Ngành Thuỷ sản Việt Nam có lợi thế gì trước CPTPP và EVFTA ?

Thứ sáu, 20/04/2018 21:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Ngành thủy sản Việt Nam có nhiều lợi thế và cơ hội xuất khẩu khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đi vào thực thi.

Ngày 20/4 các đại biểu tại Hội thảo phân tích lợi thế của CPTPP và EVFTA cho các doanh nghiệp ngành thủy sản do Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh đã đưa ra rất nhiều ý kiến phát huy lợi thế cho thủy sản Việt Nam trên con đường hội nhập. Với kim ngạch xuất khẩu trên 8,3 tỷ USD, ngành thủy sản trở thành 'quán quân' xuất khẩu nông nghiệp 2017. 

Năm nay, với quyết tâm khai phá thị trường mới, áp dụng công nghệ cao, ngành thủy sản hứa hẹn sẽ cán mốc 9 tỷ USD. Cách duy nhất để doanh nghiệp Việt Nam được hưởng các ưu đãi về thuế quan chính là tuân thủ quy tắc xuất xứ kèm theo trong mỗi FTA.

 Hiệp định EVFTA quy định khá chặt chẽ về điều kiện hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế, hầu như chỉ chấp nhận hàng hóa có xuất xứ thuần túy từ các nước thành viên của FTA. 

Trong khi đó, CPTPP có phần linh hoạt hơn khi chấp nhận xuất xứ cộng gộp có tổng giá trị khu vực từ 40% trở lên. Theo phân tích 11 nước thành viên CPTPP đang chiếm 13,5% thương mại toàn cầu. Trong đó 10 nước CPTPP chiếm 15,4% thương mại của Việt Nam. 

CPTPP cũng là hiệp định thương mại đầu tiên của Việt Nam với Peru, Canada, Mexico. Trong đó, Canada và Mexico là các nền kinh tế lớn thứ 11 và 14 thế giới. Các chuyên gia nhận định, ngoài các lợi thế về mặt thuế quan, ngành thủy sản Việt Nam cũng có thêm nhiều cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm. 

Báo Công luận
Ảnh minh hoạ 

Các doanh nghiệp cũng có điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực nhờ sự dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia và đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu.

 Đặc biệt, việc tham gia các FTA thế hệ mới yêu cầu Nhà nước phải cải cách thể chế, từ đó doanh nghiệp có môi trường kinh doanh ổn định và minh bạch hơn. Việc ký kết EVFTA và CPTPP là cơ hội để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường mới như Canada, Peru, Mexico…

Đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam so với nhiều đối thủ chưa tham gia các FTA. 

Đối với mặt hàng thủy sản, Hiệp định EVFTA sẽ xóa bỏ thuế quan hoàn toàn (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên) với lộ trình dài nhất là 7 năm, cá ngừ đóng hộp áp dụng hạn ngạch thuế quan là 11.500 tấn; trong Hiệp định CPTPPP, Canada và Peru sẽ xóa bỏ thuế quan hoàn toàn về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, một số nước khác cắt giảm thuế theo lộ trình, lâu nhất là 16 năm. 

Cạnh tranh về giá trong ngành thủy sản hiện nay là rất lớn trong khi đó mức thuế xuất khẩu thủy sản vào một số thị trường hiện nay rất cao. Cụ thể, tôm xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực EU có mức thuế trung bình là 6 - 20%, mặt hàng cá ngừ cũng có mức thuế từ 11 - 20%. 

Các thị trường trong CPTPP, mỗi nước áp dụng mức thuế suất khác nhau, dao động từ 2 -10%. Vì vậy khi EVFTA, CPTPP có hiệu lực, việc cắt giảm các dòng thuế sẽ giúp sản phẩm thủy sản Việt Nam hạ giá thành đáng kể, nâng cao khả năng cạnh tranh và kim ngạch xuất khẩu. 

Điển hình với mặt hàng cá ngừ, Thái Lan, Trung Quốc đang là hai đối thủ lớn nhất của Việt Nam, nắm giữ nhiều thị phần xuất khẩu nhất nhưng cả hai quốc gia trên đều chưa ký kết FTA với EU và cũng không phải là thành viên của CPTPP. 

Điều này đồng nghĩa với mặt hàng cá ngừ của Việt Nam có lợi thế tuyệt đối về thuế so với hai nước trên tại hai khu vực thị trường lớn là EU và CPTPP. Tương tự với mặt hàng tôm, Việt Nam hiện đang đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu tôm với thị phần 14%, đứng đầu là Ấn Độ với 15% thị phần. 

Sau khi EVFTA và CPTPPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ được cắt giảm thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu và cả thuế xuất khẩu tôm chế biến vào EU và khối CPTPPP; trong khi đó Ấn Độ không phải thành viên CPTPP, quá trình đàm phán FTA giữa Ấn Độ và EU cũng đang bị tạm ngưng. 

Đây được xem là cơ hội để sản phẩm tôm xuất khẩu Việt Nam vươn lên cạnh tranh vị trí xuất khẩu hàng đầu với Ấn Độ. Ông Vương Đức Anh, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, CPTPP và EVFTA là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với giá trị cốt lõi là tạo thuận lợi thương mại thông qua việc cắt giảm thuế quan. 

Để tận dụng tốt lợi thế mà EVFTA và CPTPP mang lại, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần chủ động trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh trong trung và dài hạn, điều chỉnh lại nguồn cung nguyên liệu phù hợp với yêu cầu xuất xứ của từng thị trường. 

Hơn nữa, trong bối cảnh tự do hóa thương mại toàn cầu thì lợi thế cạnh tranh về thuế quan chỉ mang tính giai đoạn, doanh nghiệp Việt Nam cần phải nhanh chóng đổi mới công nghệ để có thể tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu mới có thể phát triển bền vững. Bên cạnh những lợi thế, EVFTA và CPTPP cũng đem đến một số thách thức nhất định. 

Cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay tại thị trường nội địa; đối mặt với các các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng và quy tắc xuất xứ khá chặt chẽ. 

Vừa qua, cùng với Công điện 732 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT tiếp tục tham mưu cho Thủ tướng ra Chỉ thị 45 về những giải pháp cấp bách để sớm thoát khỏi thẻ vàng trong vòng 6 tháng, tức trước 23.4.2018.

 Bộ NNPTNT sau khi tham mưu cho Thủ tướng ra chỉ thị đã lập tức xây dựng kế hoạch hành động, đang triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp. Một là nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế, trên cơ sở Luật Thủy sản, chúng ta đã sửa một số quy đinh trong đó có chế tài làm sao đáp ứng được 9 khuyến nghị của EC. 

Những giải pháp cụ thể là tăng cường bảo quản và chế biến sau thu hoạch, kiểm soát tốt cường lực khai thác ven bờ cũng như những nghề làm tổn hại nguồn lợi. 

Đối với nuôi trồng, tập trung khai thác lợi thế nuôi tôm nước lợ, trong đó tập trung 2 nhóm giải pháp vào hai lĩnh vực. Một là đối với nuôi tôm công nghiệp thâm canh công nghệ cao, Bộ sẽ gặp mặt tất cả các doanh nghiệp nhằm tập trung thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để tăng sản lượng nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao và đáp ứng an toàn thực phẩm. 

Thứ hai, tập trung khâu giống và giúp các hộ nuôi tôm quảng canh, đặc biệt là tôm sú. Đây là giải pháp đột phá nhằm nâng năng suất nuôi tôm quảng canh lên, đây là dư địa chúng ta còn rất nhiều. 

Đối với cá tra, chúng ta tập trung khâu giống và thị trường để thúc đẩy sản xuất cá tra. Ngoài ra, các mặt hàng khác có lợi thế chúng ta cần tiếp tục khai thác. 

Ngoài quy định về xuất xứ hàng hóa, thị trường xuất khẩu mở rộng luôn đi kèm với thách thức, rủi ro về hàng rào phi thuế quan của các nước khi thuế quan được cắt giảm. Hiện DN Việt Nam vẫn chưa giải quyết được những trở ngại về hàng rào phi thuế quan, vì vậy với CPTPP DN sẽ tiếp tục phải đối mặt với không ít rào cản. 

Trong khi đó chủ nghĩa bảo hộ cũng đang có xu hướng gia tăng. Theo khuyến cáo, DN cần tận dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp thương mại, phòng vệ thương mại, chống gian lận thương mại.

 Kịp thời đổi mới công nghệ, kiến tạo giá trị mới các các sản phẩm, cạnh tranh phi giá (tiêu chuẩn, mẫu mã, an toàn thực phẩm, bản quyền, thương hiệu, quy tắc xuất xứ). 

Vấn đề còn lại là công tác chuẩn bị để nắm bắt cơ hội, hóa giải thách thức. Muốn thành công ở CPTTP, yêu cầu đặt ra cả nhà nước và DN cần đổi mới. Nhà nước tiếp tục thúc đẩy cải cách kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. 

Cẩm Tú

Tin khác

Sau bê bối rửa tiền, công ty gia đình Trung Quốc thưa dần trên đất Singapore

Sau bê bối rửa tiền, công ty gia đình Trung Quốc thưa dần trên đất Singapore

(CLO) Tại Singapore, tốc độ tăng trưởng của các văn phòng gia đình Trung Quốc đang chậm lại do hậu quả từ vụ bê bối rửa tiền trị giá hàng tỷ USD năm ngoái và việc kiểm tra chặt chẽ hơn đối với những cá nhân nộp đơn mới.

Thị trường - Doanh nghiệp
Duy trì sức tăng trưởng, doanh thu quý I/2024 BSR đạt 30.696 tỷ đồng

Duy trì sức tăng trưởng, doanh thu quý I/2024 BSR đạt 30.696 tỷ đồng

(CLO) Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã CK: BSR - UPCoM) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 30.696 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 1.195 tỷ đồng và nộp NSNN đạt 3.355 tỷ đồng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Kinh tế Việt Nam quý I/2024: “Đầu xuôi, đuôi sẽ lọt”

Kinh tế Việt Nam quý I/2024: “Đầu xuôi, đuôi sẽ lọt”

(NB&CL) Nền kinh tế Việt Nam trong quý I/2024 tiếp tục phục hồi, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, khá toàn diện trên các lĩnh vực, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện, tạo nền tảng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% trong năm 2024.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nắng nóng gay gắt ở miền Bắc mới xuất hiện, tiêu thụ điện đã xô đổ mọi kỷ lục

Nắng nóng gay gắt ở miền Bắc mới xuất hiện, tiêu thụ điện đã xô đổ mọi kỷ lục

(CLO) Dù đợt nắng nóng gay gắt ở miền Bắc mới diễn ra 1 ngày, song mức tiêu thụ điện đã xô đổ mọi kỷ lục.

Thị trường - Doanh nghiệp
Một nửa giao dịch giữa Nga - Trung Quốc được thực hiện thông qua bên thứ ba

Một nửa giao dịch giữa Nga - Trung Quốc được thực hiện thông qua bên thứ ba

(CLO) Reuters đưa tin, dẫn lời các nhà tư vấn thương mại và chủ ngân hàng, cũng như các nhà nhập khẩu và xuất khẩu, có tới một nửa số giao dịch thương mại giữa Nga và Trung Quốc được thực hiện thông qua các bên trung gian.

Thị trường - Doanh nghiệp