Đề xuất xây dựng bảo tàng chuyên ngành về văn hóa Sa Huỳnh

Thứ tư, 26/10/2022 19:26 PM - 0 Trả lời

(CLO) Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khảo cổ đề xuất xây dựng một bảo tàng chuyên ngành về văn hóa Sa Huỳnh với những thiết bị, công nghệ hiện đại.

Những phát hiện mới

Cách đây hơn 10 năm, trong quá trình giải phóng lòng hồ chứa nước Nước Trong, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với các chuyên gia khảo cổ học tiến hành khai quật các di tích ở huyện Trà Bồng (khu vực huyện Tây Trà cũ) và huyện Sơn Hà.

Tại đây, các chuyên gia đã phát hiện được các di tích cư trú, mộ táng, thu được các di vật như đồ đá, đồng, sắt, thủy tinh và gốm. Từ năm 2009 đến năm 2012, có 54 mộ táng được bó thạch cao, vận chuyển và bảo quản tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi.

de xuat xay dung bao tang chuyen nganh ve van hoa sa huynh hinh 1

Các nhà khảo cổ học thực hiện chỉnh lý, bảo tồn những ngôi mộ được phát hiện tại di chỉ khảo cổ học Nước Trong. Ảnh: Sở VHTTDL Quảng Ngãi

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường (Hội khảo cổ học Việt Nam), từ xưa tới nay, trong các cuộc khai quật khảo cổ ở Việt Nam, khi phát hiện mộ táng thường nghiên cứu, chụp ảnh ngay trên hiện trường, dỡ mộ đưa về các cơ quan nghiên cứu rồi chuyển lại bảo tàng ở các địa phương.

Riêng di chỉ khảo cổ học Nước Trong, việc bó thạch cao và chuyển mộ về bảo tàng để nghiên cứu mới được thực hiện. PGS.TS. Nguyễn Lân Cường cho rằng, việc làm này có lợi ích là nghiên cứu được sâu hơn và có điều kiện để gia cố, giữ lại trưng bày các ngôi mộ đẹp có ý nghĩa khoa học.

“Đây trở thành kinh nghiệm đối với những cuộc khai quật sau này, đặc biệt là với các mộ chum trong nền văn hóa Sa Huỳnh”,  PGS.TS Nguyễn Lân Cường nói.

Đến năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đã lựa chọn Công ty Đoàn Ánh Dương triển khai thực hiện “Dự án chỉnh lý kết quả khai quật khảo cổ tại khu vực mặt bằng xây dựng công trình hồ chứa nước Nước Trong”.

Mục tiêu của dự án nhằm nghiên cứu, trưng bày bảo tàng, bảo tồn giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh, làm phong phú kho tàng di sản văn hóa của dân tộc.

Thực hiện dự án này, các chuyên gia, nhà khoa học đã chỉnh lý và phục dựng, bảo quản 21 mộ táng; phục dựng 77 đồ gốm tùy táng; 200 bản dập hoa văn trên các hiện vật gốm; phân tích niên đại bằng phương pháp đồng vị carbon phóng xạ với 5 mẫu; phân tích thạch học gốm 20 mẫu...

Kết quả, trong số có 21 mộ táng được chỉnh lý và phục dựng có 10 mộ vò, 11 mộ quan tài gốm; bảo quản 6 mộ đất, 19 mộ quan tài gốm; phục dựng 77 đồ gốm tùy táng bao gồm nồi, bình, bát, hũ. Đồng thời, xử lý bảo quản 10 di vật chất liệu đồng, sắt trong mộ táng; 200 bản dập hoa văn trên các hiện vật gốm; phân tích thạch học gốm 20 mẫu...

PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho rằng, tại di chỉ khảo cổ học Nước Trong đã phát hiện được những ngôi mộ cực kỳ độc đáo mà trước đây chưa từng thấy, đó là mộ chum nhưng lại có nồi gốm úp vào thân, hoa văn của mộ cũng có nhiều loại độc đáo.

Do đó, ông Cường đề nghị chọn một địa điểm trưng bày xứng tầm với phát hiện này, để cho các nhà nghiên cứu trong nước và cả quốc tế xem. “Địa điểm đó chính là Nhà trưng bày hiện vật Sa Huỳnh hiện nay, nằm sát bên hồ Nước Trong. Chúng ta chỉ giữ lại khung nhà, còn toàn bộ nội thất bên trong phải thay đổi đúng với tiêu chuẩn của một bảo tàng hiện đại. Áp dụng các hình ảnh 3D, để khách tham quan có thể xem chi tiết từng mộ, vị trí khai quật, các hiện vật bên trong cùng các thông số cần thiết” - PGS.TS Nguyễn Lân Cường đề xuất.

Thêm một loại hình văn hóa Sa Huỳnh trong “bản đồ” khảo cổ

Nhiều nhà khoa học cũng đánh giá, các khối mộ quan tài gốm ở di chỉ khảo cổ Nước Trong vẫn giữ nguyên kết cấu, hình dáng ban đầu, có giá trị về mặt nghiên cứu khảo cổ. Văn hóa Sa Huỳnh tại vùng lòng hồ Nước Trong có các giai đoạn phát triển tương tự như văn hóa Sa Huỳnh ở vùng đồng bằng ven biển, hải đảo của Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng.

de xuat xay dung bao tang chuyen nganh ve van hoa sa huynh hinh 2

Hiện trường khai quật di chỉ khảo cổ học Nước Trong. Ảnh: Sở VHTTDL Quảng Ngãi

Đó là, ở đây có sự tồn tại của một cộng đồng người chế tạo, sử dụng công cụ bằng sắt; chế tạo bằng đồ gốm, sử dụng một số đồ trang sức. Từ 3.500 năm trước đến một vài thế kỷ sau Công nguyên, cư dân Văn hóa Sa Huỳnh đã biết dùng cuốc, trồng lúa để phát triển nông nghiệp, biết luyện kim, đúc đồng và chế tạo đồ sắt... Trong đó có những hạt lúa tìm thấy ở Lung Leng có niên đại 3.000 năm trước, ở trong mộ, trong mảnh gốm vùng lòng hồ Nước Trong.

Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Sử (Hội khảo cổ học Việt Nam), đặc trưng của khai quật tại di chỉ khảo cổ học Nước Trong là mộ táng gồm mộ đất, mộ quan tài gốm, đa số mộ táng được phát hiện là mộ của cư dân tiền Sa Huỳnh, lớp trên di chỉ này xuất hiện mộ văn hóa Sa Huỳnh, nằm ở rìa di chỉ. Tư liệu mộ táng vùng lòng hồ Nước Trong cho thấy người tiền Sa Huỳnh để mộ ở nơi cư trú, còn người Sa Huỳnh để mộ ngoài nơi cư trú.

Giai đoạn tiền Sa Huỳnh tồn tại nhiều kiểu táng thức như mộ đất kè gốm xung quanh, mộ huyệt tròn chèn những mảnh gốm, mộ quan tài gốm dạng chum hình trứng, hình trụ, mộ nồi, mộ vò.

Sang đến giai đoạn Sa Huỳnh có sự thay đổi, chỉ còn gặp mộ quan tài gốm, đa số là mộ chum hình trứng, hình trụ, đôi khi có nắp đậy hình nón cụt.

PGS.TS Nguyễn Khắc Sử cho biết thêm, các di tích mộ táng vùng lòng hồ Nước Trong đã bổ sung một loại hình văn hóa Sa Huỳnh miền núi trong bản đồ khảo cổ học tiền sử Việt Nam, khẳng định văn hóa Sa Huỳnh miền núi Quảng Ngãi có vị trí quan trọng trong tiền sử Việt Nam, một cầu nối giữa tiền sử Tây Nguyên với đồng bằng biển - đảo, đóng góp thêm tự liệu phác thảo diện mạo văn hóa, xã hội cư dân tiền sử Quảng Ngãi.

TS. Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, thông qua kết quả khai quật khảo cổ và chỉnh lý nghiên cứu đã xác nhận có nền văn minh phát triển rực rỡ của cư dân Sa Huỳnh có sắc thái, đặc trưng miền núi, về niên đại kéo dài hơn 1.000 năm từ sơ kỳ đồng thau đến sơ kỳ sắt, từ tiền Sa Huỳnh đến Sa Huỳnh. Nơi đây có ý nghĩa như một bức tranh thu nhỏ của thời đại kim khí tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh duyên hải miền Trung Việt Nam.

Một số hiện vật được phát hiện tại di chỉ khảo cổ học Nước Trong. Ảnh: Sở VHTTDL Quảng Ngãi

de xuat xay dung bao tang chuyen nganh ve van hoa sa huynh hinh 3

Các di vật mộ táng từ lòng hồ Nước Trong

de xuat xay dung bao tang chuyen nganh ve van hoa sa huynh hinh 4

Mộ vò được khai quật ở lòng hồ

de xuat xay dung bao tang chuyen nganh ve van hoa sa huynh hinh 5

Mộ vò số 5

de xuat xay dung bao tang chuyen nganh ve van hoa sa huynh hinh 6

Đồ gốm trang trí hoa văn chấm ống rạ

de xuat xay dung bao tang chuyen nganh ve van hoa sa huynh hinh 7

Hạt mã não dùng làm trang sức

PGS.TS Nguyễn Khắc Sử cũng thống nhất cho rằng, những mộ táng vùng lòng hồ Nước Trong là những trang sử liệu bằng vật thật với giá trị lịch sử văn hóa nổi bật trong tiền sử Việt Nam, xứng đáng được trưng bày trong một bảo tàng chuyên ngành.

“Để có một bảo tàng chuyên ngành đúng tầm văn hóa Sa Huỳnh, cần xây dựng đề cương trưng bày, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ánh sáng, kệ và bảo quản cổ vật. Đồng thời, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn, làm tốt việc bảo quản, giới thiệu văn hóa Sa Huỳnh và từng bước biến nơi đây thành một trung tâm nghiên cứu - du lịch văn hóa Sa Huỳnh ở Việt Nam và khu vực”, PGS.TS Nguyễn Khắc Sử nói

T.Toàn

Bình Luận

Tin khác

Phát động Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7

Phát động Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7

(CLO) Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 dành cho các họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ độ tuổi từ 18 đến 35, là công dân Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam sống ở nước ngoài.

Đời sống văn hóa
Hà Nội yêu cầu Đàm Vĩnh Hưng cam kết vấn đề trang phục

Hà Nội yêu cầu Đàm Vĩnh Hưng cam kết vấn đề trang phục

(CLO) Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội yêu cầu đơn vị tổ chức và phía Đàm Vĩnh Hưng cam kết các vấn đề liên quan đến trang phục, đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Đời sống văn hóa
Công nhận Mộc bản chùa Dâu là Bảo vật Quốc gia

Công nhận Mộc bản chùa Dâu là Bảo vật Quốc gia

(CLO) Ngày 13/5, tại chùa Dâu, tỉnh Bắc Ninh diễn ra lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận Bảo vật quốc gia đối với Mộc bản chùa Dâu và khai mạc Lễ hội chùa Dâu năm 2024.

Đời sống văn hóa
Công bố Lễ hội truyền thống đền An Xá - Lễ hội Đậu An là Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Công bố Lễ hội truyền thống đền An Xá - Lễ hội Đậu An là Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

(CLO) Ngày 13/5, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) tổ chức Lễ công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống đền An Xá - Lễ hội Đậu An và khai mạc lễ hội năm 2024.

Đời sống văn hóa
Lễ hội làng Keo là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội làng Keo là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

(CLO) Lễ hội làng Keo được cộng đồng lưu truyền, giữ gìn qua các thế hệ với nét văn hóa, độc đáo, đặc sắc riêng, sự giao hòa của tín ngưỡng - tôn giáo...

Đời sống văn hóa