Lãng phí đất đai là vấn đề nổi cộm của TP. HCM

Thứ năm, 28/07/2022 18:59 PM - 0 Trả lời

(CLO) Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội khóa XV đã chỉ ra nhiều vấn đề gây thất thoát, lãng phí tại TP. HCM. Trong đó, việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn TP. HCM là vấn đề nổi cộm, nhiều trường hợp do lịch sử để lại, do hậu quả của các nhiệm kỳ trước.

Chiều ngày 28/7, đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội khóa XV có buổi làm việc với UBND TP. HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

lang phi dat dai la van de noi com cua tp hcm hinh 1

Buổi giám sát chuyên đề của Quốc hội khóa XV làm việc với UBND TP. HCM. Ảnh: DP.

Trước kết quả rà soát sơ bộ với UBND TP. HCM, bà Vũ Thị Lưu Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội, tổ trưởng tổ công tác đánh giá: công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của TP. HCM giai đoạn 2016-2021 đã đạt được nhiều kết quả. Các chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên trong suốt 5 năm đều đạt và vượt.

Theo bà Vũ Thị Lưu Mai, việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn TP. HCM là vấn đề nổi cộm, cũng là vấn đề khó, nhiều trường hợp do lịch sử để lại, do hậu quả của các nhiệm kỳ trước. Một số vấn đề vượt quá thẩm quyền xử lý của TP. HCM, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và do chính sách, pháp luật.

“Tuy nhiên, tổ công tác cho rằng, trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình, TP. HCM cần kịp thời, quyết liệt hơn”, bà Mai nhấn mạnh.

Một số nội dung cụ thể được tổ công tác nêu ra, đó là cần xử lý dứt điểm các trường hợp dự án “treo”, quy hoạch “treo”, bỏ hoang, chậm đưa đất vào sử dụng, lấn chiếm đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch.

Bà Thị Lưu Mai cũng chỉ ra một số nội dung, như một số dự án trọng điểm quốc gia chậm tiến độ, nhiều lần điều chỉnh tổng mức đầu tư, làm giảm hiệu quả nguồn vốn, lãng phí ngân sách nhà nước.

Đó là các Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên qua 14 năm thực hiện vẫn tiếp tục xin lùi thời hạn hoàn thành, đội vốn từ 7.387 tỷ đồng lên 43.757 tỷ đồng.

Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, Bến Thành - Tham Lương (ADB, KfW, EIB), được phê duyệt tháng 10-2020 nhưng TP. HCM báo cáo thời gian hoàn thành đưa vào khai thác dự kiến phải đến năm 2030. Dự án này cũng đội vốn từ hơn 26.100 tỷ đồng năm 2010 lên hơn 47.800 tỷ vào năm 2018.

Đối với hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, bên cạnh kết quả đạt được, giai đoạn 2016-2020 một số doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn thành phố đã có nhiều sai phạm, có sai phạm phải xử lý hình sự, gây thất thoát, lãng phí, thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Chỉ tính riêng trong năm 2020, Thanh tra TP. HCM đã thực hiện gần 200 cuộc thanh tra, phát hiện 166 đơn vị sai phạm, với hơn 115 tỷ đồng. Nhiều sai phạm của công ty nhà nước đã bị Thanh tra TP. HCM phát hiện và đã được chuyển cơ quan điều tra. Các sai phạm chủ yếu trong quản lý đất đai, quản lý ngân sách, vốn Nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp gây thất thoát rất lớn. Nhiều cá nhân bị xử lý, trong đó có xử lý hình sự.

lang phi dat dai la van de noi com cua tp hcm hinh 2

Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa có quy mô rất lớn nhưng sau rất nhiều năm, vẫn dở dang với nhiều vướng mắc, lãng phí rất lớn.

Ngoài ra, số cơ sở nhà đất chưa được xử lý hoặc chưa có phương án tiếp tục sử dụng, còn để sử dụng trái mục đích khá lớn…

Trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đất, 2 dự án mà tổ công tác thực hiện khảo sát gồm dự án Khu đô thị Nam TP. HCM và Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đều có quy mô rất lớn nhưng sau rất nhiều năm, vẫn dở dang với nhiều vướng mắc, đất đai bỏ hoang, lãng phí rất lớn.

Tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề, phải chăng công tác dự báo chiến lược tầm quốc gia, tầm TP. HCM là chưa tốt? Khi ban hành các chính sách pháp luật, định mức tiêu chuẩn của các cấp, có hay không việc không đánh giá đầy đủ tác động?

Ông Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu phân tích ứng xử của các cơ quan chức năng với các dự án đang trong giai đoạn thanh tra, điều tra.

“Thủ tướng có khẳng định quan điểm là không hợp thức hóa hành vi vi phạm, nhưng phải đảm bảo tính kế thừa để tạo động lực phát triển. Vậy có hay không việc nắm tình hình, giám sát, thanh tra điều tra với nhiều phương pháp không phù hợp, gây ức chế và tiêu cực trong đội ngũ cán bộ. Rất mong những vấn đề trên có ý kiến từ cơ sở, để đoàn có cơ sở tổng hợp làm việc với các cơ quan trung ương”, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, đoàn công tác cũng cho rằng TP. HCM cần triển khai quyết liệt việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp, giảm chi ngân sách nhà nước cho khu vực này. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công, tạo cơ chế thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập sớm tự chủ về mặt tài chính.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã góp ý cho TP. HCM nhiều nội dung trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như: việc TP. HCM cần được tự chủ về bộ máy; tự chủ về cơ chế và tự chủ về đầu tư. Những nội dung này có thể tác động đến mô hình quản lý, tiết kiệm ngân sách, tiết kiệm thời gian và cả con người;

TP. HCM cần nhìn nhận để khắc phục tình trạng tắc nghẽn giao thông, ngập úng gây thiệt hại lớn cho xã hội, mà tình trạng này bắt nguồn từ yếu kém trong quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị, xây dựng; . 

Đặc biệt, TP. HCM cần tổng kết đánh giá lại việc sử dụng quỹ đất, cấp giấy phép đầu tư các dự án, nhất là các dự án bất động sản. Vừa qua nhiều dự án bất động, không chỉ lãng phí tài nguyên mà còn làm cho dòng vốn đóng băng.

Nhiều vướng mắc, bất cập trong quy định

Tham dự buổi giám sát, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi đã nêu ra một số vướng mắc, bất cập trong quy định như: vấn đề đất đai, việc chậm phê duyệt phương án giá đất, thủ tục gia hạn hợp đồng thuê đất, gia hạn thời gian thực hiện dự án đầu tư, vướng mắc về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa.

lang phi dat dai la van de noi com cua tp hcm hinh 3

Chủ tịch TP. HCM Phan Văn Mãi trao đổi với các đại biểu bên lề buổi giám sát. Ảnh: DP

Bên cạnh đó là việc sử dụng mặt bằng không hiệu quả, cho thuê lại, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án được duyệt hoặc quyết định cho thuê đất, bỏ trống không sử dụng nhưng chậm thu hồi…

Ngoài ra, công tác lập, thẩm định, phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập còn vướng mắc. Pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công cũng chưa có quy định việc cho thuê tài sản được giao cho các đơn vị quản lý, giữ hộ nên khi triển khai gặp nhiều trở ngại, khó khăn.

Việc chậm cổ phần hóa trong một số trường hợp cụ thể cũng được xem là làm chậm đi cơ hội đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và không kịp thời bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước; đầu tư công, thủ tục kéo dài làm tăng mức đầu tư; 

Nhiều vướng mắc khi chuyển sang thực hiện chính quyền đô thị chậm được giải quyết, mặc dù đã được dự liệu sẽ phát sinh...

Hoàng Tuấn

Bình Luận

Tin khác

Hà Nội phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% GRDP

Hà Nội phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% GRDP

(CLO) UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 129/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tin tức
Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới

Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới

(CLO) Tối ngày 26/4/2024, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được Tổ chức, Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. 

Tin tức
Sẽ trình UBTVQH, Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng

Sẽ trình UBTVQH, Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng

(CLO) Chính phủ thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết và dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Tin tức
Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa ký Quyết định số 1279/QĐ-BGDĐT về việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tin tức
Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

(CLO) Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ khởi công 07 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình MR, thủy điện Ialy MR, nhiệt điện Quảng Trạch I, thủy điện Trị An MR, thủy điện tích năng Bác Ái và điện mặt trời Phước Thái 2, 3.

Tin tức