Kinh tế Việt Nam: Bứt tốc mạnh mẽ trong năm 2022, dốc toàn lực cho những mục tiêu cao hơn trong năm 2023

Chủ nhật, 01/01/2023 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL)Sau 1 năm thành công với những bước tăng trưởng ấn tượng, kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với rất nhiều thách thức về cả nội tại lẫn những tác động từ thế giới. Dù vậy, nhiều chuyên gia đánh giá, kinh tế Việt Nam trong năm 2023 vẫn giữ được nhịp tăng, thậm chí có thể bứt phá mạnh mẽ hơn nữa.

Toàn cảnh kinh tế Việt Nam năm 2022

Sau 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam đã có bước tăng trưởng rất ấn tượng. Các ngành nông nghiệp, công nghiệp và nhất là dịch vụ đã bứt tốc đầy mạnh mẽ.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP Việt Nam trong năm 2022 liên tục tăng qua các quý. Cụ thể, nếu GDP quý I ghi nhận mức tăng 5,03%, thì sang quý II, GDP đã tăng vọt 7,72%. Thậm chí, sang quý III/2022, GDP Việt Nam ghi nhận mức kỷ lục trong vòng một thập kỷ, với mức tăng lên tới 13,67%. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2022, GDP Việt Nam đã tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước.

kinh te viet nam but toc manh me trong nam 2022 doc toan luc cho nhung muc tieu cao hon trong nam 2023 hinh 1
Một trong 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Chính phủ yêu cầu các đơn vị quản lý chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát. Đẩy mạnh tăng thu ngân sách nhà nước bền vững, triệt để tiết kiệm chi, đặc biệt là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư. Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững.

Trong báo cáo tham mưu với Chính phủ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa ra 2 dự báo về tốc độ tăng trưởng GDP trong quý IV/2022 và cả năm 2022. Với kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm có thể đạt khoảng 8%. Như vậy, trong quý IV, GDP Việt Nam sẽ phải tăng 5,9%. Với kịch bản thứ 2, tăng trưởng GDP cả năm 2022 sẽ là 8,2%, thì GDP quý IV cần phải đạt là 6,6%.

Trong khi đó, các tổ chức nghiên cứu kinh tế trong và ngoài nước lại đưa ra nhận định tăng trưởng GDP Việt Nam nằm trong khoảng 7% - 8%. Đơn cử như Ngân hàng Thế giới dự báo GDP Việt Nam trong năm 2022 sẽ tăng khoảng 7,5%, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa ra dự báo tăng 7%, trong khi ADB dự báo tăng 6,5% trong năm nay.

Cho dù đi theo chiều hướng nào, thì GDP Việt Nam trong năm 2022 vẫn ghi nhận mức tăng trên 6%, hoàn thành xuất sắc mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra hồi đầu năm. Thậm chí, hồi tháng 10/2022, kinh tế Việt Nam có thể ghi nhận mức tăng trưởng trên 8% bởi các ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam đang ghi nhận mức tăng trưởng rất ấn tượng.

Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 313 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước. Rất nhiều ngành ghi nhận mức tăng trưởng tốt, phải kể đến như thủy sản, đặt mục tiêu 10 tỷ USD trong năm 2022, nhưng mới chỉ đến tháng thứ 10 đã đạt 9,5 tỷ USD, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây cũng là năm đầu tiên ngành này có nhiều tháng liên tiếp đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD mỗi tháng. Dự kiến năm 2022, xuất khẩu thủy sản sẽ về đích ở cột mốc lịch sử khoảng 11,2 tỷ USD.

Tương tự, ngành gạo đặt mục tiêu xuất khẩu 6,3 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD nhưng đến hết tháng 10 đã đạt 6,1 triệu tấn, thu về gần 3 tỷ USD. Dự kiến cả năm sẽ đạt từ 6,5 - 7 triệu tấn và đạt giá trị thấp nhất là 3,5 tỷ USD. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu (gạo 5% tấm) của Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới, cao hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan khoảng 20 - 25 USD/tấn.

Không chỉ các ngành xuất khẩu nông sản, các ngành công nghiệp, nhất là chế biến - chế tạo cũng đang ghi nhận mức tăng trưởng rất cao. Các ngành thương mại và dịch vụ đang có sự bứt tốc mạnh nhất. Tính đến cuối tháng 10/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 51,8% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành gấp 3,9 lần.

Nhìn nhận về tình hình tăng trưởng kinh tế năm 2022, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, động lực chính của sự tăng trưởng này đến từ 4 yếu tố.

Thứ nhất, Việt Nam đã kiểm soát được tốt đại dịch COVID-19. Các chính sách đối phó với dịch COVID-19 tiếp tục có hiệu quả và các chính sách hỗ trợ sản xuất, mở cửa kịp thời là cơ sở cho các hoạt động kinh tế diễn ra bình thường, bình ổn tâm lý doanh nghiệp và người dân.

Thứ hai, nhu cầu tiêu dùng đang phục hồi và gia tăng khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân không còn bị hạn chế đi lại, được khuyến khích đẩy mạnh sản xuất, ổn định thu nhập; nhu cầu giải trí, du lịch tăng mạnh.

Thứ ba, các dự án FDI đang hoạt động tại Việt Nam tiếp tục mở rộng đầu tư. Vốn đầu tư thực hiện của khu vực FDI 9 tháng đầu năm 2022 đã tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2021, đạt 16,3%.

Thứ tư, trước sức ép lạm phát và giá cả tăng cao, Việt Nam vẫn đang từng bước ứng phó linh hoạt. Chính sách tiền tệ của Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước điều hành thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt và hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, cải thiện thanh khoản ngân hàng, giúp hóa giải những cú sốc kinh tế vĩ mô, neo giữ được tâm lý kỳ vọng lạm phát của dân chúng và đạt được những mục tiêu về lạm phát mà Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ đặt ra từ đầu năm.

Thách thức bủa vây

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, TS. Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Kinh tế Việt Nam bứt phá đầy mạnh mẽ sau 2 năm đại dịch COVID-19, chính là kết quả của sự chung sức của các cấp lãnh đạo, từ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, Bộ, ngành khác nhau, cho tới đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, và cả người dân trong nước.

“Những kết quả chúng ta đạt được trong năm 2022 không thể không phấn khởi, vì hiếm có quốc gia nào trên thế giới đạt được nhiều tín hiệu khả quan như Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới đang có rất nhiều bất ổn như hiện nay, thành quả này lại càng được trân trọng”, TS. Phan Đức Hiếu bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trong năm 2022, TS. Phan Đức Hiếu cảnh báo, kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, về cả nội tại lẫn các tác động của thế giới.

kinh te viet nam but toc manh me trong nam 2022 doc toan luc cho nhung muc tieu cao hon trong nam 2023 hinh 2

“Bức tranh kinh tế Việt Nam hiện nay đang có 2 màu, giống như một cánh đồng lúa đang thời kỳ trổ bông, nhưng chịu ảnh hưởng từ rất nhiều giông tố”, ông Hiếu nói.

Trích dẫn báo cáo của Ủy ban Kinh tế, ông Hiếu cho biết: Về nội tại, kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng năng suất lao động vẫn còn thấp, phát triển thị trường vốn chưa bền vững, đơn cử như thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán còn nhiều bất ổn. Công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm 2022, có tình trạng “đẩy giá” gây sốt ảo bất động sản. Rủi ro tác động liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường vốn và hệ thống các tổ chức tín dụng gia tăng.

Hay, xuất nhập khẩu đang là “điểm sáng” của nền kinh tế, với con số tăng trưởng rất ấn tượng, thế nhưng, cơ cấu hàng hóa chưa đồng đều, hàng hóa xuất khẩu đa phần thuộc nhóm ngành FDI. Trong khi hàng hóa “made in Việt Nam” chiếm tỷ lệ thấp.

“Dù xuất khẩu đạt quy mô về con số, nhưng cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu lại chưa đều, sản phẩm xuất khẩu chưa có giá trị cao. Nói chung, nếu so với trước đây, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chưa có sự đột phá nào đáng kể”, TS. Phan Đức Hiếu đánh giá.

Bên cạnh các yếu tố về nội tại, kinh tế Việt Nam thời gian qua còn bị “rung lắc” bởi thế giới đang bất ổn. Nhất là sau khi chiến sự Nga - Ukraine diễn ra, thế giới đã phải đối mặt với tình trạng lạm phát leo thang, nhiều hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm, nhiên liệu đều tăng giá phi mã. Đó là chưa kể dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn, chuỗi cung ứng vẫn đang bị đứt gãy, chưa thể hồi phục trong vòng 1 - 2 năm tới.

Đặc biệt, thời gian gần đây, việc Ngân hàng Trung ương của nhiều quốc gia liên tục điều chỉnh lãi suất, đã khiến tỷ giá của nhiều ngoại tệ biến động dữ dội. Đơn cử như đồng USD đã tăng lên mức cao lịch sử, trong khi giá trị của ngoại tệ khác, trong đó có VND lại đang giảm. Tất cả những điều này đều gia tăng áp lực cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhập khẩu.

“Sự xung đột giữa Nga - Ukraine không ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam, nhưng nó lại ảnh hưởng gián tiếp tới vòng 2, vòng 3, khiến chúng ta đối mặt thêm với thử thách mới”, ông Hiếu nói.

Trước những thách thức và khó khăn đó, TS. Phan Đức Hiếu cho rằng, 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế Việt Nam bứt phá mạnh hơn nữa đã đầy đủ và toàn diện.

Thế nhưng, ông Hiếu kiến nghị Chính phủ nên có những kịch bản mới - để đối phó với những diễn biến bất ngờ, không thể lường trước được. Thậm chí, tùy thuộc vào bối cảnh và tình huống, Chính phủ nên có những chính sách, giải pháp phù hợp, linh hoạt và kịp thời để ứng phó.

“Việc đưa ra một văn bản, Nghị quyết, Nghị định thường tốn rất nhiều thời gian, có thể 3 - 6 tháng, thậm chí kéo dài tới 1 năm mới xong. Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta đã có tiền lệ khi phòng chống dịch bệnh và các giải pháp phục hồi kinh tế, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành chính sách mới trong 1 tháng, thậm chí nửa tháng. Như vậy, bên cạnh sự quyết tâm, chúng ta cần có những sáng kiến mới để kinh tế tiếp tục bứt phá trong năm 2023”, TS. Phan Đức Hiếu khẳng định.

Đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 là 6,5%

Đầu tháng 11/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Nghị quyết đặt mục tiêu GDP năm 2023 sẽ tăng trưởng 6,5%, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 đô-la Mỹ (USD).

Về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhận định: Kinh tế thế giới năm 2023 được dự báo nhiều rủi ro, thách thức khi xung đột Nga - Ukraine hiện nay chưa có dấu hiệu kết thúc, kéo theo giá năng lượng và thực phẩm tăng, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn vào năm tới, theo đó IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 xuống 2,7% so với dự báo 2,9% đưa ra vào tháng 7/2022.

kinh te viet nam but toc manh me trong nam 2022 doc toan luc cho nhung muc tieu cao hon trong nam 2023 hinh 3

Trao đổi với Báo Nhà báo & Công luận, ông Trần Quang Minh - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng: Việc giải ngân vốn đầu tư công đang gặp phải nhiều khó khăn, liên quan đến nhiều vấn đề từ cán bộ, việc thực thi rồi sự quyết liệt vào cuộc của các cấp, các ngành và các địa phương, kể cả các chương trình mục tiêu quốc gia mặc dù có chậm về phân bổ vốn nhưng tôi nghĩ rằng năm 2023 này chúng ta sẽ tập trung vào, sẽ đạt được nhiều kết quả.

“Đặc biệt tôi thấy rằng trong việc giải ngân vốn đầu tư công và kể cả các chương trình mục tiêu quốc gia, cần phải có sự phân công, phân nhiệm và đề ra các lộ trình hết sức cụ thể, đồng thời có những tổng kết, đánh giá theo từng giai đoạn để đạt được các mục tiêu đó”, ông Trần Quang Minh nói.

Nguyên nhân là lãi suất tăng đã làm chậm đà tăng trưởng nền kinh tế Mỹ trong khi châu Âu chật vật với giá khí đốt tăng, còn Trung Quốc tiếp tục áp đặt các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 và ngành bất động sản của nước này suy yếu.

Trong nước, bên cạnh sự khởi sắc của kinh tế năm 2022 thì dự báo năm 2023 kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Dịch COVID-19 tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn tồn tại nhiều nguy cơ bùng phát với những biến chủng mới, áp lực lạm phát gia tăng, rủi ro thị trường tài chính, hoạt động sản xuất vẫn phụ thuộc nhất định vào nước ngoài nên khả năng có thể suy giảm theo đà giảm của kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những bất ổn như vậy, vẫn còn những dư địa để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế đạt kỳ vọng tốt như: chính sách kiểm soát vĩ mô của Chính phủ khá hiệu quả và chủ động, đầu tư công có khả năng phục hồi mạnh trong năm tới, giải ngân đầu tư cơ sở hạ tầng của gói phục hồi chủ yếu tập trung trong năm 2023, lạm phát vẫn trong phạm vi an toàn, du lịch và tiêu dùng tiếp tục phục hồi tốt…

Trên cơ sở đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dự báo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt khoảng 6,5%, là phù hợp với bối cảnh chung.

Đồng tình với nhận định này, ông Trần Quang Minh - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng tốc độ phát triển như đã đưa ở mức 6,5% là khá hợp lý và về mặt cảm quan có thể khả thi để thực hiện được với vị thế của đất nước và đặc biệt là chương trình phục hồi, phát triển kinh tế và các chương trình mục tiêu quốc gia đã đề ra.

“Sang năm 2023, với sự quyết tâm, dồn toàn lực của các cấp, các ngành để tập trung triển khai thực hiện, tôi cho rằng mục tiêu đề ra sẽ đạt được”, ông Minh nói.

Văn Khánh

Bình Luận

Tin khác

Hà Nam: Tập trung xây dựng các tập đoàn kinh tế tư nhân có công nghệ hiện đại, năng lực cạnh tranh toàn cầu

Hà Nam: Tập trung xây dựng các tập đoàn kinh tế tư nhân có công nghệ hiện đại, năng lực cạnh tranh toàn cầu

(CLO) Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh đề nghị Hội Doanh nhân trẻ Hà Nam không ngừng xây dựng tổ chức Hội mạnh về chất lượng, đông về số lượng, tập trung các điều kiện hướng tới hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, kết nối chuỗi sản xuất, xây dựng thương hiệu, hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có công nghệ hiện đại, năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Kinh tế vĩ mô
Đặt mục tiêu có ít nhất 10 tỷ phú USD vào năm 2030, Việt Nam đang chuẩn bị những gì?

Đặt mục tiêu có ít nhất 10 tỷ phú USD vào năm 2030, Việt Nam đang chuẩn bị những gì?

(CLO) Đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.

Kinh tế vĩ mô
Xuất, nhập khẩu của Trung Quốc tăng trưởng trở lại, báo hiệu nhu cầu phục hồi

Xuất, nhập khẩu của Trung Quốc tăng trưởng trở lại, báo hiệu nhu cầu phục hồi

(CLO) Xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc tăng trưởng trở lại trong tháng 4 sau khi giảm tháng trước đó, báo hiệu sự cải thiện đáng khích lệ về nhu cầu trong và ngoài nước khi Bắc Kinh vượt qua nhiều thách thức trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang lung lay.

Kinh tế vĩ mô
PCI năm 2023: Hưng Yên xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước

PCI năm 2023: Hưng Yên xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước

(CLO) Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức họp báo, công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh (PCI) năm 2023 và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023. Trong bảng xếp hạng PCI 2023, tỉnh Hưng Yên đạt 69,09 điểm (tính theo thang điểm 100), tăng 1,18 điểm so với năm 2022, xếp thứ 12/63 tỉnh.

Kinh tế vĩ mô
Ninh Bình: Tập trung cao độ sản xuất công nghiệp, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp

Ninh Bình: Tập trung cao độ sản xuất công nghiệp, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp

(CLO) Xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị tập trung cao độ trên cả 3 lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp.

Kinh tế vĩ mô