Mở cửa du lịch từ 15/3: Chậm nữa sẽ mất cơ hội phục hồi!

Thứ sáu, 18/02/2022 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong cuộc họp sáng 15/2, 6 Bộ: Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Y tế, Ngoại giao, Giao thông Vận tải, Công an và Quốc phòng đã cùng thống nhất đề xuất với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về phương án mở cửa hoàn toàn du lịch. Đề xuất này đã được Phó Thủ tướng đồng ý.

Trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu “chậm chân” trong việc công bố thời điểm mở cửa, du lịch Việt Nam được cho là sẽ đánh mất cơ hội phục hồi.

Đón thời cơ khi thời điểm đã chín muồi

Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Phân tích từ dữ liệu của Google cho thấy từ đầu tháng 1/2022 đến nay lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam luôn duy trì ở mức rất cao, thậm chí thời điểm ngày 21/1 tăng 425%, thời điểm ngày 3/2 tăng 374% (so cùng kỳ 2021).

Cùng với đó, lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú cũng bắt đầu tăng cao. Trong đó, du khách đến từ các quốc gia như Mỹ, Úc, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Anh, Canada... có lượng tìm kiếm thông tin du lịch về Việt Nam nhiều nhất.

Cũng theo Tổng cục Du lịch, từ khi thực hiện chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế (tháng 11/2021) tính đến ngày 8/2/2022, Việt Nam đã đón được hơn 8.900 khách du lịch quốc tế. Khách du lịch chủ yếu từ Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada…

Trong 9 ngày Tết (từ ngày 29/1/2022 - 6/2/2022), ngành du lịch đã phục vụ 6,1 triệu lượt khách nội địa, trong đó 3,2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 25.000 tỷ đồng.

mo cua du lich tu 15 3 cham nua se mat co hoi phuc hoi hinh 1

Phú Quốc sẵn sàng đón khách du lịch trở lại sau thời gian dịch Covid-19 Ảnh: TÂM QUÂN

Trước đó, tại Hội thảo “Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế” diễn ra ngày 24/1, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Việc thí điểm đón khách quốc tế đạt hệ số an toàn rất cao, du khách đáp ứng được nhu cầu du lịch trong điều kiện an toàn với dịch bệnh. Mặc dù, thời gian triển khai chương trình thí điểm đón khách quốc tế chưa dài, lượng khách du lịch quốc tế đến chưa nhiều, tuy nhiên những kết quả quan trọng, tích cực bước đầu đó đã minh chứng Việt Nam là điểm đến du lịch “an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, cũng như khẳng định năng lực “thích ứng an toàn, linh hoạt” của ngành Du lịch Việt Nam” - Bộ trưởng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL, dự báo, với tỷ lệ tiêm vắc-xin vào top 10 thế giới, chủ trương của Thủ tướng về “chiến dịch mùa xuân tiêm chủng” đến ngày 30/3 liều vắc-xin thứ 3 phủ toàn dân thì đây là cơ hội để mở cửa toàn thị trường.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cũng nhấn mạnh đây là thời gian thích hợp để mở cửa thu hút khách du lịch quốc tế vì việc triển khai chậm hơn thời gian trên sẽ làm giảm sức hấp dẫn, thu hút khách quốc tế của du lịch Việt Nam trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực cũng đang chuẩn bị ban hành kế hoạch mở cửa, khôi phục du lịch quốc tế.

Cũng tại cuộc Hội thảo này, ở góc nhìn của một chuyên gia về dịch tễ học, TS.BS Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock nêu quan điểm được nhiều chuyên gia đồng tình: Khi biến thể Omicron xuất hiện, các ca bệnh sẽ tăng nhanh nhưng triệu chứng nhẹ hơn, tỷ lệ bệnh nặng và tử vong thấp hơn. Việt Nam không nên quá lo lắng khi đã có tỷ lệ tiêm chủng cao, năng lực điều trị tốt. Không có lý do gì để phải đóng cửa du lịch quốc tế, nếu đóng để chờ được vắc-xin chống Omicron thì có lẽ tới lúc đó cũng “xóa sổ” luôn ngành du lịch.

Theo TS. Lương Hoài Nam - chuyên gia hàng không, du lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), so với các nước như Singapore, Thái Lan, Việt Nam bắt đầu thí điểm đón khách quốc tế muộn hơn, nhưng việc không xuất hiện ca nhiễm nào từ các đoàn khách du lịch quốc tế cho thấy chúng ta đã thí điểm rất thành công. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần phải công bố chính thức việc mở cửa du lịch quốc tế.

Các doanh nghiệp du lịch có lẽ là những “đối tượng” nóng lòng nhất về tiến trình mở cửa. Trao đổi với Tuổi trẻ, ông Phạm Hà - Chủ tịch của Lux Group, Việt Nam cho rằng đón được đoàn khách nước ngoài càng sớm thì càng tốt cho du lịch Việt Nam. Bởi các nước xung quanh như Thái Lan, Philippines, Campuchia... đã phát tín hiệu mở cửa; dù họ chưa đón khách thực sự, chính phủ các nước này đã quảng bá và thông tin đến thị trường quốc tế. Nếu chúng ta mở cửa chậm thì sẽ mất khách, nguy cơ khách không còn để ý đến Việt Nam.

“Chúng ta không còn rào cản nào để chần chừ mở cửa nữa. Tỷ lệ phủ vắc-xin của chúng ta nhanh thuộc dạng nhất khu vực, ngay cả tiêm mũi 3. Thị trường du lịch cần được phát triển cân bằng và hoạt động của doanh nghiệp chỉ thực sự hồi phục khi mảng quốc tế được mở”, ông Phạm Hà nói.

Tại sao nên mở cửa hoàn toàn vào tháng 3?

Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 15/2, 6 Bộ: Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Y tế, Ngoại giao, Giao thông Vận tải, Công an và Quốc phòng đã cùng thống nhất đề xuất với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về phương án mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3.

mo cua du lich tu 15 3 cham nua se mat co hoi phuc hoi hinh 2

Những du khách quốc tế đầu tiên trở lại Việt Nam hồi tháng 11/2021. (Nguồn: Vietnam Airlines)

Nhiều bộ, ban ngành, địa phương, doanh nghiệp đề xuất thời điểm mở cửa toàn bộ du lịch vào cuối tháng 3/2022 vì theo dự kiến, ngày 30/3, Việt Nam sẽ hoàn thành mũi vắc-xin COVID-19 thứ 3 cho người dân, bảo đảm miễn dịch cộng đồng.

Trước đó, Hội đồng Tư vấn du lịch và Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân cũng đều đề xuất Việt Nam nên mở cửa du lịch quốc tế vào dịp 30/4 - 1/5 tới, để nắm bắt cơ hội “ngàn năm có một”. Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho rằng nếu Việt Nam mở cửa vào dịp 30/4 tới sẽ thu hút sự chú ý lớn của truyền thông quốc tế, trong lúc các điểm đến khác chưa công bố mở cửa.

Kế hoạch mở cửa khách du lịch quốc tế vào dịp 30/4 cũng khớp với kế hoạch mở lại của ngành hàng không. Tháng 5/2022 cũng là thời điểm Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2021 (SEA Games 31), việc công bố sớm thời điểm mở cửa hoạt động du lịch quốc tế sẽ góp phần gia tăng thu hút khách du lịch đến từ các nước trong khu vực ASEAN, địa bàn đã có mức độ tiêm chủng vắc xin phòng dịch COVID-19 tương đối cao.

Cũng theo nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp du lịch, từ nay đến thời điểm dự kiến mở cửa là thời gian vừa đủ để các bộ, ngành liên quan điều chỉnh các quy định và ban hành hướng dẫn triển khai theo chức năng. Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch kịp hoàn thiện và triển khai kế hoạch truyền thông, xúc tiến quảng bá, kết nối thị trường và chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế vào dịp cao điểm.

Phải có sự đồng thuận mạnh mẽ, nhất quán về chính sách

Có được thời điểm rõ ràng để mở cửa du lịch lại hoàn toàn là một chuyện, nhưng mở cửa sao cho an toàn và hiệu quả lại là câu chuyện khác, và đây cũng là một phần mấu chốt của câu chuyện phục hồi ngành du lịch, phục hồi nền kinh tế.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định: Việc sớm mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch quốc tế là chủ trương cần thiết và kịp thời bởi vực dậy du lịch sẽ tạo động lực khôi phục các ngành liên quan. Nhưng mở cửa rồi có thu hút được nhiều khách quốc tế hay không, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ.

mo cua du lich tu 15 3 cham nua se mat co hoi phuc hoi hinh 3

Việt Nam sẽ mở lại du lịch quốc tế, nội địa từ 15/03/2022 trong bối cảnh bình thường mới. Ảnh minh họa.

Theo ông Bình, bên cạnh đẩy mạnh truyền thông trên các kênh marketing số, cần có chiến dịch xúc tiến, quảng bá trực tiếp tại các thị trường trọng điểm. Ngoài ra, biện pháp quan trọng là phải có chính sách thị thực thông thoáng. “Thời gian trước, chúng ta miễn thị thực đơn phương, song phương cho công dân ở nhiều quốc gia, họ nghĩ chúng ta tôn trọng, chào mừng họ, giờ lại dừng sẽ gây tác động đến tâm lý du khách” - ông Vũ Thế Bình chia sẻ.

Đồng quan điểm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng: Việc áp dụng chính sách xét duyệt nhân sự, cấp thị thực nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc kết nối lại các thị trường khách trước đây vốn đã được Chính phủ đồng ý miễn thị thực, làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến du lịch trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực áp dụng chính sách thị thực linh hoạt hơn với du khách quốc tế. Vì thế, cần khôi phục lại các chính sách miễn visa như đã áp dụng trước năm 2020 và có thể xem xét bổ sung thêm một số thị trường tiềm năng khác.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất cần điều chỉnh một số quy định hướng dẫn đón khách quốc tế sao cho khoa học, hợp lý hơn. Đơn cử như điều kiện du khách quốc tế đến Việt Nam phải có chứng nhận xét nghiệm RT-PCR âm tính với COVID-19 trong thời gian 72 giờ trước khi nhập cảnh là không phù hợp tình hình hiện nay, bởi một số thị trường khách quốc tế cách xa Việt Nam như: Mỹ, châu Âu, Canada… bay đến Việt Nam đã mất hơn 24 giờ chưa bao gồm thời gian quá cảnh hay hoãn chuyến, quy định này nên thay đổi thành 72 giờ trước khi lên máy bay tới Việt Nam.

Hay quy định ngoài chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính, trước và sau khi xuống máy bay du khách phải thực hiện thêm test nhanh COVID-19. Thời gian tới, nếu mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế mà vẫn tiếp tục test tại sân bay sẽ tạo ra rào cản kỹ thuật và khiến du khách không thoải mái vì phải tập trung, chờ đợi.

Ngoài ra, để thu hút khách quốc tế hiệu quả, cũng cần có thêm những quy định về đón khách quốc tế qua đường bộ và đường biển; đồng thời tăng cường đàm phán để gia tăng số lượng các quốc gia, vùng lãnh thổ công nhận “hộ chiếu vắc-xin” của Việt Nam, phục vụ việc đưa khách đi du lịch nước ngoài…

Ở góc nhìn khác, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Anh - Giám đốc Công ty du lịch Omega Tours, kỳ nghỉ Tết vừa rồi, lượng khách đến Đà Nẵng thấp hơn nhiều tỉnh thành khác. Kết quả này có nhiều lý do, trong đó có sự thận trọng trong chủ trương mở cửa và cách làm truyền thông đếm ca bệnh gây sợ hãi cho khách. Do không có sự đồng thuận mạnh mẽ, doanh nghiệp mở cửa nửa vời.

Các khu điểm du lịch lớn vẫn đóng, hoạt động dịch vụ và giải trí ngưng trệ làm khách không muốn đến hoặc đến cũng không biết chơi gì dẫn tới thua ngay trên sân nhà.

Trung ương và các địa phương nên tạo điều kiện hết cỡ cho lần mở cửa này. Quan trọng là phải nhất quán về chính sách, khi đưa ra hướng dẫn phải nhìn lại xem có thể thu hút được không. Nhìn quanh khu vực xem chính sách của mình và họ khác nhau thế nào, trong khi họ mở cửa tự do còn mình đòi cách ly thì du khách có vào không?” - ông Ngọc Anh góp ý.

Trong rất nhiều những ý kiến còn trái chiều, thậm chí còn băn khoăn, nghi ngờ của phụ huynh, ngành giáo dục vẫn quyết định mở cửa lại trường học. Ngành du lịch hiện tại cũng đang trong những do dự như thế nhưng tái mở cửa, hòa nhập vào trạng thái bình thường mới, dù chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, nhưng là xu thế không thể khác để ngành du lịch giữ vững sự tồn tại tiến tới tính đến con đường phục hồi cho mình. Hơn thế, chần chừ, chậm chân là đánh mất “cơ hội trăm năm”.

Vấn đề cốt lõi, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trong cuộc họp với đại diện các bộ, ban ngành hôm 15/2: Từng bộ, ngành phải hết sức khẩn trương, trách nhiệm trong triển khai hiệu quả các giải pháp để mở cửa lại hoạt động du lịch trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.

Anh Thư

Bình Luận

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

(NB&CL) Nằm trong xu thế phát triển chung, vấn đề liên kết vùng, liên kết ngành là định hướng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề được TP.HCM đặc biệt coi trọng, xem đây là một trong những nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển.

Góc nhìn
Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

(CLO) Trong những ngày này, cả nước đang hồ hởi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn