Cổng làng ra phố

Thứ bảy, 02/06/2018 20:39 PM - 0 Trả lời

(CLO) Trước quá trình đô thị hóa ngày càng diễn ra đồng loạt và mạnh mẽ, chứng tích lịch sử - cổng nghĩa trang Hợp Thiện, một trong những kiến trúc cổ được xây dựng từ năm 1945 hiếm hoi còn sót lại giữa lòng phố thị, giờ đây cũng đã bị xóa sổ để nhường lại cho các dự án làm đường và quy hoạch đô thị mới.

Báo Công luận


 Cổng nghĩa trang Hợp Thiện xưa còn sót lại. (Ảnh: TL)

Nghĩa trang Hợp Thiện nay nằm sâu trong ngõ Đông Kim Ngưu, thuộc phường Vĩnh Tuy, nhưng chiếc cổng chính của nó lại nằm ngay trên mặt đường Minh Khai, đoạn nối liền đến cầu Vĩnh Tuy.

Theo lời kể của những người đã gắn bó lâu năm với khu đất này cho biết, nghĩa trang Hợp Thiện trước kia rộng lớn lắm, không đông dân và tấp nập như bây giờ, kể từ khi “cơn sốt” nhà đất và chung cư mọc lên như nấm thì diện tích của nó đã bị co hẹp lại, mặt bằng bị giải tỏa, cổng nghĩa trang trơ trọi nằm xen với nhà dân. Lâu dần, người ta quên mất nó vốn là cổng của nghĩa trang. Người ta gọi nó là cổng làng.

“Cổng làng” và câu chuyện ít người biết đến

Câu chuyện mà các vị cao niên đã gắn bó với mảnh đất này đến hơn nửa đời người kể lại, đây chính là khu nghĩa trang tập hợp hàng vạn hài cốt của những đồng bào chết vì oanh tạc do chiến tranh và nạn đói năm 1944 -1945. Chỉ riêng con số lên tới hàng vạn người cũng đủ thấy, nằm sâu trong mỗi tấc đất nơi này không phải chỉ là một nấm mồ tập thể nữa mà đó là một bể xương khổng lồ, chứng tích của một quá khứ đau thương duy nhất còn sót lại giữa lòng thủ đô Hà Nội.

Báo Công luận

Công trình kiến trúc cổ xưa còn lưu giữ lại cho đến ngày nay. (Ảnh: TL)

Để tưởng nhớ những nạn nhân xấu số, chính quyền đã cho xây dựng nên khu nghĩa trang từ sau năm 1945. Chiếc cổng là minh chứng rõ nét nhất cho một công trình kiến trúc cổ xưa còn lưu giữ lại cho đến ngày nay. Bước đi nghiệt ngã của thời gian dẫu có biến “nương dâu thành bãi bể” thì chiếc “cổng làng” vẫn nằm sừng sững toát lên một nét hồn xưa cũ, với màu sắc cổ kính đã bị nhuộm màu rêu phong, qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử.

Đó là một trong những chiếc cổng có kiến trúc vững vàng và đẹp mắt tại khu dân cư này. Nó tạo nên một vẻ đẹp hoài cổ rất riêng cho phố phường Hà Nội, bên cạnh một đô thị chen chúc và chật hẹp, thì hình ảnh chiếc cổng đem đến cho cuộc sống con người một sự dân dã, mộc mạc và yên bình.

Những thế hệ sau đến với khu dân cư, họ không biết nhiều đến câu chuyện mà ẩn sau đó là cả một giai đoạn lịch sử đau thương, nhưng những gì gắn bó với họ, vẫn hiển hiện trước mắt, cái “cổng làng” ấy vẫn là chốn đi, về của biết bao người. “Đó là chiếc cổng vẫn hằng ngày gắn bó với người dân ở đây. Nó có hình khối rất đẹp và vững chãi, một điểm nhấn độc đáo cho con phố này.” - chị Ngọc, một người dân sống ở đây nói.

Cũ kỹ nào cuối cùng cũng bị đập bỏ

Nằm trong quy hoạch xây dựng tuyến đường từ Minh Khai đến vành đai 2.5, một trong những tuyến đường trục chính đô thị, có ý nghĩa quan trọng kết nối các tuyến đường vành đai với các tuyến đô thị trong khu vực, nên cổng của nghĩa trang Hợp Thiện, được yêu cầu phải phá bỏ.

Khi dấu vết kiến trúc cuối cùng gợi nhớ ký ức một khu dân cư xưa bị khai tử, không ít người bày tỏ quan điểm, tiếc nuối có, đồng tình cũng có. Một trong những người thường ngày đi làm qua lại ngắm nhìn chiếc cổng, chị Nguyễn Thị Thảo bày tỏ: “ Không biết liệu có tu sửa được không chứ thật sự cá nhân mình thấy đáng tiếc quá. Chiếc cổng giống như một minh chứng của lịch sử, gắn bó với người dân nơi đây qua bao nhiêu năm tháng, giờ phá đi thì thật tiếc nuối”.

Báo Công luận

Chiếc cổng giống như một minh chứng của lịch sử nhưng sắp bị phá bỏ. (Ảnh: TL)

Bác Trần Văn Thành, một người làng thì cho rằng: “Tôi thì muốn giữ lại. Giữ để cho thế hệ sau biết rằng đây là nơi tưởng niệm những người đồng bào đã thiệt mạng vì chiến tranh, vì nạn đói lịch sử năm 1945 và cũng là để người ta nhìn vào nó mà nhớ về Việt Nam đã vượt qua những năm tháng đau thương đó như thế nào, để có được như ngày hôm nay.” Hay “Tại sao không tu sửa để biến cái cổng này thành một điểm nhấn? Sự đối lập giữa cổ kính và hiện đại sẽ làm cho không gian của khu vực này không bị đơn sắc và có giá trị hơn”, một người dân khác chia sẻ.

Tuy tiếc nuối là vậy, nhưng người ở đây cũng không thể phủ nhận một hiện thực vẫn thường xuyên diễn ra đó là vấn nạn tắc đường mỗi ngày vào giờ cao điểm. Đoạn đường Minh Khai là một trong những tuyến đường có lượng xe cộ đi lại khá đông, trong khi diện tích đường không lớn, do vậy, chính quyền vẫn phải ra quyết định quy hoạch trước nhiều ý kiến tiếc nuối của người dân.

Có một vài người cho rằng có thể tu sửa và di dời chiếc cổng này sang một vị trí nào đó rộng hơn nhằm giữ lại được nét đẹp kiến trúc cổ từ năm 1945 đến giờ. Tuy nhiên, với điều kiện thực tế, những đề xuất di dời để bảo tồn mà họ đưa ra cũng chỉ có thể là những mong muốn khó thành.

Xung quanh khu dân cư này mặc dù vẫn còn tồn tại một số cổng làng truyền thống khác có chiều dài văn hóa, lịch sử, tuy nhiên, chiếc “cổng làng” đồ sộ, cổ kính và lâu đời này cuối cùng cũng bị khai tử.

Hình ảnh một chiếc cổng hiên ngang, một chứng nhân lịch sử, giờ đây chỉ còn lại một đống đổ nát. Tuyến đường sẽ nhanh chóng được thi công và khu dân cư này trong tương lai cũng sẽ được khoác lên một màu sắc mới.

Sẽ chẳng còn ai nhớ nơi đây từng có một cái cổng làng.

Hoàng Lan – Ngọc Thúy


Tin khác

Chiêm ngưỡng những kỷ vật kháng chiến gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiêm ngưỡng những kỷ vật kháng chiến gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phản ánh về trận quyết chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 hiện đang thu hút nhiều người dân Thủ đô Hà Nội và du khách quốc tế tới tham quan, khám phá.

Đời sống văn hóa
Hào hứng Lễ hội thả diều - Hello Sunny Phan Thiết

Hào hứng Lễ hội thả diều - Hello Sunny Phan Thiết

(CLO) Hơn 100 cánh diều đầy màu sắc và hình dạng độc đáo bay lượn giữa bầu trời xanh tại Lễ hội thả diều Hello Sunny Phan Thiết.

Đời sống văn hóa
Họa sĩ Lê Vinh - Bậc thầy vẽ tranh bằng bút bi cực thực

Họa sĩ Lê Vinh - Bậc thầy vẽ tranh bằng bút bi cực thực

(NB&CL) Được đào tạo sử dụng các chất liệu màu nước, sơn dầu, lụa, khắc gỗ… nhưng họa sĩ Lê Vinh, chàng trai sinh năm 1979 tại huyện Ba Vì, Hà Nội, lại chọn hướng đi riêng sau khi tốt nghiệp, để rồi thể loại tranh vẽ bằng bút bi mới lạ đưa anh trở thành hiện tượng trong làng hội họa Việt Nam.

Đời sống văn hóa
Lễ hội đường phố Đồng Hới rực rỡ sắc màu

Lễ hội đường phố Đồng Hới rực rỡ sắc màu

(CLO) Ngày 28/4, tại trung tâm thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Ủy ban nhân dân thành phố Đồng Hới đã tổ chức Lễ hội đường phố năm 2024, với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ, thời trang...

Đời sống văn hóa
Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

(CLO) Được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Đồi C4 anh hùng, Đồi Ba cây thông… từ năm 1965 đến năm 1973 của thế kỷ trước, trên Đồi C4 đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228 nhằm tiêu diệt máy bay của Đế quốc Mỹ dội bom xuống cầu Hàm Rồng.

Đời sống văn hóa