Điện gió ở Việt Nam: Khơi những tiềm năng còn bỏ ngỏ

Chủ nhật, 10/06/2018 12:27 PM - 0 Trả lời

(CLO) Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư điện gió nếu có khung pháp lý ổn định lâu dài. Tuy nhiên đến thời điểm này, ngành điện gió ở Việt Nam vẫn chỉ mới nằm ở dạng tiềm năng chứ chưa được khai thác đúng mức.

Trên nhiều thị trường, điện gió là công nghệ sản xuất điện có sức cạnh tranh nhất. Tiến bộ công nghệ cũng như lợi ích kinh tế theo quy mô khiến điện gió trở thành công nghệ được ưu tiên lựa chọn nhiều nhất để sản xuất điện trên toàn thế giới. Theo Hiệp hội điện gió toàn cầu (GWEC), điện gió là một trong những nguồn năng lượng có sức cạnh tranh nhất toàn cầu và là một trong những ngành phát triển nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng hai chữ số trong suốt 15 năm qua. Cũng theo Hiệp hội điện gió toàn cầu, hiện một số quốc gia Đông Nam Á đã nắm bắt cơ hội để phát triển ngành điện gió và năng lượng tái tạo. 

Các quốc gia này quyết định sử dụng điện gió không chỉ vì đây là một nguồn năng lượng có giá phải chăng mà còn vì rất nhiều lợi ích khác mà nó mang lại. Những lợi ích về mặt kinh tế - xã hội mà điện gió mang lại đang trở thành động lực chính thúc đẩy sự phát triển của ngành này ở ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích kinh tế trực tiếp, góp phần tạo việc làm và phát triển công nghiệp, năng lượng gió còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ô nhiễm không khí và giảm phát thải khí nhà kính. Cùng với đó, ngành điện gió có chuỗi cung ứng dài, từ cung cấp linh phụ kiện đến sản xuất tua-bin, từ đánh giá tài nguyên gió đến phát triển dự án, từ xây dựng đến vận hành và bảo trì nhà máy điện gió. Vì vậy, điện gió tạo việc làm khi mỗi mắt xích trong ngành này đều tạo công ăn việc làm tại địa phương. 

Ngành điện gió hiện đang sử dụng khoảng 1,15 triệu lao động trên toàn thế giới. Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió rất lớn. Bằng chứng, theo một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng thế giới, nguồn tài nguyên gió tiềm năng chưa được khai thác ở Việt Nam là 27 GW. Tận dụng nguồn tài nguyên gió phong phú là một trong những lựa chọn chiến lược để Việt Nam đáp ứng được nhu cầu điện tăng cao. Dự kiến đến năm 2025 nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng khoảng 10%. 

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia ban hành vào năm 2011 và điều chỉnh vào năm 2016 đề ra mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng sản xuất điện sử dụng năng lượng tái tạo chiếm 6,5% trong cơ cấu nguồn điện, và đến năm 2030 đạt 6,9%, tức là 800 MW điện gió vào năm 2020 và 6.000 MW vào năm 2030. Với công suất các nhà máy điện gió hiện tại chỉ ở mức 197 MW, Việt Nam còn cách rất xa so với mục tiêu đề ra cho năm 2020. Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên gió dồi dào nhất khu vực Đông Nam Á, song thị trường điện gió Việt Nam hiện mới chỉ ở giai đoạn phát triển ban đầu với tổng công suất 197MW. 

Báo Công luận
Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển nhanh chóng, Việt Nam có nhu cầu cấp thiết cần tìm kiếm một nguồn năng lượng sạch mới có giá phải chăng. Ảnh Hồng Phước

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đưa ra những con số cụ thể: Theo quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2020, công suất điện gió sẽ đạt 800 MW và đến năm 2030 đạt 6.000 MW. Nhưng đến nay, việc phát triển các nguồn điện gió đang triển khai rất chậm, mới có 7 dự án với tổng công suất 190 MW được đưa vào vận hành. Theo lý giải của ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, các dự án điện gió tại Việt Nam phát triển chậm do vẫn còn nhiều rào cản cùng nhiều khó khăn như quá trình sử dụng đất, vốn, việc đấu nối giải tỏa công suất, hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ mới và hiệu quả, nguồn dự phòng… Một lý do nữa là giá điện gió chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. 

Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển nhanh chóng, Việt Nam có nhu cầu cấp thiết cần tìm kiếm một nguồn năng lượng sạch mới có giá phải chăng, và điện gió có thể góp một phần quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu này. Mặc dù Việt Nam đã có khung chính sách năng lượng quốc gia vững chắc và các mục tiêu hết sức thực tế, song cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện tính hiệu quả và minh bạch trong các quy định của thị trường cũng như quy trình đấu thầu mua sắm. Ngành điện gió ở Việt Nam sẽ có thể phát triển mạnh mẽ, mang lại những lợi ích to lớn về mặt kinh tế và môi trường, cũng như giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn với các tổ chức và nhà đầu tư quốc tế. Theo đại diện Hiệp hội điện gió toàn cầu, để giải quyết một số rào cản chính và phát huy hết tiềm năng gió dồi dào của Việt Nam, 

Chính phủ cần hỗ trợ nhiều hơn để thúc đẩy tiến trình phát triển điện gió. Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu tăng gần gấp đôi công suất phát điện lắp đặt từ mức hiện tại là 42 GW lên 80 GW vào năm 2020. Theo đó, Bộ Công Thương đang nghiên cứu để đưa ra một giá điện gió hài hòa hơn trong thời gian tới, nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các nguồn năng lượng tái tạo và phù hợp với công nghệ hiện nay trên thế giới. Bộ Công Thương cũng hy vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Đức, Chính phủ Đan Mạch và các tổ chức quốc tế trong kế hoạch phát triển ngành năng lượng nói chung và lĩnh vực năng lượng tái tạo nói riêng của Việt Nam./.

Bảo Anh

Tin khác

Kinh tế Việt Nam quý I/2024: “Đầu xuôi, đuôi sẽ lọt”

Kinh tế Việt Nam quý I/2024: “Đầu xuôi, đuôi sẽ lọt”

(NB&CL) Nền kinh tế Việt Nam trong quý I/2024 tiếp tục phục hồi, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, khá toàn diện trên các lĩnh vực, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện, tạo nền tảng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% trong năm 2024.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nắng nóng gay gắt ở miền Bắc mới xuất hiện, tiêu thụ điện đã xô đổ mọi kỷ lục

Nắng nóng gay gắt ở miền Bắc mới xuất hiện, tiêu thụ điện đã xô đổ mọi kỷ lục

(CLO) Dù đợt nắng nóng gay gắt ở miền Bắc mới diễn ra 1 ngày, song mức tiêu thụ điện đã xô đổ mọi kỷ lục.

Thị trường - Doanh nghiệp
Một nửa giao dịch giữa Nga - Trung Quốc được thực hiện thông qua bên thứ ba

Một nửa giao dịch giữa Nga - Trung Quốc được thực hiện thông qua bên thứ ba

(CLO) Reuters đưa tin, dẫn lời các nhà tư vấn thương mại và chủ ngân hàng, cũng như các nhà nhập khẩu và xuất khẩu, có tới một nửa số giao dịch thương mại giữa Nga và Trung Quốc được thực hiện thông qua các bên trung gian.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nga có thể tịch thu tài sản tư nhân của Mỹ

Nga có thể tịch thu tài sản tư nhân của Mỹ

(CLO) Tuyên bố cuối tuần qua, quan chức an ninh cấp cao Dmitry Medvedev cho biết Nga có thể đáp trả hành động Mỹ tịch thu tài sản bị đóng băng ở phương Tây của nước này bằng cách tịch thu tài sản của công dân và các nhà đầu tư Mỹ ở Nga.

Thị trường - Doanh nghiệp
Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam bước qua sóng gió

Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam bước qua sóng gió

(NB&CL) Đó là lời khẳng định của Tổng Giám đốc Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) Lê Hồng Hà trong buổi trò chuyện với PV Báo Nhà báo & Công luận. Theo Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà, trước những khó khăn, thách thức, chúng tôi đã nỗ lực hết sức để giữ vững và duy trì sản xuất kinh doanh, từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và hướng tới phục hồi, phát triển.

Thị trường - Doanh nghiệp