LHQ bỏ phiếu cho 5 vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an:

Cơ hội lớn cho Việt Nam

Thứ năm, 06/06/2019 10:01 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ngày 7/6, khóa họp thứ 73 Đại Hội Đồng Liên hợp quốc sẽ tổ chức bỏ phiếu cho 5 vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, trong đó có một vị trí cho nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương và hiện Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho nhóm này.

Vinh dự và cơ hội

HĐBA LHQ là một trong 6 cơ quan chính của LHQ có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, chấp nhận các thành viên mới vào LHQ và phê chuẩn thay đổi với Hiến chương LHQ. Quyền hạn của cơ quan này bao gồm thiết lập các hoạt động gìn giữ hòa bình, các biện pháp trừng phạt quốc tế và chấp nhận hành động quân sự thông qua các nghị quyết. Trong khi các cơ quan khác của LHQ chỉ có thể đưa ra các quyết định mang tính khuyến nghị và tạo dư luận thì các quyết định của Hội đồng Bảo an có tính cưỡng chế thực hiện. Tất cả thành viên của LHQ có trách nhiệm tôn trọng và thi hành. 

HĐBA gồm 15 thành viên, trong đó 5 thành viên thường trực là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và 10 thành viên không thường trực. 10 ghế không thường trực HĐBA được phân theo khu vực địa lý và do ĐHĐ LHQ bầu với nhiệm kỳ 2 năm. Mỗi thành viên thường trực đều có quyền phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào. Chỉ cần một phiếu phủ quyết cũng đồng nghĩa với việc nghị quyết không được thông qua. Trong khi đó, thành viên không thường trực không có quyền phủ quyết nhưng được quyền tranh luận và bỏ phiếu cho các nghị quyết.

Một phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ.

Một phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ.

Các ghế không thường trực được phân bổ trên cơ sở khu vực: 5 cho các nước châu Phi và châu Á; một cho Đông Âu; hai cho Mỹ Latinh và Caribe; hai cho Tây Âu và các nước khác. Một nước muốn trở thành thành viên không thường trực của HĐBA phải đạt tối thiểu 2/3 số phiếu bầu của các nước thành viên LHQ có mặt và tham gia bỏ phiếu tại phiên họp ĐHĐ. Nước vừa mãn nhiệm sẽ không được bầu lại tại nhiệm kỳ kế tiếp.

10 thành viên không thường trực của HĐBA hiện tại gồm Bolivia, Ethiopia, Kazakhstan, Hà Lan, Thụy Điển (nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2018) và Bờ Biển Ngà, Peru, Ba Lan, Guinea Xích Đạo, Kuwait (nhiệm kỳ đến năm 2019). 

Bởi vai trò và quyền hạn rất lớn của LHQ, nên với bất kỳ quốc gia nào, được tham gia HĐBA không chỉ là vinh dự mà còn là cơ hội để khẳng định uy tín, vị thế. Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Việc ứng cử lần thứ hai vào cơ quan này sẽ giúp Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán là thành viên tích cực, đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, nói như ngài Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam: Việc Việt Nam ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ giúp Việt Nam có cơ hội thể hiện vai trò cầu nối mang hòa bình cho khu vực và thế giới.

Tự tin cho trọng trách mới

Trước việc Việt Nam ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, bà Nguyễn Phương Nga - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, nguyên Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ cho rằng, Việt Nam có cơ sở để lạc quan với việc ứng cử lần này. Trước hết, đó là vị thế của đất nước, uy tín của Việt Nam. Việt Nam là một tấm gương sáng, được bạn bè quốc tế yêu mến, cảm phục bởi cuộc đấu tranh anh dũng giành độc lập dân tộc, quyền cơ bản của con người, bởi thành tựu của công cuộc đổi mới, vượt qua đói nghèo, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước phát triển năng động, cũng như truyền thống, đạo lý yêu chuộng hòa bình của người dân Việt Nam.

Cùng với đó, thành tựu của chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việc Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế, đóng vai trò tích cực trong ASEAN, APEC, ASEM, Liên hợp quốc cũng khiến các nước, nhất là các nước lớn, coi trọng và thúc đẩy quan hệ song phương với nước ta.

Theo nguyên Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Việt Nam được nhìn nhận rộng rãi là một quốc gia thành viên tích cực, có trách nhiệm của Liên hợp quốc, ủng hộ rất tích cực cho cách tiếp cận đa phương, tuân thủ nghiêm túc Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Việt Nam đã tham gia nhiều cơ quan hoạch định chính sách quan trọng của Liên hợp quốc, có nhiều đóng góp cho tổ chức đa phương này.

Các thành viên Liên hợp quốc cũng tin tưởng ở năng lực và vai trò quan trọng của Việt Nam đối với an ninh quốc tế. Việt Nam đang có đóng góp tích cực trong những vấn đề quan trọng như giải trừ quân bị, cấm phổ biến vũ khí hạt nhân và chống khủng bố, có kinh nghiệm trong xử lý các vấn đề nội khối ASEAN và trong khu vực, chứng tỏ khả năng đóng vai trò trung gian hòa giải, góp phần giải quyết bất đồng, xung đột bằng biện pháp hòa bình.

Cách đây tròn 10 năm, Việt Nam là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008 - 2009. Thời điểm đó, Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng trong HĐBA, đặc biệt là việc ủng hộ Nghị quyết của LHQ về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh. Một số đóng góp nổi bật của Việt Nam trong nhiệm kỳ này là HĐBA thông qua Nghị quyết 1889 do Việt Nam đề xuất về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, với nội dung tập trung về nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong hoàn cảnh hậu xung đột và tăng cường sự tham gia của nữ giới trong mọi giai đoạn của tiến trình hòa bình. Việt Nam cũng đưa ra sáng kiến tổ chức tham vấn rộng rãi với các thành viên LHQ ngoài HĐBA về Báo cáo hàng năm của HĐBA trước ĐHĐ. Việt Nam cũng là thành viên của hầu hết các điều ước quốc tế chủ chốt về giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, đồng thời là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân.

Thời gian qua, việc chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” sang “chủ động và tích cực đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế đa phương”; việc  tổ chức thành công Hội nghị APEC, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai... đã giúp Việt Nam tin tưởng đủ sức đảm nhiệm vai trò thành viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Trước ngày bỏ phiếu Việt Nam đã nhận được cam kết ủng hộ bằng văn bản của hơn 120 nước và khoảng 30 - 40 nước cam kết ủng hộ miệng. Theo quy định, chỉ cần được 2/3 số phiếu ủng hộ là trúng cử, nên có thể nói khả năng trúng cử của Việt Nam là rất cao, nhất là khi Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của khu vực châu Á Thái Bình Dương mà không có đối thủ.

Anh thư

Tin khác

Nắng nóng lên tới 50 độ C khiến nhiều trường học phải đóng cửa ở Philippines

Nắng nóng lên tới 50 độ C khiến nhiều trường học phải đóng cửa ở Philippines

(CLO) Philippines đang phải đối mặt với mùa hè nóng bức gay gắt cùng với hiện tượng El Nino khiến nhiệt độ tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả việc học tập của học sinh.

Thế giới 24h
Tàu vượt biên chìm ở Hy Lạp, nhiều người thiệt mạng và mất tích

Tàu vượt biên chìm ở Hy Lạp, nhiều người thiệt mạng và mất tích

(CLO) Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp đã tìm thấy thi thể một người di cư và đang tìm kiếm ít nhất 4 người khác mất tích sau khi tàu của họ chìm ngoài khơi đảo Samos vào Chủ nhật (28/4).

Thế giới 24h
Tổng thống Palestine nói chỉ Mỹ mới ngăn được Israel tấn công Rafah

Tổng thống Palestine nói chỉ Mỹ mới ngăn được Israel tấn công Rafah

(CLO) Ngày 28/4, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho biết chỉ có Mỹ mới có thể ngăn chặn Israel tấn công thành phố biên giới Rafah ở Gaza, đồng thời nói thêm rằng cuộc tấn công dự kiến ​​​​trong vài ngày tới có thể buộc phần lớn người dân Palestine phải chạy trốn khỏi vùng đất này.

Thế giới 24h
Elon Musk đến thăm Trung Quốc để thúc đẩy thị trường xe tự lái

Elon Musk đến thăm Trung Quốc để thúc đẩy thị trường xe tự lái

(CLO) CEO Elon Musk của Tesla đã đến Bắc Kinh vào Chủ nhật (28/4) trong một chuyến thăm không báo trước, nơi ông dự kiến sẽ thảo luận về việc triển khai công nghệ Xe tự lái hoàn toàn (FSD).

Thế giới 24h
Ukraine liên tiếp rút quân ở phía đông, ông Zelenskyy thúc giục thêm vũ khí

Ukraine liên tiếp rút quân ở phía đông, ông Zelenskyy thúc giục thêm vũ khí

(CLO) Chỉ huy hàng đầu của Ukraine hôm Chủ nhật (28/4) cho biết, quân đội Kiev đã rút lui khỏi ba ngôi làng ở chiến trường phía đông nước này bởi sức ép quá mạnh từ lực lượng đông đảo của Nga.

Thế giới 24h