Đào tạo chuyên từ cấp 2: Đừng đốt cháy giai đoạn phát triển tự nhiên của trẻ!

Thứ năm, 14/03/2024 09:51 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Việc nhiều nơi tổ chức trường chuyên từ cấp THCS, trường chất lượng cao theo mô hình trường chuyên đang khiến nhiều chuyên gia lo ngại vì dạy học quá nhồi nhét, trẻ em sẽ mất đi tuổi thơ.

Sự kiện: Bộ GD&ĐT

Trẻ em cần được phát triển hài hòa, toàn diện

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có công văn đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo việc tuyển sinh vào trường THPT chuyên đúng quy định. Trong công văn này, Bộ GD&ĐT cho biết, căn cứ Khoản 1 Điều 62 Luật Giáo dục 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019, trường chuyên được thành lập ở cấp THPT, vì vậy không có cấp THCS trong trường chuyên.

Sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GD&ĐT như một dấu chấm hết đối với mô hình chuyên ở bậc THCS. Điều này đang trở thành đề tài bàn luận trên nhiều diễn đàn giáo dục. Nhiều người mong muốn, Bộ GD&ĐT sớm có điều chỉnh, đặc biệt nhất đối với những giáo viên đã quen dạy luyện thi học sinh giỏi. “Tại sao lại dừng tuyển sinh bậc THCS ở Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, trong khi nhiều nơi mô hình trường chất lượng cao cũng tuyển sinh và đào tạo tương tự. Nếu máy móc áp dụng, sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí cơ sở vật chất, xóa đi một mô hình tốt trong giáo dục” – một thầy giáo chia sẻ.

dao tao chuyen tu cap 2 dung dot chay giai doan phat trien tu nhien cua tre hinh 1

Trẻ cần được phát triển trong môi trường giáo dục thân thiện. Ảnh minh họa.

Có thể hiểu, mô hình bậc THCS trong trường chuyên tồn tại nhiều năm qua và thu hút được nhiều học sinh giỏi theo học có xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc cơ sở vật chất nhà trường tốt, giáo viên giỏi. Tuy nhiên, mô hình này cũng có nhiều bất cập nhất là việc học sinh học quá nhiều kiến thức lý thuyết quá sớm dẫn đến những lo ngại các cháu mất đi tuổi thơ, lệch lạc trong phát triển.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ông Thuyết chia sẻ, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là chương trình chung cho tất cả học sinh cả nước. Trong chương trình có quy định căn cứ vào chương trình này Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm xây dựng chương trình dành cho các đối tượng chuyên biệt. “Chuyên ở đây có nghĩa các học sinh chuyên biệt và các đối tượng đặc biệt như học sinh khuyết tật, học sinh khiếm thị…” – thầy Thuyết phân tích.

Hiện nay, trước những tranh luận về việc các đối tượng học chuyên sẽ chuyên từ cấp học nào, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, cần nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, rồi đánh giá lại mục tiêu giáo dục của nước ta hiện nay. Trên cơ sở đó cần xác định chuyên thế nào cho phải, chuyên thời điểm nào mới có câu trả lời khoa học và thuyết phục. “Ngay cả chương trình của các trường chuyên THPT hiện nay, tôi cho rằng cần điều chỉnh lại vì học lệch quá. Theo quan điểm của tôi, nên chuyên từ cấp THPT tức cấp 3. Nội dung chuyên gắn với định hướng nghề nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo giáo dục toàn diện không thể để cho học sinh học lệch rồi dẫn đến mất gốc” – Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nhận định.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng khẳng định, đối với cấp THCS chưa nên tổ chức trường chuyên. Học sinh của mình còn rất non tuổi ở bậc học THCS, các em cần được tham gia nhiều hoạt động như thể thao, văn nghệ, giải trí để phát triển toàn diện chứ không phải suốt ngày chúi mũi vào học. Chương trình chuyên vốn nặng nề nhiều khi làm mất tuổi thơ của các cháu. “Theo tôi ở bậc Tiểu học, THCS chỉ nên học chương trình phổ thông bình thường” – Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.

Cũng theo Tổng Chủ biên Chương trình phổ thông 2018, các trường cần tùy vào điều kiện của mình cố gắng tổ chức trường lớp khoa học, nâng cao điều kiện học tập là cách hỗ trợ các em tốt nhất. Lớp học hiện nay quá đông, sĩ số từ 40 đến 50 cháu/lớp, nếu có điều kiện thì cần giảm bớt sĩ số để các cháu có môi trường học tập. Các trường cũng cần tập trung vào cải tạo các điều kiện như phòng thực hành, thí nghiệm, vườn trường… để học sinh rèn luyện các kỹ năng. Điều này sẽ tốt hơn việc bắt các em học sinh học chuyên, đi theo các hướng quá sâu vào khoa học.

Học như vậy không có tác dụng, những kiến thức đó khi các cháu lớn lên chỉ cần tập trung một thời gian ngắn sẽ nắm bắt được. Phụ huynh bình tĩnh, chưa nên bắt con cái đi quá sâu vào những chuyện học hành nặng lý thuyết quá kỹ để làm gì” – Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nêu.

Bỏ chuyên bậc THCS, sẽ bớt tình trạng ép học

Cũng liên quan đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, nếu duy trì hệ trung học cơ sở trong các trường trung học phổ thông chuyên dẫn đến tình trạng học tập chạy theo thành tích. Vì các em muốn vào thì phải thi hoặc xét hồ sơ, nên từ bậc tiểu học nhiều em đã bị bố mẹ ép học. Đối với học sinh từ lứa tuổi tiểu học, trẻ phải đối mặt với những áp lực học tập quá sớm.

dao tao chuyen tu cap 2 dung dot chay giai doan phat trien tu nhien cua tre hinh 2

Hằng năm đã có một “cuộc đua” khốc liệt vào trường chuyên ở bậc THCS, số hồ sơ đăng ký lên tới hàng nghìn thí sinh, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh chỉ khoảng 200 suất. Năm học 2023 - 2024 vừa qua, học sinh muốn trúng tuyển lớp 6, cần vượt qua các yêu cầu khắt khe như có 5 năm tiểu học đạt hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ học tập và rèn luyện, đồng thời không được có quá 2 điểm 9 trong suốt 5 năm ở tất cả các môn học. Có bài viết chia sẻ học sinh 5 năm tiểu học không có nghỉ hè...

“Chính yêu cầu khắt khe đối với hệ trung học cơ sở tại Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đã vô tình dẫn đến áp lực học tập cho trẻ, dẫn đến áp lực phải chuẩn bị các điều kiện học bạ, thậm chí luyện thi để đỗ. Điều này đang đi ngược với chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như xu thế phát triển trên thế giới - giáo dục phát triển năng lực phẩm chất” - Tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục chia sẻ.

Như vậy qua trao đổi với các chuyên gia có thể thấy, việc học chuyên từ sớm sẽ không thực sự mang đến ý nghĩa đối với sự phát triển của trẻ em. Nếu các địa phương quan tâm đầu tư cho trẻ thì nên đầu tư vào các trường phổ thông bình thường, nâng cơ sở vật chất, tạo nhiều sân chơi cho học sinh và giảm sĩ số mỗi lớp. Đó mới chính là phương pháp đầu tư cho giáo dục một cách tốt nhất nhằm nâng cao chất lượng giáo dục tổng thể mà mọi trẻ em điều được thụ hưởng.

Mô hình khối THCS trong trường chuyên không nằm trong quy định pháp lý nào PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho hay, Luật Giáo dục 2005 đã quy định trường chuyên chỉ có ở cấp THPT. Nội dung này cũng được giữ nguyên ở Luật Giáo dục 2019. Mô hình khối THCS trong trường chuyên không nằm trong quy định pháp lý nào. Tuy nhiên, do tồn tại lịch sử để lại, hiện vẫn có hai trường là Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) và Trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam tồn tại khối THCS không chuyên.

Ngoài ra, theo ông Thành, năm 2023, Bộ GD&ĐT cũng có Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên. Theo đó, các trường THPT chuyên sẽ không còn lớp không chuyên. “Như vậy, đương nhiên, các lớp THCS không chuyên trong các trường chuyên cũng phải ngừng tuyển sinh” - ông Thành nói.

Trinh Phúc

Tin khác

Hướng dẫn đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trực tuyến

Hướng dẫn đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trực tuyến

(CLO) Quá trình đăng ký dự thi, các thí sinh cần điền đủ thông tin nhằm đảm bảo quyền lợi khi tham dự thi tốt nghiệp THPT 2024.

Giáo dục
Quy định về ảnh thí sinh sử dụng khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

Quy định về ảnh thí sinh sử dụng khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

(CLO) Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ảnh của thí sinh trên hệ thống phải bảo đảm độ phân giải là 400x600 pixels, được chụp theo kiểu căn cước công dân và trước thời gian nộp hồ sơ không quá 6 tháng.

Giáo dục
Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

(CLO) Năm học 2023-2024, toàn tỉnh Bắc Ninh có 17.296 học sinh lớp 12 (tăng hơn 1 nghìn học sinh lớp 12 so với năm 2023), cùng với khoảng 400 thí sinh tự do sẽ đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Giáo dục
Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

(CLO) Đại học Quốc gia Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh thí điểm hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực từ năm học 2024-2025 theo cơ chế đặt hàng.

Giáo dục
Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Theo quy định, thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi, vì vậy cần cẩn trong khi thực hiện điền các thông tin.

Giáo dục