Ngăn chặn nạn học sinh đánh nhau tung clip lên mạng: Phải xử lý hình sự, nếu cần!

Thứ sáu, 17/03/2023 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Lại là bạo lực học đường. Lại là những cuộc làm việc của nhà trường đối với nạn nhân và kẻ hành hung. Lại là những quyết liệt, những phản đối, những hiến kế, những giải pháp. Nhưng chúng ta chỉ ồn lên sau mỗi vụ đánh nhau, và bạo lực học đường vẫn ngang nhiên tồn tại.

Ngang nhiên đến mức, đánh bạn và tung clip lên mạng, để dằn mặt, để hả hê. Đây là những kẻ côn đồ tàn bạo đội lốt học sinh, phải nghiêm trị. Xem xét các chứng cứ, xử lý hình sự mới đủ sức răn đe. Đối với những tên côn đồ ưa bạo lực thì phải có cách giáo dục tương xứng, đó là pháp luật.

Nỗi ám ảnh bạo lực học đường

Quá dễ dàng để tìm thông tin về các vụ học sinh đánh nhau với những clip được phát tán ngày càng nhiều trên mạng xã hội. Như Báo Lao Động ngày 14/3 thông  tin, trên các trang mạng xã hội lan truyền một đoạn video ghi lại cảnh nam học sinh bị một nhóm hành hung, dùng các thanh gỗ liên tục đánh vào người. Nam sinh không phản ứng lại khi bị hành hung.

Vụ hành hung diễn ra vào ngày 11/3, tại địa bàn thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Nạn nhân là em Đ.C.T, học sinh lớp 9 của Trường Dân tộc nội trú huyện Minh Hóa. Những kẻ thủ ác lại là học sinh, hình ảnh từ clip cho thấy, nhóm học sinh này vây quanh em T, thay nhau tát, đá vào mặt, dùng thanh gỗ và mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu và lưng của em T. Thật đau lòng, em T chỉ biết ôm đầu chịu trận, liên tục xin lỗi mà không dám phản kháng hay bỏ chạy. Không biết cha mẹ của em T khi xem clip này sẽ đau đớn đến nhường nào.

ngan chan nan hoc sinh danh nhau tung clip len mang phai xu ly hinh su neu can hinh 1

Những chuyện đau lòng như vậy lại xảy ra liên tục, như một căn bệnh, một hội chứng, một “phong trào”, đó mới là điều đáng lo ngại. Bạo lực học đường đang là nỗi ám ảnh của học sinh, của phụ huynh, của toàn xã hội.

Ngày 13/3, cũng trên Báo Lao Động đăng bài “Nữ sinh lớp 6, làm chi nên tội mà bị đánh hội đồng đến nhập viện”, nêu trường hợp nữ sinh lưng đeo cặp, bị một nhóm người đạp ngã, túm tóc, giẫm đạp vào đầu, dùng nón bảo hiểm đập vào đầu phải nhập viện.

Còn nam sinh Đ.C.T của Trường Dân tộc nội trú huyện Hướng Hóa, bị nhóm học sinh đánh bằng cây gỗ, bằng nón bảo hiểm vào đầu. Đây là những đòn tấn công có thể dẫn đến chết người, em T không bị tử vong sau trận mưa đòn tàn bạo đó là quá may mắn.

Bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới. Mặc dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra, nhiều hội thảo đã được tổ chức nhưng thực tế theo thời gian, mức độ phổ biến và nghiêm trọng của bạo lực học đường có nguy cơ gia tăng, công khai thách thức dư luận xã hội, giống như căn bệnh đã nhờn thuốc. Phải chăng, đã đến lúc cần phải có những liều thuốc mạnh hơn để trị tận gốc “căn bệnh” này.

Người quay clip hồn nhiên, người đứng xem cũng hồn nhiên trước cảnh tượng côn đồ diễn ra trước mắt, không một ai ngăn cản, thậm chí còn hò reo, cổ vũ nhiệt tình. Sự vô cảm đến tột cùng đó không chỉ khiến nạn nhân bị tổn thương về thể chất mà còn gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng về tinh thần.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Phần lớn các vụ học sinh xô xát, đánh nhau xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trên lớp, trong cuộc sống, nói xấu nhau trên mạng xã hội hay xuất phát từ sự kích động, xúi giục, lôi kéo của bạn bè… Không ít nạn nhân của bạo lực học đường rơi vào tình trạng cô đơn, không tìm kiếm được sự bảo vệ đã bỏ học, sa ngã. Nhiều em bị trầm cảm, sang chấn tâm lý, luôn sống trong cảm giác sợ hãi… 

Cứ khi xảy ra liên tiếp, dồn dập các vụ học sinh đánh nhau, các văn bản của cơ quan chức năng lại xuất hiện để tăng cường chấn chỉnh; đồng thời, các cuộc hội thảo lại được tổ chức để tìm giải pháp. Tuy nhiên sau đó, tất cả lại lắng xuống và các vụ bạo lực học đường vẫn tiếp tục diễn ra như thách thức dư luận.

Xét về góc độ giáo dục thì không thể phủ nhận vai trò của nhà trường đối với học sinh. Hằng ngày, học sinh dành phần lớn thời gian ở trường học, chịu ảnh hưởng khá nhiều của môi trường giáo dục, của sự dạy dỗ từ giáo viên. Nhưng dường như việc dạy dỗ ở trường chủ yếu tập trung vào việc dạy kiến thức theo chương trình sách giáo khoa. Những kiến thức xã hội, kỹ năng sống, cách ứng xử, giao tiếp vẫn được giáo viên đề cập, song ở mức độ khiêm tốn.

Cũng có nhiều giáo viên nhận thức được tầm quan trọng của việc rèn giũa học sinh về mặt đạo đức và ý thức nhưng không nhận được sự phối hợp của phụ huynh. Câu “trăm sự nhờ cô” đã phần nào thể hiện suy nghĩ của cha mẹ khi phó mặc việc giáo dục, dạy dỗ con cái cho giáo viên, cho nhà trường. Chính sự thiếu quan tâm và liên kết của gia đình, nhà trường, xã hội và sự ích kỷ, quen được nuông chiều của trẻ đã góp phần tạo “đất sống” cho bạo lực học đường.

Trước thực trạng trên, một cuộc cách mạng về sự thay đổi tỷ lệ giữa kiến thức sách vở và kiến thức thực tế là thực sự cần thiết. Đó là giảm thiểu những môn học lý thuyết thiếu thực tế, thay vào đó chú trọng bồi dưỡng thêm đạo đức, lối sống tích cực, kỹ năng sống, xây dựng môi trường học thân thiện. Các nhà trường, gia đình cần trang bị cho học sinh ý thức bảo vệ mình và những người xung quanh, kiên quyết nói không với bạo lực học đường.

Hai bên cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ để nắm bắt tình hình cũng như tâm sinh lý của học sinh một cách nhanh và chính xác nhất; từ đó áp dụng biện pháp phù hợp, hiệu quả. Nhiều phụ huynh cho rằng, đối với những trường hợp học sinh có thái độ bất cần, thách thức, cố tình vi phạm nhiều lần thì cần có những biện pháp cứng rắn hơn để giúp các em tỉnh ngộ, tự nhận thức về việc làm của mình.

ngan chan nan hoc sinh danh nhau tung clip len mang phai xu ly hinh su neu can hinh 2

Cần có biện pháp giáo dục mạnh hơn nữa mới đủ sức răn đe

Điều đáng lo ngại là lý do dẫn đến bạo lực đôi khi rất đơn giản như chỉ là chuyện va chạm trong lúc các em học sinh chơi đùa giờ ra chơi, nói xấu nhau, không cho nhau xem bài, thậm chí có cả lý do nhìn thấy không vừa mắt… Tuy nhiên, hậu quả của nó lại vô cùng nặng nề.

Nếu như trước đây, chúng ta chỉ thấy những vụ ẩu đả của nam sinh, thì nay ngày càng nhiều những vụ bạo lực thậm chí là tra tấn học đường của các em nữ sinh. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, nước ta đang là một trong những nước đứng đầu về bạo lực học đường. Cũng theo một thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cứ khoảng 5.000 học sinh thì lại có 1 vụ đánh nhau và khoảng 11.000 học sinh lại có một em phải nghỉ học vì đánh nhau. Hiện nay, tình trạng này đang có dấu hiệu trẻ hóa và mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Trong khi đó hầu hết, các hình thức xử lý chủ yếu là cảnh cáo, hạ hạnh kiểm, nặng thì đình chỉ học tập một thời gian… nên các em không cảm thấy sợ. Và nếu có xử lý vi phạm hành chính thì bố mẹ, người giám hộ các em lại là người phải gánh chịu thay. Chính vì vậy, cần phải giáo dục trẻ hướng thiện, tự vệ biết cách xử lý trước tình huống nguy cơ có thể của bạo lực học đường. Đồng thời cũng cần phải giám sát chặt chẽ trẻ để có sự ngăn chặn kịp thời, Luật sư Phạm Văn Liêm, Công ty Luật TNHH Nước Việt - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhấn mạnh.

Trở lại vụ nam sinh bị một nhóm hành hung tại Quảng Bình, đánh một người không có khả năng tự vệ, lại đánh bằng cây gỗ không chút nương tay, chỉ có thể nói đây là cái ác, ác đến tận cùng. Chưa kể, cái ác đó được quay lại bằng clip, quá lạnh lùng. Nếu nhóm côn đồ này là học sinh của Trường Dân tộc nội trú Hướng Hóa thì nhà trường phải chịu trách nhiệm, để cho một băng nhóm chuyên đi ức hiếp học sinh tồn tại trong trường mà thầy cô không biết, không kiểm soát được là quá vô lý. Thầy Hiệu trưởng không xứng đáng làm Hiệu trưởng.

Công an đã yêu cầu các học sinh liên quan lên viết tường trình, làm rõ hành vi để xử lý. Phải làm cho rõ đây có phải là vụ hành hung học sinh đầu tiên, hay đã có nhiều vụ như vậy xảy ra. Những học sinh nào từng là nạn nhân của băng nhóm này? Đây là những kẻ côn đồ tàn bạo đội lốt học sinh, phải nghiêm trị. Xem xét các chứng cứ, xử lý hình sự mới đủ sức răn đe. Đối với những tên côn đồ ưa bạo lực thì phải có cách giáo dục tương xứng, đó là pháp luật.

Đối với những vụ bạo lực học đường thể hiện tính côn đồ, hung hãn, chúng ta cũng cần có biện pháp giáo dục mạnh hơn nữa mới đủ sức răn đe để những sự việc đau lòng như vậy không tái diễn. Cùng với đó, cần lên án mạnh mẽ sự thờ ơ của những em học sinh khác. Thay vì ngăn chặn thì các em lại cổ vũ, rồi quay clip tung lên mạng xã hội… Nếu như chúng ta không có những biện pháp mạnh thì con đường trở thành tội phạm của vị thành niên có lẽ là khoảng cách không xa.

ngan chan nan hoc sinh danh nhau tung clip len mang phai xu ly hinh su neu can hinh 3

Những vụ bạo lực học đường thể hiện tính côn đồ, hung hãn, chúng ta cũng cần có biện pháp giáo dục mạnh hơn nữa mới đủ sức răn đe.

Có thể nói hiện nay, bạo lực học đường đang trở thành một vấn nạn nhức nhối đối với giáo dục, xảy ra rất nhiều học sinh từ mọi lứa tuổi. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và giáo dục nhận thức, kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử cho các em để ngăn chặn những hành vi bạo lực học đường.

Đã đến lúc toàn xã hội, nhà trường, gia đình, các bậc cha mẹ cần nhận thức rõ hơn tầm quan trọng về sự phát triển và hình thành nhân cách của một đứa trẻ. Nhà trường và gia đình cần trở thành nơi đáng tin cậy để trẻ sẵn sàng chia sẻ, tin tưởng; từ đó, quan tâm, điều chỉnh hành vi của trẻ, giúp trẻ tránh xa những lệch lạc, hướng đến những điều tốt đẹp trong xã hội. Như vậy, nạn bạo lực học đường mới được ngăn chặn một cách triệt để, tận gốc.

Khánh An

Bình Luận

Tin khác

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

(NB&CL) Khi Điện Biên Phủ, vùng rừng núi hiểm trở cách xa hậu phương 600 đến 700 km, trở thành nơi quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến”.

Góc nhìn
Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

(NB&CL) Nằm trong xu thế phát triển chung, vấn đề liên kết vùng, liên kết ngành là định hướng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề được TP.HCM đặc biệt coi trọng, xem đây là một trong những nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển.

Góc nhìn
Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

(CLO) Trong những ngày này, cả nước đang hồ hởi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn