Khơi thông nguồn lực quý!

Thứ năm, 29/12/2022 09:19 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Cộng đồng khoảng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ là “bộ phận không tách rời” mà còn là “một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Khơi thông cho được nguồn lực quý ấy là điều đáng làm hơn bao giờ hết.

“Chúng tôi ở xa quê hương, có thể tách chúng tôi ra khỏi quê hương nhưng không thể nào tách tâm hồn ra khỏi Tổ quốc, nhất là đối với người dân Việt Nam - những con người có truyền thống yêu nước, yêu Tổ quốc, hướng về tổ tiên, cha ông và Tổ quốc thân yêu” - tâm sự của ông Nguyễn Bằng Lâm có lẽ cũng là “tiếng lòng” của rất nhiều người Việt ở xa Tổ quốc vẫn luôn đau đáu hướng về quê nhà, muốn đóng góp chút gì đó cho Tổ quốc của mình.

1. Báo cáo về Di trú và Phát triển do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) thực hiện đưa ra dự báo, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đi kèm với lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia, dòng kiều hối về Việt Nam vẫn khá ổn định, thậm chí có thể tăng 4,4% trong năm 2022 và tăng 3,6 - 4,5% trong năm tiếp theo.

Trong năm năm từ năm 2016-2020, tổng kiều hối về nước đạt hơn 71 tỷ USD, với mức tăng trưởng trung bình 6% hằng năm. Trong bối cảnh các nước chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, lượng kiều hối của Việt Nam trong năm 2021 vẫn tăng và ước tính ở mức 18,1 tỷ USD (theo Ngân hàng Thế giới), tương đương gần 5% tổng thu nhập quốc gia.

khoi thong nguon luc quy hinh 1

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu dự Chương trình Xuân Quê hương năm 2022. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

2. Nhưng kiều hối không phải là điều duy nhất mà kiều bào ở xa Tổ quốc mang về cho quê hương. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) từng khẳng định: Kiều bào ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước, cả nguồn lực kinh tế, nguồn lực tri thức và nguồn lực “mềm”, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. 

Nói rõ hơn về điều này, Đại sứ Lương Thanh Nghị - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN cũng cho biết: Về kinh tế, nhiều doanh nhân kiều bào đã thành danh và góp mặt trong danh sách các tỷ phú thế giới. Về chính trị, một số nhân vật gốc Việt đã tham gia chính trường sở tại ở các cấp độ khác nhau và gần đây nhiều người ở độ tuổi rất trẻ. Vai trò của các chính trị gia, nhà quản lý, lãnh đạo gốc Việt tại một số nước như Mỹ, Australia, Pháp… ngày càng được khẳng định.

Về tri thức, ước tính có khoảng 500.000 chuyên gia, trí thức NVNONN, chiếm tỷ lệ 10% trong cộng đồng NVNONN đang làm việc tại các cơ sở khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học và các cơ sở kinh doanh ở nước ngoài; nhiều người trong đó có trình độ, năng lực cao, có uy tín trong giới khoa học quốc tế... Số lượng sinh viên Việt Nam học tập ở nước ngoài ngày càng tăng, lên đến 170.000 người.

Ngày càng có nhiều kiều bào hướng về quê hương, mong muốn góp sức để xây dựng đất nước. Hệ thống mạng lưới chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào tăng lên về số lượng, có khoảng 80 hội doanh nhân, chuyên gia, trí thức kiều bào tích cực triển khai hoạt động kết nối với trong nước.

Các doanh nghiệp kiều bào về nước đầu tư, kinh doanh dẫn dắt trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đầu tư của kiều bào với tư cách là người Việt Nam góp phần tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển giao công nghệ trong nước.

khoi thong nguon luc quy hinh 2

Người Việt tại Anh tham gia cuộc thi gói bánh chưng tại Lễ hội Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Ảnh: Đình Thư/TTXVN.

Bên cạnh đóng góp kể trên, những khi đất nước gặp khó khăn, đồng bào ta ở nước ngoài luôn sát cánh, hướng về Tổ quốc bằng những việc làm thiết thực. Kiều bào cũng tổ chức các buổi triển lãm, hội thảo về Biển Đông, quyên góp tiền và hàng hóa trị giá hàng tỷ đồng ủng hộ Trường Sa và “Quỹ vì biển, đảo Việt Nam”; qua đó góp phần củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong mặt trận đấu tranh giữ vững hòa bình, ổn định và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…

Rõ ràng sự đóng góp dành cho Tổ quốc của kiều bào ta bấy lâu nay là vô cùng lớn và không thể đong đếm được.

3. Khi xa Tổ quốc, chúng ta luôn đau đáu tiếng gọi nơi chôn rau cắt rốn, tiếng gọi của mẹ cha, tiếng gọi của những kỷ niệm, của những bữa cơm đạm bạc, của tiếng ve, tiếng dế, của đường làng, góc phố, những nếp nhà thân thương, những gian nan, vất vả khi có chiến tranh, đất nước còn nghèo, của những đóng góp, cống hiến cho quê hương đất nước… dẫn lối chúng ta trở về quê hương. Đó là những ký ức sống mãi và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác của đồng bào đang sinh sống và làm việc xa Tổ quốc.

Cội nguồn Việt Nam luôn hiện hữu trong mỗi trái tim người Việt dù ở đâu trên trái đất này, “Quê hương mỗi người chỉ một - Như là chỉ một mẹ thôi”, chia sẻ đầy xúc động ấy của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc gặp mặt kiều bào tham dự Xuân Quê hương năm 2022 có lẽ cũng là tiếng lòng của mỗi người dân Việt đang ở xa Tổ quốc. Trong họ, ai cũng đau đáu hướng về quê nhà, muốn đóng góp một chút gì đó cho đất nước.

Vấn đề còn lại, chỉ là việc khơi thông nguồn lực ấy như thế nào. Theo ông Peter Hồng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã triển khai nhiều chính sách ngày càng thông thoáng nhằm khuyến khích nhà đầu tư Việt kiều có tiềm lực tài chính, trình độ, tay nghề, kinh nghiệm… về cống hiến lâu dài cho quê hương.

Chẳng hạn, các thủ tục đầu tư áp dụng đối với kiều bào đơn giản, thuận lợi hơn so với nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam đã có những chủ trương, chính sách tương đối thuận lợi trên nhiều khía cạnh. Ví dụ như chính sách về quốc tịch, nhà đất, đầu tư, cư trú hay các chính sách ưu đãi để thu hút và tạo điều kiện để kiều bào ở nước ngoài về nước lập nghiệp.

Hiện nay có khoảng 500.000 trí thức là con em người Việt ở nước ngoài được đào tạo bài bản, trong đó nhiều trí thức rất muốn về Việt Nam làm việc. Nhưng vẫn còn một số điểm nghẽn trong việc thu hút bà con kiều bào làm việc như chính sách lao động tiền lương còn thấp; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nghiên cứu khoa học và môi trường học thuật chuyên nghiệp còn hạn chế. Các chính sách cũng chưa đủ tạo một khung chế độ đãi ngộ cụ thể, hấp dẫn về điều kiện sống, làm việc và học tập của trí thức kiều bào cũng như gia đình của họ về nước làm việc.

Điều quan trọng hơn, để bà con kiều bào bỏ chất xám, đầu tư mạnh hơn, đóng góp nhiều hơn về trí tuệ của mình không chỉ nằm ở vấn đề tài chính mà là cơ chế đãi ngộ.

“Việt Nam nên xem xét rà soát để sửa đổi các chính sách, quy định còn chưa hợp lý để thu hút nhân tài kiều bào. Tôi biết Đảng và Nhà nước rất quan tâm việc này. Nhân tài kiều bào về Việt Nam làm việc có thể không yêu cầu phải trả mức thu nhập cao giống như khi họ làm việc ở nước ngoài nhưng chính sách phải làm sao ổn định, cởi mở, thân thiện, tạo cho họ cơ hội được yên tâm cống hiến” - ông Peter Hồng nhấn mạnh.

khoi thong nguon luc quy hinh 3

Nhà đầu tư kiều bào tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: QH - PM

Chia sẻ của ông Peter Hồng mới chỉ là một ý kiến nhưng có lẽ cũng là mong muốn của không ít Việt kiều hiện nay. Nhưng tin rằng, như lời khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đảng, Nhà nước thấu hiểu, chia sẻ và luôn đặt ra trách nhiệm để đưa “đường về quê gần hơn”, để quê hương thật sự là “chùm khế ngọt”, là nhà, là nơi quy tụ mọi giá trị truyền thống, trí tuệ, tấm lòng, khát vọng, tôn trọng sự khác biệt… để xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, để chúng ta tự hào là người Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Cộng đồng khoảng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài chắc chắn sẽ ngày càng lớn mạnh, đặc biệt là ngày càng gắn bó với quê hương, đất nước, như khẳng định của Đảng và Nhà nước ta trong Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị: người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) không chỉ là “bộ phận không tách rời” mà còn là “một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Khơi thông cho được nguồn lực quý ấy là điều đáng làm hơn bao giờ hết.

Hà Trang

Bình Luận

Tin khác

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

(NB&CL) Khi Điện Biên Phủ, vùng rừng núi hiểm trở cách xa hậu phương 600 đến 700 km, trở thành nơi quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến”.

Góc nhìn
Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

(NB&CL) Nằm trong xu thế phát triển chung, vấn đề liên kết vùng, liên kết ngành là định hướng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề được TP.HCM đặc biệt coi trọng, xem đây là một trong những nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển.

Góc nhìn
Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

(CLO) Trong những ngày này, cả nước đang hồ hởi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn