Không nên chờ trẻ tiêm vắc-xin xong mới đi học trở lại

Thứ năm, 31/03/2022 11:02 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay khi dịch bệnh COVID-19 đang có xu hướng giảm dần, mọi hoạt động kinh tế, xã hội đã bình thường trở lại thì nên sớm đón trẻ tới trường vì điều này có nhiều lợi ích hơn là để trẻ ở nhà.

Bất cập khi trẻ đi chơi thỏa thích nhưng không được đến trường

Hiện nay, dịch bệnh ở Việt Nam mặc dù số ca nhiễm vẫn cao, trên 80 nghìn ca/ngày. Tuy nhiên, số ca bệnh nặng và tử vong lại thấp. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần sớm đưa COVID-19 ra khỏi danh sách bệnh nhóm A - đặc biệt nguy hiểm càng sớm, càng tốt để đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Tại nhiều địa phương, F0 và F1 được phép đi làm. Mọi hoạt động được dần khôi phục trở lại. Ở Hà Nội, mặc dù là tâm dịch khi số lượng ca mắc COVID-19 mỗi ngày gần 10 nghìn ca nhưng nhiều hoạt động không bị hạn chế. Công việc kinh doanh, vui chơi giải trí, karaoke… đều đã hoạt động rầm rộ. Chính vì vậy, nhiều người hy vọng tới đây giáo dục sẽ được bình thường như các hoạt động khác đặc biệt với trẻ mầm non, tiểu học.

khong nen cho tre tiem vac xin xong moi di hoc tro lai hinh 1

Trẻ mầm non cần sớm được đi học trở lại. Ảnh minh họa.

Việc thành phố chủ trương để trẻ được tiêm vắc-xin mới cho đi học trở lại khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Việc cẩn trọng đảm bảo an toàn cho trẻ là điều cần thiết tuy nhiên đợi tiêm xong mới cho trẻ đến trường liệu có hợp lý là câu hỏi mà nhiều phụ huynh đặt ra. Theo dự kiến thì Bộ Y tế sẽ triển khai tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi từ đầu tháng 4/2022. Nhưng hiện nay số trẻ bị nhiễm COVID-19 đã rất lớn, trong khi tiêm vắc-xin cho trẻ em vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Tại Trường mầm non Thực hành Linh Đàm, quận Hoàng Mai (Hà Nội) khi lấy ý kiến cha mẹ học sinh về tiêm phòng vắc-xin cho trẻ thì kết quả, ở nhóm lớp trẻ 5 tuổi có 18 phụ huynh trả lời “không tiêm” và chỉ có 3 phụ huynh đồng ý. Hay như kết quả khảo sát lấy ý kiến về việc tiêm phòng ngừa vắc-xin ở một lớp 3 của Trường tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa, lớp có 46 học sinh, trong đó có 26 phụ huynh đồng ý cho con tiêm (56,5%); 14 người không đồng ý (khoảng 30%) và 6 người không có ý kiến.

Trong khi chủ trương thành phố đóng cửa trường học với bậc tiểu học, mầm non nhưng tại nhiều khu dân cư ở Hà Nội các nhóm trẻ tư thục đã hoạt động trở lại ngay cả trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp nhất. Các cô giáo và phụ huynh đã âm thầm tổ chức linh động, chia lớp thành các nhóm nhỏ để vừa trông trẻ cho phụ huynh đi làm, vừa đảm bảo công tác phòng dịch. Sự hoạt động nhịp nhàng của các nhóm trẻ tư thục này minh chứng cho thấy nếu được tổ chức khoa học thì trẻ vẫn được tới trường học tập, vui chơi với bạn trong bối cảnh dịch bệnh chưa biết khi nào chấm dứt.

Chị Nguyễn Thị Thu Minh ở Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, gần 1 năm nay chị đã cho con đi học trong các lớp học mầm non tư thục cùng các bạn. Mặc dù biết chủ trương chung chưa cho phép nhưng chị không có lựa chọn nào tốt hơn cho con. “Hiện không còn phương án nào tốt hơn cho trẻ là để các em tới trường. Trẻ nhỏ, chưa được tiêm vắc-xin cũng không thể ở nhà mãi được” - chị Thu Minh chia sẻ.

Nhiều phụ huynh cũng thắc mắc, các cháu mầm non và tiểu học trong nội thành Hà Nội chưa được cho đến trường học, nhưng đến các khu vui chơi, công viên khắp nơi. Tại sao các con được thoải mái đi chơi mà lại không được đến trường học? Hiện nay, mọi sinh hoạt của ông bà, bố mẹ, anh chị trong gia đình đã trở lại bình thường, các cháu vẫn sinh hoạt chung với người lớn trong gia đình, cộng đồng chứ đâu có được cách ly riêng, tức là có ở nhà thì cũng không khác gì đến trường học, xét về mức độ an toàn cho trẻ.

Trong khi vấn đề tiêm vắc-xin cho trẻ nhỏ (5 - 12 tuổi) vẫn còn gây tranh cãi trên phạm vi quốc tế, không ít cha mẹ chưa sẵn sàng cho con đi tiêm. Hơn nữa, hiện nay tỷ lệ trẻ mắc COVID-19 đã khỏi cũng tương đối cao rồi. Đấy là những căn cứ khoa học để mọi nơi quyết định cho trẻ đến trường.

Giáo dục càng sớm trở lại càng tốt

Liên quan đến việc cho trẻ mầm non, tiểu học trở lại học tập, chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, không chờ đợi việc tiêm vắc-xin cho trẻ rồi mới cho trẻ đến trường. Cho trẻ đi học trở lại là vô cùng cần thiết. Đặc biệt là ở lứa tuổi mầm non.

khong nen cho tre tiem vac xin xong moi di hoc tro lai hinh 2

Theo ông Trần Đắc Phu, việc trẻ em không được đến trường trong một thời gian dài sẽ gây ra các khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần khi các em không được tương tác với bạn bè, thầy cô, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài, thậm chí, khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm, không lây nhiễm... Còn phần lớn trẻ em nhiễm COVID-19 thường có triệu chứng nhẹ. Nếu so sánh giữa lợi ích và rủi ro thì cần cho trẻ đi học.

Ngoài ra, ông Phu cho rằng, vừa qua, trẻ em ở nhà dương tính rất nhiều vì chúng ta nới lỏng các hoạt động, số ca nhiễm trong cộng đồng nhiều, khi người lớn mắc bệnh lây cho trẻ. Nếu đến trường làm các biện pháp phòng dịch tốt, có tổ chức, nguy cơ lây nhiễm chưa chắc cao hơn ở nhà. “Hiện nay, chúng ta đã chuyển từ chiến lược Zero COVID sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19.

Chuyển từ cấm đoán (cấm các hoạt động, cấm đi lại…) sang kiểm soát rủi ro, còn kiểm soát rủi ro khi cho trẻ đến trường là trẻ bị nhiễm thì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đối với trẻ đó, lớp học có trẻ bị F0. Mở cửa đồng bộ nhưng cũng dự phòng đồng bộ. Chúng ta nới lỏng chứ không buông lỏng. Hiện nay, đối với trẻ chưa tiêm vắc-xin và không tiêm vắc-xin thì nhiều quốc gia đã hối thúc đi học” - ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Để làm được những điều đó, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, ngoài việc tổ chức và thực hiện tốt quy định phòng chống dịch của Chính phủ, của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn cần sự phối hợp tốt giữa gia đình với nhà trường và cơ quan y tế.

“Khi đi học, các trường vẫn phải triển khai các biện pháp phòng bệnh. Phụ huynh cũng cần phối hợp tốt với nhà trường để đảm bảo an toàn cho các cháu. Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng, từ tiêm vắc-xin COVID-19 cho người lớn trong nhà, tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi đến tiêm phòng cho các nhân viên trường học và trẻ nhỏ” - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết.

Như vậy, qua trao đổi với các chuyên gia và phụ huynh có thể thấy trẻ đến trường sẽ có nhiều lợi ích cho trẻ hơn ở nhà. Trong khi, ở nhà thì nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cũng không ít đi so với trẻ đi học.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Thay đổi cách thức công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp

Thay đổi cách thức công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp

(CLO) Tới đây, mọi thủ tục thực hiện công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp sẽ thực hiện hình thức dịch vụ công trực tuyến hoàn toàn.

Giáo dục
Chuyên gia chia sẻ về cách ôn tập và làm bài môn Toán để đạt điểm cao

Chuyên gia chia sẻ về cách ôn tập và làm bài môn Toán để đạt điểm cao

(CLO) Theo đề thi minh họa môn Toán, kiến thức thi vẫn trọng tâm và bám sát cấu trúc đề thi nhiều năm trước, do đó học sinh cần rèn luyện kỹ năng làm bài tránh sai sót.

Giáo dục
Cách để đạt điểm cao môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập Hà Nội

Cách để đạt điểm cao môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập Hà Nội

(CLO) Theo chuyên gia, không khó để học sinh đạt điểm 8 môn Ngữ văn, kỳ thi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội.

Giáo dục
Bắc Giang: Phát động Cuộc thi Robocon lần thứ nhất, năm 2024

Bắc Giang: Phát động Cuộc thi Robocon lần thứ nhất, năm 2024

(CLO) Mới đây, Cuộc thi Robocon tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất, năm 2024 đã được phát động với chủ đề “Khám phá du lịch Bắc Giang”.

Giáo dục
Sắp diễn ra cuộc thi chung kết FSchool Talent Show Hà Nam mùa thứ 2

Sắp diễn ra cuộc thi chung kết FSchool Talent Show Hà Nam mùa thứ 2

(CLO) Vòng Chung kết Cuộc thi Tìm kiếm Tài năng FSchool Talent Show Hà Nam 2024 sẽ diễn ra vào tối ngày 4/5 tới. Đêm thi hứa hẹn sẽ mang tới những tiết mục hấp dẫn, gay cấn và tìm ra chủ nhân xứng đáng cho ngôi vị Quán quân.

Giáo dục