Báo giấy: Ai còn nhớ?

Không chịu khuất phục

Chủ nhật, 16/06/2019 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Stop Press?- Chấm dứt báo in? Will newspapers disappear in the future?- Báo chí sẽ biến mất? Is print media really dying?- Báo in thực sự sẽ chết? Are Newspapers Dying?- Báo chí đang chết?...”- Đó là những câu hỏi đã, đang và sẽ còn ám ảnh giới báo chí toàn cầu.

Bài liên quan

Không ai cưỡng lại được xu thế nhưng thực tế đáng mừng là không ít những tờ báo vẫn đang can trường trong cuộc chiến sống còn, chống lại sự diệt vong của báo in toàn cầu.

Thời oanh liệt đã xa

Với những độc giả trẻ sinh sau năm 2000, những độc giả thời công nghệ 4.0 vốn chỉ quen với việc tiếp thụ thông tin từ smartphone, từ mạng xã hội, chuyện về những tờ báo in có thể khiến họ thực sự ngỡ ngàng. Họ - phần đa chưa bao giờ ra sạp báo để mua một tờ báo ngày - sẽ không thể nào tưởng tượng rằng đã từng có một thời, báo in được xem như báu vật, là món quà tinh thần trong giới thượng lưu; người có trong tay của một bộ sưu tập báo in chả khác gì sở hữu một bộ trang sức quý giá…  Sẽ rất ít công dân thời @ có thể biết được rằng đã từng có một thời nước Pháp, Mỹ được coi là kinh đô, thủ phủ của báo in toàn cầu. Tại Mỹ, ngay từ những năm đầu thế kỷ XX từng có tới 2.430 đầu báo tới tổng lượng tia-ra từng lên tới hơn 70 triệu ấn bản một ngày; đã có thời cứ 5 người Mỹ thì có tới 4 người thường xuyên đọc báo in mỗi ngày… Tới những thập kỷ cuối của thế kỷ XX, báo in đã trở thành một ngành công nghiệp ăn nên làm ra nhất tại Mỹ. Những tập đoàn báo chí lớn nhất nước Mỹ: The Tribune, New York Times, Gannett, Washington Post… cũng đồng thời từng là những tập đoàn hùng mạnh, giàu có và quyền lực nhất xứ cờ hoa. Những ông trùm truyền thông, chủ báo, Tổng Biên tập của những nhật báo hàng đầu như Washington Post,  The Wall Street Journal (WSJ)… đã từng là những nhân vật “có sừng, có mỏ” khiến chính quyền Mỹ phải vị nể, thậm chí e sợ. Lịch sử nước Mỹ chắc chưa thể lãng quên việc Tổng thống Nixon đã trở thành Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên phải cay đắng nói lời từ chức ngay khi đang đương nhiệm chỉ vì sự phanh phui không e ngại của nhật báo Washington Post trong vụ Watergate.

bb6e3736-42f0-11e8-803a-295c97e6fd0b

Chưa hết, câu chuyện về thời hoàng kim của báo in toàn cầu, với sự hiện diện của rất nhiều những tờ nhật báo với số lượng tia-ra đủ khiến độc giả thời nay choáng váng. Đó là một nhật báo El Pais của Tây Ban Nha, ra đời năm 1976, trải qua thời hoàng kim vào những năm 1990 với số lượng phát hành đỉnh cao là 1.121.590 bản cho số Chủ nhật năm 1992. Năm 2005, lợi nhuận từ bán báo (chưa tính tới doanh thu quảng cáo) của El Pais là 453 triệu euro. Đó là nhật báo Mỹ The New York Times, trong lịch sử tồn tại của mình, đã từng có thời điểm, chính xác là vào những năm 80 thế kỷ trước, đã từng có lượng phát hành thường xuyên ổn định ở mức trên 1 triệu bản, có thời điểm lên tới 1,6 triệu bản. Chuyện phát hành trên 1 triệu ấn bản in mỗi kỳ một thời cũng là… chuyện thường thôi đối với những nhật báo Mỹ khác như (WSJ (năm 2012 trong 2,1 triệu ấn bản phát hành mỗi ngày có tới hơn 1,5 triệu ấn bản báo in truyền thống); Tờ USA Today cũng từng nhiều lần chạm con số 1,8 triệu ấn bản phát hành một ngày. Đó là nhật báo Anh The Independent vào thời kỳ hoàng kim, tờ báo này phát hành hơn 420.000 bản/ngày. Nhật báo Pháp Le Monde cũng chẳng hề kém cạnh khi từng có một thời lượng phát hành thường xuyên luôn dao động trong khoảng từ 300.000 - 500.000 bản/ngày.

Hiện thực chua chát

 Nhưng đúng như đúc kết của người xưa: chẳng có gì là mãi mãi, “thịnh rồi đến lúc phải suy thôi”, sự phát triển của công nghệ thông tin, sự chuyển hướng trong cách thức, tư duy tiếp nhận thông tin của độc giả… đã khiến thời hoàng kim của báo in dần dần đi vào dĩ vãng. Kể từ đầu năm 2008, “cường quốc báo in” Mỹ đã chứng kiến hàng loạt cơn “địa chấn”: năm 2008, Tribune Company, công ty xuất bản tờ Chicago Tribune, đệ đơn xin phá sản; tháng 2/2009, Rocky Mountain News đóng cửa; Seattle Post-Intelligencer chỉ còn xuất bản online, năm 2011, US News & World Report, tạp chí đứng thứ ba của Mỹ, ngưng ra bản in và tập trung vào phiên bản điện tử cùng những ấn bản đặc biệt, tạp chí SmartMoney cũng tuyên bố chuyển sang bản điện tử, tháng 12/2011, tờ báo Pháp France-Soir ngừng phát hành báo in và hoàn toàn đình bản vào cuối tháng 6/2012 sau 68 năm hoạt động…

barney-greengrass-slide-67Y7-threeByTwoMediumAt2X

Nhưng phải đến năm 2012, cái gọi là “sự xuống dốc” của báo in mới đến phần cao trào. Năm đó, hàng loạt tờ báo, từ Mỹ tới châu Âu, trong đó cả những nhật báo lừng danh bậc nhất đã phải ngậm ngùi nói lời giã biệt với các ấn phẩm báo in từng làm nên chính thương hiệu của họ. Tháng 12/2012, Thời báo tài chính nổi tiếng Financial Times tuyên bố đình bản tờ Financial Times tại Đức (Financial Times Deutschland). Tháng 2/2012, Rocky Mountain News, tờ báo lâu đời nhất của bang Colorado, Mỹ đã tuyên bố phá sản, kết thúc lịch sử gần 150 năm huy hoàng. Nhưng chấn động nhất năm đó là việc ngày 31/12/2012 Newsweek, tờ tuần san lớn thứ hai ở Mỹ (sau Time) sau 80 năm tồn tại, đã phải tuyên bố ngừng việc phát hành các ấn bản dạng in, trở thành một tờ báo mạng hoàn toàn. Tại Tây Ban Nha, nhật báo số 1 nước này El Pais, dù vẫn tồn tại nhưng tia-ra xuống dốc không phanh từ trung bình hơn 1 triệu bản/kỳ/ngày trong những năm 1990 xuống còn hơn 450.000 bản/kỳ năm 2012.

Những con số thống kê thời điểm đó cũng nói lên nhiều điều. Năm 2009, doanh thu tổng cộng của toàn ngành báo nước Mỹ (bao gồm cả báo điện tử) giảm tới 26%. Có đến 13.500 nhân viên, chiếm 25% tổng số nhân viên toàn ngành, bị mất việc. Theo Hiệp hội Quảng cáo Đức, doanh thu quảng cáo của các tờ nhật báo trong năm 2011 tại quốc gia này là 3,6 tỷ euro, giảm 45% so với trước đó 12 năm. Tổng lượng phát hành hàng ngày của các tờ báo in ở Đức trong thời gian từ năm 2005 - 2012 đã giảm 17%, xuống còn 21,1 triệu bản. Trong cùng khoảng thời gian, một số tờ báo in chất lượng của Anh chứng kiến lượng phát hành giảm khoảng 40 - 50%. Còn số liệu từ Hiệp hội Báo chí Mỹ (NAA) cho thấy, so với mức 37,8 tỷ USD thu được trong năm 2008, doanh thu quảng cáo của các tờ báo thành viên của Hiệp hội này theo hướng giảm dần đều: chỉ còn 27,6 tỷ USD năm 2009; 25 tỷ USD năm 2010 và 24 tỷ USD năm 2011 (bao gồm cả quảng cáo trên báo giấy và phiên bản báo mạng). Từ nước Đức, cụm từ “Zeitungssterben- cái chết của báo in” lần đầu tiên xuất hiện, khiến làng báo thế giới choáng váng, bàng hoàng, lo âu về một tương lai ngày càng u ám, bi đát của báo in.

