Đào tạo nghề cho lao động nông thôn - những cách làm hiệu quả

Thứ năm, 15/12/2022 11:30 AM - 0 Trả lời

(CLO) Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) được xem là giải pháp quan trọng góp phần giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, cơ hội lập nghiệp, giúp ổn định đời sống người dân. Đây là nhiệm vụ được các tỉnh thành vào cuộc, đáp ứng nhu cầu học nghề của LĐNT và yêu cầu của thị trường lao động.

Tuyên Quang: Chú trọng công tác khảo sát nhu cầu học nghề với “đầu ra” sau đào tạo

Đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nhằm cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho người lao động đang được các huyện, thành phố ở Tuyên Quang chú trọng. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

dao tao nghe cho lao dong nong thon  nhung cach lam hieu qua hinh 1

Tiếp nhận thiết bị giảng dạy tại Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật – Công nghệ Tuyên Quang. Ảnh: Thiệu Tân

Xác định công tác dạy nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững góp phần phát triển nông nghiệp xanh, xây dựng nông thôn mới, năm 2022 Sở Lao động TB và XH tỉnh đã tham mưu cho tỉnh ban hành các đề án, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; đưa nội dung dạy nghề cho lao động nông thôn vào văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2021-2025…

Từ đó, triển khai hướng dẫn, thực hiện phương án tổ chức điều tra, khảo sát, xác định nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã, trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Hướng dẫn triển khai thực hiện cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo…

Ước hết tháng 9/2022 toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho 6.122 người, đạt 76,52% kế hoạch; theo trình độ cao đẳng 90 người, trung cấp 861 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 5.171 người. Kế hoạch năm 2022 tạo việc làm cho 21.500 lao động. Trong đó tạo việc làm trong các ngành kinh tế tại tỉnh: 14.530 người; đi làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước: 6.500 người; đi làm việc ở nước ngoài: 470 người; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%.

Ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn đã bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đã chuyển hướng đào tạo từ cung sang cầu thị trường lao động; thực hiện tốt mô hình 3 nhà: Nhà nước - Nhà trường và Nhà doanh nghiệp; tăng cường công tác liên doanh, liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn tỉnh. 

Đồng thời đào tạo nghề còn gắn với thực tiễn sản xuất nông, lâm nghiệp và yêu cầu xây dựng nông thôn mới, phù hợp với nhu cầu của người học và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất và có cơ hội tìm được việc làm phù hợp, 9 tháng đầu năm 2022 đã tư vấn việc làm, học nghề 18.864 người lao động. Trong đó 765 người lao động có làm việc; 09 người lao động tham gia học nghề tại các đơn vị doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh, đăng tải 326 lượt thông tin tuyển dụng, tuyển sinh trên website, cổng thông tin điện tử và Fanpage của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Có thể nói, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều chú trọng công tác khảo sát nhu cầu học nghề của lao động tại địa phương gắn với “đầu ra” sau đào tạo. Từ đó, chọn lựa các trung tâm, cơ sở đào tạo có nội dung đào tạo phù hợp năng lực của học viên, chú trọng khâu thực hành để hiệu quả đào tạo thiết thực, đáp ứng nhu cầu cung - cầu việc làm đối với lao động nông thôn.

Đặc biệt, nhận thức của người dân về học nghề ngày càng tích cực hơn, nhất là trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do đô thị hóa, lao động nông thôn đã hiểu rõ được lợi ích của việc học nghề để có tay nghề vững chắc, có thêm nhiều cơ hội về việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống. 

Thái Nguyên: Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của tỉnh

Những năm qua, chính sách đào tạo nghề đã giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ thực tế đó, tỉnh Thái Nguyên đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2030, mỗi năm đào tạo nghề cho 4.000 lao động nông thôn (LĐNT). Sau đào tạo, 3.200 LĐNT có việc làm mới, hoặc tiếp tục làm công việc cũ, nhưng đạt năng suất lao độngvà thu nhập cao hơn...

Cùng với nghề phi nông nghiệp là hơn 13.800 lao động tham gia các lớp đào tạo nghề nông nghiệp. Qua đào tạo, trình độ, năng lực sản xuất của LĐNT được nâng cao. Tư duy, nhận thức trong làm kinh tế cũng thay đổi theo hướng kinh tế thị trường. Điển hình như ông Lý Văn Thiệp, xã Văn Yên (Đại Từ); ông Đào Văn Hiểu, xã Đào Xá (Phú Bình)... đã chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Có thể khẳng định, những năm qua, công tác đào tạo nghề cho LĐNT nhận được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của tỉnh. Điển hình như Hội Nông dân tỉnh có 1.850 cán bộ chi hội được tư vấn về học nghề, việc làm và kỹ năng vận động LĐNT tham gia các lớp đào tạo nghề. Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 300 hội nghị tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho hơn 500.000 lượt đoàn viên, thanh niên.

Các cấp hội Phụ nữ tổ chức lồng ghép hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm cho gần 50.000 lượt hội viên. Liên đoàn Lao động tỉnh và cấp huyện đã tổ chức trên 90 buổi tuyên truyền trực tiếp về mục đích, mục tiêu của việc đào tạo nghề, học nghề cho trên 8.000 người tại các các xã, phường, thị trấn; đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức 86 lớp dạy nghề dưới 3 tháng, với 2.978 LĐNT tham gia.

Để thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề cho LĐNT, hằng năm, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đều có kế hoạch nâng cao chất lượng chương trình, giáo trình dạy nghề đảm bảo khối lượng kiến thức chuyên môn, kỹ năng phù hợp với người học. Các cơ sở cũng tích cực cập nhật, rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của người học nghề và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp.

Trong đó, một số đơn vị đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng chương trình đào tạo; giáo trình theo từng mô đun, môn học, bài giảng chi tiết, mô hình học cụ, tranh ảnh, tài liệu hướng dẫn. Từ đó, giúp học viên dễ tiếp nhận kiến thức. Đặc biệt là tập trung vào kỹ năng thực hành để ngay sau đào tạo, người học trở thành người thợ thực thụ.

Do coi trọng chất lượng đào tạo nghề, nên tỷ lệ người có việc làm sau đào tạo của Thái Nguyên đạt cao. Trong tổng số gần 46.000 người lao động tham gia các lớp đào tạo nghề, có hơn 35.700 người có việc làm ngay sau đào tạo. Trong đó 13.500 người được doanh nghiệp tuyển dụng; hơn 4.000 người được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm; hơn 700 người đi xuất khẩu lao động, hơn 14.000 người tiếp tục làm công việc cũ nhưng năng suất lao động và thu nhập tăng lên; hơn 3.000 người thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác.

Quá trình đào tạo nghề cho LĐNT đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Điển hình như mô hình đào tạo nghề Kỹ thuật gia công bàn ghế, mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng tại xã Tiên Phong (TP. Phổ Yên), thu hút gần 500 lao động, với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Hay các mô hình đào tạo nghề Kỹ thuật chế biến và bảo quản sản phẩm chè tại thị trấn Hùng Sơn và xã La Bằng (Đại Từ) đã giúp hàng trăm LĐNT tăng thu nhập từ 3 triệu đồng lên gần 5 triệu đồng/người/tháng. Hoặc mô hình đào tạo nghề May công nghiệp gắn với giải quyết việc làm của Công ty TNHH May DG đã đào tạo và giải quyết việc làm cho hàng trăm LĐNT, với mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.

Đào tạo nghề cho LĐNT đã thực sự mở thêm một lối thoát nghèo cho người dân ở các vùng khó của Thái Nguyên, đặc biệt là các vùng có nhiều đồng bào người dân tộc thiểu số sinh sống. Để phát huy hiệu quả công tác đào tạo nghề, thời gian tới, các cấp, ngành chức năng của tỉnh tiếp tục thực hiện khảo sát, lựa chọn nghề phù hợp với LĐNT để tổ chức đào tạo phù hợp như cầu thị trường lao động. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Hà An

Bình Luận

Tin khác

Thay đổi cách thức công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp

Thay đổi cách thức công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp

(CLO) Tới đây, mọi thủ tục thực hiện công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp sẽ thực hiện hình thức dịch vụ công trực tuyến hoàn toàn.

Giáo dục
Chuyên gia chia sẻ về cách ôn tập và làm bài môn Toán để đạt điểm cao

Chuyên gia chia sẻ về cách ôn tập và làm bài môn Toán để đạt điểm cao

(CLO) Theo đề thi minh họa môn Toán, kiến thức thi vẫn trọng tâm và bám sát cấu trúc đề thi nhiều năm trước, do đó học sinh cần rèn luyện kỹ năng làm bài tránh sai sót.

Giáo dục
Cách để đạt điểm cao môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập Hà Nội

Cách để đạt điểm cao môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập Hà Nội

(CLO) Theo chuyên gia, không khó để học sinh đạt điểm 8 môn Ngữ văn, kỳ thi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội.

Giáo dục
Bắc Giang: Phát động Cuộc thi Robocon lần thứ nhất, năm 2024

Bắc Giang: Phát động Cuộc thi Robocon lần thứ nhất, năm 2024

(CLO) Mới đây, Cuộc thi Robocon tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất, năm 2024 đã được phát động với chủ đề “Khám phá du lịch Bắc Giang”.

Giáo dục
Sắp diễn ra cuộc thi chung kết FSchool Talent Show Hà Nam mùa thứ 2

Sắp diễn ra cuộc thi chung kết FSchool Talent Show Hà Nam mùa thứ 2

(CLO) Vòng Chung kết Cuộc thi Tìm kiếm Tài năng FSchool Talent Show Hà Nam 2024 sẽ diễn ra vào tối ngày 4/5 tới. Đêm thi hứa hẹn sẽ mang tới những tiết mục hấp dẫn, gay cấn và tìm ra chủ nhân xứng đáng cho ngôi vị Quán quân.

Giáo dục