Đại hội đồng AIPA lần thứ 44: Củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN

Thứ năm, 10/08/2023 13:23 PM - 0 Trả lời

(NB&CL)"Chúng tôi mong muốn nghị viện các nước ASEAN sẽ phát huy vai trò quan trọng trong việc củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực; coi đây là điều kiện tiên quyết giúp các nước ASEAN có môi trường thuận lợi phát triển KT-XH và phục hồi tăng trưởng nhanh".

Sự kiện: ASEAN

Đó là nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ tại Đại hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN lần thứ 44 (AIPA-44).

AIPA - hình mẫu điển hình cho hợp tác liên nghị viện khu vực

Đại hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA) ra đời vào ngày 2/9/1977 với tên gọi ban đầu là Tổ chức Liên nghị viện ASEAN (AIPO) do trưởng đoàn các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan tham dự Hội nghị liên nghị viện ASEAN lần thứ ba tại Manila (Philippines) đồng thuận thành lập và có liên kết chính thức với ASEAN.

Tại Đại hội đồng AIPO lần thứ 27 tổ chức tại thành phố Cebu (Philippines) năm 2006, các nước thành viên đã có sự đồng thuận chuyển đổi tổ chức thành một thể chế tích hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn với tên mới là AIPA. Năm 1995, Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức này.

Tới nay, sau hơn 45 năm phát triển (1977-2023), AIPA đã có những đóng góp to lớn vào quá trình hội nhập của khu vực, tạo những tiền đề vững chắc để xây dựng ASEAN thành một cộng đồng phát triển năng động, gắn bó. Bên cạnh đó, AIPA ngày càng khẳng định là hình mẫu điển hình cho hợp tác liên nghị viện khu vực, khẳng định vị thế của ngoại giao nghị viện cũng như vai trò của AIPA đối với tiến trình hội nhập của các quốc gia Đông Nam Á.

dai hoi dong aipa lan thu 44 cung co doan ket va vai tro trung tam cua asean hinh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch Hạ viện Indonesia, Chủ tịch AIPA 2023 Puan Maharani cùng đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Kỳ AIPA lần thứ 44 được tổ chức tại thủ đô Jakarta, Indonesia lần này có sự tham dự của 568 đại biểu, trong đó có Chủ tịch Quốc hội của 9 nước thành viên ASEAN, đại diện 17 nước quan sát viên và khách mời, cùng 9 tổ chức quốc tế. Trong phiên khai mạc chính thức ngày 7/8, chào mừng các đại biểu đến dự Phiên khai mạc Đại hội đồng AIPA-44, Tổng Thư ký AIPA Siti Rozaimeriyanty Dato Haji Abdul Rahman trông đợi các Nghị viên thành viên AIPA cùng cam kết nâng cao khả năng thích ứng, phối hợp với chính phủ các nước ASEAN giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến khu vực, duy trì an ninh và ổn định trong khu vực, mang lại thịnh vượng cho tất cả người dân khu vực. Tổng Thư ký AIPA bày tỏ tin tưởng AIPA sẽ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của mình, đáp ứng tốt hơn nhu cầu và nguyện vọng của người dân ASEAN.

Với chủ đề “Nghị viện chủ động thích ứng vì một ASEAN ổn định và hịnh vượng”, AIPA-44 (dự kiến sẽ diễn ra đến hết ngày 11/8) được cho là sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có nhu cầu giảm căng thẳng địa chính trị do cạnh tranh giữa các cường quốc ở Đông Nam Á; tình hình Myanmar; nỗ lực xây dựng nền kinh tế xanh, năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á nhằm hỗ trợ xử lý khủng hoảng khí hậu; thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn của giới thanh niên vào các diễn đàn chính trị, trong đó có nghị viện. AIPA-44 cũng là diễn đàn để các nghị sĩ ASEAN chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm nhằm xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho khu vực; Hội nghị được kỳ vọng sẽ thông qua thông cáo chung.

Việt Nam - thành viên tích cực, chủ động, trách nhiệm của AIPA

Chỉ hai tháng sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN (tháng 7/1995), ngày 19/9/1995, Quốc hội Việt Nam chính thức trở thành thành viên AIPO. Rất nhanh chóng, Quốc hội Việt Nam đã tạo dựng được nhiều dấu ấn quan trọng vào các hoạt động của AIPO, có những bước chuyển nhanh chóng, từ thành viên tích cực hội nhập thành thành viên chủ động nêu sáng kiến và phát huy vai trò dẫn dắt trong AIPO cũng như AIPA sau này.

Tiêu biểu như việc năm 2002, Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng Tổ chức liên nghị viện ASEAN (AIPO). Trong tổng số 33 nghị quyết được thông qua tại kỳ họp có 20 nghị quyết do Việt Nam đề xuất, nhiều ý tưởng của Việt Nam đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Năm 2010, Quốc hội Việt Nam lần thứ 2 đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch AIPA, đăng cai tổ chức kỳ họp Đại hội đồng AIPA-31 (từ ngày 20-24/9). Với chủ đề “Đoàn kết các dân tộc vì sự phát triển bền vững của Cộng đồng ASEAN”, Đại hội đồng AIPA-31 đã thông qua 22 nghị quyết về hàng loạt vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực.

Năm 2020, trong bối cảnh vô cùng khó khăn gây ra bởi đại dịch COVID-19, Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA-41 theo hình thức trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử AIPA.

Tại kỳ AIPA-44, trong thông điệp gửi tới Đại hội đồng, Chủ tịch nước hoan nghênh sự phát triển lớn mạnh và đóng góp thiết thực của AIPA cho quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, thống nhất, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và các quốc gia. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục tham gia tích cực, hiệu quả và có trách nhiệm cao trên mọi diễn đàn.

dai hoi dong aipa lan thu 44 cung co doan ket va vai tro trung tam cua asean hinh 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên toàn thể thứ nhất AIPA-44. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ nhất Đại hội đồng AIPA-44, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề xuất 5 vấn đề quan trọng. Cụ thể gồm: Thứ nhất, tăng cường đoàn kết, thúc đẩy vai trò trung tâm và giá trị chiến lược của ASEAN; tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác và cộng đồng quốc tế trong bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; bảo đảm nguyên tắc độc lập, tự chủ, duy trì đồng thuận với lập trường, quan điểm chung của ASEAN, theo “phương cách ASEAN”; kiên trì lấy hòa bình làm mục tiêu, đối thoại làm công cụ, hợp tác làm phương châm để giải quyết các tranh chấp trên tinh thần thượng tôn pháp luật, phù hợp với các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung và luật pháp quốc tế.

Thứ hai, tăng cường và mở rộng hợp tác nội khối cả về thương mại, đầu tư, du lịch, giao lưu nhân dân và chuyển giao công nghệ, hợp tác tài chính và tiền tệ, hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số an toàn và bền vững, chuyển đổi năng lượng công bằng. Đồng thời, tăng cường quan hệ ASEAN với các đối tác nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, ứng phó hiệu quả với những thách thức an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, thảm họa thiên tai, tội phạm mạng, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước; tăng cường hợp tác tiểu vùng, góp phần bảo đảm tăng trưởng bao trùm, phát triển đồng đều và bền vững; nâng cao khả năng ứng phó với các thách thức trong khu vực và trên toàn cầu.

Thứ ba, nghị viện các nước ASEAN cần tiếp tục nâng cao vai trò xây dựng luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và tăng cường vai trò giám sát chính phủ các nước ASEAN triển khai thành công các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025 trên cả 3 trụ cột: Chính trị - an ninh, Kinh tế, Văn hóa - xã hội và hướng tới Tầm nhìn sau 2025.

Thứ tư, đề nghị AIPA cần tiếp tục đổi mới, trở thành kênh hợp tác nghị viện có hiệu quả, phối hợp tốt giữa kênh nghị viện và Chính phủ các nước, tiếp tục chú trọng tăng cường quan hệ với các đối tác là quan sát viên của AIPA để tạo ra “sức mạnh tập thể” góp phần hóa giải những thách thức mà khu vực đang phải đối mặt. Trên cơ sở đó, Việt Nam ủng hộ kết nạp Nghị viện Cuba, Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia làm quan sát viên của AIPA.

Thứ năm, tại Đại hội đồng AIPA-44 lần này, Việt Nam đề xuất 3 dự thảo Nghị quyết giúp ASEAN có thể khai thác lợi thế về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng để phát triển lĩnh vực nông nghiệp, lương thực và lâm nghiệp. Việt Nam mong muốn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nghị viện các nước ASEAN.

Trước đó, trong cuộc trò chuyện với phóng viên TTXVN tại Jakarta trước thềm AIPA-44, Tổng Thư ký AIPA, bà Siti Rozaimeriyanty Dato Haji Abdul Rahman đã khẳng định: Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng cho AIPA nói chung và cho AIPA-44 nói riêng. Tại AIPA-44, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ một lần nữa đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các cuộc thảo luận và định hình kết quả của Hội nghị. Việt Nam đã đề xuất 3 dự thảo Nghị quyết nhằm giải quyết các thách thức chính của khu vực và thúc đẩy hợp tác giữa các Nghị viện thành viên AIPA. Sự tham gia tích cực và đóng góp mang tính xây dựng của Việt Nam vào các cuộc họp của AIPA, trong đó có Đại hội đồng AIPA-44 lần này, thể hiện cam kết của Việt Nam đối với việc nâng tầm AIPA, cũng như sự cống hiến của Việt Nam đối với các nguyên tắc và mục tiêu của tổ chức này.

Hà Trang

Bình Luận

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế