lao động, lúc mới làm thì nhiều người cho rằng sẽ rất khó khăn, chúng tôi cũng biết rõ điều đó. Ở TP.HCM, một số cơ quan báo chí có tiềm lực lớn hơn Báo Người Lao động, nên nếu chờ các báo ấy làm rồi mình theo sau thì không còn ý nghĩa gì cả, nên chúng tôi quyết tâm làm. Ông bà ta từng nói “có đi thì mới thành đường”. Trước chúng tôi cũng có một số cơ quan báo chí thực hiện thu phí, nhưng chúng tôi tự hào là tờ báo in đầu tiên của cả nước làm được việc này. Tôi tin rằng nếu chúng ta cùng quyết tâm làm, quyết tâm thu phí thì việc thu phí, hiện nay được xem là bất thường, sẽ trở thành bình thường trong tương lai; còn đọc miễn phí là bình thường hiện nay sẽ thành bất thường trong tương lai.

+ Tôi thấy ông phân tích rất kỹ những “được – mất” và vấn đề là chúng ta cần có những giải pháp như thế nào để tương lai công cuộc chuyển đổi số sẽ có những thuận lợi và thu phí báo chí sẽ là…chuyện bình thường, thưa ông?

- Trên thực tế tiến hành chuyển đổi số, tôi đã đúc kết 8 giải pháp tổng hợp dành cho Báo Người Lao động và cũng có thể là những giải pháp cho các đơn vị khác tham khảo. Thứ nhất, cần cải tiến mạnh mẽ nội dung, vừa đảm bảo tôn chỉ - mục đích, vừa mang đậm tính dân sinh, phản ánh sâu sát hơi thở cuộc sống. Thứ hai, bộ phận phát hành phải đảm bảo tờ báo có mặt trên sạp ở những khu vực, thành phố đông dân cư, rộng khắp trên cả nước. Điều này không chỉ giúp cơ quan báo chí tăng nguồn thu từ phát hành mà còn tạo động lực thu hút nguồn quảng cáo. Thứ ba, bộ phận quảng cáo phải năng động xây dựng kế hoạch tiếp thị, chủ động đến với khách hàng thay vì chỉ “ngồi chờ sung rụng” như trước. Thứ tư, công tác hoạt động xã hội - từ thiện cần được quan tâm nhiều hơn. Với cách làm công khai, minh bạch, hiệu quả, các hoạt động từ thiện - xã hội sẽ góp phần củng cố và phát triển thương hiệu cơ quan báo chí. Từ đó, sẽ góp phần thu hút các nguồn lực cho sự phát triển trong tương lai. Thứ năm, các cơ quan báo chí, tùy điều kiện, quy mô, đặc thù, có thể tạo ra sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau để cùng tồn tại và phát triển. Việc thu phí truy cập báo điện tử có thể thực hiện tốt trong tương lai, nhưng nếu không có sự liên kết giữa các báo sẽ khá khó khăn để đi đến thành công. Thứ sáu, thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, tìm kiếm đối tác, chuẩn bị nguồn lực để phát triển báo điện tử và các kênh mạng xã hội, tạo nguồn thu lâu dài. Thứ bảy, chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu cá nhân các nhà báo đang công tác tại cơ quan và thương hiệu cơ quan báo chí. Thứ tám, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực theo hướng vững chính trị, giỏi nghiệp vụ, tinh thông công nghệ; đào tạo “phóng viên đa nhiệm”: vừa viết, vừa chụp ảnh, vừa quay phim, thậm chí có khả năng tường thuật tại hiện trường. Đồng thời xây dựng văn hóa làm việc tích cực, có trách nhiệm và nhân văn với cộng đồng, với đồng nghiệp; làm hết việc chứ không hết giờ.

+ Vậy thưa ông, từ góc độ của chính sách, điều cần kíp phải triển khai ngay lúc này là gì?

- Trước hết, ở lĩnh vực tư vấn chuyển đổi số không có cơ quan nào tốt hơn là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh cùng kết hợp với Hội Nhà báo từ Trung ương đến địa phương để hoạch định chiến lược, tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi số cho các báo. Bộ máy nhân lực báo chí cần có sự đào tạo, tái đào tạo một cách bài bản hơn từ các cơ quan chức năng theo những chương trình đào tạo sát với thực tế, xu hướng... Về vấn đề kinh phí, mong rằng các cơ quan chức năng sẽ quan tâm hơn trong việc này như hỗ trợ vốn, cho vay với lãi suất 0% trong vòng 15 - 20 năm để hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số mạnh mẽ trong tương lai.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Vinh (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo