Hành trình bám rễ dài dẳng của Taliban và kịch bản cho Afghanistan hậu rút quân

Thứ bảy, 14/08/2021 15:12 PM - 0 Trả lời

(CLO) Taliban đang hiện diện trở lại trên khắp Afghanistan khi chiếm giữ hàng loạt thành phố do chính phủ kiểm soát. Sự hồi sinh chẳng hề được mong đợi này gợi lại ký ức về những ngày đau khổ của người dân Afghanistan dưới sự cai trị của họ vào những năm 1990.

Các chiến binh Taliban ở Uruzgan, Afghanistan - Ảnh: Ton Koene / Alamy

Các chiến binh Taliban ở Uruzgan, Afghanistan - Ảnh: Ton Koene / Alamy

Bài liên quan

Mảnh đất màu mỡ cho sự xuất hiện của Taliban

Taliban thường được miêu tả là một nhóm đàn ông có râu và tóc tai bèo, có tư tưởng chính thống Hồi giáo và thích sử dụng bạo lực. Nhưng để hiểu rõ về nhóm phiến quân đang sẵn sàng trở lại nắm quyền ở Afghanistan và dự đoán những gì có thể xảy ra, cần trở lại quá khứ để nắm rõ về tổ chức này.

Nhóm phiến quân bắt đầu hình thành từ những năm 1980 trong giai đoạn chiến tranh lạnh. Những người du kích Afghanistan được gọi là Mujahedeen đã tiến hành cuộc chiến chống lại sự chiếm đóng của Liên Xô trong khoảng một thập kỷ. Họ được tài trợ và trang bị bởi một loạt các cường quốc bên ngoài, bao gồm cả Mỹ.

Năm 1989, Liên Xô rút quân và điều đó đánh dấu sự sụp đổ bắt đầu của chính phủ Afghanistan vốn phụ thuộc rất nhiều vào họ. Đến năm 1992, một chính phủ Mujahedeen được thành lập nhưng vẫn phải hứng chịu các cuộc đấu đá nội bộ đẫm máu ở thủ đô.

Những cuộc xung đột lẻ tẻ và sự bất ổn về chính trị ở Afghanistan đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho sự xuất hiện của Taliban. Là một nhóm theo chủ nghĩa chính thống Hồi giáo do những người thuộc sắc tộc Pashtun thống trị, Taliban được cho là đã xuất hiện lần đầu tiên tại các tổ chức tôn giáo cứng rắn do Ả Rập Xê-út tài trợ ở miền bắc Pakistan vào đầu những năm 1990. Một số người trong số họ là chiến binh Mujahedeen chống lại Liên Xô.

Năm 1994, Taliban bắt đầu chiến dịch quân sự từ phía nam Afghanistan. Đến năm 1996, nhóm này đã chiếm được thủ đô Kabul mà không gặp phải nhiều kháng cự và thiết lập chế độ cai trị trên các vùng chiếm đóng.

Phụ nữ Afghanistan bị hạn chế hầu hết các quyền cơ bản trong chế độ Taliban - Ảnh: Reuters

Phụ nữ Afghanistan bị hạn chế hầu hết các quyền cơ bản trong chế độ Taliban - Ảnh: Reuters

Cuộc sống dưới thời Taliban

Đối với những người dân Afghanistan mệt mỏi vì chiến tranh, lời hứa của Taliban một mặt mang lại an ninh trật tự và mặt khác là kiềm chế tham nhũng rất hấp dẫn. Nhưng điều đó đi kèm với cái giá phải trả rất cao và đôi khi không thể chịu nổi: đưa ra những hình phạt khắc nghiệt như hành quyết nơi công cộng; đóng cửa trường nữ sinh (dành cho những người từ 10 tuổi trở lên); cấm truyền hình và phá hủy các bức tượng Phật lịch sử, để cảnh cáo một số người.

Lời biện minh cho những hành động của Taliban xuất phát từ sự pha trộn giữa quan niệm về chính thống về Hồi giáo với các truyền thống của Afghanistan.

Trong thời kỳ đỉnh cao của sự cai trị của Taliban vào năm 1999, không một bé gái nào được đăng ký học ở trường trung học và chỉ 4% (9.000 người) trong số những người đủ điều kiện học ở trường tiểu học. Hiện có khoảng 3,5 triệu trẻ em gái đang đi học.

Sau cuộc tấn công do Hoa Kỳ lãnh đạo vào Afghanistan sau khi Taliban từ chối giao nộp những kẻ đứng sau vụ khủng bố 11/9 năm 2001, nhiều nhân vật cấp cao của Taliban đã lẩn trốn và được cho là đã ẩn náu tại Quetta ở Pakistan. Sau đó, điều này dẫn đến việc thành lập "Quetta Shura" - hội đồng lãnh đạo Taliban hướng dẫn cuộc nổi dậy ở Afghanistan.

Thành công ngắn ngủi từ cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ và đồng minh bằng cách đưa quân vào Afghanistan đã kết thúc khi Taliban rút lui vào năm 2004 và sau đó bắt đầu cuộc nổi dậy đẫm máu chống lại chính phủ Afghanistan mới với hỗ trợ quân đội nước ngoài. Cuộc chiến dai dẳng giữa nhóm phiến quân này và quân chính phủ đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 170.000 người, trong đó có 51.613 dân thường cho đến nay.

Vào năm 2021, phiến quân Taliban ước tính có khoảng 75.000 chiến binh và bộ máy nổi dậy của họ hoạt động dựa bằng nguồn tài trợ nước ngoài, từ chính phủ và các nhà tài trợ tư nhân cũng như thu thuế ở địa phương, tống tiền và sản xuất ma túy bất hợp pháp.

Quân đội Mỹ và NATO rút quân khiến Afghanistan rơi vào tình trạng bất ổn với nguy cơ một cuộc nội chiến kéo dài - Ảnh: AP

Quân đội Mỹ và NATO rút quân khiến Afghanistan rơi vào tình trạng bất ổn với nguy cơ một cuộc nội chiến kéo dài - Ảnh: AP

Điều gì ở phía trước?

Có nhiều lý do có thể giải thích cho sự trỗi dậy của Taliban, bao gồm việc thiếu chiến lược hậu can thiệp, tác động tiêu cực của chiến dịch quân sự nước ngoài, một chính phủ tham nhũng và kém năng lực ở Kabul, và sự phụ thuộc ngày càng tăng vào hỗ trợ tài chính và quân sự nước ngoài cũng như sự cạnh tranh trong khu vực.

Hiện Mỹ đã đạt thỏa thuận với Taliban và đang rút khỏi Afghanistan sau 20 năm đưa quân vào đốn trú. Điều này đặt ra một mối đe dọa hiện hữu đối với trật tự chính trị mong manh sau năm 2001, vốn đã được định hình, tài trợ và bảo vệ phần lớn bằng tiền và sự ủng hộ của nước ngoài.

Thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban đã tạo ra một số lạc quan về khả năng dàn xếp chính trị có thể chấm dứt cuộc chiến kéo dài và giảm khả năng Afghanistan trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ khủng bố một lần nữa. Nhưng các nỗ lực hòa bình dường như đã mất đà sau khi Mỹ rút quân vô điều kiện.

Taliban đang trỗi dậy mạnh mẽ và dường như đã sẵn sàng để tái thiết lập chế độ cai trị đã bị "buộc phải lưu vong" vào cuối năm 2001. Các ước tính cho biết nhóm phiến quân này kiểm soát hơn một nửa trong số 400 quận của Afghanistan, trái ngược với tuyên bố kiểm soát 85% diện tích của chính họ.

Mỹ cảnh báo rằng họ sẽ không công nhận chế độ Taliban ở Kabul do kết quả của việc tiếp quản quân sự. Nhưng chỉ điều này dường như không thể ngăn cản Taliban cố gắng chiếm thủ đô, bất kể khả năng nào xảy ra.

Taliban hứa sẽ có những điều chỉnh so với chế độ năm 1996 khi phụ nữ có thể được làm việc và được giáo dục - Ảnh: Reuters

Taliban hứa sẽ có những điều chỉnh so với chế độ năm 1996 khi phụ nữ có thể được làm việc và được giáo dục - Ảnh: Reuters

Taliban 1996 và Taliban 2021 có gì khác?

Nếu Taliban thành công, vẫn chưa biết họ sẽ xây dựng chế độ thần quyền, độc quyền của mình như thế nào. Điều đáng chú ý là Taliban đã cải thiện mối quan hệ của mình với các quốc gia lân cận, chẳng hạn như Iran, Nga và một số quốc gia Trung Á từng phản đối chế độ này vào những năm 1990.

Hiện các nhà lãnh đạo Taliban dường như đang hướng tới việc tìm kiếm một giải pháp thay thế trong khu vực cho sự viện trợ của Mỹ và các đồng minh, cũng như ngăn chặn sự trỗi dậy của lực lượng kháng chiến chống Taliban mà Liên minh phương Bắc vốn sẽ nhận được sự hỗ trợ tài chính và quân sự của các quốc gia đó. Ấn Độ cũng đã mở một kênh liên lạc với Taliban.

Khi đề cập đến quyền của phụ nữ, tự do báo chí, bầu cử và các quyền tự do khác được đảm bảo trong hiến pháp năm 2004, ít nhất là ở dạng văn bản, Taliban nói rằng họ muốn một "hệ thống Hồi giáo chân chính" phù hợp với truyền thống Afghanistan. Nhưng họ không nói rõ chính xác điều đó là gì, và nó sẽ khác như thế nào so với quy tắc trước đây, giai đoạn họ cai trị Afghanistan (1996-2001).

Trong một tuyên bố gần đây, Taliban cho biết họ sẽ cung cấp cơ sở vật chất cho phụ nữ làm việc và được giáo dục – một sự thay đổi so với chính sách của họ vào cuối những năm 1990. Bất chấp sự thay đổi rõ ràng này, Taliban dường như vẫn đang tạo ra một xã hội dựa trên những diễn giải chặt chẽ của họ về Hồi giáo, điều mà những người Afghanistan trẻ thành thị lo sợ. Họ lo lắng rằng họ không còn có thể học chung trường hoặc ở nơi làm việc, đi ăn tối với bạn khác giới hoặc mặc bất cứ thứ gì họ muốn, do phân biệt giới tính.

Người phát ngôn của Taliban cũng nói về sự hòa nhập, lịch sự, học hỏi từ quá khứ và tránh các giải pháp độc đảng. Các chỉ thị gần đây của lãnh đạo Taliban đối với các chỉ huy hiện trường trong khu vực bị bắt giữ đã củng cố thêm vị trí này. Họ tuyên bố chỉ chiến đấu với những người chống lại họ và bị mắc tội ác chống Afghanistan. Họ muốn tôn trọng quyền sống và quyền bình yên cho những người đã đầu hàng qua tasleem. Tại các khu vực bị chiếm giữ, Taliban được lệnh phải mở cửa trường học, văn phòng, chợ và thậm chí cả các cơ sở truyền thông.

Một cuộc tiếp quản quân sự của Taliban có thể không đánh dấu sự kết thúc của chiến tranh ở Afghanistan. Hòa bình và ổn định trong các xã hội đa sắc tộc và đa dạng chỉ có thể được đảm bảo thông qua sự chung sống, đồng thuận và hòa nhập - chứ không phải sự thống trị và chính trị tổng bằng không, hay nói cách khác chỉ là sự cân bằng giữa thống trị và thể chế. Lợi ích khác nhau của các quốc gia trong khu vực có thể thúc đẩy sự bất bình ngày càng tăng của người dân địa phương đối với Taliban, như đã trải qua vào cuối những năm 1990, do đó, điều này có thể sẽ kéo dài một cuộc chiến tranh hủy diệt và đẫm máu, thay vì một nền hòa bình giả tạo.

Phan Nguyên

Tags:
Bình Luận

Tin khác

Trung Quốc tuyên bố tìm thấy phương pháp 'trường sinh' mới

Trung Quốc tuyên bố tìm thấy phương pháp 'trường sinh' mới

(CLO) Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết đã phân lập được thành phần chống lão hóa trong máu của chuột non, giúp con chuột trong nghiên cứu của họ sống tới 1.266 ngày, tương đương với 120 - 130 tuổi ở con người.

Thế giới 24h
Quan chức Liên hợp quốc cảnh báo nạn đói đã diễn ra 'toàn diện' ở miền bắc Gaza

Quan chức Liên hợp quốc cảnh báo nạn đói đã diễn ra 'toàn diện' ở miền bắc Gaza

(CLO) Một quan chức hàng đầu của Liên Hợp Quốc cho biết hôm thứ Sáu rằng miền bắc Gaza hiện đang chìm trong “nạn đói toàn diện” sau hơn 6 tháng chiến tranh.

Thế giới 24h
Sóng nhiệt làm tăng nhu cầu sử dụng máy điều hòa ở châu Á

Sóng nhiệt làm tăng nhu cầu sử dụng máy điều hòa ở châu Á

(CLO) Một đợt nắng nóng kỷ lục đang hoành hành tại nhiều khu vực ở châu Á, khiến nhu cầu về các giải pháp làm mát, bao gồm cả máy điều hòa không khí tăng cao.

Thế giới 24h
Mùa hè nắng nóng khiến tình hình ở Gaza trở nên tồi tệ hơn

Mùa hè nắng nóng khiến tình hình ở Gaza trở nên tồi tệ hơn

(CLO) Khi quá trình đàm phán về lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas còn chưa có tín hiệu lạc quan nào, thì một mối đe dọa lâu dài, thầm lặng hơn đã bắt đầu làm tình trạng tồi tệ hơn đối với những người Palestine vốn đang khốn cùng vì chiến tranh. Đó là nắng nóng!

Thế giới 24h
Tìm thấy thi thể của các du khách Mỹ và Úc mất tích ở Mexico

Tìm thấy thi thể của các du khách Mỹ và Úc mất tích ở Mexico

(CLO) Chính quyền Mexico đã tìm thấy 3 thi thể ở bang Baja California, nơi 1 khách du lịch người Mỹ và 2 người Úc được báo cáo mất tích trước đó, theo các nguồn tin từ cuộc điều tra cho biết.

Thế giới 24h