Dồn sức cho một kỳ thi đặc biệt “nhạy cảm”, an toàn và nhân văn

Thứ tư, 07/07/2021 07:54 AM - 0 Trả lời

(CLO) Sáng nay 7/7, học sinh toàn quốc chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, trong bối cảnh đặc biệt khi dịch Covid-19 lan rộng trên 50 tỉnh, thành. Trước kỳ thi, 5 từ khóa quan trọng đã được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: An toàn, nghiêm túc; khách quan, chất lượng; tạo mọi điều kiện cho thí sinh.

1. Nếu như kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 là một kỳ thi đáng nhớ, “có một không hai” khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, thì kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, dịch Covid-19 lan rộng hơn 50 tỉnh, thành tiếp tục khiến bối cảnh thi trở nên hết sức khó khăn và “nhạy cảm”.

Như thông tin được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, "nhạy cảm" là bởi có tới 50% các trường đại học, cao đẳng sẽ lấy kết quả của kỳ thi này để xét tuyển.

Đặc biệt, khó khăn là bởi trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng diễn biến phức tạp, trong năm học vừa qua, các thí sinh ở nhiều địa phương buộc phải tạm dừng tới trường, tạm dừng tới các lớp ôn thi để phòng, chống dịch. Việc học trực tuyến chưa thể đảm bảo chất lượng cho các học sinh, đặc biệt là học sinh luyện thi các ngành đặc thù, như kiến trúc, mỹ thuật…vv.

Học sinh vừa học, vừa phải cẩn trọng trong phòng chống dịch, khiến quá trình học tập, ôn thi trở nên căng thẳng, và kỳ thi tốt nghiệp THPT thực sự trở nên khó khăn hơn rất nhiều so với các kỳ thi trước.

Ngay trước kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã đưa ra lưu ý trong Chỉ thị của Thủ tướng về tổ chức kỳ thi với 5 “từ khóa” hết sức quan trọng, đó là: An toàn, nghiêm túc; khách quan, chất lượng; tạo mọi điều kiện cho thí sinh.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An bắt đầu thực hiện môn thi đầu tiên- Ngữ Văn (sáng 7/7/2021). Ảnh: Phạm Hùng

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An bắt đầu thực hiện môn thi đầu tiên- Ngữ Văn (sáng 7/7/2021). Ảnh: Phạm Hùng

2. Dù đã có kinh nghiệm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch bệnh từ năm 2020, nhưng trong năm nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến Bộ GD&ĐT thấy rõ khó khăn lớn nhất là làm sao phải vừa ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ giáo viên, vừa tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.

Để làm tốt 5 “từ khóa” nêu trên , Bộ GD &ĐT đã có những khâu chuẩn bị được cân nhắc hết sức linh hoạt và kĩ lưỡng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã chia sẻ, trên cơ sở những kinh nghiệm trong việc tổ chức kỳ thi năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng các phương án, kịch bản tổ chức kỳ thi ứng phó với tác động của dịch từ rất sớm với tinh thần chủ động áp dụng các biện pháp, điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến của dịch bệnh để kỳ thi diễn ra an toàn cho thí sinh và những người tham gia công tác tổ chức thi, tạo điều kiện tốt nhất để các thí sinh được tham dự kỳ thi.

Vai trò chủ động của các địa phương đã được thể hiện rõ nét trong các quyết định về phương án tổ chức kỳ thi trên địa bàn. Điều này đã giúp cho học sinh, phụ huynh yên tâm hơn, không bị bị động trong kế hoạch thời gian tổ chức thi.

Cũng như năm 2020, Bộ GD&ĐT tiếp tục giữ quan điểm “không để thí sinh nào phải bỏ thi”, trong đó tạo mọi điều kiện cho các thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bằng việc chia thành 2 đợt thi.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, đã có 11.551 thí sinh trong diện F0, F1, F2 và thí sinh trong khu vực phong tỏa, cách ly dự kiến thi đợt 2. Nhưng Bộ GD&ĐT cũng đồng ý với đề xuất của một số địa phương cho phép những thí sinh trong diện trên được thi đợt 1 nếu thí sinh có nguyện vọng và địa phương có giải pháp đảm bảo an toàn.

Báo cáo nhanh mới nhất của Bộ GD&ĐT vào chiều ngày 6/7 cho biết, đã có 993.561 thí sinh đến làm thủ tục dự thi đợt 1. Tỷ lệ này đạt 97.28% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi ( 1.021.340 thí sinh).

Trong tổng số thí sinh không đến làm thủ tục dự thi có 14.394 học sinh, chiếm tỷ lệ 1.41% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi.

Bộ GD&ĐT vẫn tạo điều kiện cho các thí sinh tiếp tục làm thủ tục vào đầu giờ sáng ngày 7/7/2021 ( ngay trước giờ thi môn đầu tiên- Ngữ Văn).

Tính chất “nhạy cảm” của kỳ thi này cũng được dư luận nhắc tới khá nhiều, do đó Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ quan điểm phải đảm bảo cho kỳ thi khách quan, công bằng. Trong đó, trước kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi.

Đặc biệt, độ an toàn của kỳ thi được đẩy lên mức cao nhất, trong đó công tác khử khuẩn phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm thi đã được thực hiện, hoàn tất trước ngày diễn ra kỳ thi.

Một điểm mới so với các kỳ thi các năm trước, đó là tại buổi làm thủ tục dự thi của kỳ thi năm nay, được xem như cuộc tập dượt tổ chức thi trong bối cảnh phải phòng chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt.

Tại các điểm thi trên cả nước, thí sinh được phân luồng để đón tiếp vào phòng thi, đảm bảo giãn cách.

Bên cạnh việc yêu cầu các thí sinh, cán bộ coi thi tại các điểm thi trên cả nước phải thực hiện khai báo y tế, xét nghiệm Covid-19, đo thân nhiệt, tại nhiều tỉnh,thành đã có nơi hoàn thành tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho cán bộ, giáo viên tham dự kỳ thi năm nay.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các địa phương phải có kịch bản cho nhiều tính huống xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh.

3.Thực tế trong 2 năm học qua cho thấy các em học sinh cuối các cấp gặp rất nhiều khó khăn để thi chuyển cấp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Việc liên tục bị gián đoạn quá trình học và ôn thi, hạn chế các phương thức giảng dạy, ôn luyện thực sự là sự thiệt thòi lớn đối với các em học sinh.

Sự thiệt thòi này cũng đã được Bộ GD&ĐT đánh giá, tính đến khi năm trước và năm nay Bộ đã có chỉ đạo xây dựng đề thi phù hợp với lứa học sinh này, đồng thời nội dung đề thi nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12.

Theo Bộ GD&ĐT, các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch COVID-19 (gồm năm học 2019-2020 và 2020-2021) không được đưa vào đề thi tham khảo năm nay.

Tinh thần và định hướng này tiếp tục được thể hiện trong đề thi chính thức trong cả hai đợt thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.

Trong bối cảnh đặc biệt này, đánh dấu kết quả của 12 năm nỗ lực “đèn sách”, để các em học sinh có một tâm thế tự tin không hẳn là dễ dàng. Chúng ta thực sự đều mong những nỗ lực của học sinh, gia đình, các giáo viên trong bối cảnh đặc biệt ấy được thấu hiểu và san sẻ.

Như một trong năm "từ khóa" được nhắc tới đó là "tạo mọi điều kiện cho thí sinh". Và như lời chia sẻ của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ngay trước kỳ thi năm nay: “Với các cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia kỳ thi, chúng ta hãy nhận phần khó về mình để các em học sinh có được điều kiện tham gia kỳ thi tốt nhất. Trong mọi trường hợp, nếu có thể xử lý tình huống theo cách nhân văn nhất, tôi mong các thầy cô sẽ làm để đảm bảo không có sự thiệt thòi nào cho các em học sinh.

Cuối cùng mong mỏi lớn nhất của tôi cũng như của những người tham gia tổ chức kỳ thi này là chúng ta sẽ có một kỳ thi thực sự an toàn, nghiêm túc và nhân văn”.

Tiến Vinh

Bình Luận

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

(NB&CL) Nằm trong xu thế phát triển chung, vấn đề liên kết vùng, liên kết ngành là định hướng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề được TP.HCM đặc biệt coi trọng, xem đây là một trong những nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển.

Góc nhìn
Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

(CLO) Trong những ngày này, cả nước đang hồ hởi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn