Giỗ Quốc tổ Hùng Vương - người dân Hà Tĩnh hướng về cội nguồn

Thứ sáu, 08/04/2022 15:07 PM - 0 Trả lời

(CLO) Hằng năm, cứ đến ngày Quốc giỗ mồng 10 tháng 3, con cháu Lạc Hồng đang sinh sống tại mảnh đất Hà Tĩnh và những vùng lân cận lại quần tụ về Khu di tích lịch sử- văn hóa Đại Hùng linh thiêng (phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh) để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn.

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba

Dù ai buôn bán gần xa

Nhớ ngày giỗ tổ tháng ba mồng mười.”

Những câu ca dao đậm đà nghĩa tình trên từ lâu đã đi vào tâm thức của mỗi người dân Việt Nam. Năm 1954, khi ghé thăm Đền Hạ thuộc Đền Hùng, Phú Thọ, Bác Hồ cũng từng căn dặn các cán bộ, chiến sĩ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”! Thế hệ cách mạng ngày ấy hiểu rõ nguồn cội, ghi tạc lòng thành kính, biết ơn với tổ tiên để tạo nên khối sức mạnh đoàn kết và bảo vệ đất nước, còn thế hệ ngày nay – người dân Việt Nam nói chung, người dân Hà Tĩnh nói riêng cũng luôn tự hào về những vị “anh hùng dựng nước” ấy?

gio quoc to hung vuong  nguoi dan ha tinh huong ve coi nguon hinh 1

Tượng Thủy tổ Kinh Dương Vương; Thủy tổ Quốc mẫu Thần Long và Quốc tổ Lạc Long Quân, Quốc mẫu Âu Cơ và các Vua Hùng hiện được thờ tại Khu di tích Đại Hùng

Nguồn gốc giỗ Tổ vua Hùng

Theo truyền thuyết, vua đầu tiên của nước ta là Kinh Dương Vương (Lộc Tục), lên ngôi năm Nhâm Tuất (2879 TCN). Các sử sách đều lấy đây là dấu mốc khởi đầu của triều đại các vua Hùng và tính đến năm Quý Mão (258 TCN) thì kết thúc với 18 đời vua Hùng nối nhau trị vì trong 2.622 năm. Theo Nguyễn Khắc Thuần trong "Thế thứ các triều vua Việt Nam”, 18 vị vua Hùng không phải là 18 người cụ thể, mà là 18 chi (nhánh/ngành), mỗi chi này có nhiều vị vua thay phiên nhau trị vì và dùng chung vương hiệu. Vậy ngày giỗ tổ Hùng Vương có từ khi nào?

Theo một số tài liệu lịch sử ghi lại, ngày giỗ tổ đã có từ cách đây 2.000 năm. Dưới thời Thục Phán - An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: "Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu thất hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập".  Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.

gio quoc to hung vuong  nguoi dan ha tinh huong ve coi nguon hinh 2

Tất cả đã sẵn sàng phục vụ tốt nhất cho Lễ Giỗ Quốc tổ Hùng Vương năm 2022

Ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL - CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc. Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngành Văn hóa thông tin - thể thao phối hợp với các ngành chức năng đã tổ chức lễ hội trong thời gian 10 ngày (từ 1/3 đến 10/3 âm lịch). Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Từ đó, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn mang bản sắc văn hóa dân tộc ta.

Người dân Hà Tĩnh hướng về ngày giỗ tổ

Tương truyền từ buổi đầu dựng nước, Thủy tổ Kinh Dương Vương, vị vua khai sáng ra Triều Hùng đã hướng vào chọn mảnh đất Núi Hồng. Kinh Dương Vương ( TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh hiện nay ) để dựng Hoàng thành và đặt tên nước là Xích Quỷ (nghĩa là "Ngôi Sao Đỏ"). Sau đó, để định chính đô, giữ vững giang sơn, cơ nghiệp rộng lớn của tổ tiên, Kinh Dương Vương đã thiên đô ra vùng núi Nghĩa Lĩnh và cử Lạc Long Quân ra trấn giữ kinh thành. Từ đó Ngàn Hống không còn là kinh đô của đất nước, nhưng dấu tích về một kinh đô Ngàn Hống với thiên truyện thần kỳ trên dãy núi Hồng 99 ngọn vẫn còn sống mãi trong tâm trí dân gian. Chính vì vậy, mà nhiều đời sau người dân nơi đây đã lập nên Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng để vọng thờ đức Thủy tổ Kinh Dương Vương và các bậc Vua Hùng cho tới ngày nay.

gio quoc to hung vuong  nguoi dan ha tinh huong ve coi nguon hinh 3

Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, với sự tàn phá của chiến tranh, sự khắc nghiệt của thiên nhiên nên nhiều hạng mục của Khu di tích hiện nay đã bị phế tích. Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, xứng đáng là điểm thờ cúng Hùng Vương duy nhất của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, trong thời gian qua được sự nhất trí về chủ trương của UBND tỉnh, Cấp ủy, Chính quyền thị xã Hồng Lĩnh tổ chức quy hoạch để xây dựng, trùng tu, tôn tạo Khu di tích với diện tích 43ha; bao gồm: Khu Kinh đô Ngàn Hống, khu vực chùa Thượng, chùa Hạ cùng các hạng mục phụ trợ khác. Đây được coi là điểm nhấn của không chỉ riêng du lịch Hồng Lĩnh mà còn của cả du lịch Hà Tĩnh cũng như khu vực Bắc miền Trung.

Năm nay, Lễ Giỗ Quốc tổ Hùng Vương được tổ chức nâng tầm lên thành quy mô cấp tỉnh, diễn ra từ ngày 07/4 đến 10/4/2022 (tức là từ 07/3 đến 10/3 âm lịch), gồm nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, trưng bày, triển lãm...Không gian chính của lễ giỗ sẽ được diễn ra tại Khu di tích Đại Hùng, thuộc tổ dân phố 7, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh.

Lễ hội hướng về các vua Hùng ở Hà Tĩnh cũng được chuẩn bị hết sức quy mô, chu đáo với 2 phần: phần lễ và phần hội. Lễ giỗ sẽ bao gồm nhiều hoạt động như: Lễ dâng cúng vật phẩm lên Quốc Tổ của các địa phương trong toàn tỉnh và thị xã Hồng Lĩnh; lễ tế Đức thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng; lễ rước linh vị Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng; Nghi lễ nhà nước Giỗ Quốc tổ Hùng Vương…

gio quoc to hung vuong  nguoi dan ha tinh huong ve coi nguon hinh 4

Pano áp phích đã được trang trí khu vực vào Sân lễ hội - Khu di tích Đại Hùng

Trước lễ giỗ sẽ có phần hội truyền thống của địa phương với nhiều hoạt động như: hội thi “Gói bánh chưng dâng Quốc tổ”, Giải kéo co toàn tỉnh trong khuôn khổ Đại hội TDTT tỉnh lần thứ IX. Tham dự giải gồm các đội tuyển kéo có của 13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Cũng như thường lệ, cứ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, bà con trong vùng và các vùng phụ cận như: Thành phố Hà Tĩnh, Can Lộc, Đức Thọ, Nghi Xuân, thậm chí là tỉnh bạn Nghệ An cũng đã tất bật chuẩn bị để đến dâng hương  tưởng niệm các vua Hùng vào chính giỗ. Anh Hoàng Nhật Thành- một người dân Kỳ Anh cho biết: Mặc dù đường xá xa xôi nhưng hằng năm cứ đến ngày giỗ tổ Hùng Vương, vợ chồng tôi lại sắp xếp đưa con cái đến đây để được bày tỏ lòng thành kính, bởi vua Hùng là ông Tổ không phải của một dòng họ, một làng, một vùng mà là Tổ của dân, của nước. Đồng thời, tôi cũng muốn dạy cho con cái biết đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

gio quoc to hung vuong  nguoi dan ha tinh huong ve coi nguon hinh 5

Hội Phụ nữ chuẩn bị lá dong cho Hội thi gói bánh chưng dâng Quốc Tổ

gio quoc to hung vuong  nguoi dan ha tinh huong ve coi nguon hinh 6

Tổ chức chẻ lạt chuẩn bị cho Hội thi gói bánh chưng dâng Quốc Tổ

Lễ Giỗ Quốc tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã ăn sâu vào tâm khảm của mỗi người dân Việt. Đây là điểm hội tụ bản sắc văn hóa độc đáo và tinh thần đoàn kết dân tộc. Vì thế, với những người dân Hà Tĩnh, Giỗ Quốc tổ Hùng Vương cũng là dịp quan trọng để nhắc con cháu luôn nhớ về một nghi lễ tồn tại ngàn năm nay, thấm đẫm tâm hồn, tình cảm và văn hóa Việt”, Đại đức Thích Thanh Vượng - trụ trì chùa Đại Hùng chia sẻ.

Giỗ Quốc tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành “điểm hẹn” tâm linh của mỗi người dân nước Việt nói chung, người dân Hà Tĩnh nói riêng, là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho con cháu; đồng thời quảng bá tới bạn bè quốc tế một Di sản vô cùng độc đáo, biểu thị cho tình nghĩa và truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam. Bởi vậy, cứ đến ngày này người dân Hà Tĩnh dù ai đang bận rộn ở đâu, đi đâu về đâu cũng sẽ nhanh chân tìm đường trở về chân núi Hồng dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng để bày tỏ niềm tin linh thiêng với những người đã có công dựng nước.

Trần Phong

Bình Luận

Tin khác

Đặc sắc chương trình nghệ thuật đặc biệt 'Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội'

Đặc sắc chương trình nghệ thuật đặc biệt "Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội"

(CLO) Tối 2/5, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt "Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội" - là một trong các hoạt động giàu ý nghĩa chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).

Đời sống văn hóa
Vòng bán kết cuộc thi “Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2024” tổ chức tại Sa Pa

Vòng bán kết cuộc thi “Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2024” tổ chức tại Sa Pa

(CLO) Bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa ký công văn gửi Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, đồng ý cho phép tổ chức vòng bán kết Cuộc thi “Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2024”.

Đời sống văn hóa
Nghề cói Kim Sơn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nghề cói Kim Sơn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

(CLO) Nghề chế biến cói đã có từ lâu và là nghề gắn liền với cây lúa, đánh bắt thủy, hải sản để nuôi sống người dân Kim Sơn.

Đời sống văn hóa
Bắc Ninh đón khoảng 65.000 lượt du khách trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Bắc Ninh đón khoảng 65.000 lượt du khách trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, lượng khách đến Bắc Ninh ước đạt 65.000 lượt, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu du lịch đạt 45 tỷ đồng.

Đời sống văn hóa
Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt 17 ấn phẩm kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt 17 ấn phẩm kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc 17 tác phẩm đa dạng thể loại.

Đời sống văn hóa