Lửa Hồng

Thứ bảy, 25/08/2018 06:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Tết Kỷ Sửu 1949 đến sớm. Cuối năm 1948, Tòa soạn báo Cứu quốc Liên khu 4 họp, kiểm tra lần cuối nội dung số báo đặc biệt sẽ ra đón mừng xuân mới. Chính luận, tiểu phẩm, chuyện vui, minh họa… đã có bài. Về thơ, nhà thơ Xuân Diệu vừa đến chơi, có nhã ý dành cho tờ báo của Liên khu bài “Trở về” anh vừa sáng tác: “Cũng bởi vì tôi nhớ tôi mong/Một sớm mai hồng tôi sẽ lên đường trở lại…”.

Đang họp, nhà thơ Chế Lan Viên chợt cao giọng xướng: “Vẫn thiếu một truyện ngắn hay! Ông Hoàng Tùng vừa từ vùng địch hậu ra, viết cái gì về trong nớ đi!”. Tòa soạn đồng tình. Vậy là tôi, lính mới tò te vừa chân ướt chân ráo từ Bình Trị Thiên ra nhận việc, đành phải hì hục cày cho xong một truyện với điều kiện không được dài quá 2.000 từ và muộn nhất sáng sớm mai phải có bài trình chủ bút” - nhà báo lão thành Phan Quang đã hé lộ như vậy về truyện ngắn “Lửa Hồng” mà trong số báo đặc biệt này, báo Nhà báo & Công luận xin trân trọng gửi tới độc giả.

Báo Công luận
 
Đêm càng khuya càng rét. Tấm chăn quá mỏng không làm cho ông lão đủ ấm. Đã thế gió từng cơn chui qua phên liếp cứ luồn thẳng vào gầm giường. Đi nằm từ đầu hôm, mỏi dừ cả người nên vừa nghe tiếng gà rừng gáy, ông đã ngỏm dậy bước xuống khỏi chỗ nằm, cho thêm củi vào cái bếp lửa vẫn đỏ âm ỉ suốt đêm trong túp lều. Lớp than mỏng màu hồng đang thiu thiu ngủ, trên mình phủ lượt tàn trắng mỏng và mịn tựa phấn bướm, bị mấy thanh củi giá buốt chạm vào, giật mình toé sáng, tung phấn lên không trung. Ông lão cụm mấy thanh củi lại sát nhau rồi ghé miệng thổi vào bếp. Lát sau, ngọn lửa tỉnh hẳn lên, tươi vui đỏ rần rật. Ông ngồi bó gối lim dim mắt nhìn ngọn lửa, nghĩ vẩn vơ. Bên ngoài, rừng núi tối như mực, lại hình như trời đang mưa. Xa xa, tiếng chim từ quy ai oán vẫn cứ gọi bạn đều đều.

Ông lão buồn. Ông nhớ nhà. Cũng không hẳn nhớ nhà, vì nhà ông đã cháy, nhưng nhớ làng mạc, thôn xóm, nhớ một cái gì đó: nhớ lũy tre già ẻo uột, nhớ mảnh vườn nhỏ với những hàng cau già thẳng đuột và những cây cam mới trồng. Cha đời thằng Tây! Từ ngày nó tràn ra chiếm quê hương ông, buộc mọi người phải tản cư lên rừng, nhà cửa ông chúng đốt sạch. Mấy sào ruộng lúa sát con đường thiên lý bỏ hoang. Mảnh vườn ông đã tốn biết bao công chăm chút bị chúng phá điêu tàn. Cam, chúng bứt hết trái còn tước gãy các cành. Cau, chúng chặt về làm cột lán. Và ngôi nhà, ngôi nhà gia đình ông sống bao đời, chao ôi, giờ chỉ còn lại một đống tro. Từ ngày tản cư, ông có lén về thăm nhà mỗi một lần, nhưng không thể nào quên cảnh tượng nhìn thấy Một đống tro trên nền nhà bị lửa nung xám, một hàng cột gỗ cháy đứng chơ vơ, một cây rường từ nóc rơi xuống nằm gác ngang trên chậu nước vỡ và bên kia, cái cối đá sứt tai...Cả mấy gian nhà, cả cơ đồ sự nghiệp của ông chỉ còn lại có thế. Cha đời thằng Tây! Cả làng ông, cả huyện ông, cả tỉnh ông nữa, gần như đều trong cảnh ấy. Mà nào có ai làm gì hại đến chúng đâu? Chúng thích đánh nhau và to gan lớn mật sao không đi tìm bộ đội mà đánh, can cớ chi làm hại dân nghèo? Thế mà chó má thật, chúng càn quét, đốt phá, giết chóc, chẳng ghê tay.

Đã gần một năm rồi, một năm ông xa làng xóm thân yêu. Sốt ruột lắm. Nhưng ông biết, Cụ Hồ bảo kháng chiến trường kỳ, còn lâu ta mới thắng. Mấy hôm nay vắng tiếng súng, không hiểu sao lại thấy buồn buồn. Ông nhớ các anh bộ đội. Nhớ mấy đơn vị quen lặng lẽ vừa xuất quân giã từ chiến khu hôm nào trong chiều gió lạnh. Chắc họ đã về miền xuôi, tìm đánh Tây dưới ấy.
Báo Công luận
 Nhà báo lão thành Phan Quang Ảnh: T.L
Có tiếng động phía ngoài rừng. Ông lão giật mình, dụi bếp lửa cho sáng hơn. Nhìn qua khe cửa, thấy có ánh đuốc và nghe tiếng chân người đi tới. Lát sau, có tiếng hỏi vọng vào:
- Gia đình mình có ai thức?
- Ai đó?
Vừa hỏi lại ông vừa loay hoay tháo luôn cây gỗ cài ngang hai cánh cửa phên. Một khuôn mặt trẻ thò qua cửa, chiếc nón lá rách đội trùm lên trên cái mũ ca nô:
- Chào bác ạ! Sáng mai, gia đình ta dùng bữa sớm và thu dọn cất giấu bớt đồ đạc đi. Có thể Tây lên càn đó.
Ông già trở nên chăm chú:
- Sao, có tin báo à, đồng chí?
- Dạ, có tin. Chưa chắc chúng đã dám lên nhưng dù sao ta vẫn phải sẵn sàng, thưa bác!
- Thì có bao giờ được bộ đội tin cho biết mà chúng tôi chẳng sẵn sàng.
- Phải đấy, bác ạ. Thu giấu đồ đạc, có mệt một chút nhưng mình nắm phần chủ động.  Sao hôm nay bác dậy sớm vậy?
Ông lão cười buồn:
- Đồ đạc còn có chi mà thu với giấu! Tại trời rét quá, không ngủ được, bộ đội à. Bên ngoài trời mưa phải không?
- Dạ, có mưa. 
Ông lão ngập ngừng:
- Hay là anh vào đây hơ người một chút cho ấm rồi đi đâu hẵng đi. Đi mãi đi hoài trong đêm mưa, chết cóng mất.
Anh Vệ quốc đoàn dụi tắt bó đuốc, lách cửa bước vào. Quần anh xắn cao đến đầu gối, lộ hai cẳng chân ròng ròng nước chảy. Chiếc áo tơi tết bằng lá nón chỉ che được người anh từ vai đến đầu gối. Ánh nước làm cho ông lão tưởng như người mình cũng rét hơn. Chàng trai ngồi ghé lên một gốc củi to, duỗi đôi chân cho gần lửa và đưa hai bàn tay hơ trên bếp, miệng xuýt xoa. Ông lão khều to thêm ngọn lửa. Khi bàn tay đã bớt cóng, anh sờ soạng tìm bắt mấy con vắt bám ở chân. Một con, không biết hút máu no đã rơi mất từ lúc nào, để lại một dòng màu đỏ loãng, hòa vào nước mưa chảy dọc bắp chân. Một con khác đang rúc đầu say sưa hút máu ở mắt cá, anh bực bội rứt mạnh ném vào lửa, miệng lầm bầm:
- Khổ quá, cái nhọt chưa lành, mi lại khoét sâu thêm.
Ông lão vẫn băn khoăn về chuyện Tây đi càn:
- Chẳng biết mai chúng nó có lên càn thật hay không.
- Không chắc đâu, bác ạ! Mấy lần trước có tin báo nhưng rồi có thấy gì đâu. Tuy vậy, hễ cấp trên thông báo là đơn vị chúng cháu cắt cử người đi các nơi tin cho đồng bào biết luôn để chuẩn bị, nhỡ sáng mai chúng càn quét sớm.
- Anh bộ đội này, làm sao ta biết được Tây sắp đi càn?
- Chắc là phải có người của mình ở bên kia báo cho biết. Với lại, chúng nó chuẩn bị đi càn, làm sao che nổi mắt của dân. Lần này, cháu nghe nói bà con thấy chúng nó tập trung quân ở bốt Cầu Nhùng, rồi ở thị xã vừa có thêm lính da đen từ đâu trên Lào về bổ sung. Không càn quét vùng chiến khu này thì đi khủng bố miền hạ bạn, công việc chúng nó làm hằng ngày, chẳng tránh khỏi đâu, bác à! 
Có tiếng gà rừng gáy. Anh bộ đội hỏi: 
- Từ bến Then lên, đến đây là nơi cuối có đồng bào ta tản cư, phải không thưa bác?
- Phải.
- Thế thì may cho cháu quá. 
Ông lão ngẩng đầu, hơi ngạc nhiên: 
- Sao cơ?
- Cháu được giao nhiệm vụ thông báo cho các gia đình tản cư bắt đầu từ bến Then ngược lên, đến khi nào hết nhà dân thì thôi. Vậy là coi như cháu đã làm xong nhiệm vụ, lại được vào ngồi nhờ nhà bác, lửa ấm quá.
- Một mình anh phải tin cho nhiều nhà đến thế cơ? Vậy anh ra đi từ lúc nào?
- Dạ, từ nửa đêm, thưa bác. Bếp nhà mình ấm quá, bác nhỉ.
- Ừ, sống ở rừng, chỉ còn biết nhờ vào lửa mà thôi. Trong nhà có bếp lửa thì đói cũng đỡ, rét cũng đỡ.
Giọng nói ông già và chàng trai trở nên thân tình.
Xa xa, một tiếng hoẵng kêu gọn lỏn, khô khan. Ông lão quay đầu về phía trong gọi con gái dậy thổi cơm. Không chờ đến tiếng thứ hai, cô đã từ sau cánh liếp bước ra, và không chút ngạc nhiên khi nhìn thấy anh bộ đội ngồi cạnh cha. O thức giấc đã lâu, nằm yên nghe ông già và chàng trai trò chuyện. O lặng lẽ lấy gạo cho vào nồi, đến gần phên liếp múc nước vo. Tiếng gáo chạm vào ghè nước nghe ghê như dội thêm cái lạnh vào người. Ôi trời, tê cóng cả tay! - o xuýt xoa khe khẽ.
Báo Công luận
 
Người khách trẻ ngồi dịch sang bên, nhường chỗ cho o gái len vào khều bếp lửa và bắc nồi cơm lên ba cục đá. O sửa cho ngay ngắn ba hòn đá chắc mới được mang từ bờ suối về thay cho cái kiềng sắt ba chân, nhẹ đặt chiếc niêu đất lên trên rồi chụm thêm vài cành củi. Xong, cô ngồi lùi về phía sau, lôi mấy củ sắn dưới gầm giường ra bóc vỏ. Người lính trẻ nhìn o con gái thành thạo tách vỏ sắn dính đầy đất đỏ, bày ra tấm thân trắng nõn. Chiếc khăn quấn đầu của o hơi xệ xuống, mấy sợi tóc khô lòa xòa trên trán. Chiếc áo o mặc vá chằng vá chịt, ánh lửa bập bùng chiếu vào nhìn không khác áo hoa của ông thầy cúng lúc lên đàn. Củi lại nổ tanh tách to hơn trong bếp lửa hồng, nghe cũng vui. Ngọn lửa liến thoắng liếm quanh chiếc niêu đất. Nước trong niêu bắt đầu réo. Ánh bếp hắt bóng ba người ngồi quanh bếp lửa hồng lên tấm phên xù xì tết bằng lá cây thành những hình thù kỳ quái. Không rõ anh bộ đội nghĩ gì, anh nói với ông già:
- Thời bình thường, chẳng mấy khi gia đình mình dậy thổi cơm sớm thế này, bác nhỉ.
- Cũng có, nhưng một năm chỉ có mấy lần. Như khi bước vào mùa lúa tháng năm chẳng hạn. Phải dậy thật sớm, ăn chút chi cho êm bụng rồi dắt trâu đi cày luôn, cho nó đỡ phải chịu cái nắng trưa quá gắt. Mùa hè, càng dậy sớm càng mát. Mà ở đồng bằng, làm chi có rét độc rét hại như tại chốn rừng xanh này. Thế mà từ ngày lên đây, sáng nào nhà tôi cũng dậy nấu ăn sớm, có gì dùng nấy, nuốt chút chi vào cho chắc bụng, biết đâu rồi lại phải chạy tránh giặc càn.
Niêu cơm đã cạn. O con gái rửa mấy khúc sắn trắng, đặt nhẹ vào bên trên, đậy vung lại, hạ bớt lửa rồi bưng rổ rau tàu bay vừa hái chiều qua ra nhặt bỏ lá già, lá sâu.
Bên ngoài, dường như đêm bắt đầu rạng. Tiếng chim chèo bẻo “mời chàng dậy đọc sách” vang lên từ một góc nào đó trong khu rừng tỏ mờ ẩn hiện sau làn sương núi. Anh lính trẻ uốn mình, vươn vai rồi đứng hẳn dậy:
- Cháu phải đi thôi. 
Giọng anh như tiếc nuối. O gái ngẩng đầu lặng lẽ nhìn anh. Ông lão ân cần:
- Ấy, lửa tốt, sắn hấp cơm sắp chín tới rồi. Giống sắn này ngon lắm, toàn bột vừa mịn vừa thơm, anh dùng một khúc cho ấm bụng rồi đi đâu hẵng đi. Mà trời đã sáng hẳn đâu!
- Cháu cảm ơn bác, xin bác cho lúc khác. Cháu ngồi ở đây đã lâu lắm rồi. Phải về đơn vị tập hợp kịp trước khi trời sáng.
- Thế thì anh dùng ngụm nước nóng.
Ông hất đầu ra hiệu bảo người con gái lấy cái gáo vỏ dừa, tra cán tre gác trên ghè nước, rồi tự mình xách chiếc ấm đun nước vẫn thường xuyên vần bên bếp sát nồi cơm, rót ra mời khách. Anh lính đưa hai tay đỡ lấy cái gáo, uống xong trao lại cho o gái rồi cầm tơi nón, chào bác chủ nhà, lách cửa bước ra ngoài. 
Anh rùng mình vì gió rét. 
Trời vẫn đang mưa, và hình như còn nặng hạt hơn hồi đêm. Sau một thoáng chần chừ, anh bạo dạn đặt hai bàn chân trần khô ráo lên con đường mòn sũng nước, miệng khe khẽ hát bài hát thân quen.
Hai cha con ông lão nhìn anh qua ánh lửa. Bóng người chiến sĩ chỉ một lát sau khuất trong đêm. Chỉ còn nghe tiếng bước chân càng xa càng nhẹ trong khi giọng hát mỗi lúc một to hơn:
- Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi...
Tiếng ngân cuối câu ca, hai cha con nghe hình như bị ngắt đoạn, bởi hai hàm răng người lính trẻ bắt đầu đánh lập cập vào nhau.

Phan Quang- 1948

Tin khác

Chiêm ngưỡng những kỷ vật kháng chiến gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiêm ngưỡng những kỷ vật kháng chiến gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phản ánh về trận quyết chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 hiện đang thu hút nhiều người dân Thủ đô Hà Nội và du khách quốc tế tới tham quan, khám phá.

Đời sống văn hóa
Hào hứng Lễ hội thả diều - Hello Sunny Phan Thiết

Hào hứng Lễ hội thả diều - Hello Sunny Phan Thiết

(CLO) Hơn 100 cánh diều đầy màu sắc và hình dạng độc đáo bay lượn giữa bầu trời xanh tại Lễ hội thả diều Hello Sunny Phan Thiết.

Đời sống văn hóa
Họa sĩ Lê Vinh - Bậc thầy vẽ tranh bằng bút bi cực thực

Họa sĩ Lê Vinh - Bậc thầy vẽ tranh bằng bút bi cực thực

(NB&CL) Được đào tạo sử dụng các chất liệu màu nước, sơn dầu, lụa, khắc gỗ… nhưng họa sĩ Lê Vinh, chàng trai sinh năm 1979 tại huyện Ba Vì, Hà Nội, lại chọn hướng đi riêng sau khi tốt nghiệp, để rồi thể loại tranh vẽ bằng bút bi mới lạ đưa anh trở thành hiện tượng trong làng hội họa Việt Nam.

Đời sống văn hóa
Lễ hội đường phố Đồng Hới rực rỡ sắc màu

Lễ hội đường phố Đồng Hới rực rỡ sắc màu

(CLO) Ngày 28/4, tại trung tâm thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Ủy ban nhân dân thành phố Đồng Hới đã tổ chức Lễ hội đường phố năm 2024, với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ, thời trang...

Đời sống văn hóa
Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

(CLO) Được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Đồi C4 anh hùng, Đồi Ba cây thông… từ năm 1965 đến năm 1973 của thế kỷ trước, trên Đồi C4 đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228 nhằm tiêu diệt máy bay của Đế quốc Mỹ dội bom xuống cầu Hàm Rồng.

Đời sống văn hóa