Giá nhà cho thuê, dịch vụ giáo dục tăng vọt, CPI cả năm 2022 chạm mức 3,15%

Thứ năm, 29/12/2022 11:02 AM - 0 Trả lời

(CLO) Trong quý IV/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 tăng 3,15%. Bình quân năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2,59% so với năm 2021.

Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức lạm phát thấp

Trong buổi báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, thế giới đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, các yếu tố rủi ro, bất định gia tăng cùng với sự thay đổi chính sách rất nhanh của các nền kinh tế lớn.

gia nha cho thue dich vu giao duc tang vot cpi ca nam 2022 cham muc 315 hinh 1

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 tăng 3,15%

Sang năm 2022, mặc dù tình hình dịch Covid-19 có xu hướng được kiểm soát nhưng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, kết hợp với xung đột Nga – Ukraine và sự xuất hiện nhiều yếu tố mới đã làm tăng thêm khó khăn, thách thức như căng thẳng năng lượng, giá dầu và hàng hóa thế giới tăng cao.

Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng tiếp tục bị đứt gãy trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu; chính sách tài khóa, tiền tệ được nhiều nền kinh tế điều chỉnh theo hướng thắt chặt để kiềm chế lạm phát đã tác động tới khả năng phục hồi và tăng trưởng kinh tế, một số nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái; thiên tai, lũ lụt, hạn hán, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, gây nguy cơ mất an ninh năng lượng, an ninh lương thực…

Trong bối cảnh đó tình hình lạm phát thế giới tiếp tục tăng cao, đặc biệt tại khu vực châu Âu và Mỹ. Lạm phát của khu vực đồng Euro tháng 11/2022 tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát của Mỹ tăng 7,1% và FED tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ. 

Tại Châu Á, lạm phát tháng 11/2022 của Thái Lan tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc tăng 5%; Indonesia tăng 5,4%; Trung Quốc tăng 1,6%; Nhật Bản tăng 3,8%. 

Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức lạm phát thấp so với mặt bằng chung khi CPI tháng 12/2022 tăng 4,55% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn cao hơn mức lạm phát của Nhật Bản và Trung Quốc.

Trong nước, kinh tế phục hồi, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng nhưng nhìn chung mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát.

Bà Hương cho biết: Trong quý IV/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra trong bối cảnh một năm nhiều biến động khó lường. 

Bình quân năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Như vậy, trong năm 2022 mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên áp lực lạm phát năm 2023 là rất lớn. Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại nhưng rủi ro tăng trở lại khá cao do xung đột giữa Nga – Ukraine vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. 

Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế Trung Quốc có thể kéo nhu cầu năng lượng gia tăng. Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2023 do tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng cùng với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao.

“Chính vì vậy, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện thận trọng, chủ động và linh hoạt để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2023”, bà Hương nhấn mạnh.

Mặt hàng nào tăng giá mạnh nhất trong năm?

Cũng theo bà Hương, trong quý IV/2022, giá các mặt hàng thực phẩm, dịch vụ giao dịch, giá nhà ở thuê, giá đồ uống, giá vận tải đã tăng giá rất cao, khiến CPI quý 4 tăng vọt lên 4,41%.

Đơn cử, giá nhà ở thuê tăng 29,39% so với cùng kỳ năm trước khi nhu cầu thuê nhà tăng cao trở lại. Giá các mặt hàng thực phẩm quý IV/2022 tăng 5,05% so với cùng kỳ năm trước.

gia nha cho thue dich vu giao duc tang vot cpi ca nam 2022 cham muc 315 hinh 2

Giá nhà cho thuê tăng vọt trong quý IV/2022. (Ảnh: PLO)

Giá dịch vụ giáo dục quý IV tăng 12,09% so với cùng kỳ năm trước do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2022-2023.

Nhu cầu đi lại, du lịch của người dân tăng so với cùng kỳ năm trước làm cho giá vé máy bay quý IV/2022 tăng 47,94% so với quý IV/2021; vé tàu hỏa tăng 7,96%, giá vé ô tô khách tăng 16,79%, vé xe buýt công cộng tăng 13,85%, giá du lịch trọn gói tăng 13,46%.

Nếu xét cả năm 2022, thì các sản phẩm nhiên liệu có tốc độ tăng cao nhất. Đơn cử, trong năm 2022, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 34 đợt, trong đó giá xăng A95 giảm 2.590 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 2.580 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 4.030 đồng/lít. So với năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân năm 2022 tăng 28,01%.

Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới. Trong năm 2022, giá bán lẻ gas được điều chỉnh tăng 5 đợt và giảm 7 đợt, bình quân năm 2022 gas tăng 11,49% so với năm 2021.

Ngoài ra, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng tăng giá. như giá gạo tăng 1,22%, giá giá thịt bò tăng 0,8%; giá thịt gà tăng 4,29%.

Ngược lại, giá thịt lợn giảm 10,68% so với năm trước, do dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát và nguồn cung lợn đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Việt Vũ

Bình Luận

Tin khác

Ninh Bình nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2023

Ninh Bình nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2023

(CLO) Ngày 9/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023. Tỉnh Ninh Bình xếp thứ 19 với 67,83 điểm.

Kinh tế vĩ mô
IMF cảnh báo phân mảnh tăng giữa các khối kinh tế liên kết với phương Tây và Trung Quốc

IMF cảnh báo phân mảnh tăng giữa các khối kinh tế liên kết với phương Tây và Trung Quốc

(CLO) Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo sự phân mảnh ngày càng tăng giữa các khối kinh tế liên kết với phương Tây và Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu đe dọa hợp tác thương mại và tăng trưởng toàn cầu nói chung.

Kinh tế vĩ mô
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Ưu tiên nguồn lực triển khai đường Vành đai 4 vùng Thủ đô

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Ưu tiên nguồn lực triển khai đường Vành đai 4 vùng Thủ đô

(CLO) Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu ngân sách Nhà nước của vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2023 ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng, đứng đầu cả nước.

Kinh tế vĩ mô
Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương rà soát kỹ Nghị định mua bán điện trực tiếp, tránh trục lợi chính sách

Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương rà soát kỹ Nghị định mua bán điện trực tiếp, tránh trục lợi chính sách

(CLO) Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương rà soát kỹ các đề xuất chính sách tại Nghị định mua bán điện trực tiếp, điều này tránh trục lợi chính sách.

Kinh tế vĩ mô
Giảm mạnh chi phí cho DN, Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí 'quán quân' trên bảng xếp hạng PCI

Giảm mạnh chi phí cho DN, Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí "quán quân" trên bảng xếp hạng PCI

(CLO) Báo cáo xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vào sáng nay (9/5) cho thấy, Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí quán quân năm thứ 7 liên tiếp.

Kinh tế vĩ mô