Người nước ngoài mua đất các khu vực ‘nhạy cảm’: Phải làm rõ động cơ, dòng tiền đầu tư

Thứ năm, 28/05/2020 07:08 AM - 0 Trả lời

(CLO) Tổng cục Quản lý đất đai cho rằng, phải làm rõ về động cơ, về dòng tiền đầu tư trong những trường hợp người nước ngoài “núp bóng” mua bất động sản tại các khu vực “nhạy cảm”.

Khu vực xung quanh sân bay Nước Mặn có nhiều trường hợp người nước ngoài đứng tên trên “sổ đỏ”. Ảnh: TNO

Khu vực xung quanh sân bay Nước Mặn có nhiều trường hợp người nước ngoài đứng tên trên “sổ đỏ”. Ảnh: TNO

Liên quan đến một số thông tin báo chí nêu về việc tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất tại các khu vực trọng yếu trên địa bàn TP Đà Nẵng trong những ngày qua, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, từ năm 2019 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập đoàn công tác để kiểm tra, rà soát việc giao đất, cho thuê đất và tình hình sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Kết quả kiểm tra cho thấy, về thủ tục giao đất cho Công ty Thương mại dịch vụ và Du lịch V.N. Holiday còn thiếu dự án đầu tư; Quá trình sử dụng, Công ty Thương mại dịch vụ và Du lịch V.N. Holiday đã thực hiện việc chuyển nhượng cho doanh nghiệp có vốn đầu nước ngoài là không đúng quy định mặc dù quy hoạch khu vực các lô đất dọc sân bay Nước Mặn là đất ở nhưng doanh nghiệp nhận chuyển nhượng không có chức năng kinh doanh bất động sản theo quy định tại Khoản 3 Điều 21 Luật Nhà ở.

Ngoài ra, một số khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh trong quá trình giao đất, cho thuê đất UBND TP Đà Nẵng chưa tranh thủ ý kiến các cơ quan về quốc phòng, an ninh và ngoại giao (các trường hợp này được giao đất, cho thuê đất trước thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành).

Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng đất các đối tượng đã thực hiện việc chuyển nhượng vốn đầu tư (trong đó có giá trị quyền sử dụng đất) để thay đổi tỷ lệ góp vốn của các cổ đông trong nước và nước ngoài. Nguyên nhân của tình trạng này là do hầu hết các trường hợp được giao đất, cho thuê đất được thực hiện trong giai đoạn pháp luật đất đai không có quy định việc lấy ý kiến các cơ quan về quốc phòng, an ninh và ngoại giao; pháp luật đầu tư cho phép các doanh nghiệp nhận, chuyển nhượng vốn đầu tư; chưa có cơ chế kiểm soát dòng tiền đầu tư; công tác kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng đất chưa chặt chẽ.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc trực tiếp với UBND TP Đà Nẵng và đại diện các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng liên quan đến nội dung sử dụng đất của tổ chức, cá nhân nước ngoài trên địa bàn TP Đà Nẵng, đồng thời đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề nghị UBND TP Đà Nẵng xử lý các trường hợp sử dụng đất ở không đúng đối tượng.

Đến nay UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo, xử lý giải quyết đối với các trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở không đúng đối tượng dọc theo sân bay Nước Mặn.

Đối với các trường hợp liên doanh, liên kết, các đối tượng nước ngoài góp vốn đã chuyển nhượng phần vốn góp cho đối tượng là người Việt Nam, pháp luật về đất đai, pháp luật về dân sự và pháp luật khác có liên quan chỉ công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với các trường hợp sử dụng đất hợp pháp.

Đối với người nước ngoài mượn pháp nhân hoặc thể nhân để đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (núp bóng) là vi phạm pháp luật và không được pháp luật bảo hộ.

Việc cá nhân nước ngoài mượn pháp nhân hoặc thể nhân để đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như thông tin vừa qua thì cần phải làm rõ về động cơ, về dòng tiền đầu tư và UBND có thẩm quyền tại địa phương phải có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn.

Tổng cục Quản lý đất đai cũng đưa ra dẫn chứng khẳng định, pháp luật về đất đai qua các thời kỳ đều không quy định đối tượng cá nhân nước ngoài được sử dụng đất tại Việt Nam và không được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, để bảo đảm quốc phòng, an ninh, pháp luật đất đai năm 2013 (Điều 58 Luật Đất đai, Điều 13 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP) đã quy định điều kiện đối với các dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển thì phải được sự chấp thuận bằng văn bản của các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao.

Liên quan đến thông tin người Trung Quốc thu mua đất ở các khu vực trọng yếu mà Bộ Quốc phòng trả lời kiến nghị cử tri, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định không loại trừ câu chuyện "núp bóng" ở Việt Nam.

“Chẳng hạn như người nước ngoài lấy vợ, lấy chồng là người Việt Nam thì về mặt pháp luật Việt Nam chúng ta chỉ cấp quyền sử dụng đất cho vợ/chồng là người Việt. Hay tình trạng người nước ngoài đưa vốn nhờ người Việt Nam thành lập công ty… Nhưng pháp luật Việt Nam và quốc tế chỉ bảo vệ người được cấp quyền sử dụng đất là người Việt Nam. Còn người “núp bóng” thì pháp luật không bảo vệ, không được đứng tên”- Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Thế Vũ

Tin khác

Sau bê bối rửa tiền, công ty gia đình Trung Quốc thưa dần trên đất Singapore

Sau bê bối rửa tiền, công ty gia đình Trung Quốc thưa dần trên đất Singapore

(CLO) Tại Singapore, tốc độ tăng trưởng của các văn phòng gia đình Trung Quốc đang chậm lại do hậu quả từ vụ bê bối rửa tiền trị giá hàng tỷ USD năm ngoái và việc kiểm tra chặt chẽ hơn đối với những cá nhân nộp đơn mới.

Thị trường - Doanh nghiệp
Duy trì sức tăng trưởng, doanh thu quý I/2024 BSR đạt 30.696 tỷ đồng

Duy trì sức tăng trưởng, doanh thu quý I/2024 BSR đạt 30.696 tỷ đồng

(CLO) Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã CK: BSR - UPCoM) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 30.696 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 1.195 tỷ đồng và nộp NSNN đạt 3.355 tỷ đồng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Kinh tế Việt Nam quý I/2024: “Đầu xuôi, đuôi sẽ lọt”

Kinh tế Việt Nam quý I/2024: “Đầu xuôi, đuôi sẽ lọt”

(NB&CL) Nền kinh tế Việt Nam trong quý I/2024 tiếp tục phục hồi, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, khá toàn diện trên các lĩnh vực, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện, tạo nền tảng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% trong năm 2024.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nắng nóng gay gắt ở miền Bắc mới xuất hiện, tiêu thụ điện đã xô đổ mọi kỷ lục

Nắng nóng gay gắt ở miền Bắc mới xuất hiện, tiêu thụ điện đã xô đổ mọi kỷ lục

(CLO) Dù đợt nắng nóng gay gắt ở miền Bắc mới diễn ra 1 ngày, song mức tiêu thụ điện đã xô đổ mọi kỷ lục.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nhóm hàng nào tăng giá mạnh nhất từ đầu năm 2024?

Nhóm hàng nào tăng giá mạnh nhất từ đầu năm 2024?

(CLO) Giá lương thực, xăng dầu và giá dịch vụ y tế đã khiến CPI 4 tháng đầu năm 2024 tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%.

Kinh tế vĩ mô