Điều đáng buồn là, từ “cao trào” 2012 đến nay đã 7 năm nhưng tình trạng “rơi tự do” của báo giấy toàn cầu vẫn không hề có dấu hiệu dừng lại. 7 năm qua, gần như năm nào cũng xuất hiện thông tin về các tờ báo phải đóng cửa bản in. Ngày 26/3/2016, báo giới toàn cầu tiếp tục được phen choáng váng khi nhật báo nổi tiếng “The Independent” (Độc lập) của Anh ra số báo in cuối cùng với dòng chữ “Stop Press - Chấm dứt báo in” chiếm toàn bộ trang nhất. Cũng năm 2016, khảo sát của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters thuộc Đại học Oxford cho biết 44% số người tại 26 quốc gia trên thế giới tham gia cuộc khảo sát coi Facebook là nguồn tin chủ yếu, tỷ lệ cho báo in tụt xuống mức thê thảm là 24%. 

453219748

Tồn tại vì một niềm tin yêu

“Stop Press - Chấm dứt báo in” - “thông cáo” ấy đã được BBT tờ “The Independent” đưa ra cách đây 3 năm.

Cách đây chừng chục năm, đã có chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông còn đưa ra dự đoán chắc chắn rằng đến năm 2017 hầu như báo giấy sẽ không còn ở Mỹ, còn thế giới là vào năm 2040 và thay vào đó là các trang báo điện tử.

Nhưng năm 2017 đã qua và “dự báo” ấy ít nhất đến thời điểm này vẫn chưa xảy ra.  “Thông cáo” 3 năm trước của tờ “The Independent” cũng chưa trở thành hiện thực. Bầu trời u ám mây đen vần vũ đôi khi chưa chắc sẽ dẫn đến một cơn mưa. Sự sống sẽ còn tiếp diễn nếu ta vẫn còn có thể chiến đấu và hy vọng. Báo in toàn cầu giờ đây cũng vậy. Chừng nào báo in vẫn còn có độc giả thì chừng đó, nghĩa là chưa có chuyện báo in chết, nghĩa là chừng đó báo in còn có lý do để tồn tại.

Nhưng tồn tại như thế nào lại là một vấn đề không đơn giản. Không đơn giản nhưng để bảo tồn sự sống cho mình, để xứng đáng với sự tin yêu của những độc giả trung thành còn níu giữ tình yêu với những ấn phẩm báo in, tờ báo in nào giờ đây cũng đều phải căng não, quyết liệt tìm phương cách để tồn tại.

Nhìn lại hành trình hàng thập kỷ vật lộn với hai chữ sống còn của báo in vừa qua dễ thấy, một trong những phương cách tồn tại ấy là sự chuyển dịch liên tục về phương cách, tư duy, chiến lược làm báo của các tòa soạn, nỗ lực làm mới mình, bắt đầu ngay từ việc thay đổi… khổ báo. Còn nhớ hồi năm 2005, tờ Wall Street chính thức xác nhận chuyển từ việc in trên khổ giấy lớn Broadsheet mang tính “nghiêm túc” (kích cỡ tương đương tờ giấy A2) sang tabloid (báo khổ nhỏ, cỡ A3) - khổ báo từng một thời bị dè bỉu bởi gắn với những tờ báo được nhìn nhận chỉ là “hạng lá cải” như The Sun của Anh. Tất cả cũng chỉ vì mấy chữ: tạo sự thuận lợi hơn cho việc thưởng thức tờ báo của độc giả.

Thời thông tin trực tuyến, khi Internet cho ra đời những trang tin hay trang báo điện tử cũng là lúc các tòa soạn hiểu rằng  cần có sự chuyển đổi phương thức truyền tải thông tin: từ báo in sang báo điện tử. Và khi thu nhập từ việc phát hành các ấn bản báo in không còn thì để tìm kiếm nguồn thu, bên cạnh quảng cáo, các tờ báo điện tử đã phải nghĩ tới mô hình paywall - thu phí đọc tin. Nửa đầu những năm 2000 được coi là “giai đoạn thử nghiệm” thu phí đọc báo online của làng báo thế giới. Nhật báo Mỹ Wall Street Journal đã trở thành tờ báo đi tiên phong trong trào lưu thu phí online khi bắt đầu thu phí vào năm 1997. Tờ The Times của Anh cũng thu phí vào năm 2010. Tháng 9/2005, nhật báo Mỹ New York Times cũng bắt đầu dịch vụ thu phí và sau một thời gian tạm ngưng, tháng 3/2011, tờ báo này quay lại việc tính phí. Năm 2007, tờ Thời báo Tài chính Financial Times của Anh cũng bắt đầu thu phí người đọc khi truy cập vào trang phiên bản báo mạng FT.com….

Mỗi tờ báo một cách thức tạo dựng paywall khác nhau nhưng vẫn là  chung một đích đến: có trả tiền mới được đọc tin. Đơn cử như nhật báo Mỹ The Washington Post. Muốn truy cập, tìm đọc vào một bài viết bất kì của washingtonpost.com, độc giả được giới thiệu mức thu phí ưu đãi là 1 USD/tháng. Sau giai đoạn “chào hàng” bằng một vài bài viết miễn phí, washingtonpost.com sẽ đưa “trình cho độc giả” lời đề nghị mức phí thực tế là 1 USD trong 4 tuần đầu tiên, sau đó sẽ là 6 USD trong chu kỳ 4 tuần. Mức phí cho cả một năm có thể dao động theo từng đối tượng, hình thức ưu đãi khác nhau như độc giả quốc tế, độc giả Mỹ, thường là từ 45 - 60 USD/năm. Với nhiều tờ báo Mỹ khác như The Wall Street Journal, Los Angeles Times, The New York Times… mức phí cụ thể là khác nhau, nhưng cách thức cũng gần tương tự.

Giờ đây, thu phí đọc báo điện tử đã trở thành “chuyện thường ngày” với báo chí thế giới. Thực tế đã chứng minh doanh thu từ thu phí điện tử hoàn toàn có thể nuôi sống được tờ báo. Mới đây, ông Michael Miller - Chủ tịch điều hành Tập đoàn truyền thông News Corp Australia, đã hé lộ thông tin: số lượng thuê bao trực tuyến trả phí của nhật báo The Australian mà Tập đoàn này sở hữu sắp vượt con số 140.000 thuê bao, cao hơn cả số lượng phát hành bản in hàng ngày của tờ báo thời kỳ đỉnh cao. Cũng theo ông Miller, The Australian cùng với The New York Times và Washington Post (Mỹ) và The Financial Times (Anh) là 4 tờ báo duy nhất trên thế giới cho đến nay có tổng số lượng thuê bao trực tuyến trả tiền cao hơn số phát hành bản in. Thực tế đó cũng khiến những “đại gia” miễn phí, chuyên tạo “thông tin đọc chùa” như Google News, Facebook… giờ đây đều đã tính toán kỹ lưỡng  tới việc thu phí đọc tin.

bao-in_ijfw

“Thị trường ngách” thời Fake News

Và giờ đây, trong thời đại fake news- tin giả hoành hành, mạng xã hội lên ngôi, khi lòng tin của độc giả vào báo chí có chiều hướng lung lay, suy giảm và thời kinh tế khủng hoảng, khó khăn khiến người đọc cân nhắc hơn trong việc móc hầu bao trả phí, thì để tồn tại, các tòa soạn trên khắp thế giới lại tiếp tục chuyển dịch quyết liệt cho một hướng đi mới: Niche markets- Thị trường ngách. 

“Thị trường ngách” - theo quan điểm của nhật báo tài chính Anh Financial Times - sẽ là việc đáp ứng nhu cầu thông tin của một bộ phận độc giả riêng biệt với nội dung đặc biệt và khác biệt - Financial Times gọi đó bằng cụm từ “distinctive, differentiated content” và từ quan điểm ấy, từ rất lâu, Financial Times đã nhận diện mình là một dạng targeted magazines - tạp chí nhắm vào đối tượng độc giả mục tiêu nhất định hay còn gọi là độc giả thị trường ngách - niche audience. Cũng theo BBT  Financial Times, một bài học rút ra cho câu chuyện lấy nội dung làm phương thức tồn tại của báo chí hôm nay là: nếu bạn phục vụ nhu cầu thông tin của độc giả đủ tốt đến mức họ không thể hoặc không phải tìm kiếm ở đâu khác nữa, như thế là bạn đã khiến họ phải móc hầu bao trả tiền cho lượng thông tin bạn cung cấp.

Còn với nhật báo Mỹ The New York Times, “thị trường ngách” là đích đến, không phải đến tận bây giờ, mà đã từ nhiều thập kỷ qua, tờ báo đeo đuổi. Với họ, “thị trường ngách” hiểu luôn là báo chí chất lượng và rằng “A Plea for Newspaper Quality - lời cầu xin cho báo chí chất lượng” họ đã nói ra cách đây từ hơn 50 năm. Đã có rất nhiều câu hỏi đại loại như: “Why The New York Times Is the Best Newspaper in the World? - Tại sao The New York Times là tờ báo hay nhất thế giới?” đã được đặt ra, để lý giải vì sao một tờ báo lại có thể trường tồn qua quá nhiều biến thiên của thời cuộc, của đời sống báo chí thế giới và vẫn luôn trụ vững ở vị trí số 1, về cả chất lượng và doanh thu. Theo nghiên cứu xu hướng báo chí đầu năm 2019 này, New York Times được xem là điển hình tiêu biểu của mô hình thu phí báo điện tử với 4 triệu bạn đọc đăng ký thành viên, trong đó có 3,1 triệu bạn đọc trang điện tử đến từ hơn 200 quốc gia, và mang lại doanh thu 1 tỷ USD. Một trong những câu trả lời đã được cây bút kì cựu người Mỹ Blake Fleetwood đưa ra trong một bài viết cách đây tận 5 năm đã là: “Ai cũng có thể tiếp cận được thông tin về những gì đã diễn ra, nhưng ai đó muốn biết thông tin ấy, sự kiện ấy có ý nghĩa, tác động như thế nào - thì phải đến với trang báo của New York Times”. Điều này có nghĩa cái gọi là thông tin sâu, riêng biệt và có chính kiến riêng đã là hướng đi New York Times đeo đuổi và thành công từ lâu - và đó không gì khác cũng chính là nội hàm của cái gọi là báo chí “thị trường ngách”, “báo chí chất lượng” mà giờ đây làng báo mới ràn rạt bàn tới.

Từ câu chuyện báo chí “thị trường ngách”, “báo chí chất lượng” quay lại câu chuyện báo chí dựng paywall thu phí – mới thấy mọi sự chuyển động của báo chí đều có tính chất tương hỗ, tác động biện chứng lẫn nhau. Với tầm nhìn lâu dài, những tờ báo lớn như New York Times, như The Wall Street Journal… đều nhận ra rất sớm rằng muốn bức tường thu phí được dựng lên thành công, muốn độc giả móc túi ra trả tiền khi nhấp chuột đọc tin như trả tiền mua từng tờ báo tại các sạp báo ngày nào, không gì khác vẫn là câu chuyện “phản ánh phải chân xác - bình luận phải có chiều sâu thông tin và phân tích phải minh triết - accurate reporting and informed comment and analysis is all too clear”. New York Times làm được điều họ quyết tâm “mỗi mẩu tin đều phải xứng đáng được độc giả bỏ tiền ra mua” thế nên câu chuyện họ có tới 3,1 triệu bạn đọc đến từ hơn 200 quốc gia cũng là chuyện hợp nhẽ. Hay tại sao trong khi nhiều tờ báo khác phải tạo dựng mọi hình thức “ưu đãi” độc giả để kéo họ đến với trang thu phí thì riêng tờ The Wall Street Journal, ngay từ khi xuất bản lên mạng năm 1996, đã triển khai thu phí ngay, và mức phí thường tăng lên chứ không giảm, lại vẫn rất thành công. Đơn giản là họ tự tin vào nội dung tài chính, kinh doanh của mình.

shutterstock_130538774.0

Câu chuyện đi tìm giải pháp để tồn tại và phát triển của báo chí thế giới đã và sẽ là câu chuyện dài với rất nhiều điều thú vị. Nhà báo và Công luận sẽ trở lại câu chuyện này trong dịp gần nhất và xin tạm khép lại bài viết về câu chuyện “Không chịu khuất phục” của báo chí thế giới bằng một câu nói có thể coi là châm ngôn của BBT tờ The New York Times: “Để tiếp tục thành công, để tiếp tục tạo ra những sản phẩm báo chí khác biệt và tạo ra một điểm đến hấp dẫn hơn nữa - chúng ta cần phải thay đổi, phải thay đổi với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết” và lời nhắn gửi BBT tờ Independent gửi tới độc giả trong  ấn phẩm báo in cuối cùng cách đây 3 năm: “Tất cả chỉ như một chương sách đóng lại, mở ra một chương mới. Tinh thần của The Indenpent không bao giờ lụi tàn. Chúng tôi vẫn tiếp tục công việc, nhiệm vụ mà mình gánh vác trên vai, vẫn luôn hăng say với cuộc chiến vì sự thật và ước mơ của những người sáng lập ra Independent sẽ không bao giờ chết”.

Rõ là như vậy, trong thách thức luôn hiện diện cơ hội, khi tinh thần không khuất phục còn hiện hữu, khi vẫn còn những độc giả trung thành, báo in nói riêng sẽ không bao giờ chết, báo in vẫn có thể tồn tại được một cách vững vàng nếu biết thay đổi phù hợp.

Hồng Sâm

Tin khác

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo