Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương:

Điều hành quyết liệt, phối hợp nhịp nhàng, tạo thành tác động cộng hưởng

Thứ bảy, 02/09/2023 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng việc phấn đấu đạt mục tiêu đề ra là rất khó khăn, rất cần có thêm những cơ chế, chính sách đột phá và Bộ đã tham mưu Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền về việc sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách liên quan đến SXKD và đầu tư. 

Trong cuộc trao đổi với Báo Nhà báo & Công luận về triển vọng kinh tế và áp lực đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng việc phấn đấu đạt mục tiêu đề ra là rất khó khăn, rất cần có thêm những cơ chế, chính sách đột phá và Bộ đã tham mưu Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền về việc sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất - kinh doanh và đầu tư. 

+ Tuy các chỉ số kinh tế 7 tháng đầu năm 2023 cho thấy cơ bản thực hiện được các mục tiêu tổng quát đề ra nhưng nền kinh tế còn nhiều rủi ro. Vậy đâu là những vấn đề cần quan ngại, thưa Thứ trưởng?

- Là một nền kinh tế có độ mở lớn, nhưng khả năng thích ứng, sức chống chịu đối với các cú sốc bên ngoài, cũng như năng lực cạnh tranh quốc tế còn hạn chế, kinh tế Việt Nam đã chịu “tác động kép”, không chỉ từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài, mà còn từ những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm qua.

Hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch COVID-19, một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng…

Các thách thức lớn hiện nay là thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính trong giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Chi phí vốn vẫn ở mức cao, tiếp cận vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chào bán chứng khoán còn khó khăn… Thậm chí, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư buộc phải chuyển nhượng bớt cổ phần, tài sản, dự án đầu tư. Việc duy trì hoạt động và tranh thủ cơ hội thị trường gặp nhiều thách thức…

dieu hanh quyet liet phoi hop nhip nhang tao thanh tac dong cong huong hinh 1

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Trong bối cảnh đó, chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng và đã có những tín hiệu khả quan hơn, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm mới ước đạt 3,72%, mặc dù thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP nhưng là kết quả tích cực trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn. Đồng thời, với kết quả như vậy, cũng đã đặt ra áp lực nặng nề lên việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay.

Có thể nói, các doanh nghiệp nói riêng, cả nền kinh tế nói chung, đang phải “bơi trong dòng xoáy khó khăn”. Nhưng điểm tích cực nhiều chỉ tiêu, chỉ số kinh tế cải thiện hơn, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước.

Đồng thời các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ, đã tạo chuyển biến tích cực về dòng tiền, nguồn lực cho doanh nghiệp, nền kinh tế, củng cố thêm niềm tin của nhà đầu tư. Nền kinh tế giữ được xu hướng phục hồi trong những tháng gần đây, dần lấy lại đà tăng trưởng, tạo đà cho quý III và cả năm.

+ Thưa thứ trưởng, một vấn đề mà xã hội quan tâm, đó là thu nhập và đời sống người dân thế nào, khi mà có nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất, thậm chí sa thải bớt lao động?

- Thị trường lao động, việc làm tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chủ yếu do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý II/2023 là 2,3%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng Chính phủ vẫn đang tập trung làm tốt công tác an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân. Tiếp tục chú trọng triển khai các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo trợ xã hội.

Thu nhập bình quân của lao động quý II/2023 là 7 triệu đồng/tháng, giảm 79 nghìn đồng so với quý I/2022, tăng 7,6%, tương ứng tăng 497 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Theo khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư tháng 7 ổn định so với tháng trước. Tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm trước là 94,5% (giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với kỳ báo cáo tháng 6/2023); tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập giảm và không biết là 5,5%.

Thu nhập giảm do hộ gia đình có thành viên mất việc làm/tạm nghỉ việc, do chi phí đầu vào cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ tăng, do giá bán các sản phẩm từ các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ giảm.

+ Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 là 6,5%; tăng trưởng quý III đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3%, tính chung 06 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%. Ông dự báo khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng này như thế nào?

- Theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho 5 năm 2021-2025 là 6,5%-7%. Theo tính toán của chúng tôi, nếu năm nay đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thì bình quân hai năm 2024-2025, tăng trưởng GDP phải đạt 7,76%/năm, mới có thể đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 6,5%. Đây là những mức tăng trưởng rất cao, và rất khó để đạt được nếu không có thêm những cơ chế, chính sách đột phá bởi sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức khi kinh tế toàn cầu vẫn còn quá nhiều yếu tố bất định, còn kinh tế trong nước thì vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

dieu hanh quyet liet phoi hop nhip nhang tao thanh tac dong cong huong hinh 2

+ Như Thứ trưởng nói, nhiệm vụ rất nặng nề và cần có thêm những cơ chế, chính sách đột phá. Là một cơ quan tham mưu, Bộ Kế hoạch và đầu tư có đề xuất gì để đưa nền kinh tế thoát khỏi vòng xoáy khó khăn, đạt được mục tiêu và tăng tốc?

- Chúng tôi đang tập trung hướng dẫn các bộ ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Đây chính là năm cần tăng tốc bứt phá, vì vậy, kế hoạch 2024 phải được xây dựng với yêu cầu, mục tiêu, định hướng và giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ; Tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Chính phủ hoàn thiện thể chế và xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.

Để kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh, tiếp tục tăng trưởng và phát triển, trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh; tăng cường xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng, thu hút đầu tư nước ngoài… Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là với các dự án trọng điểm; Thực hiện các chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, chủ động, kịp thời và hiệu quả.

Đồng thời cần tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ các chính sách, tạo thành tác động cộng hưởng, phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tranh thủ mọi cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi nhanh tăng trưởng, thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn,...

Việc sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách có tính đột phá, đặc thù, đặc biệt là cần thiết. Đơn cử như sửa đổi trình tự, thủ tục, tăng cường phân cấp trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng vừa bảo đảm rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả, vừa bảo đảm quản lý hiệu quả đất lúa, đất rừng; bổ sung cơ chế linh hoạt trong việc cho phép giao địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc thẩm quyền của Bộ, cơ quan Trung ương trên địa bàn, nhất là các dự án quốc lộ, cao tốc; hay là nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) trong một số trường hợp cần thiết…

Đây là các vấn đề cấp thiết, cần khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hà Anh (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

Thái Bình tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại tại Hà Lan

Thái Bình tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại tại Hà Lan

(CLO) Tiếp tục chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại tại một số nước châu Âu, trong chương trình công tác tại Hà Lan, đoàn công tác của tỉnh Thái Bình do Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải làm trưởng đoàn có buổi làm việc với một số doanh nghiệp của Vương quốc Hà Lan.

Kinh tế vĩ mô
Việt Nam có cơ hội “nghìn năm có một” tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn

Việt Nam có cơ hội “nghìn năm có một” tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn

(CLO) Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Kinh tế vĩ mô
VIPFA mở cơ quan đại diện phía Nam: 'Cầu nối” giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước

VIPFA mở cơ quan đại diện phía Nam: "Cầu nối” giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước

(CLO) Việc VIPFA khai trương cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh sẽ là cầu nối hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp hình thành hệ sinh thái kinh doanh kết nối cơ hội đầu tư và xúc tiến FDI vào Việt Nam.

Kinh tế vĩ mô
Kinh tế tăng trưởng mạnh, nhu cầu sử dụng điện tăng cao trở lại

Kinh tế tăng trưởng mạnh, nhu cầu sử dụng điện tăng cao trở lại

(CLO) Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024, trong đó có các tháng cao điểm mùa khô.

Kinh tế vĩ mô
Ngân hàng thế giới kiến nghị Việt Nam sớm xử lý các ngân hàng yếu kém

Ngân hàng thế giới kiến nghị Việt Nam sớm xử lý các ngân hàng yếu kém

(CLO) Ngày 23/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới đã tổ chức buổi công bố điểm lại kinh tế Việt Nam tháng 4/2024, với chuyên đề "Đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo".

Kinh tế vĩ mô